Dự án “Làng lụa Quảng Nam” bắt đầu vận hành từ đầu tháng 7, làm cho du khách ngạc nhiên vì sự kết hợp tài hoa giữa làm văn hóa và đón khách du lịch.
Ngay từ lúc khởi động dự án, doanh nhân trẻ Lê Thái Vũ đã làm công việc của những nhà khảo cổ văn hóa. Những chồng sách dày về một làng nghề truyền thống giao thoa giữa hai nền văn hóa Chămpa - Việt, việc tham khảo ý kiến của các kiến trúc sư hàng đầu, những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã cho anh ý niệm về chiều sâu của một ngôi làng miền Trung, cái nôi của nghề nông, của nghề trồng dâu nuôi tằm.
Xứ Quảng không thiếu những làng nghề còn tồn tại như làng dệt Mã Châu ở Duy Xuyên, đất tổ của làng dệt Bảy Hiền ở Sài Gòn, nhưng hầu hết đều thoi thóp, mất mát tinh thần văn hóa của ngôi làng truyền thống. Tơ lụa Quảng Nam đã một thời đóng góp vào sự cực thịnh của thương cảng Hội An 300 năm trước, tạo nên con đường tơ lụa trên biển của người Việt.
Vì vậy, Lê Thái Vũ quyết tâm làm điều anh suy ngẫm: Hội An xứng đáng và là nơi “thiên thời địa lợi” để đặt một dự án văn hóa tơ tằm với mô hình “Làng lụa”.
Đến nay, dự án “Làng lụa Quảng Nam” đã hiện ra sống động trên con đường ven đô Hội An. Đường làng quanh co giữa những ngôi nhà rường cổ đặc trưng cho kiến trúc xứ Quảng, trông chúng thật thanh bình khi bên trong còn vọng ra tiếng lách cách của khung cửi đang quay, tiếng thoi đưa, tiếng các thôn nữ cười đùa, hát hò.
Đầu làng là một gánh chè ngồi làm duyên, món chè đậu ván thanh nhã vốn là món ăn vặt của phụ nữ làng dệt. Không gian ấy gợi cho khách liên tưởng đến tương lai sẽ hình thành một bảo tàng sống về làng dệt xứ Quảng, nơi du khách có thể hưởng thụ một không gian làng nghề được phục hồi trong mô hình sống động, có không gian văn hóa đa chiều, vườn dâu cuối làng đang xanh tốt với 40 loại dâu cổ có nguồn gốc từ người Chăm, các loại khung dệt cổ của các cô gái Chăm, Việt từ xưa được sưu tầm, các loại tằm kén từng tạo ra danh tiếng của lụa Quảng Nam.
Chất bảo tàng thể hiện sau những chuyến đi điền dã của người làm dự án tìm lưu giữ các nguồn gien quý về dâu tằm, giống tằm, tìm kiếm những gốc dâu cổ sót lại trên rừng chưa hề bị lai tạp với các loại giống dâu hiện đại. Nơi đây các khung cửi cổ xưa vẫn đang dệt ra những mét lụa nuột nà từ sợi tơ nõn hảo hạng.
Du khách có thể tự tay hái dâu sau vườn cho tằm ăn, mặc bộ đồ lụa truyền thống dạo quanh làng, nghe tiếng hát của các thôn nữ, thưởng thức món ngon dân dã của xứ Quảng, được tư vấn cách chọn lụa tốt, có thể mua sản phẩm không sợ bị nhầm lẫn với lụa Trung Quốc trà trộn đầy phố.
Nơi đây còn có phòng trưng bày bộ sưu tập 100 bộ trang phục áo dài lụa Việt cổ truyền. Ở Làng Lụa sẽ diễn ra các sự kiện văn hóa, tụ hội, gặp gỡ giữa các nhà văn hóa, văn học và người yêu nghề tơ lụa truyền thống Quảng Nam sẽ tìm đến đây.
Cũng chính tại đây, Lê Thái Vũ hy vọng Làng lụa Quảng Nam sẽ trở thành hạt nhân của một trung tâm sản xuất tơ lụa, một danh xưng đã mất mấy chục năm ròng kể từ khi hàng tơ lụa Quảng Nam không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc.
Mô hình phục hồi làng nghề truyền thống qua một dự án văn hóa - du lịch của Lê Thái Vũ và các doanh nhân bạn bè anh không khác mấy sự hình thành trung tâm văn hóa làng nghề thu hút khách cả thế giới đến Bali (Indonesia). Bali cũng được khởi động bắt đầu từ ý tưởng của một họa sĩ đến đây làm việc và thực hiện một số dự án văn hóa truyền thống kết hợp với hiện đại.
Nhưng dự án văn hóa của Làng lụa Quảng Nam có quá nhiều lợi thế khi đã nằm trong cái nôi của mảnh đất tơ lụa, có sẵn tầng tầng lớp lớp văn hóa dân gian khai thác được ngay, có một di sản văn hóa thế giới kề sát bao bọc. Hội An từ nay có thêm một địa chỉ để du khách tham quan tìm hiểu nghề cổ truyền chứa nhiều huyền thoại và sự lãng mạn.
Bích Hồng
- Về Cần Thơ thăm nhà cổ Bình Thủy
- Thiên đường nhỏ trên đảo Lembongan
- Lộng lẫy bờ tây sông Hàn
- Tịnh tâm trước ngôi đền đá cổ Mendut
- Vào lòng hồ núi lửa lớn nhất thế giới - Toba (Indonesia)
- Đi xuyên lịch sử qua thành Bethlehem
- Khu Làng Nhật tại Malaysia: Bukit Tinggi resort
- Ngôi nhà thờ họ Lê Công ở Châu Đốc
- Nhà cổ ông Cả Bá ở Thốt Nốt
- Con đường di sản ở Penang (Malaysia)