Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Đối thoại TPHCM cần hệ thống giao thông đồng bộ

TPHCM cần hệ thống giao thông đồng bộ

Viết email In

TPHCM khó có thể giải quyết tình trạng kẹt xe triền miên như hiện nay nếu không bắt tay ngay vào việc phát triển hệ thống giao thông đồng bộ được kết nối với hệ thống xe buýt, taxi và tàu điện ngầm.

Đó là ý kiến của ông Markus Zachmeier, Phó chủ tịch phụ trách giải pháp giao thông vận tải của tập đoàn Siemens tại châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ với TBKTSG Online nhân chuyến công tác đến TPHCM để tham dự Ngày Siemens Việt Nam.

Ông thấy tình hình giao thông tại TPHCM hiện nay ra sao sau nhiều chuyến công tác thành phố ngày trong các năm qua?

- Tôi đến TPHCM lần đầu tiên vào năm 2003 và thấy tình trạng giao thông lúc đó chưa đến nỗi chật chội như bây giờ vì không có nhiều xe hơi lưu thông trên đường. Nhưng, giao thông đã thay đổi quá nhiều vì hiện nay mất rất nhiều thời gian để di chuyển giữa sân bay và trung tâm thành phố. Tôi không thể tưởng tượng tình hình giao thông tại thành phố này sẽ ra sao trong các năm tới nếu thành phố không phát triển một hệ thống giao thông đồng bộ ngay từ bây giờ.

  • Ảnh bên : Ông Markus Zachmeier (đứng) tại Ngày Siemens Việt Nam được tổ chức tại TPHCM (Ảnh: Mộng Bình)

Đâu là giải pháp phù hợp để cải thiện tình hình giao thông tại TPHCM, thưa ông? ­

- Cần có giải pháp phù hợp để xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ cho thành phố này. TPHCM cần phải xem xét xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, và kết nối các tuyến này với các tuyến xe buýt sao cho hành khách có thể chuyển đổi một cách thuận tiện. Ngoài ra, cũng phải xây dựng các chỗ đậu xe gắn máy, xe hơi một cách hợp lý để sao cho chủ phương tiện có thể sử dụng tàu điện ngầm, và một hệ thống bán vé linh hoạt để họ có thể mua một vé cho cả đậu xe và đi lại bằng tàu điện ngầm. Nói tóm lại, cần phải có một giải pháp đồng bộ cho các dịch vụ giao thông công cộng. Tôi muốn nói thêm là chúng ta đừng mất quá nhiều thời gian chỉ để suy nghĩ và chuẩn bị, và đừng hy vọng mọi thứ sẽ hoàn hảo ngay từ lúc đầu. Cần phải bắt tay ngay vào công việc và rồi hoàn thiện nó.

"Chúng ta không thể cứ đập bỏ nhà dân để mở rộng đường mãi mà phải tận dụng những không gian chúng ta có để phát triển hệ thống giao thông công cộng, nhất là tại các thành phố lớn như TPHCM."
- Ông Markus Zachmeier, Phó chủ tịch phụ trách giải pháp giao thông vận tải của tập đoàn Siemens tại châu Á-Thái Bình Dương 

Hiện TPHCM có khoảng 8 triệu người và phát triển hệ thống tàu điện ngầm là một trong các giải pháp tối ưu cho vấn đề giao thông đô thị hiện nay tại đây, vì một tuyến tàu điện ngầm có thể chở từ 30.000 đến 50.000 khách/chiều. Do vậy, thành phố cần phát triển hệ thống giao thông quan trọng này, và các tuyến xe buýt sẽ làm nhiệm vụ cung cấp khách cho tàu điện ngầm. Xe buýt và tàu điện ngầm là các phương tiện bổ trợ nhau để thu hút khách chứ không phải là cạnh tranh lẫn nhau.

TPHCM đã cố gắng phát triển dịch vụ xe buýt và khuyến khích người dân sử dụng phương giao thông công cộng này nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi. Liệu tàu điện ngầm có đủ hấp dẫn để người dân ít sử dụng xe cá nhân? 

- Chúng ta đừng mong mọi chuyện sẽ thay đổi chỉ trong một ngày mà cần phải có thời gian. Nhưng, điều quan trọng là chúng ta phải xây dựng được một hệ thống giao thông công cộng mang lại thuận tiện cho người dân trong việc đi lại. Đừng buộc người dân phải thay đổi phương tiện giao thông công cộng quá nhiều lần trong hành trình của họ. Nếu người dân đi từ nhà đến văn phòng bằng xe buýt và tàu điện ngầm nhanh và thuận tiện hơn lái xe riêng thì tự nhiên họ sẽ sử dụng giao thông công cộng thôi. Cần mang đến cho người dân một sự lựa chọn tốt hơn, và tìm cách làm cho phương tiện giao thông công cộng hấn dẫn hơn. 

Vẫn có nhiều ý kiến cho rằng phí đi lại bằng tàu điện ngầm sẽ mắc hơn đi xe cá nhân. Vậy, xây dựng tàu điện ở TPHCM có hiệu quả không? 

- Tôi cho rằng tàu điện ngầm sẽ hoạt động hiệu quả tại TPHCM. Chúng ta hãy thử tưởng tượng xem một thành phố với 8 triệu người sẽ ra sao nếu không có tàu điện ngầm? Các thành phố lớn trên thế giới đều có tàu điện ngầm. Thành phố này không thể chỉ mãi dựa vào dịch vụ xe buýt và xe cá nhân được, và trong tương lai nhiều người sẽ chuyển từ xe gắn máy sang xe hơi vì thu nhập của họ tăng. Liệu việc di chuyển trên đường có an toàn khi có quá nhiều xe gắn máy và xe hơi, đấy là chưa kể ảnh hưởng của các loại phương tiện này đến môi trường. 

Tôi vẫn cho rằng tàu điện ngầm là phương tiện hiệu quả và an toàn hơn. Tất nhiên, việc di chuyển bằng tàu điện ngầm có mắc hơn nhưng chúng ta không còn lựa chọn nào khác. Chúng ta không thể cứ đập bỏ nhà dân để mở rộng đường mãi mà phải tận dụng những không gian chúng ta có để phát triển hệ thống giao thông công cộng, nhất là tại các thành phố lớn như TPHCM. Khi nói đến phí đi lại bằng tàu điện ngầm thì chúng ta cần phải xét đến nhiều yếu tố: thời gian di chuyển, độ an toàn và ảnh hưởng đến môi trường. Tiết kiệm thời gian là tiết kiệm tiền. 

Ông có cho rằng vốn đầu tư tàu điện ngầm có thể thu hồi từ tiền bán vé?

- Chúng ta không thể thu hồi vốn đầu tư xây dựng tàu điện ngầm từ bán vé, vì nếu như thế vé sẽ rất mắc và sẽ chẳng có ai sử dụng tàu điện ngầm đâu. Tại các thành phố lớn, tiền thu được từ vé chỉ đủ cho vận hành và bảo trì tàu điện ngầm, và theo tôi thì như thế là tốt rồi. Trách nhiệm của chính quyền thành phố là đầu tư hệ thống tàu điện ngầm để phục vụ xã hội và người dân, và như thế giá vé sẽ phù hợp hơn và nhiều người sẽ sử dụng tàu điện ngầm hơn. Tôi muốn nhấn mạnh rằng nhiều người sẽ chuyển sang sử dụng giao thông công cộng nếu họ cảm thấy an toàn hơn và tiết kiệm được nhiều thời gian cho dù họ có phải trả phí cao hơn cho việc sử dụng phương tiện cá nhân. 

Xin cảm ơn ông!

Mộng Bình (thực hiện)

Ngày Siemens Việt Nam lần thứ hai

Trong hai ngày 25 và 26/6 tại TPHCM, Công ty TNHH Siemens Việt Nam tổ chức Ngày Siemens Việt Nam lần thứ hai để trưng bày các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ hỗ trợ cho các thành phố lớn như TPHCM giải quyết những thách thức liên quan đến phát triển bền vững. Tại sự kiện, Siemens giới thiệu các giải pháp cho các lĩnh vực giao thông vận tải, công nghệ toà nhà, chiếu sáng, năng lượng, y tế, nước sạch và môi trường. Đây cũng là một trong các hoạt động chính trong khuôn khổ của Năm Đức tại Việt Nam nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đức và Việt Nam. 

[ Chuyên đề : Giao thông đô thị

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1700 khách Trực tuyến

Quảng cáo

  

  


Loading...