Hơn 15 năm kể từ khi đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, chính quyền và người dân địa phương đã biết cách “tự làm mới mình” thông qua nhiều hoạt động khôi phục bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Các chương trình “Đêm phố cổ”, “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” từ lâu đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, mang “thương hiệu” riêng của đất và người Hội An. Tuy nhiên, quá trình triển khai các chương trình này thiếu sự đột phá nên dẫn đến sự nhàm chán.
Đêm phố cổ Hội An huyền ảo
Chương trình “Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ 20” được chính quyền thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam triển khai lần đầu vào tháng 9/1998. Chương trình đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách với hơn 200 đêm phố cổ được tổ chức định kỳ vào ngày 14 âm lịch hàng tháng và hơn 50 đêm phố cổ thu nhỏ. Tại đây, du khách được đắm mình vào các trò chơi dân gian như: bài chòi, cờ tướng, cờ làng, đập nồi, hát hò khoan đối đáp, viết thư pháp, thả đèn trên sông hay âm nhạc đường phố.
Đặc biệt, cứ vào mỗi đêm phố cổ, Hội An lại thay đèn điện bằng những chiếc đèn lồng truyền thống đầy màu sắc, tạo không gian mới lạ và gần gũi với du khách. Trong khi đó, chương trình “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” ra đời năm 2004 cũng đã mang đến cho du khách sản phẩm du lịch mới lạ. Hiện phố đi bộ vẫn duy trì hoạt động từ 8h30 - 11h00 và từ 15h00 - 21h30 hàng ngày. Việc triển khai chương trình “Đêm phố cổ” và “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đô thị cổ bên dòng sông Hoài thơ mộng.
Tuy nhiên, nếu ai đã từng đến Hội An nhiều lần hẳn sẽ cảm nhận sự nhàm chán của những “món ăn tinh thần” lặp đi lặp lại. Ngay cả người từng tham gia thực hiện chương trình như ông Phùng Tấn Đông, chuyên viên Trung Tâm Văn hóa Thể thao thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cũng cảm thấy nhạt nhòa.
Phố đi bộ vắng khách ngày cuối tuần
"Đã 15 năm, vấn đề trình diễn theo tôi là không nên nữa mà nó phải trở thành thói quen, nói chung nó tan vào đời sống thiết thân hằng ngày. Có một số nội dung cũng nên điều chỉnh bởi vì diễn quá nó trở thành nhàm" - ông Phùng Tấn Đông cho biết.
Tại không gian “Đêm phố cổ”, việc trưng bày, kinh doanh các sản phẩm hàng lưu niệm, giày dép, túi xách... trên các lề đường, trong một số di tích vẫn chưa thật sự nền nếp. Các gánh hàng rong tăng nhanh, đua nhau lấn chiếm vỉa hè, gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường.
Việc sử dụng ngày càng nhiều các trang thiết bị hiện đại cũng đã làm cho không gian “Đêm phố cổ” phai nhạt. Nhiều điểm giữ xe phát sinh trong khu phố cổ thiếu sự quản lý, đường phố vẫn còn người sử dụng xe đạp đi lại... là những hình ảnh phản cảm.
Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Hội An thừa nhận, nhiều hoạt động ngay từ đầu rất ấn tượng mà những người thực hiện đã bỏ qua. Ví như người kinh doanh buôn bán cần phải mặc trang phục truyền thống, ánh sáng trong khu phố cổ cũng phải bảo đảm yêu cầu... Khi nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ của người dân và du khách thay đổi thì các nội dung hoạt động cũng cần phải đổi mới.
"Cuộc sống đương đại, nhu cầu của người dân của du khách trong khu phố cổ đã có những nhu cầu mới nhưng mà chúng ta thiếu định hướng, thiếu hướng dẫn thì đêm phố cổ sẽ nhạt nhòa đi" - ông Võ Phùng nhận xét.
Không gian Hội An xưa lung linh trong đêm rằm
Một vấn đề nữa là thời gian qua, nhiều di tích thường xuyên đóng cửa đã làm giảm đi một phần nội dung hấp dẫn của các chương trình “Đêm phố cổ” và “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”. Chất lượng nội dung của các nhóm hoạt động còn nặng tính trình diễn nên một số hoạt động chưa thực sự thu hút người xem. Mặt khác, định mức chi thù lao cho nghệ nhân, cộng tác viên quá thấp nên chất lượng nghệ thuật giảm sút. Gần đây, một số cơ quan, đơn vị hữu quan lơ là việc quản lý, kiểm tra cũng đã làm cho không gian “Đêm phố cổ” giảm đi sự lung linh, huyền ảo, mất dần tính tĩnh lặng, yên bình.
Còn với “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”, mặc dù đã làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, yêu cầu nhưng nhiều người vẫn chạy xe máy trong khu phố cổ. Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần chú ý nhiều hơn nữa chất lượng các dịch vụ phục vụ du khách.
"Chú tâm nhất vẫn là phải giữ gìn được nếp sống xưa nhưng các phương tiện dịch vụ phục vụ du khách phải đảm bảo hiện đại. Thứ hai, người dân trong phố cổ phải nâng cao trách nhiệm. Thành phố cùng chúng tôi sẽ đặt vấn đề với các công ty, doanh nghiệp lữ hành, vì chính họ giúp cho chúng ta định hướng cho du khách thẩm nhận giá trị như thế nào", ông Hồ Tấn Cường nói.
Như vậy, để các chương trình “Đêm phố cổ” và “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” tại phố cổ Hội An phát huy hiệu quả, cần phải đẩy mạnh các phương thức xã hội hóa, làm sao để mọi hoạt động đều được người dân, du khách, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng có trách nhiệm, nâng cao chất lượng và giữ vững thương hiệu cho sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo riêng có của Hội An - một Di sản văn hóa Thế giới nổi tiếng lâu nay./.
Quốc Hải (VOV) - Ảnh: Hải Sơn
- Phố cổ Hà Nội: Khắc phục lộn xộn không gian phố đi bộ mới
- Chùa chiền và đô thị mới
- Hiểm họa khôn lường từ những công trình trên cao ở Hà Nội
- Vịnh Hạ Long sau 20 năm trở thành Di sản thế giới: Không để du lịch tác động tiêu cực tới di sản
- Những "quả bom nước" trên nóc nhà cao tầng
- Sân chơi - tài sản của đô thị
- Chống ngập từ kinh nghiệm dân gian
- Đào đường - mạnh ai nấy làm
- Bùng nổ hạ tầng giao thông khu Đông TP.HCM
- Những đổi thay không ngờ ở khu trung tâm Sài Gòn