Dự án nào cũng có vị trí đắc địa
Theo định nghĩa từ điển Hán Việt, ‘đắc địa’ có nghĩa là việc lựa chọn một vị trí đúng và phù hợp với mục tiêu nào đó. Điều đó có nghĩa là tùy theo nhu cầu mà sự đắc địa được hiểu theo nghĩa của bối cảnh đó. Ví dụ muốn mở một cửa hàng ăn uống, thì lựa chọn những nơi có đông người qua lại, các khu văn phòng làm việc, dân cư đông đúc, an toàn và dễ dàng tiếp cận có thể xem gần như là đắc địa. Sự ‘đắc địa’ có liên quan rất nhiều đến kết quả, hệ lụy các hoạt động dựa trên vị trí đã chọn đó.
Ngày nay, chúng ta luôn nghe thấy cụm từ này được sử dụng khá phổ biến trong việc quảng cáo các dự án bất động sản, dự án nào cũng có vị trí đắc địa, cách các điểm đến trong vòng bao nhiêu phút, bao nhiêu ki-lô-mét. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ vào thực tế, không phải dự án bất động sản nào cũng có sự đắc địa khi chỉ nêu những thông tin về khoảng cách, tiếp cận hết sức chung chung như vậy. Mỗi một dự án đều có mục tiêu để đáp ứng một nhu cầu nào đó, vị trí đắc địa đôi khi là một cách định nghĩa từ các nhà đầu tư để tạo lợi thế cạnh tranh ảo cho dự án, và chưa chắc đã dẫn đến những hiệu quả đem lại cho người sử dụng.
Còn nhớ, một dự án ở Thủ Đức (TPHCM) được quảng cáo rầm rộ với vị trí trung tâm, đắc địa nhất với các khoảng cách đến các khu vực khác cực gần. Nhưng khi khảo sát thực tế từ các tuyến đường tiếp cận, địa hình, phong thủy và sự ảnh hưởng của môi trường, thậm chí các dự án đang được xây dựng xung quanh, thì mới phát hiện ra rằng các thông tin về sự đắc địa được nêu dựa trên kinh nghiệm ước lượng và chỉ nhằm mục đích bán hàng hơn là đem lại lợi ích cuối cùng cho người sử dụng.
Hay một dự án chung cư cũng thuộc vào hàng cao cấp của một tập đoàn đình đám hiện nay, phát triển ngay dưới chân cầu kết nối với quận 7, cũng được quảng cáo với sự đắc địa gần trung tâm, tiếp cận nhưng khi đến thực tế gần như không thể tiếp cận được từ khu vực chân cầu do tuyến đường quá dài, mà phải di chuyến một khoảng vòng khá xa để tiếp cận. Chưa kể sự ảnh hưởng tiếng ồn do phương tiện luôn làm phiền lòng cuộc sống của dân cư bên trong.
Sự ‘đắc địa’ luôn là niềm mong muốn của các dự án bất động sản, một lợi thế cạnh tranh quan trọng của dự án, tuy nhiên, người mua cần hiểu cho đúng nhu cầu, mục tiêu cuộc sống của mình ở một vị trí là gì, nó có phù hợp với tình hình của mình hay không và phải kiểm tra hết sức kỹ lưỡng trước khi lựa chọn những dự án được quảng cáo đắc địa hiện nay.
Quá nhiều dự án khẳng định phong cách sống thượng lưu, đẳng cấp và cao cấp
Không ít các dự án bất động sản hiện nay, với giá trị căn hộ tầm trung và cao cấp đều có cách quảng cáo tiếp cận đầy bóng bẩy ‘khẳng định phong cách, đẳng cấp thượng lưu’. Vì điều này đồng nghĩa với giá trị căn hộ khá cao kèm với các tiện ích, dịch vụ đắt tiền để phục vụ cho cuộc sống của người dân trong khu vực đó. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là cách tiếp cận vấn đề về ‘sự đẳng cấp’ và ‘thượng lưu’.
Thông thường, để tạo lập một phong cách sống thì điều đầu tiên, chúng ta phải tạo lập được đủ số lượng những người tương đồng để tạo thành một cộng đồng. Các cộng đồng này khi sống trong một dự án đủ sự gắn kết và sẽ tạo thành những phong cách sống, và điều này cần một quá trình cũng như sự khẳng định giá trị của tổng thể một dự án từ chủ đầu tư.
Hiện nay, có rất nhiều dự án quy mô vừa và nhỏ, khai thác được những quỹ đất còn lại ở các quận trung tâm và chỉ phục vụ một phần cho nhu cầu ở thật, bên cạnh đó, còn gắn kết với các khu vực phát triển đô thị hiện hữu vốn còn nhiều vấn đề nhưng vẫn có cách truyền thông về các giá trị vượt quá sự chấp thuận của cộng đồng xung quanh. Điều này gây ra các ảo tưởng cho thị trường và tạo ra sự nhận định không chính xác về các khu dự án đủ xứng tầm để tạo nên một phong cách.
Những khu đô thị lớn như Phú Mỹ Hưng với hơn gần chục năm phát triển đã và đang dần hình thành phong cách, cũng như hàng loạt các dự án phát triển ở quy mô lớn của tập đoàn Vingroup, dù chưa biết chất lượng thực sự như thế nào, nhưng về cơ bản đã giúp định hình được những giá trị tiền đề cho việc xác định các phong cách sống tạm gọi là đẳng cấp.
Sự đẳng cấp thực sự đến từ một bối cảnh chung rộng lớn hơn một công trình, dự án và phụ thuộc rất nhiều vào môi trường xung quanh của dự án đó. Và cả những cam kết phát triển thực sự từ nhà đầu tư trong dài hạn. Đây không phải là việc có thể hoàn thành nhanh được, nhưng người mua nhà, nếu hiểu đúng bán chất của sản phẩm mà họ dự tính sẽ mua, sẽ phần nào xác định được giá trị thật của chúng.
"Cơ hội vàng" có mặt ở khắp mọi nơi
Khi có quá nhiều cái quý thì cái ấy không còn được xem là quý hay hiếm nữa. Trong tình hình thị trường bất động sản diễn biến khó lường như hiện nay, chúng ta không khỏi chóng mặt với quá nhiều ưu đãi, cơ hội được gọi là ‘vàng’ hay ‘kim cương’ có mặt ở khắp mọi nơi, từ Nam chí Bắc, từ dự án căn hộ cho đến nghỉ dưỡng.
Thật sự là thế nào và chúng ta cũng cần nhận thức rõ ràng rằng, các ngôn từ sử dụng trong quảng cáo có tác động rất lớn đến tâm lý chúng ta, và các chuyên gia về tiếp thị dự án đã được đào tạo để làm việc này, họ làm rất tốt và tốt đến mức là cứ giống nhau cùng tốt là được. Điều này cũng là một nhân tố tác động vào tâm lý mong muốn sở hữu nhà với nhiều cơ hội ‘vàng‘ dành cho họ.
Tuy nhiên, thực tế có những dự án với những ưu đãi ‘vàng’ nhưng khi đi sâu vào phân tích thì chưa hẳn là cơ hội, mà nhiều khi, còn có những trở ngại khi xét tổng thế với bối cảnh xung quanh. Điển hình như một dự án được phát triển ở quy mô khá lớn tại quận Thủ Đức, sau khi tổng hợp tất cả các yếu tố như tiếp cận, đắc địa, sự phát triển hạ tầng… vốn là những khái niệm rất khó cân đo, đong đếm, nhưng sau khi tổng hợp lại để chứng minh rằng đây là cơ hội vàng để sở hữu, trong khi còn rất nhiều yếu tố rủi ro về thị trường, sự cạnh tranh đều không được người mua nghiên cứu kỹ lưỡng, dẫn đến việc phải trả giá quá cao cho những dự án bởi cách mà ngôn từ tác động đến họ, hơn là giá trị thực của dự án.
Người mua nhà, căn hộ nên có sự đối chiếu, so sánh và thậm chí có thể nhờ các chuyên gia tài chính tư vấn để có những lựa chọn tổng quan hơn trước khi lựa chọn mua bất cứ một dự án nào được quảng bá là cơ hội ‘vàng’. Và đương nhiên, càng là ‘vàng’ thì phải cần nhiều lửa để thử, mới biết là vàng thật hay vàng dởm.
KTS Trương Nam Thuận
- Đình làng với đời sống hiện đại
- Thành lập đặc khu kinh tế của TP HCM: Đặc khu hay ốc đảo?
- Góc nhìn Hà Nội - Khoảnh khắc và tầm cao
- Hà Nội: Nghĩ từ nút giao thông 4 tầng Thanh Xuân
- Tại sao vẫn phải là Hồ Gươm?
- “Nhà nước” hay “nhà dân”?
- Đô thị thân thiện: Những khía cạnh cần quan tâm
- Đà Nẵng: Phát triển giao thông xanh khi còn chưa muộn
- Hãy lắng nghe và cảm nhận: Người nước ngoài trăn trở về Hà Nội
- Bán hè, chia phố và hệ lụy văn hóa - xã hội