Chiến dịch lập lại trật tự lòng lề đường, giành lại vỉa hè cho người đi bộ đang diễn ra, thu hút sự quan tâm của người dân TPHCM. Song cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần sớm tổ chức lại các tuyến đường được phép đậu xe, xây thêm bãi đậu xe ngầm, bãi đậu xe nổi để tránh tình trạng xe bị đuổi khỏi vỉa hè lại dồn xuống lòng đường, dẹp chỗ này lòi chỗ kia... bởi chủ phương tiện không có chỗ đậu.
Thực tế cho thấy khu vực trung tâm thành phố với các cao ốc, trung tâm thương mại, phố đi bộ, khu vui chơi giải trí thu hút nhiều người đổ về, kéo theo sự bức bách về nhu cầu bãi đậu xe, cả ô tô lẫn xe máy.
Một xe đậu trên vỉa hè bị cẩu đi tối ngày 26/2 (Ảnh: Thành Hoa)
Nhiều đường không có vỉa hè
Theo thống kê của Ban an toàn giao thông TPHCM, thành phố có 2.271 tuyến đường có vỉa hè và đến 2.598 tuyến đường không có vỉa hè. Bên cạnh chuyện các hộ mặt tiền đường kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè để xe, xe máy chạy trên vỉa hè, còn có tình trạng đậu xe kéo dài nhiều giờ liền trên các tuyến đường, ngay cả những con đường có biển báo cấm dừng, cấm đậu.
Theo một chuyên gia giao thông, hiện nay không gian đậu xe tại các trung tâm thương mại lớn ở khu vực trung tâm thành phố không phải không có, nhưng tâm lý nhiều người vẫn ngại đem xe vào, một phần vì phải lên xuống tầng hầm, một phần vì phí giữ xe quá cao. Điều này khiến nhiều người sẵn sàng đậu xe trên đường vì tiện và lợi hơn rất nhiều.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, làm sạch, thông thoáng vỉa hè là điều hầu hết người dân thành phố trông đợi. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế bộ mặt đô thị như TPHCM hiện nay, cần tính đến các bước thực hiện, vừa hài hòa mà vẫn đảm bảo tính căn cơ.
Chẳng hạn, trước mắt, với các vỉa hè rộng thì có thể tạm thời dành một không gian làm chỗ đậu xe sau khi đã chừa 1,5-2 mét cho người đi bộ bằng các vạch ngăn cách. Chỉ có những vỉa hè hẹp thì mới cương quyết không cho lấn chiếm.
Về lâu dài, chính quyền thành phố cần rà soát lại tiêu chuẩn về bãi đậu xe tại các công trình cao tầng, trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm thành phố. Bởi lẽ, hầu hết các cao ốc ở trung tâm được xây trong 10 năm gần đây đều thiếu chỗ đậu xe. Trong khi ở nhiều nước họ đã ràng buộc các chủ đầu tư cao ốc phải có chứng nhận cam kết đủ chỗ đậu xe trước khi xây dựng công trình.
“Thành phố muốn biến đường Phạm Ngũ Lão thành phố đi bộ mà không bố trí đủ chỗ đậu xe gần đó thì rất khó khả thi”, ông Sơn nêu một ví dụ.
Tiếp tục chờ bãi đậu xe
Theo ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện hạ tầng giao thông tĩnh như các bãi đậu xe ở thành phố vẫn chưa đáp ứng so với quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt so với tốc độ phát triển phương tiện giao thông.
“Sở Giao thông Vận tải đang phối hợp, hỗ trợ các nhà đầu tư để trong năm nay có thể khởi công xây dựng bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng. Bởi một khi chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, nhu cầu đậu xe của người dân là có thực nên chúng tôi một mặt tăng cường đầu tư bãi đậu xe ngầm, một mặt rà soát thêm các tuyến đường đủ điều kiện để cho phép dừng, đậu xe, kể cả việc xây dựng đề án thu phí đậu xe theo giờ trên lòng đường, vỉa hè", ông Lâm thông tin giải pháp khi trao đổi với báo chí ngày 27-2 vừa qua.
Sở Giao thông Vận tải và Sở Tài nguyên và Môi trường đang rà soát các khu đất trống, đất công khu vực trung tâm, gần sân bay, những nơi có thể xây dựng các bãi đậu xe bằng công nghệ xếp xe tự động trên diện tích hẹp để tăng thêm chỗ đậu xe.
Giải pháp là vậy, nhưng nhìn lại tiến độ các công trình bãi đậu ngầm tại thành phố thời gian qua, nhiều người không tin bài toán về bãi đậu xe khu trung tâm được giải quyết một sớm một chiều. Hoài nghi của họ có cơ sở khi các dự án bãi đậu xe liên tục lùi ngày khởi công bởi nhiều lý do khác nhau.
Trường hợp dự án bãi đậu xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm làm chủ đầu tư dù đã “động thổ” từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa rục rịch gì. Nếu xây dựng, bãi đậu xe này kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra khoảng 2.000 chỗ đậu xe máy và gần 1.300 xe ô tô.
Còn dự án bãi đậu xe ngầm ở sân khấu Trống Đồng do Công ty TNHH tập đoàn Đông Dương đầu tư với quy mô bảy tầng ngầm và ba tầng nổi có sức chứa gần 900 ô tô, 400 xe máy cũng đã lỗi hẹn khởi công vài lần.
Lúc này, nhiều người đang kỳ vọng vào hai dự án bãi đậu xe ngầm khác đang được Tập đoàn Vingroup đề xuất đầu tư, một tại sân vận động Hoa Lư và một tại công viên văn hóa Tao Đàn, sẽ được khởi công trong năm 2017. Nếu mọi việc suôn sẻ, đến năm 2019 hai bãi đậu xe này sẽ hoàn thành và đi vào khai thác.
Mới đây nhất, Công ty cổ phần Phát triển hệ thống đậu xe thông minh E-Parking (Nhật Bản) đề xuất xây bãi đậu xe nổi cao 9 tầng tại công trường Lam Sơn với sức chứa gần 200 xe ô tô với giá giữ xe ô tô là 27.000 đồng/giờ. Nhưng cơ quan quản lý giao thông thành phố cho rằng, đây là khu đất quy hoạch công viên, cây xanh nên không phù hợp làm bãi đậu xe.
Như vậy, nhìn vào tiến độ các dự án bãi đậu xe ngầm, bãi đậu xe nổi trong khu vực có bán kính trên dưới một cây số ở khu trung tâm thành phố, cuộc rượt đuổi giành lại vỉa hè sẽ còn tiếp diễn ít nhất trong 1-2 năm tới khi mà nhu cầu đậu xe còn bức bách, trong khi các chủ phương tiện tìm không ra chỗ đậu xe.
Văn Nam
(TBKTSG)
- Đô thị hóa nông thôn: Không thể "vỏ" phố "hồn" làng'
- Thiếu vắng công trình xanh dù quy định đã đầy đủ
- Chợ ở đô thị
- Khu kinh tế ven biển - những mảng xám
- Chuyên gia Nhật: "Phải nói thật là chất lượng xây dựng các tòa nhà tại Việt Nam quá kém"
- “Ở đó không còn nơi ấy”
- Mật độ và sức sống đô thị Hà Nội: Thiếu sự kết nối
- Kiến trúc tiếp cận cho người khuyết tật: Cánh cửa khép hờ
- Di sản và tương lai các thành phố
- Nghịch lý di sản văn hóa