Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Góc nhìn Resort "xí" đất, thất nghiệp tăng

Resort "xí" đất, thất nghiệp tăng

Viết email In

Từ bán đảo Sơn Trà, dọc theo tuyến đường du lịch ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc nối với đô thị cổ Hội An, hàng loạt dự án resort thi nhau mọc lên như nấm sau mưa. Thế nhưng, đã 5 năm trôi qua, hình hài các bãi biển của Đà Nẵng, Quảng Nam đã được phân lô, dự án đã hiện diện, nhưng do cứ khởi công rồi để đó nên những bãi biển vốn xinh đẹp trở nên lam nham. Trong khi đó, nhiều người dân ở đó vẫn tiếp tục long đong với chuyện mưu sinh.

Tốc độ “rùa bò”

Tại bán đảo Sơn Trà, dự án khu du lịch phức hợp Bãi Bụt do Công ty cổ phần Hải Duy làm chủ đầu tư với số vốn ban đầu trên 300 tỷ đồng. Được giao đất vào giữa năm 2003 nhưng đến cuối tháng 4-2004, dự án này mới khởi công. Đây là dự án có thể “phát pháo” đầu tiên cho hàng chục dự án đầu tư tại bán đảo này. Tuy nhiên, đây là dự án đi trước nhưng chưa biết đến bao giờ… về đến đích. Bởi từ khi khởi công đến nay, dự án này vẫn “giậm chân tại chỗ”.

  • Ảnh bên : Một trong những biệt thự “xí” biển của Sơn Trà resort & Spa (Ảnh: HÀ MINH)

Theo cam kết của chủ đầu tư, giai đoạn 1 dự án sẽ hoàn thành vào đầu năm 2005. Vậy nhưng, nếu như đầu năm 2007, chỉ mới có một vài căn biệt thự đang xây dở, bỏ lửng, hồ bơi chỏng chơ, phơi đáy để lộ ra lớp rêu dày cả chục cm thì giữa năm 2009, cũng vẫn chừng ấy, có chăng, nó hoang tàn hơn, dễ sụp đổ hơn và làm cho vịnh biển này xấu hơn. Đường dẫn xuống khu vực thi công, một rào chắn bằng tre gắn bảng chữ “Khu vực thi công, không phận sự, miễn vào”. Vậy nhưng, bên trong rào chắn ấy là cảnh tượng vắng lặng như… chùa bà đanh, không bóng người, không tiếng nổ của máy móc, thiết bị.

Ở hướng đi Hội An, khu du lịch Sunrise của Công ty cổ phần Địa Cầu, vốn đầu tư 30 triệu USD, dù đã được cấp phép 2 năm qua, nhưng vẫn đang trong giai đoạn “chuẩn bị san nền”. Theo kế hoạch, trong năm 2008 dự án khu du lịch 5 sao Hoàng Trà, vốn đầu tư 300 tỷ đồng, sẽ hoàn thiện toàn bộ dự án để đầu năm 2009 đưa vào sử dụng. Nhưng đến nay, trên công trường vẫn ngổn ngang, thấp thoáng vài bóng công nhân làm cho có, trong khi phần mái đã làm xong, chưa đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng nặng.

Thất nghiệp

Phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) có 12 dự án resort. Theo chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo TP Đà Nẵng, khu vực này được quy hoạch dành cho việc xây dựng các tổ hợp du lịch dịch vụ - resort ven biển cao cấp mang tầm vóc châu lục và thế giới với quy mô khoảng 50.000 phòng. Vì vậy, việc nghiên cứu quy hoạch sử dụng đất tại khu vực này phải dựa trên nguyên tắc tiết kiệm đất, đảm bảo phát huy hiệu quả tối ưu về phát triển du lịch.

Dự án ken dày tỷ lệ thuận với số hộ diện tích bị thu hồi, hộ dân bị mất đất, mất nghề, mất phương tiện sản xuất. Cả thôn Tân Trà gồm 27 nóc nhà, sống bằng nghề đi biển với tài sản là 27 chiếc thúng, trong đó có vài thúng lớn có gắn máy. Làng nằm sát biển, cuộc sống cứ ngỡ sẽ mãi gắn với biển và đất. Dự án ra đời, cơ quan chức năng tiến hành giải tỏa và đền bù, hàng rào được dựng lên, rừng dương bị chặt trụi, biển bị tách biệt hẳn với người dân.

Bà Hoàng Thị Hồng, ở khu tái định cư Hà My Đông (xã Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam), 57 tuổi, trầm ngâm: “Đất dành cho resort mất rồi, đang lo tính sao để sắp đến có việc làm, có thu nhập để mưu sinh”.

Gia đình bà Hồng 10 người, trước đây có 1.100m2 đất ở và vườn cùng 6 sào lúa. Nay bà bị thu hồi đất làm dự án du lịch, được đền bù gần 100 triệu đồng và bố trí hai khu đất 350m² trong khu tái định cư. Tiền đền bù chỉ vừa đủ xây căn nhà cấp 4 cho cả 10 người ở. Từ ngày ra đây, hai vợ chồng bà thôi làm ruộng, trồng rau bởi không còn đất. Ba người con trai, trình độ văn hóa thấp, không được nhận vào làm trong dự án, thất nghiệp. Hai người con dâu, một xuống biển mua cá lên chợ bán kiếm 10.000-15.000 đồng/ngày, người kia đang chạy tìm việc làm. Cùng tình cảnh bà Hồng có đến hơn 30 gia đình trong khu này.

Ông Lê Văn Khuê, Phó chủ tịch UBND xã Điện Dương, trăn trở: “Các dự án đua nhau “xí” đất rồi bỏ hoang, trong khi hàng ngàn người dân sống trong vùng dự án lại lâm vào cảnh sống không có đất để canh tác. Đây không chỉ là vấn nạn ở Đà Nẵng - Quảng Nam mà còn khá phổ biến ở nhiều địa phương khác trong cả nước".

Hà Minh

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...