Kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao gây sóng gió bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào. Trong bối cảnh này, con đường của những làng nghề nông thôn càng gập ghềnh hơn bao giờ hết khi phải loay hoay đối phó với cơn khát vốn, đầu ra hay ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Nhiều phương án đã được đưa ra nhằm giải cứu kinh tế làng nghề cho hơn 11 triệu lao động nông thôn, song mọi việc vẫn đang ở phía trước...
Loay hoay, trăn trở
- Ảnh bên: Đào tạo nghề làng nghề chưa đáp ứng nhu cầu thật sự của doanh nghiệp (Ảnh: D.H)
Con đường vào làng Trạch Xá, xã Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) những ngày cuối tháng 10 rợp vàng lúa chín ngày mùa. Ruộng đồng đã trơ gốc rạ, dọc đường là những thảm lúa vàng ươm phơi nắng. Đây cũng là thời điểm cuối vụ, bà con sắp bước vào thời điểm nông nhàn ngắn trước khi vào vụ mới. Mọi năm, chị em phụ nữ của làng nghề may thêu thủ công truyền thống xem đây là thời điểm “vàng” để tranh thủ tăng gia. Làng nghề Trạch Xá bao đời nay nổi tiếng với những người thợ may khéo léo gắn với nghề may áo dài, chăn gối thủ công nức tiếng tận phố cổ Hà Nội. Cứ nông nhàn, những hợp đồng may gia công ùn ùn từ thành phố chuyển xuống, chị em may không xuể.
Thế nhưng, khác với sự kì vọng của chúng tôi, không khí làng nghề vào mùa nông nhàn năm nay hiu hắt lạ thường. Chị Hoa – nghệ nhân may mẫu có tiếng của làng đón tôi bằng nụ cười… héo: “Lúa đã gặt, phơi gần chín mang đi nhập rồi mà vẫn chưa có thêm công việc gì mới cho chị em. Ai cũng hỏi tôi là có mối nào từ thành phố xuống đặt may áo bông chần và áo dài không nhưng hầu như rất ít, chỉ dăm đơn hàng lẻ tẻ đặt dăm chiếc áo dài, làm vài hôm lại ngồi chơi”. Là trưởng nhóm may gia công, chị Hoa cho biết nghề may gắn bó với chị em phụ nữ nhiều năm nay. Với công may khoảng 50.000đ cho mỗi chiếc áo bông và 120.000đ một chiếc áo dài, nghề may mang lại thu nhập đáng kể cho chị em. Tình thế thay đổi nhiều khi không có khách hàng về làm hợp đồng, còn chính quyền xã cũng không thể giúp chị em kết nối với các mối hàng bởi lý do đơn giản là khách không có nhu cầu.
Không chỉ ở Trạch Xá, điều này trở thành thực trạng chung của hầu hết các làng nghề hiện nay. Ngoài việc thiếu bạn hàng, làng nghề rơi vào cảnh “đói” vốn. Nhiều cơ sở sản xuất làng mây tre đan Xuân Lai (Gia Bình, Bắc Ninh) nửa năm qua loay hoay vay vốn thu mua nguyên liệu, thuê mặt bằng, lao động (LĐ)… song thời hạn vay vốn quá ngắn, không đủ để DN xoay sở. Ông Lê Văn Xuyên – chủ DN một cơ sở tại đây nêu khó khăn: “Thiếu vốn đã đành, nguồn lđ có tay nghề cũng không đủ đáp ứng dù đã nhân cấy nghề mới, mở lớp dạy nghề”. HTX chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư – Ninh Bình) cũng lâm vào tình thế tương tự khi nhiều DN quy mô nhỏ không thể nào vay được vốn để duy trì sản xuất bởi các ngân hàng thương mại đều đang quá tải vì quá nhiều lĩnh vực tín dụng nên “ngại” cho DN nhỏ lẻ vay. Chưa kể vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng tại đây như việc ngâm tre nứa tràn lan tại Xuân Lai gây ô nhiễm ao hồ, độc tố nguồn nước hoặc ô nhiễm bụi bẩn, tiếng ồn từ cơ sở khai thác đá ở Ninh Vân.
Nhìn nhận về bức tranh chung của phát triển kinh tế làng nghề hiện tại, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN Vũ Quốc Tuấn lo ngại: “DN làng nghề gặp khó hầu hết ở các khâu. Chính sách thì văn bản có nhiều nhưng hiệu quả thực thi văn bản không cao, quy hoạch làng nghề cũng chưa có khiến ô nhiễm môi trường ngày càng báo động. Đặc biệt tín dụng luôn là bức xúc khi các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ phải chật vật tự xoay sở. Nghệ nhân có tay nghề thì chưa được đãi ngộ xứng đáng, còn nghệ nhân trẻ thì không đủ kiên trì bám nghề, vì mưu sinh phải bỏ làng lên phố kiếm sống. Việc duy trì làng nghề truyền thống lẫn hiện đại và tạo việc làm cho hơn 11 triệu LĐ nông thôn lâu nay sẽ tiếp tục gặp khó khăn nếu không có sự hỗ trợ trong giai đoạn “bĩ cực” này”.
Làm gì để cứu 11 triệu người lao động?
Không thể phủ nhận kinh tế ngành nghề nông thôn có những bước phát triển đáng kể những năm trở lại đây. Theo số liệu mới nhất của Bộ NNPTNT, với gần 4.600 làng nghề trên cả nước, bình quân tốc độ phát triển tại các làng nghề khá cao với 6–15%/năm, tạo việc làm cho hơn 11 triệu LĐ nông thôn (chiếm 30% lực lượng LĐ toàn vùng nông thôn), có nơi thu hút hơn 60% nguồn nhân lực. Mức thu nhập từ sản xuất làng nghề cao hơn đáng kể so với nguồn thu từ nông nghiệp, theo đó thu nhập trung bình của người LĐ đạt từ 450.000 – 4 triệu đồng/tháng tùy ngành nghề. Mức lương này được tính toán cao gấp 1,5–4 lần so với sản xuất thuần nông. Kinh tế nghề nông thôn còn đóng góp vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương. Trong tổng giá trị sản xuất năm 2010 của 30/51 tỉnh, thành phố, giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn đạt hơn 78.000 tỉ đồng.
Khó khăn chung của làng nghề trong năm 2011 cũng được Bộ Công Thương thừa nhận là còn nhiều bất cập chưa thể giải quyết như đào tạo nghề, truyền nghề, xử lý ô nhiễm, đẩy mạnh tiêu thụ hay xây dựng thương hiệu. Ngay tại những địa phương đang dẫn đầu về phát triển kinh tế làng nghề cũng phải “kêu” khó trong bối cảnh hiện tại. Bà Lê Hồng Hoanh – Phó GĐ Sở NNPTNT TP.HCM cho biết: “Quản lý làng nghề vẫn chưa thống nhất, thậm chí chồng chéo gây lúng túng. Thị trường các sản phẩm làng nghề thì đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã song lại quá thiếu thông tin thị trường, kiểu dáng sản phẩm chưa đổi mới nên vẫn chưa thể phát triển đột phá”.
Theo bà Hoanh, giải pháp cần làm là có sự liên kết giữa các tỉnh nhằm tạo vùng nguyên liệu ổn định, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội của địa phương vào phát triển chung của làng nghề, đồng thời mạnh dạn bỏ tiền xây dựng thương hiệu bằng các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Còn theo Sở Công Thương An Giang, thời gian tới Nhà nước cần gấp rút có cơ chế hỗ trợ vốn để xây dựng các cụm công nghiệp vừa và nhỏ thu hút sự tham gia của ngành nghề thủy sản nông thôn. Một số DN chuyên canh về thủy sản cũng đang cấp thiết cần được hỗ trợ vay vốn để xây kho chứa nguyên liệu, kho bảo quản, sân phơi…
Với vấn nạn ô nhiễm môi trường, ông Vũ Quốc Tuấn cho biết một khi chưa có quy hoạch cụ thể, rõ ràng tại các khu làng nghề thì ô nhiễm vẫn diễn ra với mức độ ngày càng báo động hơn. Theo ông Tuấn, vì khó quy hoạch làng nghề trong bối cảnh cơ sở sản xuất nằm phân tán nên chỉ còn cách thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường của từng vùng ngành nghề, cần thiết phải có chế tài xử phạt đối với những cơ sở sở gây ô nhiễm. Còn khâu vốn – một trong những bức xúc lớn của làng nghề hiện nay, ông Tuấn cho hay ngoài phát huy chức năng, mở rộng cơ sở của kênh vay vốn là Quỹ Tín dụng (hiện hoạt động tại 11 địa phương), cần thiết phải có một nguồn kênh khác như thành lập Quỹ ngành nghề nông thôn. Đây là trung gian giúp DN kết nối với các ngân hàng và là “đại diện” cho các DN để tạo niềm tin trong quá trình vay vốn tại ngân hàng. “Ngoài ra, các tổ chức xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… cũng cần phát huy vai trò để tạo sự tín nhiệm giúp bà con vay vốn bằng tín chấp trong điều kiện không thể thế chấp, giải quyết nhanh nguồn vốn để sản xuất, duy trì ngành nghề hiện tại” – ông Tuấn nói.
Dương Hà
- Dự án đại lộ Đông Tây: Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội TPHCM
- Hòn Chồng chồng dự án
- Nợ công và hiệu quả của đầu tư công
- Chúng tôi phá làng
- Chủ đầu tư là ai?
- Vỉa hè, xe máy và vận tải công cộng
- Nhiều lỗ hổng cần được lấp trong Luật Đất đai
- Mảnh vỡ đô thị và cái giá của quy hoạch
- Hàng trăm nhà cổ Hội An "thấp thỏm" mùa mưa bão
- Kẹt xe, nhìn từ quy hoạch