Việc tỉnh Quảng Nam sắp có trung tâm “dạy nghề bảo tồn, trùng tu di tích” xem ra không được chú ý nhiều. Bởi thực tế, các khái niệm “bảo tồn”, “di sản”, “ trùng tu” từ lâu nay đã quen thuộc và có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất hình chữ S. Có chăng, người ta nhìn câu chuyện ấy ở một thông tin thú vị: Đại sứ quán Italia là nơi gợi ý và tài trợ cho xứ Quảng thực hiện dự án này.
Nhìn ngược theo thời gian, đã qua lâu rồi giai đoạn mà di sản chịu cảnh ghẻ lạnh, thờ ơ hoặc thậm chí bị coi là tàn tích của những triều đại đã lỗi thời. Bây giờ, chưa nói tới chuyện mang tới những giá trị vô hình, bản thân di sản cũng trở thành cái “mỏ neo” để phát triển kinh tế - dịch vụ - du lịch của không ít địa phương. Chẳng nói đâu xa, ngay với Quảng Nam, một chương trình nghiên cứu quốc tế của quỹ Fullbright đã khẳng định: “Với 2 di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn, ngành dịch vụ du lịch là thế mạnh duy nhất của vùng đất này”.
Tại sao Quảng Nam lại là nơi được một cơ quan quốc tế chọn thực hiện dự án “dạy nghề” độc đáo này? Bởi thực tế, khoảng trống về kiến thức bảo tồn di tích đang “phủ sóng” mênh mông ở nhiều tỉnh thành. Và với đội ngũ trực tiếp thao tác hoặc quản lý cấp thấp khi trùng tu bảo tồn, gần như các dự án thực hiện đều phải cử chuyên gia giám sát hoặc tệ hơn là “cầm tay” chỉ vẽ tận nơi.
Sẽ có người giải thích: sự lựa chọn ấy đến từ việc Quảng Nam là nơi duy nhất có tới 2 di sản văn hóa thuộc dạng “sờ thấy được”. Hoặc, vì Quảng Nam nằm ở miền Trung, nơi công tác phát triển văn hóa còn hạn chế nhiều. Hoặc, đơn giản sự hợp tác ấy là cơ duyên “trời cho” trong mối quan hệ giữa vùng đất Quảng Nam với một cơ quan ngoại giao quốc tế.
Một, hoặc tất cả những lời giải ấy đều có thể là sự thật. Nhưng, còn có một sự thật nữa mà chắc chắn tất cả những ai từng đến Quảng Nam một lần đều dễ tin: vùng đất này sẽ là nơi “bén rễ” lý tưởng cho những bài học về chuyện bảo vệ và… kiếm tiền từ 2 di sản văn hóa thế giới - thứ tài nguyên lớn nhất và gần như là duy nhất mà người Quảng có trong tay. Có lẽ, không cần kể nhiều về những phát kiến trong việc gìn giữ nhà cổ tại phố cổ Hội An hoặc câu chuyện người bán hàng nơi đây sẵn sàng chạy tới 3, 4 ngã tư để trả lại cho du khách tiền thừa khi mua hàng.
Ở xứ Quảng cũng chưa bao giờ dư luận nhắc tới nạn trùng tu di tích theo kiểu đốt tiền, hoặc “vẽ rắn thêm chân” như chùa Trăm Gian giữa thủ đô vừa qua. Ở vùng đất nghèo và chỉ có một lựa chọn là di sản, người ta sẽ chắc chắn sẽ học được rất nhiều và rất nhanh những kinh nghiệm cần thiết cho việc sử dụng vốn quý duy nhất của mình - thay vì đặt giữa quá nhiều lựa chọn.
Sơn Tùng
- Bảo hành nhà: Nên hay không?
- Bảo tàng thì tốn, bảo tồn thì... chán!
- Xử lý xây dựng sai phép ở dự án Đảo Kim Cương: Tạo tiền lệ xấu
- Nhà chia lô nông thôn - xu thế hay hệ lụy?
- Luật đất đai: Hoãn để "chín" hơn?
- Nhìn sâu vào quá khứ
- Golf và kinh tế golf tại Việt Nam
- Công tác giải phóng mặt bằng: Làm sao an dân?
- Xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Dừng lại khi chưa muộn!
- Nhân chuyện bảo tàng
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này