Làm sao giữ “hồn vía đô thị” trước áp lực “cơm áo gạo tiền”

Thứ bảy, 15 Tháng 12 2012 12:40 SGTT
In

Ngày 14/12/2012, UBND TP.HCM đã phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Kiến trúc sư TP.HCM tổ chức chương trình “Gặp gỡ mùa thu”, với sự tham gia của nhiều kiến trúc sư (KTS) có tên tuổi trên cả nước để cùng thảo luận về chủ đề: Di sản kiến trúc đô thị TP.HCM. Xuyên suốt các bài tham luận mà các KTS gửi đến ban tổ chức là mối trăn trở về “hồn vía đô thị” sẽ như thế nào khi mà cơn lốc đô thị hoá ngày càng khốc liệt.  

Mâu thuẫn giữa cũ – mới ngày càng căng thẳng 

Từng là giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM trong một thời gian dài, PGS.TS Nguyễn Trọng Hoà đánh giá, việc bảo tồn những công trình kiến trúc có giá trị tại TP.HCM hiện đang gặp nhiều khó khăn do mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển đô thị và bảo tồn cảnh quan kiến trúc vẫn chưa được giải quyết hợp lý. Áp lực giải quyết tăng trưởng kinh tế trong quá trình phát triển đô thị đã lấn át công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc. Điều này có thể thấy qua các trường hợp cụ thể như xây dựng công trình cao tầng ở các khu vực cảnh quan kiến trúc tiêu biểu của thành phố hay phá bỏ các biệt thự có kiến trúc đặc sắc thay vào đó là các cao ốc. 

Cũng theo ông Hoà, mặc dù có khung pháp lý là hệ thống các bộ luật liên quan đến công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc như luật Xây dựng, luật Quy hoạch đô thị, luật Di sản… nhưng việc áp dụng vào thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Thành phố còn chậm trễ trong việc xây dựng và ban hành Quy chế quản lý cảnh quan kiến trúc đã dẫn đến sự “biến mất”, thay đổi cảnh quan kiến trúc trong thời gian gần đây khá nhanh. Các cấp chính quyền, các ngành chức năng vẫn còn phải giải quyết từng trường hợp cụ thể do chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh như các trường hợp: ụ̣ tàu Ba Son, trường Lê Quý Đôn, cụm nhà khách Chính phủ số 1 Lý Thái Tổ… 

Đó là chưa kể, hiện thành phố chưa có các nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, mang tính hệ thống và cụ thể về các đối tượng cần được bảo tồn cảnh quan kiến trúc, để từ đó có các định hướng, quy định cụ thể cho công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc. Những vấn đề sở hữu liên quan đến những đối tượng bảo tồn như biệt thự, nhà ở tư nhân… vẫn chưa có chính sách giải quyết lợi ích hài hoà để người dân tham gia vào quá trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc một cách hiệu quả. 

Bảo tồn tốt sẽ “giàu” hơn xây cao ốc 

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, người ta thường lầm tưởng là bảo tồn không đem lại lợi ích kinh tế, nhưng kinh nghiệm thực tế tại các nước cho thấy, ngoài ý nghĩa văn hoá xã hội, lợi ích đem lại từ nguồn thu du lịch thương mại thường rất cao khi có chiến lược bảo tồn đúng đắn. 

Theo ông, các nhà đầu tư thiên về “tư duy mét vuông” không phải băn khoăn lợi nhuận có kém đi chăng so với việc phá bỏ công trình cổ để xây nhà cao tầng, nếu như họ đi thăm và học được bài học thành công của ba khu trung tâm lịch sử nổi tiếng: khu Xintiandi Thượng Hải, khu phố cổ trung tâm Montréal, Paris. Các khu trung tâm lịch sử nổi tiếng này có một số điểm chung, là thường được tổ chức như những khu vực dịch vụ và giao tiếp xã hội đa chức năng. Các công trình và bao cảnh lịch sử được bảo tồn, nhưng nội dung sinh hoạt của khu vực được tổ chức lại rất phong phú, từ quán càphê, nhà hàng, cửa hàng các loại, cho đến các bảo tàng, nhà triển lãm, sân khấu nhỏ, khu sinh hoạt văn nghệ ngoài trời, chợ đêm, festival… Tổng thu nhập đem về cho nhà đầu tư cũng như cho thành phố từ doanh số bán hàng và cung ứng dịch vụ các loại, sự gia tăng giá trị địa ốc và giá trị văn hoá du lịch… tỷ lệ thuận với sự gia tăng thuế tiêu thụ, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà đất… của những nơi này, chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong việc đóng góp cho việc phát triển kinh tế của thành phố và cả nước. 

Ngoài ra, để khuyến khích sự hưởng ứng, người dân cũng có thể được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt khi bảo tồn hoặc cải tạo theo các quy định hướng dẫn trong chu vi trung tâm lịch sử. Ở Mỹ, từ 10 – 20% chi phí bỏ ra cho việc cải tạo duy tu, nếu theo đúng quy định trong khu vực bảo tồn lịch sử, thì có thể được tính khấu trừ vào thuế thu nhập của chủ đầu tư, theo chương trình ưu đãi thuế liên bang trong bảo tồn lịch sử. 

Bắt đầu từ đâu? 

KTS Nguyễn Tấn Vạn, chủ tịch hội KTS Việt Nam cho rằng, muốn làm tốt được công tác bảo tồn thì chúng ta nên bắt đầu tư cái đơn giản là: trong kho tàng di sản kiến trúc đô thị, chúng ta phải xác định được cần bảo tồn công trình nào, quần thể nào, kiến trúc nào…và bảo tồn những công trình ấy trên cơ sở tiêu chí nào? 

Riêng với TP.HCM, KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất bài toán quản lý di sản cần được khởi đầu bằng việc thống kê lại danh sách và vẽ ghi chi tiết các công trình có giá trị lịch sử, cũng như xác định khu vực lõi trung tâm lịch sử cần bảo vệ di sản. Khu Trung tâm lịch sử có phần lõi trung tâm, đánh dấu 300 năm phát triển của Sài Gòn xưa và tồn tại đến ngày nay, cần được đặc biệt quan tâm trong quy hoạch khu trung tâm. Đó là khu vực giới hạn các con đường “Lê Duẩn – Hai Bà Trưng – Nguyễn Du – Tôn Đức Thắng – Lê Duẩn – Nguyễn Bỉnh Khiêm – bờ sông Sài Gòn – Tôn Đức Thắng – Lý Tự Trọng – Đồng Khởi – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Trung Trực – Nguyễn Du – Huyền Trân Công Chúa – Nguyễn Thị Minh Khai – Lê Quý Đôn – Võ Văn Tần – Phạm Ngọc Thạch – Lê Duẩn”. Việc bảo tồn bản sắc Sài Gòn xưa rất quan trọng, khi mà bản sắc hiện đại và độc đáo của một TP.HCM mới trong thế kỷ 21 còn chưa được định hình. 

Riêng KTS Nguyễn Văn Tất lại đưa ra một ý kiến khá riêng là nên bắt đầu từ việc “bảo tồn từ vựng kiến trúc”. Theo KTS Tất, thành phố cũng như một con người, có sức khoẻ, sắc vóc và có những đặc điểm riêng về tính cách. Trong đó có “lời ăn tiếng nói” mang dấu ấn riêng. Kiến trúc đô thị như một quyển sách văn học. Nội dung, ý tứ, thông điệp cao xa là giá trị cốt lõi nhưng chuyển tải có phù hợp và nhiều cảm xúc hay không chính là câu chữ. Hiện nay trong kiến trúc, tình trạng lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” mọc lên nhan nhản. Càng trầm trọng hơn khi người ta để một chi tiết của thế kỷ 19 lọt thỏm vào một công trình phục dựng thuộc thế kỷ 17, hay một trụ cổng gợi truyền thống Việt Nam lại có module gờ chỉ của thức kiến trúc La Mã. “Chỉ khi khắc phục được những chuyện tưởng nhỏ này thì mới bàn đến việc bảo tồn những thứ lớn lao”, ông Tất nói. 

Tùng Quang 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: