Kiến trúc là ngành nghệ thuật tổng hợp. Để tác phẩm kiến trúc có giá trị phải có lý luận làm nền tảng. Để cộng đồng đánh giá và hiểu đúng các giá trị của tác phẩm và để tác giả không ngừng đổi mới, không ngừng sáng tạo cần phải có phê bình kiến trúc. Kiến trúc Việt Nam chưa phát triển đúng tầm của dân tộc, một phần do hoạt động lý luận và phê bình kiến trúc chưa phát triển.
Tổng quan của kiến trúc hôm nay
Nhà Quốc hội Việt Nam
Cùng với sự phát triển của đất nước, kiến trúc Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, không chỉ về quy mô mà cả về chất lượng. Mạng lưới đô thị quốc gia đã hình thành, làm nền tảng và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Kiến trúc không chỉ tạo cơ sở vật chất, góp phần cải thiện diện mạo của đất nước, điều kiện sống của nhân dân ở thành thị và nông thôn, mà quan trọng hơn là góp phần xây dựng, đổi mới nếp sống, lối sông và môi trường sống của nhân dân.
Tuy vậy, nhìn ra thế giới và khu vực, rồi nhìn lại chính mình, kiến trúc Việt Nam vốn dĩ giàu cá tính và truyền thống. Bước vào hội nhập quốc tế, vừa tiếp nhận những thành tựu và kinh nghiệm của kiến trúc thế giới, vừa bị tác động theo xu hướng quốc tế hóa.
Kiến trúc nông thôn đang bị biến dạng, nhiều giá trị truyền thống bị phá vỡ; bức tranh kiến trúc đô thị ngổn ngang, tự phát, thiếu sự quản lý có hiệu quả.
Các KTS đang hành nghề trong môi trường cạnh tranh, vừa phải thỏa mãn yêu cầu thị hiếu của khách hàng, vừa khao khát với những hoài bão về một nền kiến trúc đậm chất dân tộc trong trào lưu đang bị quốc tế hóa.
Những năm gần đây, giao lưu quốc tế được mở rộng, các KTS Việt Nam đã bước đầu thành công và giành nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế có giá trị trong sáng tác theo các xu hướng của thời đại như kiến trúc xanh, phát triển bền vững, kiến trúc vì hạnh phúc, kiến trúc vì cộng đồng…
Xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc hay hiện đại và dân tộc?
Trong giai đoạn CNH, HĐH, Đảng ta đề ra mục tiêu xây dựng kiến trúc Việt Nam hiện đại và dân tộc, hay tiên tiến và giàu bản sắc. Đây là nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng, bởi một quốc gia có nền văn hóa riêng của mình là quốc gia giàu sức sống, đáng được tôn trọng.
Chúng ta đã từng bàn về nội hàm Dân tộc - Hiện đại hay Tiên tiến và Bản sắc dân tộc. Xin nêu ra đây một khía cạnh về sự nhận biết đối với quan niệm này.
Xây dựng nền kiến trúc tiên tiến được hiểu là xây dựng tính chất tiến bộ của nền kiến trúc, không chỉ về giải pháp kiến trúc, công nghệ, kỹ thuật, mà trước hết là nội dung tư tưởng trong nghệ thuật kiến trúc, phương pháp tiếp cận và đối tượng mà kiến trúc phục vụ; định hướng và tính dẫn dắt của kiến trúc cho quá trình xây dựng xã hội mới, nếp sống, lối sống mới tiến bộ trong lộ trình xây dựng xã hội và con người Việt Nam.
Bản sắc dân tộc là những phẩm chất được hình thành, kết tinh, chọn lọc từ nền văn hóa Việt, từ lối sống, nếp sống, quan niệm về cái đẹp trong nghệ thuật, về kỹ năng tồn tại trước thiên nhiên, khí hậu và môi trường của con người Việt Nam qua nhiều thế hệ.
Bản sắc dân tộc của kiến trúc chính là cái Hồn của tác phẩm, là hơi thở của tác giả; ở đó người ta cảm nhận và chia sẻ với không gian sống của mỗi người dân Việt, ở từng vùng, từng miền và trên lãnh thổ Việt Nam.
Đến nghỉ dưỡng ở một biệt thự mới xây tại một vùng biển đẹp ở miền Trung, nhiều người cảm nhận mình đang ở một ngôi nhà tại một nơi xa lạ, không phải Việt Nam.
Cũng gần đó không xa, một không gian nghỉ dưỡng được mọi người cảm thấy thân quen, gần gũi bởi những bụi cây, bức tranh, cách tổ chức nội thất… mang hơi thở và nếp sống Việt.
Mỗi thế hệ, mỗi thời đại có thể có cảm nhận về bản sắc dân tộc khác nhau, phù hợp với nếp sống và môi trường sống, nhưng chắc chắn một sản phẩm kiến trúc gắn bó với bản sắc văn hóa của dân tộc sẽ mang lại giá trị bền vững cho con người.
Bản sắc dân tộc, chính vì vậy, luôn phát triển, bổ sung và làm giàu thêm ở mỗi thế hệ, mỗi thời đại để luôn đáp ứng với nhận thực và quan niệm sống của con người Việt trong từng giai đoạn phát triển.
Trụ sở Bộ Tài chính
Định hướng phát triển kiến trúc nước nhà
Là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của KTS Việt Nam, Hội KTS Việt Nam đã đề ra phương châm, mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ VIII và IX, được thể hiện trong Nghị quyết của Đại hội là: “Bằng mọi nỗ lực, thúc đẩy kiến trúc Việt Nam phát triển nhanh và đúng hướng, bắt nhịp với xu hướng kiến trúc thế giới và khu vực; kiến trúc của thời đại công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, kiến trúc sinh thái, kiến trúc xanh”.
Kiến trúc xanh là mục tiêu phát triển của kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, vừa phù hợp với truyền thống văn hóa - kiến trúc dân tộc, đáp ứng nếp sống của người Việt và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường sống của đất nước hiện tại và tương lai, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu…
Tuyên ngôn kiến trúc xanh và 5 tiêu chí xanh do Hội KTS Việt Nam đề xướng nhằm thúc đẩy toàn xã hội và giới KTS tìm kiếm các giải pháp tiến bộ, nhân văn, hiệu quả trong xây dựng công trình và phát triển đô thị - nông thôn bền vững.
Tiêu chí kiến trúc xanh Việt Nam thể hiện tính tiên tiến, tiếp cận xu hướng tiến bộ của nhân loại, đồng thời thể hiện bản sắc kiến trúc Việt Nam với tinh thần nhân văn, tính xã hội sâu sắc mà kiến trúc Việt Nam phải tiến đến để mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Tiêu chí kiến trúc xanh Việt Nam, chính vì vậy, sẽ là một trong những hướng phát triển chính của nền kiến trúc bền vững của hôm nay và nhiều năm sau.
Kiến trúc của thời đại công nghệ 4.0
Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi to lớn từ cuộc công nghiệp lần thứ 4 mang lại.
Với chức năng của ngành kỹ thuật xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động của con người, kiến trúc đang đứng trước sự đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi tư duy, phương pháp tiếp cận, nội dung, mục tiêu và yêu cầu thiết kế phù hợp với các thành tựu của công nghệ thông tin, quá trình tự động hóa thiết kế, sử dụng trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, trong thiết kế, trong triển khai đồ án…
Ngày nay, xung quanh thế giới chúng ta đang diễn ra bước chuyển mình vĩ đại trong ngành kiến trúc thế giới.
Các chương trình xây dựng Thành phố thông minh, Ngôi nhà thông minh, Nhà máy thông minh, Bệnh viện thông minh… đang diễn ra hàng ngày. Đã xuất hiện những siêu thị tự động do người máy phục vụ; những “Bệnh viện của tương lai” với quy mô nhỏ hơn nhưng chuyên sâu hơn, thân thiện hơn, nhân viên y tế ít hơn nhưng chăm sóc bệnh nhân tốt hơn… thông qua việc ứng dụng công nghệ y học từ xa, nhiều robot và thiết bị theo dõi không xâm lấn.
Cuộc cách mạng 4.0 đã đến, đang thay đổi nếp suy nghĩ, quy trình thiết kế, phương pháp tiếp cận và nội dung thiết kế kiến trúc. Sẽ đến một lúc nào đó không xa, những trung tâm hành chính tập trung đồ sộ, hoành tráng sẽ trở nên lạc lõng, xa lạ, vắng bóng người. Các hoạt động giao dịch, hành chính sẽ giải quyết nhanh gọn thông qua chính quyền điện tử, internet kết nối… Các nhà văn hóa khép kín, cung văn hóa, nhà hát cũng sẽ có nhiều đổi thay về phương thức hưởng thụ nghệ thuật, phong cách tiếp cận nghệ sĩ với khán giả, mà mô hình công trình hiện nay không còn thích hợp.
Để hòa nhập cùng nhân loại và chuẩn bị tham dự vào sự thay đổi đó, chỉ còn một con đường là học, đào tạo liên tục, thường xuyên. Đó cũng là cơ hội để kiến trúc Việt Nam bắt nhịp với kiến trúc thế giới vì chúng ta có truyền thống và phẩm chất ham học, tiếp thu cái mới và sáng tạo để nhanh chóng trở thành những con người sáng tạo, điều khiển công nghệ, phục vụ phát triển kiến trúc Việt Nam trong thời đại tin học này.
Ngoài yêu cầu về năng lực ứng dụng công nghệ, KTS Việt Nam đang đứng trước thử thách và đòi hỏi nâng cao năng lực sáng tạo, ý tưởng sáng tạo để kiến trúc Việt Nam không bị đồng hóa, quốc tế hóa, điển hình hóa, để bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam được đọng lại trong tác phẩm kiến trúc.
Hội KTS Việt Nam nhận rõ bổn phận của mình, sẽ nỗ lực đi tiên phong tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thích hợp với yêu cầu mới, phù hợp với chức năng của Hội được xác định trong Luật Kiến trúc mà Quốc hội sắp xem xét, thông qua.
Dù hoàn cảnh nào, thời đại nào, công nghệ nào kiến trúc vẫn luôn gắn liền với con người sáng tạo ra tác phẩm kiến trúc. KTS Việt Nam là những người xây dựng nền văn hóa dân tộc tiên tiến, bản sắc, phục vụ cho cuộc sống và con người Việt Nam. Đó là mục tiêu của kiến trúc Việt Nam, của Hội KTS Việt Nam.
KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
- Kiến trúc và sinh học
- Khu Hòa Bình - Đà Lạt: Lẽ nào chỉ còn trong ký ức?
- Four Leaves Villa / thiết kế: KIAS
- 10 công trình ấn tượng được chờ đón nhất năm 2019
- 10 công trình kiến trúc ấn tượng nhất tại Ashui Awards 2018
- Di sản kiến trúc cận-hiện đại, bảo tồn và tạo dựng bản sắc cho đô thị
- Kiến trúc xanh và giải pháp vi khí hậu cho thiết kế nhà phố hiện đại
- Paris Expo Porte de Versailles: nơi tổ chức Paris Motor Show 2018
- CLT Urban Pavilion / thiết kế: Worklounge 03 + Takashi Niwa Architects
- The Milestone / thiết kế: MVRDV