Tuần qua, tại xã Đường Lâm (TX. Sơn Tây - Hà Nội), UBND thị xã Sơn Tây đã tổ chức hội nghị giới thiệu địa điểm dãn dân và lắng nghe ý kiến nhân dân Đường Lâm về chủ trương dãn dân trong khu vực làng cổ (ảnh). Tuy nhiên, các địa điểm dãn dân mà nhà chức trách đưa ra đều bị người dân bác bỏ.
Đẩy dân vào vùng khó khăn?
Các cơ quan chức năng đã đưa ra ba vị trí được dự kiến xây khu dãn dân, gồm khu Đồi Trung, diện tích gần 20ha, là đất trồng màu; khu Đồng Chậu diện tích 2,9ha và khu Gò Mo, diện tích 7,4ha - đều là đất trồng lúa. Hội nghị tập trung lấy ý kiến nhân dân về vị trí số 1 là khu Đồi Trung vì có diện tích rộng hơn cả, có thể quy hoạch cho hơn 400 hộ dân.
Đa số ý kiến người dân Đường Lâm đều cho rằng cả 3 vị trí trên quá xa với nơi ở thực tại của người dân. Có người thắc mắc: “Sao đất quanh làng chúng tôi còn nhiều mà không cho chúng tôi dãn dân ra đó, khu Đồi Trung quá khó khăn, chúng tôi không đồng ý”. Ông Cát Văn Vinh (thôn Đoài Giáp) kiến nghị: “Hãy chọn những địa điểm ở gần khu người dân sinh sống, thôn nào thì dãn vào những vị trí có đất trống ở thôn đó, như vậy vẫn bảo đảm được tính cộng đồng. Tôi nghĩ nếu nghiên cứu theo hướng như thế thì người dân sẽ đồng thuận”.
Theo chị Hoa (thôn Mông Phụ): “Cắm đất dãn dân ra Đồi Trung là quá xa đối với nhân dân chúng tôi. Như vợ chồng chúng tôi đang sống với ông bà, nếu dãn dân ra ngoài đó thì làm sao chúng tôi có thời gian đi 5km gửi con để đi làm, kéo xe lúa từ ruộng nhà tôi về khu dãn dân thì phải mất cả nửa ngày trời thì còn làm ăn gì nữa?”.
Đằng sau bức xúc của dân làng
Nhiều bà con Đường Lâm còn cho rằng khu Đồi Trung dù quá xa, không thuận lợi cho dân, nhưng vẫn được đưa vào vị trí dãn dân làng cổ bởi vì đây là phương án “giải quyết hậu quả” cho doanh nghiệp nào đó đã thu mua phần lớn khu vực này.
Có chuyện dự án dãn dân liên quan đến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hay không? Câu hỏi “lý do tại sao lại đưa dân chúng tôi ra Đồi Trung?” cũng được nêu lên nhiều lần trong hội nghị. Sau mỗi câu hỏi “khó” của dân làng như thế này đều không có sự trả lời của cán bộ lãnh đạo.
Bên cạnh đó, nhiều người dân còn cho rằng cần phải có quy hoạch cụ thể cho làng cổ Đường Lâm, sau đó mới nên có hội nghị lấy ý kiến dãn dân này. Chị Giang Tú Oanh (thôn Mông Phụ) bức xúc: “Các vị muốn lấy ý kiến của dân làng thì chúng tôi muốn nói chuyện quy hoạch làng cổ trước đã rồi mới bàn đến chuyện dãn dân; chứ bây giờ làng cổ đang bung bét, nhà tu sửa thì bị phá dỡ, rồi cắt điện, cắt nước của chúng tôi, thanh tra suốt ngày lùng sục như “ấp chiến lược” thì bàn chuyện dãn dân làm gì? Còn nếu chỉ bàn đến 3 vị trí dãn dân kia thì dân làng đều không tán thành các địa điểm trên”.
Sự bức xúc của người dân Đường Lâm được đẩy lên tột đỉnh khi không có vị cán bộ nào trả lời được những câu hỏi của họ, khiến không khí của nghị hết sức căng thẳng. Dân làng ùn ùn bỏ ra về, khiến hội nghị “vỡ trận”.
Như vậy, dự án dãn dân vừa manh nha đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của dân làng Đường Lâm. Việc này làm cho phương án bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm tiếp tục không tìm được tiếng nói chung giữa nhân dân và những người quản lý. Những câu hỏi vẫn tiếp tục không có lời giải đáp.
Thành Sơn
- Chuyển đổi bất thành chợ truyền thống thành trung tâm thương mại
- Cây xăng trong khu dân cư: Những “quả bom” chưa nổ!
- Nhà H'mông và những biến đổi hiện nay
- Quyết tâm của Bộ trưởng và "món xương gà chiên bơ"
- Không thể thờ ơ việc quản lý thủy điện
- Dự luật đất đai vẫn gây nhiều quan ngại
- Nhức nhối phong trào “rào” dự án tại TP Đà Nẵng
- Giá giảm, chất lượng căn hộ có giảm?
- Đừng để phải trả giá vì quy hoạch nữa!
- Nghề nghiệp xanh