Việc tu bổ di tích nói chung đặt nền móng trên 3 yếu tố căn bản: Sự hài hòa giữa công trình mỹ thuật với cảnh quan kiến trúc tại chỗ; sự hoài hòa đó bắt nguồn từ con người - từ cái tâm và tầm nhìn của các cặp quản lý, của người trực tiếp thực hiện tu bổ và của dân cư sở tại.
(Ảnh minh họa /Nguồn: Internet)
Phải nói rằng Mỹ thuật và Kiến trúc từ xa xưa đến nay vốn có mối liên hệ chặt chẽ. Kiến trúc không chỉ đáp ứng các nhu cầu ăn ở sinh hoạt và thờ cúng cơ bản nhất mà còn phù hợp với nề nếp, tục lệ, phong hóa của đời sống tinh thần - tâm linh, đặc sắc của mỗi cộng đồng người dù lớn nhỏ khác nhau, theo cảm nhận khác nhau về cái đẹp ở mỗi cộng đồng ấy. Nhưng lâu nay, còn nhiều người chưa thực sự quan tâm đến yêu cầu cốt yếu này. Điều này có thể còn do ngay từ khâu đào tạo, bên mỹ thuật có vài tuần ít ỏi dành cho đạc biểu kiến trúc, vẽ ghi các công trình cổ nhưng chưa thật sự đi vào nghiên cứu, nhận biết toàn diện về tổng thể cảnh quan kiến trúc, tương ứng bối cảnh văn hóa tinh thần của những công trình ấy. Bên kiến trúc thì phần mỹ thuật được học cũng rất hạn chế, chưa ghi khắc cho người học những nhận thức nền tảng về mối liên quan hữu cơ, nhiều khi mang tính tất yếu, của sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa công trình kiến trúc với công trình mỹ thuật.
Ở những công trình di tích, từng chi tiết nhỏ của kiến trúc và mỹ thuật đều mang chứa, biểu đạt tâm hồn của những nghệ nhân đã làm nên chúng. Đó là sự “chưng cất” tinh hoa của con người và xứ sở vào thời điểm ấy, chính là một phần tinh hoa của lịch sử cư dân và đất nước, mang những dấu ấn thời đại độc đáo và duy nhất, không thể phục hiện nếu để mất đi. Vì thế, cái tâm của người làm công tác tu bổ di tích phải được đặt lên hàng đầu - phải kính trọng và yêu quý di sản của dân tộc để đủ lòng kiên nhẫn và thận trọng, kiên trì và sáng suốt nghiên cứu, từ dựa vào yếu tố gốc để phân tích, nhận định, phân biệt vật liệu, nhận biết các hình thức, chi tiết trang trí, chạm khắc… cho đến các khâu thực hiện tu bổ, dựa vững chắc trên nguyên lý chung của công tác bảo tồn. Trong thực tế tiến hành bảo tồn các di tích, chú trọng đến việc cân bằng giữa các yếu tố kỹ thuật - mỹ thuật đòi hỏi vai trò đặc biệt quan trọng của KTS, họ đóng vai trò như “nhạc trưởng” trên công trường tu bổ. Bởi vậy, KTS phải hiểu biết về lịch sử, mỹ thuật, về văn hóa truyền thống nói chung; đồng thời rất cần sự cộng tác thiết thực, hiệu quả, trên tinh thần học hỏi không ngừng, giữa nhà kiến trúc và nhà mỹ thuật trong từng công trình tu bổ di tích cụ thể.
Trên thực tế, có thể thấy hầu hết các cộng đồng sở tại đều rất ý thức về việc bảo vệ những di sản văn hóa - lịch sử của cộng đồng mình và tại các địa phương lân cận. Từ đó, tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất vẫn là xây dựng một nhận thức phù hợp (hoặc củng cố nhận thức đúng đắn sẵn có về bảo tồn di tích) trong đó quan trọng hàng đầu là nhận thức của các cấp quản lý nhà nước, được đặt ra trong mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ với nhận thức và trình độ chuyên môn của những người làm công tác tu bổ, kết hợp với nhận thức của cộng đồng. Để thực hiện được điều này, cần đồng bộ các công cụ quản lý, các Luật Xây dựng, Luật Di sản. Luật Quy hoạch… tạo hành lang quản lý cũng như chế tài đối với các công trình tu bổ; tổ chức đào tạo để nâng cao nhân thức của các cấp, ngành; tổ chức truyền thông phổ cập đến tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức vốn có của các cộng đồng, cập nhật cho họ những hiểu biết về pháp lý và khoa học có liên quan. Mặt khác, thông qua tuyên truyền, người dân là kênh ủng hộ công tác giữ gìn bảo tồn giá trị của di tích.
Những người làm công tác tu bổ cần có trình độ, bản lĩnh để phản biện, thuyết phục các cấp quản lý trong quá trình thực hiện công tác bảo tồn các công trình di tích. Bởi, xin được nhắc lại, yếu tố con người vẫn là then chốt của công tác bảo tồn, tu bổ - một công tác trực tiếp góp phần giáo dục, hướng dẫn cho nhiều thế hệ dân cư.
Nguyễn Minh Vũ - Công ty Mỹ thuật Trung ương
(Báo Xây dựng)
- Phú Quốc ngập nặng do vẫn dùng hệ thống thoát nước cũ từ năm 2003
- Phố núi Đà Lạt ngập nặng do vỡ quy hoạch nhà kính?
- Giải pháp dùng LU chống ngập là khoa học, hiệu quả, nhân văn và sinh thái
- Thu phí ô tô vào trung tâm: Nên làm nhưng vẫn phải phát triển giao thông công cộng
- Ùn tắc giao thông lỗi không riêng dân, sao lại đòi thu phí?
- Vai trò của lý luận nhận diện giá trị di sản
- Đồng bằng sông Cửu Long cần cơ chế đặc biệt để sống còn
- Xếp hạng di sản văn hóa: đủ luật, thiếu niềm tin
- Những ai băm nát quy hoạch Thủ đô?
- Từ một Hà Nội chặt, dời hàng ngàn cây xanh đến những định nghĩa mù mờ về đô thị