Ashui.com

Sunday
Nov 10th
Home Tương tác Phản biện Trung tâm tài chính quốc tế: Cơ hội nào cho Việt Nam?

Trung tâm tài chính quốc tế: Cơ hội nào cho Việt Nam?

Viết email In

Với cách hiểu về khái niệm trung tâm tài chính quốc tế như dưới đây, Việt Nam có trở thành một trung tâm tài chính quốc tế hay không phụ thuộc trước hết vào chính nỗ lực và quyết tâm của chính quyền trung ương trong việc phát triển hệ thống tài chính theo chuẩn mực quốc tế.

 
Việc có thể hình thành một trung tâm tài chính quốc tế ở phạm vi quốc gia không nằm ngoài khả năng của Việt Nam mà phụ thuộc chủ yếu vào ý chí, quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền trong nước. (Ảnh minh họa: Thành Hoa)

Nhận diện trung tâm tài chính quốc tế

Mọi đất nước, dù lớn dù nhỏ, đều không thể thiếu hệ thống tài chính. Được ví như mạch máu trong cơ thể con người, hệ thống tài chính có nhiệm vụ kết nối giữa những người có vốn nhàn rỗi với các nhà đầu tư, những người cần sử dụng vốn. Vốn được lưu chuyển và điều phối tuần hoàn làm cơ thể khỏe mạnh, phát triển. Trái lại, khi vốn ứ đọng, phân bổ không phù hợp sẽ phát sinh bệnh tật. Đấy cũng chính là mối quan hệ giữa nền kinh tế và hệ thống tài chính.

Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, khi phạm vi hoạt động và lưu chuyển dòng vốn vượt ra ngoài biên giới quốc gia, hệ thống tài chính phát triển mạnh mẽ theo các chuẩn mực quốc tế thu hút được các khách hàng và tổ chức trong nước và quốc tế cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng tập trung trong một không gian đô thị - nơi ấy trở thành... trung tâm tài chính quốc tế (International Financial Center - IFC).

Tùy theo đối tượng phục vụ, quy mô và ảnh hưởng xét trên góc độ nghiệp vụ (đặc thù sản phẩm tài chính, dịch vụ được cung cấp) hay xét trên cấp độ địa lý (phạm vi cung cấp dịch vụ), không gian đô thị ấy có thể được biết đến như... trung tâm tài chính nội địa (Domestic Financial Center, DFC), trung tâm tài chính khu vực (Regional Financial Center, RFC), trung tâm tài chính toàn cầu (Global Financial Center) hay trung tâm tài chính ngoài khơi (Offshore Financial Center, OFC).

Thiên, địa, nhân của Việt Nam

Việt Nam là một nền kinh tế mở và có tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức khá cao, quy mô nền kinh tế không nhỏ, nhất là gắn với quy mô dân số đáng kể trong tương quan chung trên thế giới, nhu cầu (hiện hữu và tiềm năng) về vốn và các giao dịch tài chính nội tại của nền kinh tế không ngừng gia tăng.

Yêu cầu cấp thiết trong việc phát triển hệ thống tài chính theo chuẩn mực quốc tế một mặt đảm bảo sự lành mạnh của thị trường tài chính, gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư (cả những người cung cấp vốn và những người có nhu cầu sử dụng vốn) trong nước và quốc tế, mặt khác thúc đẩy việc phân bổ và sử dụng vốn hiệu quả hơn.

Những điều này hiển nhiên sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển tốt hơn bởi hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) và khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp sẽ được cải thiện.

Phát triển hệ thống tài chính theo chuẩn mực quốc tế cũng chính là tiền đề để Việt Nam hội nhập cùng với các nước trong khu vực và trên thế giới trong bức tranh thị trường tài chính toàn cầu.

Nếu không nói cùng một ngôn ngữ chuẩn mực chung, từ các chuẩn mực kế toán, kiểm toán, khung khổ pháp lý đến các quy định an toàn hoạt động của ngân hàng và các tổ chức tài chính..., sẽ rất khó để Việt Nam trở thành điểm đến của số lượng lớn các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng giao dịch tài chính, các quy định về an toàn, lưu giữ, bảo mật thông tin, bảo vệ sở hữu trí tuệ... theo các chuẩn mực quốc tế cũng sẽ giúp Việt Nam hội nhập và mở rộng các hoạt động tài chính trong mạng lưới toàn cầu dễ dàng hơn.

Cơ hội để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế ở phạm vi quốc gia nằm trong tầm tay người Việt Nam và phụ thuộc chủ yếu vào ý chí quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền trung ương.

Kể từ sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, những biến động về bối cảnh địa kinh tế, chính trị có xu hướng củng cố vị thế của khu vực châu Á trong bức tranh kinh tế, tài chính toàn cầu.

Đặc biệt thời gian gần đây, cùng với ảnh hưởng của khủng hoảng lãnh đạo ở các nền kinh tế lớn và các hệ lụy từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ngày càng xuất hiện nhiều các thảo luận về triển vọng tăng trưởng kinh tế suy giảm ở đa số các quốc gia trên thế giới, kể cả ở Đức, Hàn Quốc, Singapore - là các quốc gia được biết đến như biểu tượng của sự phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hậu khủng hoảng năm 2008.

Đồng thời, hiện tượng lãi suất thực âm không còn là câu chuyện của riêng Nhật Bản mà đã thành của đa số các nước châu Âu và cả nước Mỹ, điều này không chỉ khiến giới tài chính phải điều chỉnh các mô hình định giá truyền thống mà còn đặt ra thêm nhiều thách thức cũng như hồ nghi về triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, các nước có tốc độ tăng trưởng cao, lãi suất dương, đặc biệt giữ được sự ổn định chính trị, tôn giáo và dân số đồng nhất hạn chế các xung đột sắc tộc, tín ngưỡng chính là những điểm đến lý tưởng của dòng vốn quốc tế. Những gì đã và đang xảy ra ở Hồng Kông là ví dụ điển hình về ảnh hưởng của ổn định chính trị tới thị trường tài chính.

Xét ở các khía cạnh kinh tế - chính trị - xã hội - địa lý, Việt Nam đang có những lợi thế tích cực, thậm chí có thể được đánh giá là vượt trội, trong bối cảnh toàn cầu và khu vực hiện nay để không chỉ thu hút dòng vốn cho mục tiêu phát triển kinh tế nội tại mà còn có thể cung cấp các dịch vụ tài chính phụ trợ cho các nước trong khu vực và quốc tế.

Triển vọng trở thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế không phải là ước mơ ngoài tầm với nhưng phụ thuộc trước tiên vào việc Việt Nam phải có một trung tâm tài chính phát triển với các chuẩn mực hàng đầu quốc tế.

Thách thức mang tên... hệ sinh thái

Trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, dù ở phạm vi quốc gia trước khi kỳ vọng xa hơn ở phạm vi khu vực và thế giới, sẽ là một yếu tố tối quan trọng để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế Việt Nam, từng bước củng cố và gia tăng vị thế của đất nước trong khu vực và trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của hệ sinh thái trung tâm tài chính, mà trước hết là hệ thống thể chế, chính sách liên quan đến môi trường kinh doanh và sự phát triển của ngành tài chính cùng các ngành hỗ trợ.

Rất nhiều bài học cho thấy sự phát triển cục bộ về cơ sở hạ tầng cứng của trung tâm tài chính dẫn đến nguy cơ bong bóng bất động sản gia tăng, chi phí thuê mặt bằng trở nên đắt đỏ làm mất lợi thế cạnh tranh tương đối khiến trung tâm tài chính không những không thể hình thành mà còn gây bất ổn cho nền kinh tế.

Đồng thời, sự phát triển của thị trường tài chính với sự mở rộng tham gia của các tổ chức tài chính, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm tài chính cũng phải gắn chặt với sự phát triển của cơ sở hạ tầng mềm. Cần đặc biệt lưu ý đến các vấn đề chính như rủi ro thanh khoản, bất cân xứng thông tin và hệ quả của mối quan hệ ủy quyền - thừa hành, và nhất là hệ thống giám sát, điều tiết để tránh hệ lụy tiêu cực do tính mong manh của tài chính.

Tóm lại, việc có thể hình thành một trung tâm tài chính quốc tế ở phạm vi quốc gia không nằm ngoài khả năng của Việt Nam mà phụ thuộc chủ yếu vào ý chí, quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền trong nước. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có những điều kiện sẵn có và các cơ hội để trở thành trung tâm tài chính quốc tế phạm vi khu vực, thậm chí xa hơn trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, các cơ hội này chỉ có thể trở thành triển vọng thực thụ nếu lựa chọn đúng và tập trung phát triển trung tâm tài chính (như định hướng hiện nay là phát triển trung tâm tài chính TPHCM) gắn liền với chính sách - chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, quyết tâm thực sự của lãnh đạo trung ương và địa phương thành phố, gắn kết với sự phát triển của trung tâm tài chính với toàn vùng kinh tế và cả nước, phát triển đồng bộ hệ sinh thái trung tâm tài chính và trước hết là các yếu tố chính sách, quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản và quy hoạch đô thị.

TS Trần Thị Quế Giang - Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo