Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Tương tác Phản biện Hà Nội: Chống ùn tắc giao thông bằng quy hoạch

Hà Nội: Chống ùn tắc giao thông bằng quy hoạch

Viết email In

Khu vực đô thị trung tâm Hà Nội đang bị quá tải nặng nề trước tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và tăng dân số quá nhanh, nhất là tăng dân số cơ học. Sự quá tải đã gây nên ùn tắc giao thông đô thị khu vực nội đô và các cửa ngõ dẫn vào TP. Nhận định vấn đề ùn tắc giao thông đô thị Hà Nội là “bài toán khó” tuy nhiên, theo Phó tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, PGS.TS Vũ Thị Vinh, bài toán khó này không phải là không có lời giải khả thi…

Giảm tải cho khu vực trung tâm

Trước thực trạng giao thông đô thị Hà Nội ngày càng quá tải, các chuyên gia đô thị đã có những phân tích nguyên nhân cũng như đề xuất giải pháp khắc phục. Theo Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị ThS Đỗ Viết Chiến, nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trong nội đô nói riêng, toàn TP nói chung, Hà Nội cần sớm triển khai việc lập và phê duyệt quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật về giao thông Thủ đô cho phù hợp với định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được phê duyệt để quản lý và xác định các dự án hạ tầng kỹ thuật khung.

Thứ nữa, để giảm tải cho trung tâm Hà Nội, TP cần kiểm soát gia tăng dân số vào trung tâm, đồng thời phân bố dân cư và các khu chức năng đô thị hợp lý, từng bước di dời các cơ sở đào tạo, bệnh viện ra khỏi trung tâm TP. Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở nói trên ưu tiên cho mục đích công cộng, hạn chế tối đa việc xây dựng nhà ở. Việc cải tạo các khu chung cư cũ cần tuân thủ nguyên tắc không đưa thêm dân cư mới vào. Bên cạnh đó, Hà Nội cần xây dựng các khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại, có chất lượng sống tốt, đẩy nhanh việc xây dựng các đô thị vệ tinh, tạo lực hút ra bên ngoài…

Ông Chiến nhấn mạnh: Hà Nội cần đẩy nhanh phát triển giao thông công cộng, dần thay thế các phương tiện cá nhân và phát triển nhanh các bến bãi đỗ xe (ngầm và nổi) trong khu vực nội đô. Đặc biệt, Hà Nội cần khuyến khích áp dụng công nghệ để tiết kiệm đất xây dựng mới, xây dựng hệ thống đường tầng trên các tuyến giao thông vành đai và các tuyến hướng tâm, nút giao thông khác cốt theo quy hoạch...

Đồng tình với quan điểm giảm tải cho đô thị trung tâm, PGS.TS Vũ Thị Vinh cũng đề xuất: “Vấn đề giãn dân của Hà Nội cần gắn kết với các đô thị gần kề”.

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP có 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và 3 thị trấn - đô thị sinh thái. Các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái (chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, thương mại, công nghiệp và dịch vụ…) này gắn kết với đô thị trung tâm bằng hệ thống các đường hướng tâm, đường vành đai, với các phương tiện giao thông có sức chuyên chở lớn như xe buýt nhanh, đường sắt đô thị, đường sắt trên cao. Tuy nhiên, bà Vinh phân tích: Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải có một nguồn kinh phí lớn, khoảng thời gian 5 - 10 năm và hơn thế nữa. Trong quãng thời gian này, dòng người vẫn đổ về Hà Nội ngày một nhiều hơn, bài toán ách tắc giao thông vẫn là một vấn đề lớn. Do vậy, việc chia sẻ với Hà Nội đòi hỏi có tính chất rộng hơn. Đó là sự gắn kết Hà Nội với các TP xung quanh như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phủ Lý trong bán kính 50 - 60km. Các TP nói trên có sẵn cơ sở vật chất, chỉ cần nhà nước có chủ trương, hỗ trợ thêm nguồn lực để tạo cho mỗi đô thị một chức năng phù hợp. Như vậy, chỉ cần thời gian không dài cũng đã có thêm đô thị hấp dẫn, thu hút lực lượng lao động đến, góp phần giảm tải cho Hà Nội.


PGS.TS Vũ Thị Vinh (ảnh trái) / ThS Đỗ Viết Chiến (ảnh phải)

Rà soát và kết nối các dự án giao thông công cộng

Phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lê Vinh nhận định: Mục tiêu chính của quy hoạch giao thông đô thị Hà Nội cần đạt được là đến năm 2030, đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu đi lại của người dân TP; quỹ đất dành cho giao thông đạt khoảng 20 - 26%; quỹ đất dành cho quy hoạch các bãi đỗ xe 4 - 6% và quy hoạch các mạng lưới các tuyến đường trên cao, các nút giao thông khác cốt…

Một giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông đô thị Thủ đô khác mà bà Vũ Thị Vinh đề xuất là Hà Nội cần nghiên cứu kết nối các dự án xây dựng các tuyến giao thông có sức chuyên chở lớn để hình thành các điểm trung chuyển. Trong quy hoạch phát triển giao thông công cộng đến năm 2030, Hà Nội có các tuyến đường sắt đô thị là Hà Nội - Hà Đông, Yên Viên - Ngọc Hồi, Nhổn - Ga Hà Nội, Nội Bài - Hà Đông và 2 tuyến xe buýt nhanh ở hành lang 1 (Hoàn Kiếm - Hà Đông), hành lang 2 (Hàng Khay - Văn Điển). Các dự án trên đều có chi phí xây dựng lớn, yêu cầu công nghệ cao, sử dụng các nguồn vốn vay nước ngoài và sẽ tạo nên 36 điểm kết nối, đều là điểm kết nối phức tạp. Tuy nhiên, mỗi tuyến lại sử dụng tiêu chuẩn của các nước khác nhau như Trung Quốc, Nhật, Pháp… Hơn thế, các dự án chỉ nghiên cứu có tính riêng biệt mà chưa xem xét kết nối giữa các tuyến đường sắt đô thị với nhau, với các loại phương tiện giao thông công cộng khác nhau. Đơn cử, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông, trong thiết kế ban đầu không đề cập đến yếu tố kết nối giao thông công cộng, trong khi đó, trên tuyến đường này ở một số đoạn có 2 tuyến giao thông công cộng khác cùng chạy qua là tuyến đường sắt đô thị Nội Bài - Hà Đông và tuyến xe buýt nhanh. Như vậy sẽ có các điểm trung chuyển mà ở đó có đến 3 loại hình giao thông khác nhau, việc tổ chức kết nối hết sức phức tạp nhưng hiện tại cả 3 chưa được nghiên cứu kết nối.

Bà Vinh nhấn mạnh: Điểm kết nối là khu vực xây dựng đòi hỏi kỹ thuật cao, nếu không được nghiên cứu ngay từ khâu thiết kế ban đầu sẽ dẫn đến những khó khăn trong quá trình thi công và sẽ gây những lãng phí lớn. Do vậy, ngay từ bây giờ, các dự án cần rà soát lại các điểm kết nối giữa các tuyến giao thông công cộng có sức chuyên chở lớn để hình thành các điểm trung chuyển cho các phương tiện giao thông./.

Hòa Bình

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo