Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Chuyên mục Kiến trúc Giữ gìn và kế thừa kiến trúc nhà sàn dân tộc Thái

Giữ gìn và kế thừa kiến trúc nhà sàn dân tộc Thái

Viết email In

Kiến trúc nhà ở truyền thống và việc tổ chức môi trường sống cộng đồng của các dân tộc trên đất nước Việt Nam là một hệ thống di sản quý giá. Tuy nhiên kiến trúc nhà ở không phải là một di sản bất biến, một mô hình cứng mà trái lại nó luôn biến đổi theo thời gian, thích ứng, kế thừa với những biến đổi của môi trường sống, từ tự nhiên tới xã hội.  


Kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc Thái. 

Chính những sự biến đổi và kế thừa ấy cũng minh chứng cho những giá trị của một dòng kiến trúc, của một giá trị văn hóa có sức sống cùng với thời gian. Giữ gìn và kế thừa kiến trúc nhà sàn dân tộc Thái trong đời sống đương đại hiện nay được xem không chỉ là trách nhiệm mà còn là việc cần làm nhằm tạo dựng tính bản sắc vùng miền. 

Hiện trạng biến đổi kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc Thái 

Dân tộc Thái ở Việt Nam khởi nguồn tập trung ở khu vực Mường Lò (Yên Bái), từ đó phát triển sang các tỉnh Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu hay vào đến tận miền trung như Thanh Hóa, Nghệ An. Dân tộc Thái là nhóm dân tộc thiểu số còn lưu giữ đậm bản sắc văn hóa của dân tộc cả về phong tục, ăn mặc, ẩm thực, trang phục và đặc biệt là kiến trúc nhà, với ngôi nhà sàn có vẻ đẹp về tỷ lệ, hài hòa với thiên nhiên, thích ứng với khí hậu, cấu trúc gỗ đặc sắc và là nơi gìn giữ tinh thần truyền thống của người Thái. Người Thái có 2 nhóm tộc chính là Thái Đen (Táy Đăm) và Thái Trắng (Táy Khao).

Nhà ở truyền thống là dạng nhà sàn, kết cấu gỗ, mái dốc lợp tranh, nhà có 5-7 gian, sàn cao khoảng 1,3-2,4m Nhà có 2 cầu thang, một cho đàn ông (7 bậc), một cho phụ nữ ( 9 bậc). Nhà có các chi tiết đặc trưng, tinh tế như Khau-cút, hoa văn lan can, cửa số. Nhà sàn người Thái Đen có mái đầu hồi khum khum tạo dáng cho cả tòa nhà như hình con rùa, nhà người Thái Trắng mái đầu hồi phẳng. Cũng giống như những ngôi nhà truyền thống khác của người Kinh, người Mường, ngôi nhà truyền thống của người Thái gần đây đang có những biến đổi rõ rệt, sự biến đổi mang tính quy luật của cuộc sống mới, của môi trường thiên nhiên. Tuy nhiên bên cạnh sự biến đổi có tính kế thừa và thích ứng hợp lý, có rất nhiều vấn đề đang đặt ra bởi những xu hướng biến đổi tiêu cực đã rất rõ rệt và là nguy cơ làm mai một các giá trị di sản truyền thống quý giá.

Nhóm nghiên cứu đã tập trung khảo sát vào một, đang được khuyến khích phát triển cộng đồng. Đồng thời cũng khảo sát các khu vực bản làng cũ đã lọt vào nội đô và các bản ven đô của thị xã Nghĩa Lộ. 

Qua khảo sát bản Hốc của người Thái (chủ yếu là người Thái Đen) tại Văn Chấn, Yên Bái - một bản được coi là giàu chất văn hóa truyền thống nhất của tỉnh, cho thấy những biến đổi rất rõ rệt của nhà truyền thống:

- Xu hướng nâng cao sàn và sử dụng tầng trệt (gầm sàn) với nhiều chức năng đa dạng hơn: Trước đây tầng trệt thường là thấp (dưới 2,4m) vì mục tiêu chủ yếu tránh không khí ẩm thấp của miền núi, có hại cho sức khỏe, không gian chỉ để củi, buộc trâu bò, nông sản. Hiện nay chiều cao sàn đã được nâng dần, nhất là những ngôi nhà mới dựng 10-15 năm trở lại đây, với chiều cao 2,5-2,7m. Gầm sàn đã được sử dụng như một không gian sinh hoạt chung, tiếp khách, mắc võng nghỉ, chỗ chơi trẻ em.

Trong điều kiện đô thị hóa, đất nhà ở bị thu hẹp, những ngôi nhà sàn tại thị xã Nghĩa Lộ, tầng trệt đã được quây lại một số ngăn để làm bếp, vệ sinh hoặc phòng ngủ, thành chỗ bán hàng và nơi tiếp khách. Cũng do nhu cầu sử dụng tầng trệt mà sàn gỗ ghép kiểu truyền thống với nhiều khe hở đã thể hiện nhược điểm là rơi bụi xuống các phòng bên dưới. Vì vậy nhiều nhà đã dùng bạt nilon chăng dưới sàn gỗ để tránh bụi. Một số khác chuyển sang làm sàn bằng bê tông đổ toàn khối.

- Xu hướng chuyển kết cấu nhà từ khung cột gỗ sang dùng cột bê tông là rất rõ rệt. Qua phỏng vấn người dân cho biết giá gỗ để làm cột hiện nay khá đắt, những loại gỗ như Trắc, Lim khan hiếm, người dân chỉ có thể mua được những loại gỗ rẻ tiền hơn như dổi, de… thường không bền, nhanh mối mọt. Chính vì vậy khá nhiều nhà người Thái khu vực Mường Lò, Nghĩa Lộ đã thay cột gỗ bằng bê tông, cột vuông kích thước khoảng 200×200. Giá một ngôi nhà hoàn toàn bằng gỗ khoảng 800-900 triệu trong khi nhà bằng bê tông, xây gạch khoảng 400-500 triệu đồng.

Cũng do việc thay đổi vật liệu khung từ gỗ sang bê tông mà hình dáng khung đỡ mái cũng thay đổi. Tuy nhiên một số hộ vẫn cố gắng đổ bê tông toàn khối giống như kiểu khung gõ, khá phức tạp trong thi công.

- Xu hướng chuyển từ sử dụng mái lợp tranh sang mái lợp ngói, tôn hoặc fibrô-ximăng. Thực tế hầu như không còn thấy mái tranh tại Nghĩa Lộ. Tại bản Hốc, Văn Chấn - Yên Bái, nơi có nhiều nhà làm du lịch dạng homestay, nhiều nhà cũng dùng mái fibrô-ximăng hoặc mái tôn (có che bạt thay trần). Những mái này khá nóng, tiếng ồn lớn khi trời mưa nhưng vì rẻ, phù hợp với điều kiện người dân nên vẫn đươc sử dụng nhiều. Ngoài ra có một số nơi lợp ngói ta nhưng vì mái khá nặng, tốn gỗ nên gần đấy ít xây dựng.

Chính vì lợp fibroximang nóng nên mùa hè người dân thường sinh hoạt dưới tầng trệt, tối đến mới lên nhà. Đây cũng là lý do sẽ dẫn đến xu hướng ở trệt như người Kinh.

Cũng vì việc sử dụng vật liệu này mà nhiều gia đình người Thái đen đã không còn làm đầu hồi nhà cong hình mui rùa mà làm phẳng giống nhà người Thái trắng.

- Các cấu kiện tường, vách thang và nhiều chi tiết kiến trúc khác: Tường đang có xu hướng từ vách gỗ chuyển sáng xây gạch tường 110, sàn đổ bê tông lát gạch hoa, cửa đi gỗ thay bằng cửa kính. Cầu thang nhà có xu hướng bỏ 1 thang, chỉ dùng 1 cầu thang là khá phổ biến. Cũng vì chiều cao tầng trệt lớn nên số bậc không còn là 7 hoặc 9 được nữa, số bậc hiện nay thường là 11-13 bậc.


Xu hướng nâng cao sàn và sử dụng tầng trệt (gầm sàn) với nhiều chức năng đa dạng hơn. 

Sự mất đi của các trang trí kiến trúc mang tính đặc trưng của ngôi nhà dân tộc Thái cũng khá rõ. Khau-cút, biểu tượng của ngôi nhà Thái nay hầu như không còn thấy tại Yên Bái. Qua tìm hiểu được biết Khau- cút vốn là biểu trưng cho sự giàu có hoặc vị thế của gia đình trong bản, nhà giàu thường làm Khau – cút đẹp. Tại bản Hốc, bản du lịch của Văn Chấn nhưng cũng không còn ngôi nhà nào còn Khau-cút, người dân đã bỏ từ những năm 80-90. Các chi tiết trang trí như lan can, cửa sổ đã ít nhiều ảnh hưởng của vật liệu mới từ miền xuôi và không thể tránh khỏi phong cách kiến trúc lai tạp như kiểu lan can inox dáng con tiện, con tiện bê tông… cửa số kính.

- Sự thay đổi trong tập quán, lối sống cũng đã làm thay đổi cách bố trí nội thất trong ngôi nhà. Bên trong nhà hầu như không còn bếp lửa. Bếp được điều chỉnh thành các dạng đặt ở gian đầu hoặc cuối, hoặc tách ra bên ngoài nhà, xây một ngôi nhà nhỏ trệt hoặc nhà sàn hoặc bố trí ở tầng trệt. Việc sử dụng bếp ga, bếp điện tại các bản gần đô thị cũng tạo điều kiện để người ở thay đổi cách đặt bếp kiểu nấu củi truyền thống. 


Xu hướng chuyển từ sử dụng mái lợp Tranh sang mái lợp ngói, tôn hoặc fibrô-ximăng. 

Khu vệ sinh trước đây đặt xa nhà, nay ngày càng có xu hướng đặt gần hơn. Khu vệ sinh thường bố trí trong nhà phụ (tầng trệt ) hoặc ngay trong tầng trệt nhà chính. Cũng do có hệ thống giếng khoan nên nhà vệ sinh có thiết bị mới, bình nước i-nox trên nóc nhà đã trở nên phổ biến.

Bên trong ngôi nhà, các chức năng khác cũng xuất hiện như chỗ để tủ ly, vô tuyến, một số nhà đã tiếp khách bằng bộ bàn ghế gỗ kiểu người Kinh thay vì ngồi trệt. Chỗ ngủ của người Thái trước dây là trải đệm, một số hộ nay cũng thay bằng giường.

Số lượng người trong một căn hộ thay đổi cũng làm cho nhu cầu diện tích ngôi nhà nhỏ lại. Thường mỗi hộ gia đình nay cũng chỉ có 2,3 con, nhu cầu cần nhiều gian làm nơi ngủ giảm. Trước đây một ngôi nhà 5 gian có diện tích sàn khoảng 120m2, có thể có tới 6 buồng ngủ. Nay một số nhà đã chủ động cắt ngắn số gian để giảm diện tích sàn xuống khoảng 80-90 m2, chỉ để 3-4 buồng ngủ. Chính vì vậy ta có thể thấy nhiều ngôi nhà chỉ có 4 gian, không theo quy uớc số gian lẻ như trước.

Có một số hiện tượng tuy không phổ biến nhưng cũng đã thấy xuất hiện đó là dạng nhà sàn 3 tầng. Có thể thấy biến thể này gần như đã làm thay đổi hoàn toàn hình dáng của ngôi nhà sàn truyền thống, cho hình ảnh khá xa lạ.

Đánh giá các yếu tố tích cực và tiêu cực của các xu hướng biến đổi trong kiến trúc nhà sàn Thái 

Sử dụng các cấu kiện bê tông thay thế dần khung gỗ là một ứng xử phù hợp, tất yếu do điều kiện tự nhiên đã thay đổi. Tuy nhiên xu hướng làm dạng cột vuông đã làm thay đổi cơ bản kiểu dáng kiến trúc nhà truyền thống, việc sử dụng cấu kiện bê tông mô phỏng cấu kiện gỗ chưa được xử lý tốt.

Xu hướng sử dụng tầng trệt là sự thích ứng với điều kiện sống mới, tuy nhiên cần tránh xu hướng trệt hóa như nhà người Kinh. Có thể nói việc để lộ các cột tròn tầng trệt, chỉ sử dụng một phần không gian tầng trệt, mái dốc là một nguyên tắc cơ bản để giữ được hình thái ngôi nhà truyền thống của người Thái.

Sử dụng mái dốc vẫn được duy trì, đã cơ bản giữ được hình thái mái truyền thống. Tuy nhiên việc sử dụng các vật liệu mới bền, rẻ chưa hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu cách nhiệt, chống ồn. Rất cần có các giải pháp kiến trúc và sử dụng vật liệu phù hợp hơn.

Việc tách bếp ra cũng làm mất đi vai trò của thang phụ, xu hướng bỏ 1 thang cũng là một mất mát khá lớn trong ý nghĩa văn hóa đối với nhà truyền thống của dân tộc Thái. Chỉ có 1 thang dẫn đến xu hướng bố trí lại các chức năng gian trong nhà, ngày càng xa rời các nguyên tắc văn hóa truyền thống như quy định chỗ ngủ, quy cách ứng xử của nam nữ, người già… trong gia đình.

Xây dựng nhà phụ làm bếp, vệ sinh kề sát nhà chính rất thuận tiện về công năng, gần với xu hướng khép kín của lối sống hiện đại. Tuy nhiên việc kết nối nhà chính- phụ chưa được xử lý tốt, nhiều dạng nối mái làm hỏng thẩm mỹ kiến trúc của nhà chính.

Xu hướng tách bếp ra khỏi nhà chính, có thêm các chức năng như bàn ghế tiếp khách, chỗ xem vô tuyến, chỗ treo tranh, ảnh gia đình, gương soi của phụ nữ… là những chức năng mới nhưng các không gian nội thất chưa được nghiên cứu chuyển đổi phù hợp, gây cảm giác khá lộn xộn.

Các chi tiết lan can, cửa, thang dùng các vật liệu inox, con tiện xi măng là những thích ứng, tiếp thu vật liệu mới. Tuy nhiên chưa có những thiết kế sử dụng vật liệu mới phù hợp, sự lai tạp phong cách kiến trúc rõ rệt là đáng tiếc, làm mất các bản sắc văn hóa của ngôi nhà.

Tất cả những biến đổi tích cực và tiêu cực này hiện đang diễn ra tự phát, các vấn đề phải giải quyết đặt lên vai chính người dân. Với tính chất tự xây, trình độ của người dân, sự hiểu biết về vật liệu mới hạn chế thì sự chuyển hóa trong ngôi nhà sao cho vừa kế thừa các giá trị truyền thống vừa tạo không gian ở thích ứng với điều kiện sống mới quả là thách thức lớn.

Hiện nay chưa có một thiết kế mẫu, một hướng dẫn nào làm định hướng cho nhà sàn dân tộc Thái. Đã thấy rõ áp lực, xu hướng biến đổi là rất lớn, liệu trong vòng 10-15 năm nữa còn có bao nhiêu nhà sàn truyền thống còn được lưu giữ trong các bản của người Thái?

Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của Trung ương hiện nay cũng cần nghiên cứu đưa ra những mẫu thiết kế dành riêng cho các dân tộc. Đồng thời cần có những nghiên cứu sâu, rộng, từ các bản làng nằm trong các huyện miền núi, từ đúc kết kinh nghiệm của việc xây dựng nhà ở cho dân cư dân tộc Thái tại các khu tái định cư thủy điện, từ các làng bản ven đô đến các làng bản trong đô thị để có cái nhìn toàn diện, từ đó tìm hướng đề xuất không chỉ ở giải pháp kiến trúc mà còn đi kèm cả giải pháp về vật liệu, kết cấu và áp dụng các công nghệ xây dựng phù hợp. 

Việc giữ gìn kiến trúc nhà sàn Thái truyền thống cũng tránh chỉ chú trọng ở việc bảo tồn, tu bổ các ngôi nhà sàn truyền thống theo nguyên gốc để làm du lịch mà cần nhìn nhận một mục tiêu lớn hơn, một trách nhiệm lớn, đó là định hướng sự biến đổi của nó, kế thừa các giá trị văn hóa của nó, hòa mình trong cuộc sống đương đại. 

PGS.TS KTS Phạm Hùng Cường 
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...