Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Công nghệ Xu hướng Thành phố thông minh: Khuynh hướng tất yếu hay sự lựa chọn khôn ngoan?

Thành phố thông minh: Khuynh hướng tất yếu hay sự lựa chọn khôn ngoan?

Viết email In

Một thành phố thông minh (TPTM) có công nghệ cao, kỹ thuật tân kỳ, giàu có chưa chắc đã mang đến cho con người sự hài lòng, bởi nói cho cùng thì đích của cuộc sống là hạnh phúc, bầu không khí ấm áp và quan hệ xã hội thân thiện trong môi trường trong lành. Do vậy, TPTM chỉ là một trong nhiều sự chọn lựa chứ tuyệt nhiên không phải là một giai đoạn phát triển mang tính tất yếu. Không cần thiết phải đánh đổi một cộng đồng xã hội đô thị thân thiện yên bình lấy một thành phố điện tử “tốc độ” nhưng “vô cảm”.  

Từ năm 2005, nhiều quốc gia tỏ ra hào hứng với những dự án xây dựng TPTM, nhưng mấy năm gần đây cũng tỏ ra buông lơi, chẳng hạn năm 2008 Nhật Bản xây dựng thí điểm 4 TPTM: Yokohama, Kyoto, Toyama, Kanagawa, nhưng cho đến nay các đề án đều đã phá sản... Nhận thấy tiến trình này có nhiều điều chưa ổn về cả lý thuyết lẫn hiện thực hóa, cho nên hiện nay các nhà khoa học và các lãnh đạo quốc gia, thành phố đang phải nhận thức lại và tư duy lại về TPTM, một loạt các cuộc hội thảo mới diễn ra gần đây ở Thiên Tân (Trung Quốc), King Apdula (Các tiểu vương quốc Ả rập) và Yokohama (Nhật Bản) bàn thảo đến chủ đề này với những bài học kinh nghiệm và những lời cảnh báo. 

Những mẫu hình thành công

Chúng ta xem xét qua các thành phố tạm được coi là thông minh. Thành phố hành chính mới của Malaysia tên là Putrajaya được xây dựng trên một vùng đất hoang vu có diện tích 50km2 cách Kuala Lumpur chừng 30km. Nó được xây dựng năm 1995, hoàn thành 2002 theo sáng kiến của Thủ tướng lúc đó là Mahathir Mohammad với mức đầu tư ban đầu 11 tỷ USD. Thành phố được quy hoạch tối đa cho 250.000 dân, hiện nay mới chỉ có 65.000 dân. Hầu hết những người sinh sống làm việc ở đây là các công chức, nhân viên phục vụ trong các công sở hành chính của chính phủ. Thành phố Songdo của Hàn Quốc nằm ở Incheon cách Seoul hơn 40km, là thành phố hoàn toàn mới được xây dựng trên vùng đất lấn biển với diện tích 6,5km2. Thành phố được xây dựng năm 2009 dười thời Tổng thống Lee Myung Bak. Nó được thiết kế tối đa cho 250.000 người dân với mức đầu tư cực lớn là 35 tỷ USD. Tuy nhiên đến nay mới có khoảng 40.000 người sinh sống, hơn 100.000 đến làm việc ban ngày. Dân cư ở đây đa phần là các nhà đầu tư nước ngoài và các đại gia trong nước. Thành phố đại học Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông được xây dựng 2002 trên một hòn đảo với diện tích 43km2, dân số chính của thành phố này là 70.000 sinh viên, chính phủ Trung Quốc đầu tư 7 tỷ USD. 

Ba ví dụ trên đây giúp chúng ta nhận ra điều quan trọng đầu tiên là các thành phố tạm được chấp nhận là TPTM có một số đặc điểm khá giống nhau:

Thứ nhất, đó là những thành phố xây dựng hoàn toàn mới trên những vùng đất mới không có người ở. Việc xây dựng mới này cho phép triển khai được các ý tưởng kỹ thuật ngay từ khi còn trên giấy một cách chính xác và thực hiện nó trên thực địa một cách đồng bộ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cao trên từng mét vuông.

Diện tích nhỏ, dân số ít là một ưu thế quan trọng cho việc quản lý và kiểm soát. TPTM cực kỳ phức tạp về kỹ thuật, một khi không có sự kiểm soát tốt sẽ mang lại những rủi ro khủng khiếp.

Mức đầu tư cực kỳ lớn lên đến hàng chục triệu USD. Với mức đầu tư này, người ta có thể thực hiện được những yêu cầu công nghệ phức tạp nhất, cũng như các ý tưởng lãng mạng nhất hay điên rồ nhất.

Một điều quan trọng cần nhấn mạnh những cư dân của các TPTM này đều thuộc thành phần “cư dân thông minh”, có trình độ học vấn, có việc làm ổn định và thu nhập cao. Những người sống được ở Songdo phải có thu nhập 7.000-10.000 USD/tháng. Chính những công dân thông minh này là nguồn lực mạnh nhất duy trì sự sống lâu dài cho TPTM cả trên hai phương diện tài chính và “ý thức xây dựng”. 

Đô thị thông minh có phải chỉ về công nghệ?

Mỗi quốc gia, thành phố tùy theo yêu cầu mà đặt ra mục đích, mục tiêu nhiều ít, khác nhau cho TPTM. Chẳng hạn Singapore đặt ra bốn lĩnh vực cơ bản cần hướng đến là “môi trường thông minh”; “đời sống thông minh”, “dịch vụ thông minh” và “quy hoạch thông minh” nhằm thỏa mãn được mong muốn: sống tốt, hiệu quả, bền vững và an toàn. 

TPTM phải dựa trên nền tảng của công nghệ và kỹ thuật. Điều đó có nghĩa là một TPTM được xây dựng trên một nền tảng của công nghệ thông tin hiện đại (Information Tecnolohy) và truyền thông đa phương tiện (Communication) mà người ta gộp chung là ICT, đồng thời kết hợp với mức độ tự động hóa cực kỳ cao. Chúng ta hình dung ra một TPTM sẽ như thế nào qua một ví dụ đơn giản. Buổi sáng đi làm việc bạn bật smart phone lên biết ngay thông tin thời tiết nơi mình đến làm việc như nhiệt độ, độ ẩm, bụi lơ lửng trong không khí để chuẩn bị áo mưa, áo ấm, kính râm, sau nữa biết ngay giao lộ nào bị kẹt xe, hướng tuyến nào di chuyển tốt. Trong thời gian làm việc tại cơ quan, bạn biết được sức khỏe của ông bố bị bệnh tiểu đường ở nhà có ổn định không, nếu có gì bất ổn sẽ can thiệp kịp thời, buổi chiều trước khi ra khỏi văn phòng bạn biết được thông tin có mưa to nơi con bạn học tiểu học lên đến hơn 120mm, sau 2 tiếng nữa nước mới rút, và các tuyến đường bị ngập, trong trường hợp ấy bạn nhắn tin cho con qua hộp thoại để con yên tâm ở chơi trong lớp, đến 6 giờ mới đón được. Để làm được chuyện nho nhỏ này, thành phố phải có một hệ thống ICT bao gồm: thu thông tin đầu vào, trung tâm xử lý thông tin và nơi phát tín hiệu. Để có được thông tin đầu vào người ta phải gắn hàng triệu cảm biến, hàng triệu camera có độ phân giải cao với các chức năng rất khác nhau khắp nơi trong thành phố từ hộ gia đình, tòa cao ốc, đường phố, công viên, công sở và cả nhà vệ sinh công cộng. Để thu nhận được tín hiệu, người ta sử dụng hai loại cảm biến là cảm biến vật lý (sóng điện từ, ánh sáng, nhiệt độ, áp suất, âm thanh, rung động, chuyển động, khoảng cách, gia tốc, hình ảnh) và cảm biến hóa học (độ ẩm, khói, độ PH...) các cảm biến và các camera này thu được tín hiệu và chuyển thẳng về một trung tâm xử lý dữ liệu khổng lồ (big data) cấp thành phố hay cấp vùng. Ở đây các chuyên gia nhận và xử lý thông tin đầu ra sau đó chuyển vào các kênh khác nhau. Có những thông tin được chuyển đến truyền thông đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, mạng internet, có những thông tin chuyển đến cơ quan chức năng như an ninh, cứu hỏa, bệnh viện... và có thông tin chuyển đến các trụ thông tin được lắp đặt khắp thành phố. Một số nước chuyển thông tin công cộng đến hộp thu phát thông tin gắn trên các cột đèn đường có khoảng cách 25-30m, người sử dụng chỉ việc đến sát cột điện là thu nhận tất cả thông tin mình cần biết. 

Như thế, rõ ràng TPTM mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân và nhà quản lý công, tư. Nhưng sau hơn 10 năm triển khai TPTM đã gặp rất nhiều trắc trở, bởi một thực tế không phải bao giờ công nghệ-kỹ thuật cũng tương thích hài hoà với đời sống xã hội-nhân văn, đặc biệt khi mở rộng nội hàm “kỹ thuật thông minh” sang “thông minh xã hội” (quản trị, quy hoạch, công dân thông minh) thì có quá nhiều bất ổn. 


Đề án “Thành phố thông minh” của TP.HCM đang được triển khai với 10 lĩnh vực ưu tiên thực hiện khảo sát gồm: y tế, giao thông, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, cải cách hành chính, chỉnh trang đô thị, nguồn nhân lực, môi trường...
(Ảnh: Quý Hòa) 

Những mặt trái của thành phố thông minh

Trước hết là sự cố rủi ro. TPTM được tính toán đến từng chi tiết, cả phương án bất trắc dự phòng, tuy nhiên không thể không có những rủi ro. Cả thành phố như một máy tính khổng lồ, một sự cố ngoài ý muốn có thể đưa đến hệ quả không lường được lớn hơn gấp nhiều lần so với thành phố hoạt động cơ học hay thủ công. Ví dụ: hệ thống cảm biến bị hỏng không báo cháy trong cao ốc, hệ thống tự động điều khiển giao thông trên đường cao tốc bị hỏng khiến xảy ra tai nạn liên hoàn, hàng trăm xe hơi đâm vào nhau.

TPTM tạo ra một xã hội lạnh lùng, cô đơn, tách biệt. Trong TPTM, hầu như các quan hệ xã hội, giao dịch dân sự được chuyển từ mặt đối mặt sang quan hệ gián tiếp thông qua smart phone và các phương tiện thông tin khác. Kiểu quan hệ này cực nhanh, hiệu quả nhưng làm mất “xã hội cảm xúc”, tình cảm và sự quan tâm lẫn nhau. Cuộc sống của con người xoay xung quanh hai thứ là thẻ từ và điện thoại thông minh. Xã hội sẽ làm gia tăng tình trạng phụ nữ độc thân; con trẻ, người già cô đơn tự tử nhiều hơn, các nhà quản lý xa dân vì các thủ tục hành chính được làm trực tuyến, thậm chí quan hệ gia đình, vợ chồng, cha mẹ, con cái cũng rơi trong tình trạng của toàn xã hội là “giao tiếp nhiều, nhưng không gặp gỡ ai”.

Tạo ra khoảng cách tâm lý - xã hội. Việc tạo ra một thị trấn thông minh độc lập, hay một khu dân cư thông minh trong lòng một thành phố lớn là việc tạo ra một ốc đảo của những người “thượng lưu, giàu có” trong một thành phố phát triển ở trình độ thấp hơn. Điều đó có thể gây ra những xung đột xã hội. Những người nghèo, người dễ bị tổn thương như già cả, tật nguyền, trẻ mồ côi rất dễ bị đứng ngoài lề của TPTM, đơn giản là họ không có đủ tiền để mua sắm các thiết bị đắt tiền tham gia cuộc chơi, hoặc không biết sử dụng các công nghệ mới. Người già cô đơn được tham gia mạng lưới y tế của TPTM nhưng nếu họ không có tiền lắp đặt camera, cảm biến và máy tính trong nhà thì họ không có cách nào tham gia được vào hệ thống tầm soát sức khỏe từ xa rất thông minh này.

Giảm sáng tạo do lập trình hoàn hảo. TPTM là một sự sắp đặt hoàn hảo của những tập đoàn kiến tạo nên nó, hay nói cách khác, nó là một thành phố được lập trình sẵn đến từng chi tiết nhỏ nhất. Loại thành phố như thế cùng lúc đưa đến hệ quả văn hóa - xã hội tiêu cực là làm giảm đi sự lựa chọn cá nhân, thay vào đó là tính chức năng cực kỳ cao, có nghĩa anh làm cái gì, hành động như thế nào, ứng xử ra sao đã được “lập trình”, đã được “nghĩ thay” cứ thế mà làm, nếu làm sai sẽ không nhận được kết quả. Chính điều đó đã làm giảm sự sáng tạo cá nhân, mất sự lãng mạn và sự bất ngờ không đoán định trước các tình huống khác nhau mà người ta gọi đó là “gia vị đô thị”. Hơn thế nữa, nó làm cho người ta lười biếng vì đã có người nghĩ thay và bao cấp “sự sáng tạo”. Một thành phố như thế tối ưu về kỹ thuật, nhưng không hoàn hảo về văn hóa và xã hội.

Quyền tự do cá nhân bị xâm phạm. Để đảm bảo cho việc kiểm soát chặt chẽ toàn thành phố từ việc cháy nổ, tai nạn giao thông đến an ninh trật tự, khắp thành phố lắp đặt một mạng lưới camera theo dõi 24 giờ/ngày và liên tục 365 ngày không có nơi nào trong thành phố mà không được hiển thị trên màn hình ở trung tâm và được lưu trữ phục vụ cho an ninh. Chính điều này làm cho người dân nhận thấy nhất cử nhất động của họ ở bất cứ nơi nào trong thành phố đều bị theo dõi rất chặt chẽ mọi nơi, mọi lúc làm ảnh hưởng đến quyền tự do của con người. Cũng chính vì thế mà TPTM không được chào đón ở Mỹ và Canada.

Khái niệm thành phố thông minh (TPTM) chính thức được sử dụng từ năm 2005 bởi một loạt tập đoàn công nghệ viễn thông như Siemens, Cisco, IBM. Đến 2010, các tập đoàn này đã hoàn tất công nghệ thiết kế trọn gói một TPTM và đang trong quá trình chào hàng ở các quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam. Cộng hưởng với tiến trình này, hàng chục thành phố trên thế giới cũng khởi động cuộc đua trở thành TPTM ở các mức khác nhau, nhưng cho đến nay chưa có thành phố nào ra tuyên bố tới đích, chỉ có 4 thành phố được gán “nhãn” TPTM mà ít người phản đối là: thành phố hành chính Putrajaya của Malaysia, thành phố Songdo của Hàn Quốc, thành phố Đại học Quảng Châu của Trung Quốc, và thành phố Yokohama của Nhật Bản. Tuy nhiên, những thành phố này còn phải tiếp tục hoàn thiện và sửa chữa những khiếm khuyết lớn về mặt văn hoá-xã hội. 

Thông tin bị rò rỉ. Ở TPTM, dường như tất cả các thông tin cơ bản của cá nhân, gia đình và các tổ chức được lưu trữ ở một trung tâm nhằm phục vụ cho các hoạt động dân sinh như an ninh, thuế, việc làm, cư trú... Khả năng bị rò rỉ do lỗi kỹ thuật, do thông tin bị bán ra ngoài, bị dùng vào việc xấu là hoàn toàn hiện thực. Các thông tin này có thể được dùng cho kinh doanh đen, khủng bố, khai thác vào việc hãm hại lẫn nhau.

Dôi dư lao động. TPTM không cần nhiều lao động, rất nhiều lực lượng lao động mất việc, chẳng hạn như cảnh sát giao thông, cảnh sát du lịch. Điều này khiến cho thất nghiệp tăng rất cao, thị trường lao động dôi dư, dẫn đến các tệ nạn xã hội nảy sinh; phúc lợi xã hội phải gánh rất nặng.

Nợ nần quốc gia và cá nhân. Vốn đầu tư cho TPTM ở cấp quốc gia/thành phố và người dân rất lớn, lên đến nhiều tỷ USD, nếu tính toán không cẩn thận có thể mang lại nợ nần cho quốc gia và cả người dân. Đồng thời nguy cơ lệ thuộc quá mức vào công nghệ, các phần mềm, nhất là những tập đoàn lớn như CISCO, SIEMENS, IBM... do các công nghệ rất mau lạc hậu, phải mua của họ.

Có một thực tế cần ghi nhận: các quốc gia kỳ vọng vào mô hình TPTM hầu hết là ở châu Á và Trung Đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, Các tiểu vương quốc Ả Rập… trong khi các nước Bắc Mỹ, châu Âu, Bắc Âu tỏ ra khá thờ ơ với mô hình này. GS. Martin Nedden - Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề đô thị của quốc gia Đức, nguyên Phó Thị trưởng thành phố Leipzig trong lần đến làm việc tại TP. HCM ngày 7/10/2016 đã cho hay Đức không theo đuổi mô hình này mà theo đuổi mô hình “Thành phố xã hội” với mục tiêu tạo dựng cuộc sống “giản dị, ít nhân tạo, nhiều tự nhiên”. 

PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa - Giám đốc chương trình “Diễn đàn quốc tế phát triển đô thị bền vững châu Á” tại Việt Nam 
(Người Đô thị) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo