Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Góc nhìn Văn hóa chợ

Văn hóa chợ

Viết email In

1. Chợ xưa nay là nơi tụ họp bán mua, trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống cộng đồng ở mỗi vùng đất. Ngày nay, chợ truyền thống còn gọi là chợ dân sinh. Tôi thích kiểu chợ ấy, bởi đi chợ có mời chào, có nói thách - mặc cả, cò kè thêm bớt giá tiền.

Đi chợ và họp chợ là nét văn hóa thương mại dân dã, quen thuộc. Người ra chợ, ngoài mục đích mua bán sản phẩm hàng hóa, họ còn còn có mục đích học hỏi phương cách làm ăn, giao lưu tình cảm, hỏi thăm tình hình người thân qua người đi chợ.  

Chợ còn là nơi gặp gỡ giao lưu của người tứ xứ. Văn hóa chợ đã đi vào tâm thức người Việt, dẫu đó là thị thành hay thôn quê. “Trai khôn tìm vợ chợ đông/ Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”… 


Bình dị phiên chợ quê ở ngoại ô Hà Nội 

Về phong thủy, thế đất xây dựng chợ hoặc họp chợ phải được chọn kỹ. Nhất cận thị/ Nhị cận giang (Chợ phải ở nơi sầm uất nhất của mỗi vùng đất, gần sông - trên bến dưới thuyền). 

Còn nhớ cách nay mấy năm, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo về chợ truyền thống. Tôi được mời có lẽ do người tổ chức đọc đâu đó bài tùy bút chợ quê của tôi. Tôi đem đến hội thảo bài tùy bút, nhưng không đọc mà tham luận bằng cách phát biểu. 

Tôi phản biện việc phá các ngôi chợ dân sinh truyền thống để xây trung tâm thương mại (TTTM) ở những nơi đắc địa, khi chợ có bề dày lịch sử là sai lầm. Người Hà Nội vẫn thích vào chợ hơn vào các siêu thị, hoặc các TTTM. Chợ là địa chỉ văn hóa du lịch, chứ không đơn thuần là nơi mua sắm.

Ý kiến ấy được tán đồng của nhiều người. Tôi còn trưng lên bức ảnh Chợ Dừa ở Hà Nội biến thành tòa nhà văn phòng và quán karaoke, trong khi tiểu thương ra đường buôn bán vặt… 

 

2. Có những chợ bỗng dưng thành tòa cao ốc, mang tên mới là TTTM, kết quả là “vắng như chùa Bà Đanh”. Chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da, chợ Mơ... buồn tênh đâu còn cảnh bán mua tấp nập như mới ngày nào...

Một mâu thuẫn đang tồn tại là nếu nâng cấp cải tạo chợ thành tòa nhà hiện đại thì lập tức bị khách hàng và cả tiểu thương quay lưng, vì không phù hợp với phong cách, thói quen mua bán đặc trưng của chợ.

Chưa kể đến tình trạng làm biến mất không gian kinh doanh vốn có của nhiều chợ đang rất sầm uất. Đây chính là lý do vì sao mỗi lần có dự án cải tạo chợ, thì tiểu thương nhao nhao phản đối.

Chợ Ngã Tư Sở dự kiến xây TTTM hoành tráng, nhưng bị phản đối khiến UBND thành phố đề nghị quận Đống Đa chủ động đề xuất phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ hoặc lựa chọn nhà đầu tư để xây dựng chợ mới, không xây dựng TTTM.

Dự án xây dựng chợ Nghĩa Tân kế hợp với TTTM và văn phòng, nhiều tiểu thương tẩy chay, và UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư xem xét kỹ về hiệu quả. Thành phố đồng ý với quận Cầu Giấy và chủ đầu tư tạm dừng dự án.

Xin đừng vội vã xóa bỏ chợ truyền thống. Thói quen, tâm lý người Kẻ Chợ và văn hóa chợ cần được tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng và cẩn trọng trong quy hoạch xây dựng, để thành phố dẫu hiện đại hào nhoáng đến đâu thì bên cạnh các siêu thị, TTTM là những cái chợ dân sinh gần gũi quen thuộc. 

Ở các nước phát triển, vẫn có không gian dành cho chợ kiểu chợ dân sinh ở ta. Đừng để mất cái tên Kẻ Chợ! 

Tân Linh 
(Thể thao & Văn hóa) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo