Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Quảng trường ở Việt Nam: có gì khác với khái niệm gốc trong quy hoạch phương tây

Quảng trường ở Việt Nam: có gì khác với khái niệm gốc trong quy hoạch phương tây

Viết email In

Quảng trường là một khái niệm không xa lạ trong cuộc sống đô thị, hiểu một cách nôm na đó là một không gian công cộng mở nơi giống như phòng khách trong một căn nhà, mọi người tụ họp lại với nhau để cùng tham gia một hoạt động chung gì đó. Vậy để hiểu một cách cụ thể thì quảng trường là gì? 

Những khái niệm về đô thị xuất phát từ thời Hy Lap cổ, nơi mà những đô thị đầu tiên được hình thành cho đến ngày nay đã qua một quá trình hơn 6000 năm và bị biến đổi đi rất nhiều. Khái niệm về quảng trường cũng vậy. Xuất phát từ Athens nơi xuất hiện các nhà dân chủ (democracy) đầu tiên trên thế giới, họ chọn những nơi công cộng (Agora) có không gian rộng rãi để nói chuyện về chính trị, về dân chủ, tranh luận về hệ thống nhà nước (như nhà triết học Plato, Socrates)…, đến thời đế chế La Mã, nghị trường (forum) ra đời, ở đó các nhà chính trị (như Marcus Tullius Cicero) bàn luận về những quyết sách của đất nước, những nghị trường đó thường được mở công khai, với không gian xung quanh là các tòa nhà hành chính, chính trị. Đến thời Trung Cổ, học tập mô hình đó của Người Hy Lạp và La Mã, những nhà quy hoạch châu Âu dưới sự chỉ đạo của nhà thờ Thiên Chúa Giáo đã xây dựng nên các đường phố trung cổ với quảng trường trung tâm mà điểm nhấn thường là nhà thờ với kiến trúc Go-tic, La Mã. 


Thiết kế một số quảng trường/nút giao thông trong quy hoạch chi tiết Paris. Hình ở giữa là mặt bằng Quảng trường Étoile với công trình Khải Hoàn Môn ở trung tâm. 

Và ngày nay, quảng trường đã không còn đơn giản chỉ là nơi thể hiện quyền lực tôn giáo, hay là nơi những nhà chính thị, nhà diễn thuyết đến thể hiện quan điểm của mình, đưa ra luận điểm để tranh cãi. Công năng của quảng trường đã biến đổi theo nhiều hướng khác nhau, nhưng đều có 2 vai trò chính trong một đô thị hiện đại: 

  1. Là nơi người dân đến tập hợp, tham gia vào các hoạt động nghỉ ngơi, văn hóa hay nói cách khác là địa điểm chung cho người dân thành phố; 
  2. Với vai trò là điểm nhấn trong đô thị, quàng trường là nơi diễn ra các hoạt động có mục đích về thương mại, chính trị và tôn giáo. 

Về các hoạt động cộng đồng ta có thể kể đến những hoạt động nghệ thuật đường phố, những không gian thư giãn tản bộ với những điểm nhấn đầy tính thẩm mỹ và mang tính mỹ thuật cao như đài phun nước, tượng điêu khắc… Bên cạnh đó, những quán cafe, bar, hiệu sách những của hàng kinh doanh dịch vụ cũng mọc lên xung quanh quàng trường với quy luật cung cầu tất yếu nơi tập hợp nhiều người qua lại. Mặt khác cũng có những quảng trường lớn được mở trước một công trình thể hiện quyền lực nhà nước như tòa thị chính, cơ quan hành pháp để ngoài mục địch vui chơi của người dân còn có mục đích thực hiện các mục đích chính trị (diễu hành, phát biểu của các nhà làm chính sách…). Đó chính là 2 điểm chính để những nhà làm quy hoạch phương tây dựa vào để hình thành nên quảng trường, và quả thực, quảng trường đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của đô thị, nó là một trong những yếu tố quan trọng để nói về một đô thị thân thiện với người dân đang sống trong đó. 

Ở Việt Nam, quảng trường thường là nơi người dân tập thể dục, hoặc các đôi trẻ hò hẹn, hoặc là nơi giao cắt của nơi có mật đô giao thông lớn, nhưng với sự khác nhau về địa lý và lịch sử, khái niệm về quảng trường có đôi chút sai khác so với những định nghĩa về quảng trưởng của châu Âu. Đô thị nếu bóc tách theo ngôn ngữ thì bao gồm phần “đô” và phần “thị”, phần “đô” là nơi tập trung quyền lực của trung ương, thời phong kiến đó là nơi ở của vương quyền, của các thế lực quan lại, còn “thị” là nơi buôn bán, nơi người dân tập họp lại thành các tiểu thương buôn bán nhỏ nhằm trao đổi lưu thông hàng hóa. Vì tính chất đặc biệt của Việt Nam không giống như phong kiến châu Âu nơi quyền lực tập trung hết ở nhà thờ Thiên Chúa hơn là ở giai cấp thống trị (bao gồm vua và các quan lại), trong xã hôi phong kiến châu Âu, những thành trì thường kiên cố và bao quanh đô thị, có nghĩa là phần “đô” và phần “thị” không có ranh giới cụ thể, bên trong tường thành đó, sự dân chủ vốn có từ thời Hy Lạp vẫn tồn tại và phát triển ở các thể chế phong kiến châu Âu nên những quảng trường được hình thành với mục đích là nơi diễn thuyết, phát biểu của các nhà chính khách và đặc biệt là nơi thể hiện uy quyền tôn giáo. Ở Việt Nam, sự phân quyền là rõ rệt, quyền lực tuyệt đối nằm ở vua chúa, không có khái niệm dân chủ trong đời sống, nên kinh thành thường khép kín là nơi cho vua chúa và quan lại ở, còn người dân tập trung ở các khu vực buôn bán bên ngoài, như kinh thành Thăng Long xưa và phần thị là phố cổ có ranh giới cụ thể, chính vì vậy nên không gian công cộng mang tính biểu tượng là rất ít, và vì phố cổ là một nơi tập trung các làng nghề buôn bán sát cạnh nhau và hoàn toàn tách biệt so với cấm thành nên không gian công cộng để giao thoa hầu như không có vì sự di chuyển từ làng này sang làng kia là rất dễ dàng. Đến khi những bản vẽ quy hoạch đầu tiên xuất hiện dưới thời Pháp thuộc, hình hài của thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chính thức xuất hiện trên bản vé của những kiến trúc sư châu Âu, khi đó những quảng trường, không gian công cộng mới chính thức xuất hiện (*). Những quảng trường như Đông Kinh Nghĩa Thục (Quảng trường tướng Négrier), quảng trường Nhà hát Lớn, quảng trường 1/5 (quảng trường Đấu Xảo cũ)… đánh dấu một bước tiến lớn của quy hoạch Hà Nội. Những quảng trường đó được xây dựng với mục đích tạo không gian công cộng cho những người Pháp đến định cư trong khu phố cũ (khu phố Pháp), và tầng lớp tư sản Hà Nội những năm Pháp thuộc, chính vì vậy nến những quảng trường xuất hiện khá hài hòa và làm thành những điểm nhấn đẹp cho không gian đô thị Hà Nội thời kì đầu và đảm bảo những tính năng theo những khái niệm của châu Âu. 


Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội 

Ngày nay, công năng và không gian của quảng trường tại Hà Nội đã bị thay đổi đi nhiều. Đặc biệt là sau thời kì xây dựng xã hội chủ nghĩa, khi kinh tế bắt đầu khởi sắc, những bản vẽ quy hoạch đã được xem xét, tuy nhiên sự đô thị hóa quá nhanh, và bản chất của một nền kinh tế tự phát nhỏ lẻ cũng theo đó mà chiếm lĩnh trong mọi lĩnh vực đô thị, thậm chí là quy hoạch và xây dựng. Hà Nội được quy hoạch nhưng manh mún, tự phát, thiếu trách nhiệm và làm ẩu. Những tòa nhà thi nhau mọc lên một cách thiếu mỹ quan và phá vỡ hình thái đô thị, nếu ở những khu vực đô thị mới, ngoại biên của trung tâm, kiến trúc sư quy hoạch có thể phóng bút xây dựng những khu đô thị mở rộng (ban đầu Hà Nội thời Pháp thuộc chỉ bao gồm phố cổ, phố cũ, khu vực hoàng thành Thăng Long xưa), thì ở trong trung tâm, với vị trí đắc địa, những mảnh đất vàng đã được cắt xén một cách không thương tiếc từ những bản vẽ quy hoạch ra thực địa để tạo nên một bộ mặt kiến trúc méo mó xấu xí làm cho không gian đô thị vừa bị thu hẹp vừa tạo nên vết rạn thị giác về cảnh quan, những quảng trường vì thế mà trở nên nhỏ bé, và công năng bị biến đổi, đôi chỗ không còn được sử dụng như một không gian công cộng nữa. Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trở thành quảng trường giao thông là một nút giao thông có mật độ rất cao do sự co ép của các tòa nhà xung quanh. Quảng trường Nhà hát Lớn, quảng trường 1-5 (Hà Nội) cũng vậy, mặc dù không chịu sức ép nặng nề do những công trình cao tầng, nhưng với mật độ giao thông tăng lên gấp nhiều lần so với thời kì Pháp thuộc mà người Pháp không thể tính trước, hai quảng trường này đang trở thành quảng trường giao thông chứ mất hết chức năng cũ của nó. Yếu tố gốc của quảng trường đã không được áp dụng, những quảng trường ở Hà Nội đã trở thành như một chiếu nghỉ(**) cho phương tiện giao thông hơn là một không gian văn hóa cộng đồng. Công năng của quảng trường đã không được tính đến theo nghĩa dành cho người dân, ngoài một số ít những quảng trường bé như Quảng trường Lý Thái Tổ, quảng trường chỗ tượng đài Lenin… Nếu làm một phép so sánh với phương tây, khi quảng trường lúc nào cũng rộng rãi và luôn luôn có các hoạt động văn hóa diễn ra, thêm nữa, tính thẩm mỹ của những quảng trường này rất cao với nhiều họa tiết mỹ thuật và tượng điêu khắc (Quảng trường Charles de Gaule, quảng trường Bastille – Pháp), thì những quảng trường ở Hà Nội trở nên manh mún, vừa thiếu chất vừa thiếu lượng. Một điều dễ nhận ra đó là vì bất động sản đang và luôn là món hàng quá béo bở cho các doanh nghiệp đặc biệt nếu nó nằm ở vị trí trung tâm, nên những bản vẽ quy hoạch dù có tốt đến đâu nhưng đến tay các nhà quản lý, làm luật thì đều sẽ bị sai khác đi nhiều do sự cắt một cách không thương tiếc cho các doanh nghiệp để họ xây dựng theo ý mình như tôi đã nói ở trên. Trừ Quàng trường Ba Đình là một ngoại lệ còn giữ được một không gian quảng trường hoàn hảo với điểm nhấn là lăng Bác, không gian giao thông bao quanh một cách hợp lý, với mục đích chính là nơi diễn ra các hoạt động mang tầm vóc chính trị như mit tinh, diễu hành, đó cũng là một không gian đẹp cho người dân đến tản bộ, thư giãn, nghỉ ngời, nhưng ngoài ra do là trốn được xem là linh thiêng nên thường ít có các sự kiến văn hóa mang tính biểu diễn nghệ thuật diễn ra ở đây. 


Quảng trường trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong thiết kế của tư vấn DeSo - Pháp 

Xét rộng ra về mô hình quảng trường trên cả nước, vẫn rõ rệt nhất ở hai loại, quảng trường giao thông và quảng trường công cộng. Như đã nói quảng trường giao thông thường là nơi giao cắt của nhiều tuyến phố (ngã 5, ngã 6) , có mật độ giao thông cao, thường thì ở giữa sẽ có một bức tượng, một công trình điêu khắc, hoặc một vườn hoa nhỏ để làm điểm nhấn (quảng trường Quang Trung ở Quy Nhơn), nhưng cái này tôi không muốn xét tới vì theo thuật ngữ đúng của một quảng trường mà tôi đang dùng để làm phép so sánh (town square, city square) thì đây không phải là chức năng chính cấu thành nên nó. Quảng trường công cộng, phát triển sau Hà Nội nhiều năm, nên các tỉnh có điều kiện hơn trong việc học tập cũng như xử lý không gian đô thị vì người dân hơn, rất nhiều quảng trường được mở rộng rất lớn, như quảng trường Hồ Chí Minh ở Vinh, quảng trường 17-3 ở Pleiku… Ưu điểm nổi bất là diện tích rất rộng, một không gian mở hoàn toàn và dành hoàn toàn cho người dân và các hoạt động văn hóa xã hội, tuy nhiên, về bố cục và hình thái của quảng trường thì không tốt. 

Quảng trường ở Việt Nam có một căn bênh chung, đó là hời hợt và thiếu điểm nhấn, không hòa hợp với môi trường xung quanh, thiếu tính thẩm mỹ và rất nông cạn trong việc sử dụng. Mặc dù không gian rất rộng nhưng chức năng chính cũng chỉ quanh quẩn ở việc đi dạo của người dân, làm chỗ hò hẹn của các đôi trẻ, những hoạt động văn hóa trình diễn diễn ra rất ít và chủ yếu là vào các ngày lễ lớn của đất nước. Không gian đô thị đó, mà ở phương Tây là một phần không thể thiếu, một thực thể sống của đô thị thì ở Việt Nam nó giống như một không gian được hình thành theo những công thức lắp sẵn của nhà quy hoạch và nhà quản lý, giống như việc người ta cứ thích xây thêm bảo tàng nhưng rồi chẳng biết trưng bày gì. Quảng trường ở Việt Nam đang gặp tình trạng đó, những thành phố lớn thì quá thiếu, còn những đô thị nhỏ hơn thì quá thừa. Sự không hài hòa của quy hoạch vẫn luôn là vấn đề nhức nhối muôn thuở cho những người làm đô thị là vậy. 

Là bộ phận nòng cốt tạo nên đô thị, hình thái của quảng trường luôn luôn gắn liền với hình thái của đô thị một cách không thể tách rời, nếu không sẽ phá vỡ cảnh quan và mất mỹ quan của đô thị đó. Hà Nội nói riêng và các địa phương nói chung đang tiến những bước dài trong quá trình phát triển cả về chất và lượng trên mọi lĩnh vực, nhưng lại thiếu sự hài hòa, những tác động kinh tế luôn luôn làm cho những bản vẽ quy hoạch, đặc biệt là cảnh quan và không gian công cộng bị thu hẹp và bóp méo, cuộc sống đô thị luôn là thứ yếu trong nhu cầu phát triển xã hội, những thuộc tính của một đô thị thân thiện với con người, hòa đồng với xã hội được xem nhẹ và trễ nại. Bài viết này không có tính chất đưa ra lý thuyết về quảng trường, vì thực tế cũng có một số bài viết đề cập đến, tôi muốn nhìn nhận ở một góc độ khác, một góc độ tương phản có thể dễ dàng nhận thấy về sự tồn tại và phát triển của hệ thống quảng trường ở Việt Nam so với cái khái niệm gốc được bắt nguồn từ Athens – Hy Lạp. 

Nguyễn Tuấnkĩ sư đô thị, đang học tập tại Pháp với chuyên ngành đô thị và bảo tồn 

Chú thích: 

  • (*): tôi chỉ nhắc đến Hà Nội vì đây là thành phố mang tính chất điển hình về một thành phố do Pháp quy hoạch.
  • (**): chiếu nghỉ, theo cách sử dụng của tôi thì đó là nơi để phương tiện giao thông dừng tạm thời trong quá trình chờ đợi, hoặc có một gián đoạn đột ngột nào đó diễn ra trong quá trình lưu thông, họ dừng lại rồi lại đi ngay sau đó. 

Nguồn tham khảo: 

  • Từ điển Encyclopedia of Urban Studies – Ray Hutchison.
  • wikipedia về các thuật ngữ đô thị. 
  • Cerurds.com 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo