By using this site, you agree to the Privacy Policy and Terms of Use.
Accept
Ashui.comAshui.comAshui.com
  • Home
    • Bookmarks
    • English
      • News
      • Projects
      • Products
    • Ashui Awards
    • Giới thiệu
    • Quảng cáo / PR
    • Liên hệ
  • Tin tức / Sự kiện
    • Tin trong nước
    • Tin thế giới
    • Sự kiện
    Tin tức / Sự kiệnĐọc tiếp
    Quy hoạch chung TP.HCM theo mô hình đa trung tâm với 6 phân vùng
    Tạp chí Xây dựng 13/05/2025
    Điều chỉnh cục bộ quy hoạch sân bay Long Thành
    Báo Xây dựng 12/05/2025
    Chính phủ chính thức thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025
    TTXVN 11/05/2025
    [Cà phê Net Zero] Thiết kế bền vững trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng
    Ashui.com 11/05/2025
    Áp dụng hiệu quả mô hình thông tin công trình cho các dự án đường sắt Việt Nam
    Báo Xây dựng 09/05/2025
  • Chuyên mục
    • Kiến trúc
    • Nội – ngoại thất
    • Quy hoạch đô thị
    • Bất động sản
    • Năng lượng – Môi trường
    • Phong thủy
  • Công nghệ
    • Công nghệ mới
    • Giải pháp
    • Xu hướng
    • Ứng dụng
  • Vật liệu / Thiết bị
    • Vật liệu xây dựng
    • Trang thiết bị
    • Trang trí nội thất
    • Thị trường
  • Dự án
    • Giới thiệu dự án
    • Tư vấn thiết kế
    • Kinh tế / Pháp luật
  • Tương tác
    • Chuyên đề
    • Góc nhìn
    • Phản biện
    • Đối thoại
    • Q&A
    • Điểm đến
    • Nhìn ra thế giới
  • Cộng đồng
    • Kiến trúc sư
    • Kỹ sư
    • Thiết kế / Sáng tạo
    • Sinh viên
    • Tuyển dụng
    • CLB Điện ảnh Kiến trúc
    • CLB Kiến trúc Xanh TPHCM
Font ResizerAa
Ashui.comAshui.com
Font ResizerAa
  • Home
  • Tin tức / Sự kiện
  • Chuyên mục
  • Công nghệ
  • Vật liệu / Thiết bị
  • Dự án
  • Tương tác
  • Cộng đồng
  • Home
    • Bookmarks
    • English
    • Ashui Awards
    • Giới thiệu
    • Quảng cáo / PR
    • Liên hệ
  • Tin tức / Sự kiện
    • Tin trong nước
    • Tin thế giới
    • Sự kiện
  • Chuyên mục
    • Kiến trúc
    • Nội – ngoại thất
    • Quy hoạch đô thị
    • Bất động sản
    • Năng lượng – Môi trường
    • Phong thủy
  • Công nghệ
    • Công nghệ mới
    • Giải pháp
    • Xu hướng
    • Ứng dụng
  • Vật liệu / Thiết bị
    • Vật liệu xây dựng
    • Trang thiết bị
    • Trang trí nội thất
    • Thị trường
  • Dự án
    • Giới thiệu dự án
    • Tư vấn thiết kế
    • Kinh tế / Pháp luật
  • Tương tác
    • Chuyên đề
    • Góc nhìn
    • Phản biện
    • Đối thoại
    • Q&A
    • Điểm đến
    • Nhìn ra thế giới
  • Cộng đồng
    • Kiến trúc sư
    • Kỹ sư
    • Thiết kế / Sáng tạo
    • Sinh viên
    • Tuyển dụng
    • CLB Điện ảnh Kiến trúc
    • CLB Kiến trúc Xanh TPHCM
Các kênh mạng xã hội
  • Advertise
© 2000-2025 Ashui.com. All Rights Reserved.
Quy hoạch đô thị

Giải pháp bảo vệ môi trường nước và phát triển hạ tầng xanh cho TP Hà Nội

Tác giả đề xuất 10 giải pháp thoát nước bền vững, 10 biện pháp kiểm soát ô nhiễm hồ đô thị, mô hình phát triển đô thị gắn với giá trị của nước và mô hình quản lý tổng hợp chất thải, để nâng cao hiệu quả kiểm soát ô nhiễm và thu hồi tài nguyên, mang lại lợi ích tổng thể.

Tạp chí Xây dựng 23/04/2025
93 phút đọc
SHARE
Công tác thi công nạo vét bùn sông Tô Lịch do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng, Hà Nội cũng phải đối mặt với những thách thức lớn về hạ tầng đô thị, đặc biệt là vấn đề cấp nước, thoát nước, bảo vệ môi trường nước. Rà soát, nêu các vấn đề bất cập trong quy hoạch và thực thi quy hoạch thoát nước, tác giả đề xuất các giải pháp chống ngập, được tổng quát hóa bằng gói 10 giải pháp thoát nước đô thị bền vững (10 T), với 6 giải pháp công trình và 4 giải pháp phi công trình. Tác giả cũng đề xuất giải pháp liên quan thu gom, xử lý nước thải và nỗ lực làm sống lại các dòng sông nội đô, nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết một cách đồng bộ, từ đấu nối hộ gia đình đến mạng lưới thu gom, trạm xử lý, việc tuần hoàn, tái sử dụng nước thải, thu hồi các chất có ích từ bùn cặn. Kết quả chạy mô hình mô phỏng, tính toán khả năng tiếp nhận của nguồn nước sông Nhuệ và các sông nội đô Hà Nội cũng được trình bày.

Tác giả đề xuất 10 biện pháp kiểm soát ô nhiễm hồ đô thị và mô hình quản lý tổng hợp chất thải đô thị, để nâng cao hiệu quả kiểm soát ô nhiễm và thu hồi tài nguyên, mang lại lợi ích tổng thể.

Trong điều kiện của TP Hà Nội, tích hợp cùng với mô hình Phát triển dựa vào giao thông (TOD), kiến nghị nên áp dụng mô hình Phát triển dựa vào nước (WOD) hoặc Phát triển đô thị nhạy cảm với nước (WSD). Để mô hình WSD hay WOD hấp dẫn hơn với khu vực tư nhân, có thể áp dụng linh hoạt 14 mô hình phát huy nguồn lực, huy động các nguồn tài chính.

1. Xu hướng phát triển hạ tầng đô thị xanh, bền vững

Đã có hơn một nửa dân số thế giới sống ở các khu vực đô thị, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 70% vào năm 2050. Trong bối cảnh thế giới đối diện với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu (BĐKH), ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên, phát triển bền vững đã và đang trở thành định hướng bắt buộc.

Đô thị xanh không chỉ đảm bảo môi trường sống trong lành, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá lịch sử, nâng cao chất lượng sống.

Đó là nền tảng để xây dựng những cộng đồng thịnh vượng, bền vững, nơi mà tăng trưởng và yếu tố quyết định thành công không còn phụ thuộc vào sự khai thác cạn kiệt tài nguyên, thiên nhiên mà dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, quản trị hiệu quả của chính quyền và sự đoàn kết chung tay của cả xã hội.

Đô thị xanh không chỉ là những không gian với nhiều cây xanh, mà còn là sự tích hợp của các giải pháp sáng tạo trong sử dụng năng lượng, quản lý nguồn nước, giao thông và công nghệ thông tin.

Tác giả Lưu Đức Hải và cộng sự đã đề xuất các khái niệm “xanh” cho các hạng mục hạ tầng đô thị, trong đó: Đô thị xanh là đô thị được quy hoạch, đầu tư xây dựng, nhằm bảo tồn các chức năng của hệ sinh thái, mang lại lợi ích cho con người, sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH; Hạ tầng xanh là hệ thống của môi trường nhân tạo có gắn kết với tự nhiên, dựa vào các yếu tố tự nhiên để hình thành thông qua việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng (gồm giao thông, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải (TN và XLNT), thoát nước mưa, công viên, nghĩa trang và an táng…) nhằm bảo tồn chức năng của hệ sinh thái, mang lại lợi ích cho con người, sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH [1].

Có 8 thách thức chính mà các thành phố và cộng đồng đô thị phải đối mặt để đạt được tính bền vững và trở thành đô thị xanh, trong đó nước đã có vai trò trực tiếp hay gián tiếp trong 6 thành tố: Cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, năng lượng và phát thải, quản lý môi trường, chất lượng không khí, giao thông, quản lý đất đai [2].

Ở các nước đang phát triển, trở ngại lớn nhất là việc thực hiện hiệu quả các khung pháp lý môi trường hiện có. Quản trị kém thường dẫn đến các hệ quả môi trường tiêu cực.

Ngược lại, quản trị tốt có khả năng điều chỉnh và thực thi các chính sách bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo việc sử dụng bền vững các tài nguyên thiên nhiên. Việc cải thiện quản trị, kết hợp với các khung pháp lý và quy trình chặt chẽ, có thể trở thành công cụ mạnh mẽ góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.

2. Những thách thức Hà Nội đang gặp phải trên con đường phát triển theo hướng xanh và bền vững

Thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Với dân số liên tục gia tăng và áp lực ngày càng lớn từ sự phát triển kinh tế, vấn đề môi trường trở thành một mối quan tâm hàng đầu đối với thành phố.

Hà Nội đang hướng tới việc phát triển đô thị xanh một cách toàn diện và bền vững. Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng “xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển… Tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường… thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; hoàn thành cải tạo môi trường sông Nhuệ – sông Đáy, sông Tô Lịch; các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị… theo quy hoạch” [3].

Ngày 27/11/2024, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dành nhiều thời gian nói về 2 vấn đề quan trọng là ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là xử lý ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là sông Tô Lịch. Lãnh đạo TP Hà Nội đã nhận rõ điều đó và xây dựng những chiến lược dài hạn nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân mà không làm suy giảm nguồn tài nguyên cho thế hệ mai sau [4][5].

Những năm qua, trên địa bàn Thủ đô có nhiều công viên, vườn hoa, hồ điều hòa được tạo lập hay cải tạo. Hệ thống giao thông công cộng cũng được nâng cấp với mạng lưới xe buýt công cộng, đường sắt trên cao.

Cùng với đó, Hà Nội đang thực hiện các dự án xây dựng các khu đô thị sinh thái, ứng dụng công nghệ thông minh, các tòa nhà xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng… Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng, Hà Nội cũng phải đối mặt với những thách thức lớn.

Mặc dù đã có Luật Thủ đô, nhưng thành phố còn thiếu các quy định mang tính quyết liệt, đột phá, cách tiếp cận vẫn theo kiểu truyền thống, thiếu thể chế để quản lý theo quy hoạch. Mô hình quản trị của Hà Nội chưa phù hợp với yêu cầu đặc thù của Thủ đô và chưa hiệu quả. Nhiều nguồn lực như di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, mặt nước sông hồ… chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế để biến thành động lực. Khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục, đào tạo chất lượng cao, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo… chưa đáp ứng yêu cầu.

Giao thông và logistics yếu kém là một trong những vấn đề lớn nhất của Hà Nội. Tình trạng giao thông quá tải, thiếu tính liên kết và đồng bộ. Chính sách chưa phù hợp và tạo cơ chế thông thoáng để triển khai thực hiện các mô hình phát triển mới như phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).

Ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, cùng với tình trạng khói bụi, không khí ô nhiễm… Việc quản lý, kiểm soát dân số tại đô thị trung tâm và giãn dân khu vực nội đô còn gặp nhiều khó khăn.

Dân số TP Hà Nội năm 2024 là khoảng 8,5 triệu người, với mật độ dân số là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước. So sánh với Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa chưa đạt mục tiêu nhưng quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo [6]. Nhu cầu phát triển nhà cao tầng làm gia tăng áp lực cho hệ thống hạ tầng nội đô.

Công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, thực thi quy hoạch còn nhiều bất cập. Còn tồn tại nhiều công trình xây dựng sai phép, không phép. Nhiều công trình không tuân thủ quy hoạch mặt bằng và cốt san nền, góp phần làm gia tăng úng ngập.  Cơ sở dữ liệu đất đai, môi trường, hạ tầng chưa được kết nối đồng bộ, chưa có cơ chế chia sẻ, khai thác hiệu quả.

Công tác số hóa dữ liệu chưa được thực hiện quyết liệt, dẫn đến thiếu hiệu quả trong quá trình triển khai nhiều hoạt động liên quan. Đô thị suy thoái cũng là một xu thế đáng ngại. Nếu không có chiến lược phát triển bền vững, Hà Nội có thể rơi vào tình trạng suy thoái trong 10 – 20 năm tới, giống một số thành phố lớn như Detroit (Mỹ), Liverpool (Anh), Mexico (Mexico), Jakarta (Indonesia)… từng gặp phải [7].

Nguồn nước chiến lược cấp cho TP Hà Nội là sông Hồng đang có xu thế ngày càng bị ô nhiễm bởi nước thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt từ trên thượng nguồn và từ vùng Đồng bằng sông Hồng, trong khi đó, các nhà máy nước vẫn dựa vào công nghệ xử lý truyền thống (Clo hóa sơ bộ – keo tụ – tạo bông – lắng – lọc nhanh – khử trùng bằng Clo).

Công nghệ này không cho phép loại bỏ các chất ô nhiễm phức tạp như chất hữu cơ bền vững, các hợp chất amoni, mangan… Nguồn nước ngầm truyền thống đang bị ô nhiễm bởi các chất khó xử lý, như amoni, asen, mangan, hữu cơ, đòi hỏi đầu tư nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới để nâng cao chất lượng nước cấp cho người dân.

Các công nghệ khai thác nước ven sông bằng thấm lọc, hay bổ cập nước ngầm có kiểm soát để duy trì nguồn nước ngầm, mới thử nghiệm ở quy mô nhỏ, chưa mạnh dạn triển khai rộng.

Bên cạnh các nguồn sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, còn có các đề xuất nguồn hồ Hòa Bình, hồ Núi Cốc, sông Lô cần xem xét để định hướng lâu dài, đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn cấp nước cho Thủ đô. 

Việc thực hiện quy hoạch thoát nước (theo Quyết định 725/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ) còn quá chậm và thiếu đồng bộ, trong đó có lý do thiếu sự ưu tiên dành nguồn lực cho thoát nước và xử lý nước thải, chậm giải phóng mặt bằng. Mới có 6/13 nhà máy XLNT theo quy hoạch cho khu vực trung tâm thành phố được xây dựng và vận hành.

Các dự án đã đầu tư chưa thực sự phát huy hiệu quả trong kiểm soát ô nhiễm môi trường, giảm gánh nặng bệnh tật. Điển hình là dự án Nhà máy XLNT Yên Sở, được đưa vào vận hành từ năm 2013, nhưng không kèm theo cống thu gom, nước thải vẫn chảy qua sông Kim Ngưu như một kênh hở dẫn nước thải, gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị; Nhà máy XLNT Bắc Thăng Long đã được đưa vào vận hành từ năm 2009, cho đến nay vẫn chưa đạt công suất thiết kế do đầu tư ở địa điểm chưa phát triển.

Mới đây, Nhà máy XLNT Yên Xá vừa hoàn thành việc xây dựng, đang chạy thử chỉ với công suất trên 100 nghìn m3/ngày trên tổng công suất thiết kế 270 nghìn m3/ngày, lại cũng vì lý do mạng lưới thu gom nước thải chưa được xây dựng đồng bộ.

Thách thức lớn nhất đối với quản lý nước thải ở TP Hà Nội là vấn đề thu gom, trong khi Hà Nội chưa phân bổ nguồn lực phù hợp để đầu tư cho hợp phần này đồng bộ với việc đầu tư các Nhà máy XLNT. Nước thải không được thu gom, chảy thẳng ra môi trường, trong khi nhà máy XLNT hoạt động không hết công suất thiết kế, gây lãng phí. 

Mặc dù hệ thống thoát nước của TP Hà Nội đã hình thành từ thời Pháp thuộc, đã được đầu tư mở rộng rất nhiều, với chiều dài tuyến cống, kênh mương, số nhà máy XLNT ngày càng thêm, nhưng Hà Nội chưa có một giải pháp quản lý bùn thải đúng nghĩa.

Các bãi thải bùn chỉ đóng vai trò bãi tập kết tạm thời, thường xuyên bị coi là nguồn ô nhiễm, trong khi các chất có ích trong bùn nạo vét từ mạng lưới thoát nước và các Nhà máy XLNT không được tận dụng.

Hàng trăm ngàn tấn bùn thải nạo vét từ các tuyến cống, kênh mương, sông hồ mỗi năm, hàng trăm tấn bùn đã tách nước phát sinh từ các Nhà máy XLNT, cần được tận dụng để mang lại giá trị kinh tế và giảm ô nhiễm, giảm diện tích chôn lấp, bằng các giải pháp như làm nguyên liệu sản xuất phân bón, ủ kỵ khí hay sấy và đốt để thu hồi nhiệt, sản xuất năng lượng (điện, nhiệt), tro làm vật liệu xây dựng.

Hiện nhà máy XLNT ở Mỹ, châu Âu đang áp dụng công nghệ đồng phân hủy kỵ khí bùn nhà máy XLNT và chất thải rắn hữu cơ, tự sản xuất đủ năng lượng dùng cho bản thân nhà máy và cấp điện, nhiệt dư ra ngoài [8].

Hầu hết các hộ gia đình, nhà tập thể, cơ sở dịch vụ, cơ quan… trong địa bàn Hà Nội đều có bể tự hoại. Lượng phân bùn bể tự hoại phát sinh hàng ngày ước tính 300 – 500 m3 [9]. Ngoài lượng phân bùn bể tự hoại từ các nhà vệ sinh công cộng được đưa về Trạm xử lý Cầu

Diễn, còn lại lượng phân bùn từ các nguồn khác đều chưa được kiểm soát. Việc xả trộm bừa bãi phân bùn ra bãi đất trống, xuống cống thoát nước… gây lan tràn dịch bệnh và ô nhiễm nặng nề, vẫn đang tiếp tục diễn ra. 

3. Một số vấn đề cần được ưu tiên xem xét

3.1. Rà soát lại quy hoạch thoát nước và thực hiện các giải pháp chống ngập

Cần rà soát lại Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725/2013/QĐ-TTg. Theo quy hoạch này, hệ thống thoát nước nội thành Hà Nội được chia làm 4 lưu vực: Tô Lịch, tả sông Nhuệ, hữu sông Nhuệ, Long Biên.

Sau gần 10 năm triển khai, đến nay Hà Nội mới chỉ đầu tư xây dựng được tương đối hoàn chỉnh lưu vực sông Tô Lịch, với diện tích 77,5 km2, có khả năng đáp ứng với lượng mưa 310 mm/2 ngày. Với những trận mưa cường độ lớn, diễn ra trong thời gian ngắn, khu vực này vẫn tồn tại một số điểm úng ngập, do lưu vực bị trải dài, công trình đầu mối Yên Sở ở quá xa dưới hạ lưu, trong khi ở phần thượng lưu quá thiếu dung tích điều hòa và thảm xanh làm chậm dòng chảy, hệ thống cống bị quá tải. Các khu vực khác chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch. 

Việc tập trung phát triển đô thị, tốc độ đô thị hóa quá nhanh nhưng chưa chú trọng đến phát triển các công trình hạ tầng, thiếu hồ nước, thiếu không gian xanh, làm tăng diện tích “bê tông hóa”, giảm khả năng thấm hút tự nhiên.

Cùng đó, không có sự kiểm soát cốt nền trong các dự án xây dựng, cũng như không có giải pháp về thoát nước đồng bộ khu vực, khiến cho các khu dân cư hiện hữu tại các quận như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… luôn bị úng ngập nhiều ngày sau mưa [10]. Nhiều dự án bất động sản, nhà ở thương mại liên tục được xây dựng mà không có sự kết nối đồng bộ theo quy hoạch thoát nước của địa phương, không đóng góp phát triển hạ tầng đô thị mà chỉ làm gia tăng áp lực.

Dự án XLNT Yên Xá chỉ xét đến nội dung thu gom nước thải hay hỗn hợp nước thải và nước mưa vào mùa mưa, đưa về Nhà máy XLNT Yên Xá, mà không cân nhắc đến nội dung bổ cập nguồn nước để duy trì dòng chảy môi trường cho sông Tô Lịch, cũng như không xem xét nguy cơ ngập úng ở các tuyến cống gom khi mực nước trong sông Tô Lịch vượt quá cao độ ngưỡng tràn của các giếng tách nước mưa dọc sông và các phai chắn dẫn nước vào cống bao đưa về nhà máy XLNT phải khép lại. Thiết kế đơn giản này cũng làm hạn chế năng lực sử dụng sông nội đô làm nơi điều tiết nước mưa, giảm úng ngập cho lưu vực thoát nước.

Cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết thoát nước cho phù hợp với thực tế hơn, có thể chống chịu, thích ứng được tác động của BĐKH. Cần xem xét đồng bộ các yếu tố tác động để cải thiện thoát nước, XLNT và chống ngập. Các lưu vực có diện tích lớn, hạn chế diện tích chứa và thấm nước mưa, cần chia cắt nhỏ ra và thực hiện các giải pháp chuyển dòng.

Cần phủ kín hệ thống cống cho toàn bộ khu vực, và tăng diện tích mặt nước làm các hồ điều hòa, hay tăng các dung tích chứa nước mưa, thảm xanh…

Cần tính toán chiều sâu công tác, sự liên thông của các hồ và sự kết nối với mạng lưới thoát nước, xây dựng bổ sung các trạm bơm tiêu sau hồ điều hòa nếu cần… Cách tiếp cận của thoát nước mưa bền vững SUDS (Sustainable Urban Drainage Solutions) là thoát chậm, không phải thoát nhanh, để tránh lượng mưa tập trung lớn trong thời gian ngắn.

Tiết diện cống sẽ khó có thể đáp ứng nếu lượng mưa lớn, tốn kém mà nước vẫn tràn cống, gây ngập đường, lụt nhà. Vì vậy, phải tổ chức thoát nước mưa, kết hợp các biện pháp khác nhau một cách đồng bộ, sao cho dòng chảy được tập trung chậm. 

Tác giả đề xuất gói 10 giải pháp thoát nước đô thị bền vững (10 T), với 6 giải pháp công trình (T1 đến T6) và 4 giải pháp phi công trình (T7 đến T10) như sau:

1/ Tách lưu vực (chia cắt lưu vực thành các lưu vực nhỏ hơn, chuyển dòng chảy để giảm áp lực cho các tuyến cống phía dưới);

2/ Trữ nước;

3/ Thấm nước;

4/ Thoát nước (với tiết diện cống đủ, áp dụng tối đa nguyên tắc tự chảy);

5/ Thông (đảm bảo sự kết nối giữa các khu vực, đặc biệt là khu nội đô bằng các trục thoát nước lớn, hệ thống tiêu thủy lợi liên hoàn);

6/ Trung chuyển (dùng bơm khi không thể tự chảy);

7/ Thông tin và Thông minh (công nghệ thông tin, áp dụng chuyển đổi số trong thoát nước đô thị);

8/ Thích ứng (có tính đến tác động của biến đổi khí hậu khi lập và thực hiện quy hoạch, triển khai dự án; người dân có nhận thức đầy đủ và sẵn sàng các giải pháp tự cứu mình khi có mưa lớn, úng ngập…);

9/ Tiền (cần có nguồn lực tài chính đủ đáp ứng yêu cầu, kể cả từ ngân sách, huy động khối tư nhân, và đóng góp của người dân từ thuế và thanh toán các dịch vụ sử dụng;

10/ Trách nhiệm (cần tất cả các bên tham gia, từ nhà nước, nhà đầu tư, người dân; ban hành các chính sách phù hợp và tuân thủ luật pháp).

SUDS thường được quy hoạch và thiết kế tích hợp với đô thị phát triển dựa vào mặt nước (Water Oriented Development – WOD) hay thiết kế đô thị nhạy cảm với nước (Water Sensitive Urban Design – WSUD).

Đây là tổng hợp các giải pháp công trình và phi công trình, hướng tới giải quyết tổng hợp các vấn đề: Đảm bảo sự hài hoà cảnh quan thiên nhiên, xanh hóa đô thị; Giải quyết úng ngập; Ngăn ngừa ô nhiễm nước và giảm ô nhiễm môi trường nói chung; Đảm bảo nơi cư trú cho các sinh vật hoang dã, tăng cường đa dạng sinh học; An toàn cho cư dân địa phương; Bảo vệ nguồn nước, bổ cập nguồn nước ngầm.

Cách tiếp cận này cũng làm tăng giá trị của bất động sản và tạo nguồn tài chính bền vững cho đô thị. Các giải pháp SUDS, WUSD hay WOD cần được mạnh dạn áp dụng, có cơ chế thu hút tư nhân tham gia. (Hình 1)

Hình 1. Hệ thống thu gom nước mưa lắp đặt tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước khác, mạnh dạn áp dụng chính sách để giảm thiểu úng ngập, giảm thiệt hại kinh tế, rủi ro, nhất là trong bối cảnh BĐKH, như yêu cầu chủ đầu tư các công trình công cộng, xây dựng mới hoặc cải tạo, có tổng diện tích mái trên 1 nghìn m2 bắt buộc phải xây dựng công trình thu gom, lưu trữ và sử dụng nước mưa.

Với các công trình khác, khuyến khích chủ đầu tư các công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật xây dựng công trình thu gom, lưu trữ và sử dụng nước mưa, sử dụng cho tưới cây, rửa đường, cứu hỏa và các mục đích khác.

Bên cạnh đó, cần có quy định, công trình thu gom, lưu trữ và sử dụng nước mưa phải được kết nối với hệ thống thoát nước mưa trong hoặc ngoài phạm vi công trình xây dựng (nếu không thì công trình thu gom nước mưa không phát huy được vai trò điều hòa của mình một khi bể đã đầy nước và không có quản lý đúng, thậm chí còn gây úng ngập nặng hơn vì không có chỗ thoát đi).

Có lộ trình đưa việc thu gom nước mưa trở thành bắt buộc đối với công trình mới, công trình cải tạo, đưa vào tiêu chuẩn thiết kế, cấp phép phê duyệt xây dựng nhà, hoặc chủ công trình phải đóng tiền thoát nước nhiều hơn nếu không thực hiện.

Các giải pháp SUDS được làm đồng bộ sẽ có hiệu quả tốt, nhưng không nhất thiết phải làm ngay, mà có thể làm từng bước. Quan trọng là có quy hoạch, thiết kế nhất quán, và tuân thủ quy hoạch này.

Không nên coi thu, lưu trữ  và sử dụng nước mưa là việc đơn giản. Đây là cách làm truyền thống, nhưng cần có nguyên tắc, không làm tuỳ tiện, thô sơ. Khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong dự báo, thiết kế và vận hành công trình SUDS.

Áp dụng các giải pháp công nghệ mới, các thiết bị tiên tiến, lồng ghép với các hệ thống kỹ thuật hạ tầng khác là cần thiết. Ví dụ như kết nối với internet, cải tiến công nghệ dự báo khí tượng thủy văn, lắp các sensor đo mực nước bể, kiểm soát tự động chất lượng nước bể, lắp đặt các hệ thống điều khiển từ xa trong xử lý sơ bộ và xử lý bậc sau, xử lý nâng cao, các hệ thống điều khiển trung tâm…

Một số nước đã áp dụng công nghệ GIS, wireless để kiểm soát chất lượng nước mưa và số lượng nước mưa… Kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, và gần đây là Thái Lan, Malaysia, Singapore… đã có nhiều dự án, nhiều cách làm thành công trong áp dụng WOD, WSUD hay SUDS. (Hình 2)

Hình 2. Bể nước mưa ngầm đa mục tiêu: (a) Tại bãi đỗ xe, ở Hàn Quốc; (b) Tại quảng trường ga đường sắt, ở Nhật Bản [19] [20].

Các dự án khu đô thị mới, khu chức năng mới phải bố trí quỹ đất xây dựng công trình điều hòa đáp ứng điều hòa nước mưa cho dự án. Cần có quy định yêu cầu các chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu chức năng mới có xả nước mưa vào hệ thống thoát nước của khu vực phải có giải pháp không làm gia tăng nguy cơ úng ngập cho khu vực hạ lưu (ứng với trận mưa tính toán), bằng cách áp dụng các giải pháp thoát nước bền vững.

Phải quy định rõ là “không được làm gia tăng úng ngập”, chứ không mập mờ “giảm tải thoát nước mưa cho khu vực lân cận”. Nếu không, sẽ vẫn tiếp tục lặp lại cảnh khu đô thị mới được hình thành thì cư dân xung quanh bị ngập lụt. Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, Báo cáo đánh giá tác động môi trường… là các công cụ để quản lý, kiểm soát hoạt động này.

Đây là động lực để các khu đô thị có giải pháp thoát nước bền vững (SUDS), chống úng ngập, có trách nhiệm với hạ tầng kỹ thuật đô thị chung, chứ không làm gia tăng úng ngập cho thành phố, cư dân xung quanh, gây mất công bằng, tiền đề cho các mâu thuẫn xã hội. 

3.2. Thu gom, xử lý nước thải và nỗ lực làm sống lại các dòng sông nội đô

Ước tính để thu gom và XLNT khu vực trung tâm TP Hà Nội, với tổng công suất các nhà máy chưa triển khai khoảng 1 triệu m3/ngày, cần khoảng 2 tỷ USD, bao gồm cả đấu nối hộ gia đình, mạng lưới thu gom nước thải và tiêu thoát nước mưa (kết hợp hệ thống thoát nước chung và riêng), XLNT đạt mức A.

So với thiệt hại do ô nhiễm môi trường bởi nước thải ít nhất là 0,7% GDP, là mức thiệt hại chung của Việt Nam [11] (ở đô thị như Hà Nội mức thiệt hại sẽ còn lớn hơn vì tập trung đông người, mức thu nhập cao hơn mặt bằng chung toàn quốc, dịch bệnh dễ phát tán, giá đất cao, du lịch đông…) tương đương 0,4 tỷ USD (GDP của TP Hà Nội năm 2024 là 58 tỷ USD), chỉ cần 3 – 5 năm là “hoàn vốn”, tính theo giá trị quy đổi của lợi ích kinh tế, hay thiệt hại kinh tế tránh được.

Nghiên cứu của GS Nguyễn Việt Anh và cộng sự ở Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cùng Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra, cứ mỗi 1 USD đầu tư cho TN và XLNT, có thể thu về lợi ích kinh tế – xã hội – môi trường tới 4 – 11 USD.

Đây không hẳn là lợi nhuận cho nhà đầu tư, mà là lợi ích chung cho cộng đồng đô thị về giảm gánh nặng các bệnh tật liên quan đến nước, nguồn nước sạch, chất lượng môi trường và cảnh quan, làm gia tăng giá trị của đất đai, tiết kiệm thời gian đi lấy nước, khuyến khích đầu tư và du lịch… [11].

Có thể nói là “1 vốn 4 lời”. Đây chính là động lực cần nhấn mạnh để thúc đẩy hoạt động đầu tư cho TN và XLNT đô thị. Phải coi nước sạch, TN, XLNT và quản lý chất thải rắn là vấn đề cần ưu tiên hành động. Càng triển khai muộn, thiệt hại do ô nhiễm, bệnh tật càng lớn, chi phí đầu tư cải tạo, sửa chữa sau này càng tốn kém. 

Vấn đề thu gom, xử lý nước thải cần được giải quyết một cách đồng bộ, từ đấu nối hộ gia đình đến mạng lưới thu gom, trạm xử lý, Mặt khác, cần tính đến cả việc tuần hoàn, tái sử dụng nước thải, thu hồi các chất có ích từ bùn cặn.

Nếu nguồn lực hạn chế thì có thể làm từng khu vực, nhưng phải đồng bộ, làm đến đâu gọn đến đấy, và phải làm tốt từ khâu quy hoạch đến thực thi.

Bên cạnh những bài học đắt giá về sự thiếu đồng bộ giữa đầu tư xây dựng mạng lưới thu gom, hợp phần đấu nối hộ gia đình, với hạng mục xây dựng Nhà máy XLNT, dẫn đến lãng phí nguồn lực và không cải thiện được điều kiện vệ sinh môi trường, vẫn đang tiếp tục xảy ra ở nhiều đô thị, cũng có nhiều dự án tiêu biểu, cho thấy cách tiếp cận và lựa chọn công nghệ cũng như xác định thứ tự ưu tiên hợp lý sẽ dẫn đến “làm đến đâu mang lại hiệu quả đến đấy” như: Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè (đầu tư xây dựng các tuyến cống thu gom trước, tách nước thải khỏi nước kênh, giúp cho cá trở lại dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, còn nhà máy XLNT được xây dựng sau đó); Dự án thu gom và XLNT Nam Bình Dương (TP Thủ Dầu Một) chú trọng hợp phần đấu nối hộ gia đình, đầu tư xây dựng mạng lưới thoát nước riêng, tách nước thải khỏi nước mưa; Dự án Vệ sinh môi trường TP Buôn Mê Thuột chú trọng hợp phần đấu nối hộ gia đình, đầu tư xây dựng mạng lưới thoát nước riêng, bỏ qua bể tự hoại, tách nước thải khỏi nước mưa, triển khai đồng bộ với nhà máy XLNT, tái sử dụng nước thải sau xử lý để tưới cây cà-phê. 

Giá dịch vụ thu gom và XLNT phải đủ, đảm bảo nguồn lực cho cả vận hành và bảo dưỡng hệ thống. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có giá nước thấp nhất thế giới.

Định giá tài nguyên nước chưa đầy đủ, chưa đúng với giá trị thực, trong khi tài nguyên nước ở Việt Nam không dồi dào, cũng là một nguyên nhân dẫn đến giá nước và giá dịch vụ TN và XLNT ở Việt Nam còn thấp.

Thực trạng trên dẫn đến việc chính quyền đô thị phải bù từ ngân sách, chỉ đủ trang trải cho duy trì ở mức tối thiểu các hoạt động thu gom, XLNT, cùng với cơ chế bao cấp cho hoạt động tiêu thoát nước mưa, chống úng ngập, trong khi ngân sách hạn chế, và còn cần cho nhiều nhu cầu quan trọng khác.

Giá dịch vụ thấp, dẫn đến không thu hút được nguồn vốn tư nhân, bởi nếu đầu tư sẽ lỗ hoặc rất lâu mới hoàn vốn. Cần tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm trả tiền” và “người hưởng lợi phải trả tiền”, có lộ trình tăng giá phù hợp. Điều này cũng sẽ khiến người sử dụng nước có ý thức tiết kiệm tài nguyên nước hơn.

Hiện nay, một số địa phương như Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Bắc Ninh… đã tăng giá dịch vụ thu gom, XLNT lên 15 – 25% giá nước và hướng tới bù đắp đủ chi phí vận hành. Đây là hướng đi đúng, cần được nhân rộng. 

Tái sử dụng nước thải một cách tự phát, không có kiểm soát, vẫn đang diễn ra ở ngoại thành Hà Nội. Nước thải từ Hà Nội vẫn chảy xuống hạ lưu, gây ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy, làm ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tỉnh Hà Nam và các địa bàn khác.

Cần tích hợp vào quy hoạch nội dung xem xét cả các nguồn nước khác, như nước mưa, nước thải tái sử dụng…, áp dụng nguyên tắc quản lý tổng hợp nguồn nước và thực thi kinh tế tuần hoàn.

Nếu không đưa vào quy hoạch, việc tái sử dụng sẽ đạt hiệu quả kinh tế thấp, khi thực thi phải bổ sung thủ tục điều chỉnh quy hoạch… gây lãng phí và khó khả thi.

Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (IESE), Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cùng các đồng nghiệp đã thực hiện chạy mô hình mô phỏng, tính toán khả năng tiếp nhận của nguồn nước sông Nhuệ và các sông nội đô TP Hà Nội theo 9 kịch bản thu gom, XLNT, xả nước thải sau xử lý ra nguồn tiếp nhận theo các giai đoạn phát triển của thoát nước Hà Nội [12]. (Hình 3)

Hình 3. Cần nhiều giải pháp đồng bộ để có thể làm sống lại các dòng sông nội đô ở TP Hà Nội.

Kịch bản 1 được xây dựng với các giả thiết: Nhà máy XLNT Yên Xá bắt đầu đi vào hoạt động, công suất 100 nghìn m3/ngày, đạt quy chuẩn xả thải cột B, Quy chuẩn kỹ thuật về  nước thải công nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội (QCTĐHN 02:2014/BTNMT), chảy vào hạ lưu sông Tô Lịch rồi đổ ra sông Nhuệ; các nhà máy đã xây dựng trong khu vực hoạt động với 90% công suất thiết kế, đạt quy chuẩn xả thải cột B; lượng nước thải còn lại đổ thẳng ra sông Tô Lịch không qua xử lý; sông Tô Lịch có dòng bổ cập từ trên thượng nguồn, từ Nhà máy XLNT Hồ Tây, tổng lưu lượng 0,3 m3/s, chất lượng nước đạt cột B, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng mặt nước (QCVN 08:2023/BTNMT); nước thải sau xử lý của Nhà máy XLNT Yên Sở đạt quy chuẩn xả thải cột A, QCTĐHN 02:2014/BTNMT và được bơm ra sông Hồng qua trạm bơm Yên Sở.

Kịch bản 7: Nhà máy XLNT Yên Xá và các nhà máy theo Quy hoạch 725 trong khu vực đều hoạt động với 100% công suất thiết kế, đạt quy chuẩn xả thải cột B, QCTĐHN 02:2014/BTNMT, chảy vào sông Tô Lịch rồi chảy qua sông Nhuệ; toàn bộ nước thải trong khu vực được thu gom và xử lý (100%); sông Tô Lịch có dòng bổ cập từ trên thượng nguồn, với lưu lượng 0,6 m3/s, chất lượng cột B, QCVN 08:2023/BTNMT; nước thải sau xử lý của Nhà máy XLNT Yên Sở đạt quy chuẩn xả thải cột A, QCTĐHN 02:2014/BTNMT, được bơm ra sông Hồng qua trạm bơm Yên Sở; có thêm dòng bổ cập cho sông Nhuệ và sông Tô Lịch từ sông Hồng qua Trạm bơm Liên Mạc với lưu lượng 70 m3/s (trong đó 5 m3/s được cấp cho sông Tô Lịch và 65 m3/s cấp cho sông Nhuệ), chất lượng nước đạt cột A, QCVN 08:2023/BTNMT.

Kịch bản 8: Nhà máy XLNT Yên Xá hoạt động hết công suất thiết kế, 270 nghìn m3/ngày, đạt quy chuẩn xả thải cột B, QCTĐHN 02:2014/BTNMT, chảy vào sông Tô Lịch rồi đổ ra sông Nhuệ; các nhà máy theo quy hoạch trong khu vực hoạt động với 100% công suất thiết kế, đạt quy chuẩn xả thải cột B; sông Tô Lịch có dòng bổ cập bổ sung từ trên thượng nguồn sông Hồng, tổng lưu lượng bổ cập 3,6 m3/s, chất lượng nước đạt cột A, QCVN 08:2023/BTNMT; nước thải sau xử lý của Nhà máy XLNT Yên Sở đạt quy chuẩn xả thải cột A, QCTĐHN 02:2014/BTNMT, được bơm ra sông Hồng qua trạm bơm Yên Sở. (Hình 4)

Hình 4. Phân bố nồng độ COD và T-N trên các sông trong kịch bản 8.

Kết quả chạy mô hình theo KB8 cho thấy thượng lưu sông Tô Lịch sẽ khôi phục được chất lượng nước tốt, đáp ứng tiêu chuẩn cột B cho cả COD, BOD, N-NH4+, T-N và T-P. Trong khi đó, hạ lưu sông Nhuệ và sông Tô Lịch (Vĩnh Ninh, Đại Áng, Ngọc Hồi) vẫn bị ô nhiễm, chất lượng chỉ đạt cột C và D theo quy chuẩn chất lượng nước mặt QCVN 08:2023/BTNMT.

Nguồn bổ cập nước sông Tô Lịch từ sông Hồng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì dòng chảy và pha loãng chất bẩn, thúc đẩy khả năng tự làm sạch của sông. Sông Nhuệ tiếp tục bị ô nhiễm do tải lượng ô nhiễm, kể cả từ các nguồn thải tập trung và phân tán, đổ vào lớn và khả năng tiếp nhận, tự làm sạch hạn chế.

Kết quả chạy mô hình cho thấy cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý toàn bộ nước thải của TP Hà Nội, để cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, cải thiện chất lượng nước và từng bước phục hồi, làm sống lại các dòng sông nội đô.

Việc tăng tỷ lệ thu gom nước thải phát sinh trong khu vực đặc biệt quan trọng. Thậm chí khi tất cả các Nhà máy XLNT theo quy hoạch trong khu vực hoạt động tới 90% công suất thiết kế, chỉ 10% lượng nước thải không được thu gom xử lý, thì dù bổ cập thêm nước sông Hồng với lưu lượng 5 m3/s cho sông Tô Lịch và 65 m3/s cho sông Nhuệ, chất lượng nước các sông nội đô sẽ được cải thiện đáng kể nhưng vẫn không thể phục hồi để đạt chất lượng cột B, QCVN 08:2023/BTNMT (theo COD, BOD, N-NH4+, T-N và T-P).

Cần kết hợp các giải pháp kiểm soát tại nguồn, không cho các nguồn thải chưa qua xử lý tập trung và phân tán chảy vào sông, đồng bộ với việc thu gom và XLNT tập trung.

Bên cạnh đó, cần kết hợp các giải pháp tăng cường quá trình tự làm sạch các dòng sông, hồ: Sục khí, khuấy trộn, xả nước thải phân tán, pha loãng và tăng cường tự làm sạch, tăng động lực dòng chảy bằng các nguồn bổ cập.

Để làm sống lại sông Kim Ngưu, Lừ, Sét, cần xây dựng hệ thống thu gom triệt để nước thải và tuyến cống bao dọc sông, triệt để thu gom nước thải đưa về các Nhà máy XLNT, đồng thời có dòng chảy bổ cập cho sông để đảm bảo nước sông không bị ô nhiễm. 

Các giếng tách nước mưa cần được thiết kế phù hợp hơn, khắc phục thực trạng thiết kế thô sơ, vận hành thủ công, không ngăn được rác, cát và kiểm soát chất bẩn đổ vào sông.

Để ngăn tình trạng ngập úng khi mực nước sông dâng cao hơn ngưỡng tràn thiết kế, cần phân chia diện tích phục vụ và chọn vị trí bố trí giếng phù hợp, trang bị phai chắn, trạm bơm tiêu, tích hợp với giải pháp dự báo, giám sát và tự động hóa vận hành.

Về lâu dài, bên cạnh các khu vực mới, có thể cân nhắc chuyển dần các khu vực hiện có sang mạng lưới thu gom nước thải riêng nếu khả thi. (Hình 5) 

Hình 5. Giếng tràn tách nước mưa (CSO) có tách rác, tách cặn và khử trùng để kiểm soát ô nhiễm sông, hồ [13]

Các dự án duy trì dòng chảy, cải thiện chất lượng nước sông nội đô cần được triển khai đồng bộ, kết nối với hệ thống thủy văn tổng thể toàn lưu vực.

Trong tương lai, cần rà soát, xác định lại yêu cầu chất lượng nước đầu ra sau xử lý (có thể phải đạt cột A của quy chuẩn xả thải hoặc cao hơn), đặc biệt là các thông số T-N, T-P, để từng bước khôi phục chất lượng nước của các dòng sông nội đô, và có thêm cơ hội tái sử dụng nước thải sau xử lý vào các mục đích khác nhau.

Mặt khác, cần rà soát lại các giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước theo QCVN 08:2023/BTNMT (khó đạt được với hầu hết nguồn nước mặt ở Việt Nam), cùng với việc phân loại nguồn nước khu vực phù hợp theo các mức A, B, C, D của quy chuẩn.

Một dự án cải tạo cảnh quan, khôi phục dòng chảy sông nội đô điển hình là Dự án Suối Cheonggyecheon ở Seoul, Hàn Quốc. Trong hơn 600 năm của triều đại Joseon (1392-1910), dòng sông đóng vai trò là tuyến đường thủy quan trọng của kinh đô, kiểm soát lũ lụt, và gắn liền với dân sinh.

Những năm đầu thế kỷ 20, dòng sông dần trở thành một cống thoát nước lộ thiên, với các khu nhà tị nạn “ổ chuột” chen lấn, nhất là giai đoạn sau Chiến tranh Triều Tiên. Vào những năm 1960, Seoul đã lấp dòng sông và xây dựng một con đường cao tốc trên cao, với tham vọng biến khu này trở thành biểu tượng của sự phát triển và hiện đại hóa, che khuất đi tình trạng nghèo đói ở đô thị.

Chính quyền thành phố đã thay đổi cách tiếp cận và quyết đoán triển khai dự án hồi sinh dòng chảy xưa theo xu thế “xanh” từ năm 2003, hoàn thành vào năm 2005, với tổng chi phí 357 triệu USD từ ngân sách thành phố Seoul.

Dự án đã tháo dỡ tuyến đường 10 làn xe và một đường cao tốc trên cao 4 làn để khôi phục suối Cheonggyecheon, cải tạo khu vực này thành không gian công cộng dành cho người đi bộ, với chiều dài 6 km, chiều rộng từ 25 – 100 m và tổng diện tích 27,6 ha.

Dự án được thiết kế cho phép giảm ngập lụt với tần suất lũ 200 năm. Kết quả của dự án rất ấn tượng: Sau 5 năm, đa dạng sinh học đã tăng lên 639% so với trước khi phục hồi, với số loài thực vật tăng từ 62 lên 308, số loài cá từ 4 lên 25, số loài chim từ 6 lên 36, số loài động vật không xương sống dưới nước từ 5 lên 53, số loài côn trùng từ 15 lên 192, số loài động vật có vú từ 2 lên 4, và số loài lưỡng cư từ 4 lên 8.

Dự án đã giúp giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, với nhiệt độ dọc theo dòng suối thấp hơn 3,3 – 5,9°C so với một con đường song song cách 4 – 7 dãy nhà, nhờ loại bỏ đường cao tốc rải nhựa, hiệu ứng làm mát của dòng suối, tăng cường cây xanh, giảm số lượt xe ô tô, và tăng tốc độ gió trong hành lang.

Ô nhiễm không khí do bụi mịn cũng giảm tới 35%, từ 74 xuống 48 µg/m3 và giảm nguy cơ mắc bệnh hô hấp. Dự án thu hút trung bình 64 nghìn khách tham quan mỗi ngày, trong đó có 1.408 khách du lịch nước ngoài, đóng góp tới 2,1 tỷ won (1,9 triệu USD) vào nền kinh tế Seoul.

Giá bất động sản trong phạm vi 50 m tính từ dự án đã tăng 30 – 50%, gấp đôi mức tăng giá đất ở các khu vực khác của Seoul. Số lượng doanh nghiệp, số lượng người làm việc, lượng hành khách đi xe buýt và tàu điện ngầm trong khu vực Cheonggyecheon đều tăng.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý những khía cạnh khác, như chi phí vận hành và bảo trì của dự án rất lớn, từ 2,9 – 7,5 tỷ won (2,0 – 7,03 triệu USD) mỗi năm. Dòng suối cần bổ cập 40 -120 nghìn m3/ngày từ nước sông Hàn đã qua xử lý, nước thải đã qua xử lý và nước ngầm – để duy trì dòng chảy trong mùa khô với mực nước sâu 30 – 40 cm (để đảm bảo an toàn cho trẻ em vui chơi) và chiều rộng suối 10 – 20 m [14][15][16]. (Hình 6)

Hình 6. Dự án hồi sinh suối Cheonggyecheon ở trung tâm Seoul, Hàn Quốc
a/ Dòng sông ô nhiễm với các khu ổ chuột những năm 1930 – 1950; b/ Đường cao tốc những năm 1960 – 2000; c/ Dòng suối được hồi sinh ở vị trí đường cao tốc cũ; d/ và e/ Suối Cheonggyecheon ngày nay.

Bên cạnh các dòng sông, việc kiểm soát ô nhiễm, nâng cao giá trị khai thác các hồ đô thị cũng rất quan trọng, cần được tiếp tục quan tâm đầu tư với tư duy dài hạn và giải pháp công nghệ ở trình độ cao hơn.

Tác giả đề xuất 10 biện pháp kiểm soát ô nhiễm hồ đô thị như sau:

(1) Thu gom nước thải bằng cống bao xung quanh hồ, chỉ cho nước mưa chảy vào hồ;

(2) Nước thải từ khu vực xung quanh hồ được thu gom và xử lý bằng Trạm XLNT, có thể tái sử dụng để bổ cập cho nước hồ và tưới tiêu;

(3) Kết nối chuỗi hồ, hồ với sông; bổ cập nước cho hồ; tạo dòng chảy lưu thông bằng tự chảy hoặc bơm;

(4) Tăng cường tự làm sạch và kiểm soát nguồn thải phân tán (bè nổi thực vật, thảm thực vật ven hồ, cấp bọt khí mịn/siêu mịn cho hồ;

(5) Áp dụng công nghệ quan trắc tự động, truyền tín hiệu theo thời gian thực, sử dụng năng lượng tái tạo;

(6) Khi tảo bùng phát: tách và thu gom bằng thiết bị tách tảo sử dụng bọt khí mịn;

(7) Cải tạo cảnh quan khu vực xung quanh hồ; tạo nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, bất động sản ven hồ;

(8) Duy trì việc nạo vét bùn cống, dọn rác, vận hành Trạm XLNT và Trạm cung cấp bọt khí siêu mịn;

(9) Truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ môi trường, cảnh quan hồ;

(10) Chọn mô hình quản lý phù hợp. (Hình 7)

Hình 7. Kiểm soát ô nhiễm hồ đô thị ở Hà Nội.
a/ Hồ ô nhiễm do phú dưỡng; b/ Vớt cá chết ở hồ Hà Nội; c/ Công nghệ mới kiểm soát nước hồ đô thị sử dụng bọt mịn (micro) và siêu mịn (nano) của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

3.3. Quản lý phân bùn bể tự hoại và bùn thải của hệ thống thoát nước

Thực tế đòi hỏi Hà Nội cần có hướng tiếp cận mới trong quản lý chất thải đô thị, với cách tiếp cận và giải pháp công nghệ phù hợp để nâng cao hiệu quả kiểm soát ô nhiễm và thu hồi tài nguyên, mang lại lợi ích tổng thể về kinh tế – xã hội – môi trường. XLNT là một hoạt động tốn nhiều năng lượng.

Việc tối ưu hoá sử dụng năng lượng trong các nhà máy XLNT đã và đang rất được quan tâm tại nhiều nước trên thế giới. Xử lý phân bùn bể tự hoại, chất thải rắn sinh hoạt cũng tốn nhiều năng lượng trong khi bản thân các chất thải này có chứa thành phần chất hữu cơ cao, tiềm năng sinh năng lượng rất đáng kể.

Với mục tiêu sử dụng chất thải để sinh năng lượng, nhóm tác giả đã nghiên cứu xây dựng các kịch bản quản lý chất thải ở quy mô một quận, lấy ví dụ điển hình là quận Long Biên, với số dân đến năm 2030 ước tính khoảng 428.860 người.

Với mô hình quản lý chất thải truyền thống, điện năng tiêu thụ để xử lý chất thải là 94.474,31 kWh/ngày. Với mô hình Trung tâm xử lý chất thải (TTXLCT) theo phương thức quản lý tổng hợp, xử lý kỵ khí kết hợp bùn của  nhà máy XLNT, phân bùn bể tự hoại và chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ nghiền, cho phép thu hồi khí biogas sản xuất năng lượng bằng hệ thống nhiệt – điện kết hợp.

Tổng năng lượng quy đổi thu được 369.441,63 kWh/ngày, giúp TTXLCT tự cấp hoàn toàn nhu cầu năng lượng và còn dư 63,85%. Điện thừa có thể đấu nối vào mạng điện thành phố. Nhiệt thừa được tận dụng để sấy bùn, viên đốt được bán ra thị trường.

Giải pháp này cũng giảm thiểu lượng khí nhà kính phát thải so với các phương án xử lý truyền thống [17][18]. Mô hình này rất có tiềm năng áp dụng ở Việt Nam, là giải pháp thay thế tiềm năng cho công nghệ chôn lấp, vốn tốn đất và ô nhiễm, cũng như công nghệ đốt rác phát điện, đòi hỏi suất đầu tư cao, chi phí xử lý và rủi ro ô nhiễm do khí thải cao, lượng tro xỉ phát sinh nhiều [19]. (Hình 8)

Hình 8. Mô hình quản lý tổng hợp chất thải đô thị, thu hồi tài nguyên.

3.4. Mô hình phát triển và cơ chế tài chính cho hạ tầng đô thị xanh, bền vững

Có nhiều mô hình phát triển hạ tầng đô thị đã và đang được áp dụng ở các nước trên thế giới. Bên cạnh mô hình phổ biến áp dụng là Phát triển đô thị định hướng giao thông (Transit-Oriented Development – TOD), còn có các mô hình sau:

+ Phát triển định hướng nước (Water-Oriented Development – WOD): Tận dụng lợi thế của hệ thống nước tự nhiên hoặc nhân tạo (sông, hồ, kênh rạch) để phát triển đô thị bền vững; Hệ sinh thái nước được bảo vệ: Đảm bảo không gây ô nhiễm hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước; Hạ tầng chống ngập và thoát nước tốt: Tránh rủi ro thiên tai như lũ lụt; Tầm nhìn phát triển bền vững: Ưu tiên không gian xanh và phát triển du lịch, dịch vụ ven sông. 

+ Thiết kế đô thị nhạy cảm với nước (Water Sensitive Urban Design – WSUD): Tích hợp quản lý nước mưa, tái sử dụng nước và hạ tầng xanh vào quy hoạch đô thị. Cơ chế tài chính phù hợp: Thu hút đầu tư từ khu vực công và tư nhân. Chính sách quản lý nước đồng bộ: Hỗ trợ tái sử dụng và xử lý nước thải tại chỗ. Ví dụ: 30 dự án Sponge Cities tại Trung Quốc; Kế hoạch chống ngập của Copenhagen (Đan Mạch).

+ Các mô hình khác: Phát triển Định hướng Sinh thái (Eco-Oriented Development – EOD); Phát triển Định hướng Công nghệ (Tech-Oriented Development – TechOD); Phát triển Định hướng Đa Trung tâm (Polycentric Development); Phát triển Định hướng Công nghiệp (Industrial-Oriented Development – IOD); Phát triển Định hướng Không gian Công cộng (Public Space-Oriented Development – PSOD);Phát triển Định hướng Hỗn hợp (Mixed-Use Development – MUD).

Mỗi mô hình trên có những ưu điểm riêng, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, thể chế quản lý, xã hội, môi trường, quy mô và nhu cầu phát triển của từng thành phố, từng địa phương.

Trong điều kiện của TP Hà Nội, tích hợp cùng với mô hình TOD, kiến nghị nên áp dụng mô hình WOD (Water-Oriented Development) hoặc WSD (Water-Sensitive Development).

Mô hình TOD thường thu hút vốn tư nhân mạnh hơn vì lợi ích kinh tế thấy rõ: giá trị bất động sản tăng lên nhờ hạ tầng giao thông công cộng phát triển. Còn với WOD hay WSD, việc thu hút đầu tư tư nhân khó khăn hơn vì lợi ích tài chính không phải lúc nào cũng trực tiếp và nhanh chóng.

Tuy vậy, cũng có cách để mô hình như WSUD hay WOD hấp dẫn hơn với khu vực tư nhân, bằng cách áp dụng linh hoạt 14 mô hình phát huy nguồn lực, huy động các nguồn tài chính như sau:

1/ Mô hình “Land Readjustment” (Điều chỉnh giá đất), gắn liền với các dự án phát triển không gian xanh và tiện ích công cộng: Xây dựng công viên, mặt nước, khu giải trí dọc kênh rạch, hồ điều hòa.

Các dự án bất động sản gần những khu này thường tăng giá trị vì môi trường sống trong lành, cảnh quan đẹp. Nhà nước cũng có thể đầu tư hạ tầng thoát nước, cải tạo môi trường kết hợp với phân lô đất, trong đó giữ lại một phần đất để bán hoặc cho thuê với giá cao hơn [20][21]. 

2/ Cơ chế “Land Value Capture” (Tạo nguồn thu từ giá trị tăng thêm của bất động sản): Khi triển khai dự án WSUD như cải tạo kênh rạch, hồ điều hòa, giá đất xung quanh thường tăng.

Nhà nước có thể đánh thuế bổ sung đối với bất động sản có giá trị thặng dư nhờ dự án hạ tầng công cộng mang lại, hoặc thu phí phát triển để tái đầu tư cho hạ tầng TN và XLNT.

Cũng có thể áp dụng một loại phí gọi là Phí phát triển hạ tầng (Impact Fees): Nhà phát triển dự án bất động sản mới gần các công trình WSUD hoặc WOD phải đóng phí phát triển để góp phần chi trả cho hạ tầng mà họ cũng được hưởng lợi.

Cơ chế này cũng có thể được áp dụng thông qua chính sách Chuyển quyền phát triển bổ sung (Sale of Development Rights): Chủ đầu tư bất động sản được phép xây dựng cao hơn, mật độ lớn hơn so với quy hoạch thông thường – nhưng đổi lại, họ phải đóng phí hoặc đầu tư vào hạ tầng công cộng.

3/ Một số nước còn áp dụng chính sách Cho phép phát triển bổ sung (Air Rights Sale): Cho phép các chủ đầu tư xây dựng cao hơn, mật độ lớn hơn mức quy hoạch thông thường, với điều kiện họ đóng góp một khoản vào quỹ phát triển hạ tầng nước và không gian xanh.

Tập đoàn POSCO được cấp phép xây dựng thêm tầng cho các tòa tháp cao tầng ở Khu đô thị mới Star City ở Seoul nhờ đầu tư xây dựng các bể thu gom nước mưa lớn, góp phần giảm nhu cầu cấp nước sạch và giảm úng ngập cho khu vực [22][23]. (Hình 9)

Hình 9. Hệ thống thu gom và sử dụng nước mưa khu đô thị mới Star City, Seoul, Hàn Quốc.

Với chính sách Tái định giá đất, sau khi hạ tầng nước được cải thiện, Nhà nước có thể điều chỉnh lại khung giá đất để tăng nguồn thu từ thuế đất và sử dụng nguồn thu này tái đầu tư vào các dự án xanh.

Ví dụ: Ở TP Seoul, Hàn Quốc, Dự án cải tạo suối Cheonggyecheon giúp giá đất dọc hai bên tăng hơn gấp 2 lần so với mức tăng ở khu vực khác. Chính quyền thu thuế bất động sản cao hơn từ khu vực này để bù vào chi phí dự án.

Singapore cũng áp dụng mô hình thu hồi giá trị đất thông qua việc bán quyền phát triển bổ sung, nhất là với các dự án gần mặt nước hoặc không gian xanh [16].

4/ PPP (Hợp tác công tư): Kêu gọi doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án xử lý nước thải, tái sử dụng nước hoặc phát triển không gian công cộng ven mặt nước, với cam kết chia sẻ lợi ích (như quyền khai thác dịch vụ thương mại); Nhà nước và khu vực tư nhân cũng có thể cùng đầu tư, vận hành các dự án hạ tầng [24][25][26][27]. 

5/ Chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư: Giảm thuế, ưu đãi tín dụng hoặc hỗ trợ thủ tục cho các nhà đầu tư tham gia dự án xanh, dự án xử lý nước bền vững.

6/ “TIF (Tax Increment Financing)” – Đầu tư từ nguồn tài chính có được nhờ giá trị gia tăng thêm của thu thuế. Nhà nước sử dụng khoản chênh lệch thuế tăng thêm từ việc phát triển hạ tầng để tài trợ cho chính dự án đó hoặc các dự án tương tự. 

7/ Mô hình “Green Bonds” (Trái phiếu xanh): loại trái phiếu được phát hành để huy động vốn cho các dự án thân thiện với môi trường. Nhà đầu tư (có thể là tư nhân, quỹ đầu tư hoặc tổ chức quốc tế) mua Green Bonds với kỳ vọng không chỉ nhận lãi suất mà còn góp phần vào phát triển bền vững.

Ngoài ra, còn có Mô hình “Environmental Impact Bonds” (Trái phiếu tác động môi trường), gần giống Green Bonds nhưng đặc biệt hơn – lợi nhuận của nhà đầu tư phụ thuộc vào hiệu quả môi trường của dự án. Việt Nam cũng có đang xây dựng và ban hành chính sách về Trái phiếu xanh, Tín dụng xanh cho các dự án thuộc “Danh mục phân loại xanh” [28][29].

8/ Mô hình “Stormwater Utility Tariff” (Giá dịch vụ thoát nước mưa): là một cách rất thực tế để huy động vốn duy trì và phát triển hệ thống thoát nước đô thị theo hướng bền vững (WSUD). Đây là một loại giá dịch vụ mà chủ sở hữu bất động sản phải đóng dựa trên lượng nước mưa thoát ra từ khu đất của họ.

Giá dịch vụ được tính dựa trên diện tích bề mặt không thấm nước (như mái nhà, sân bê tông), những nơi nước mưa phải thoát qua hệ thống công cộng. Một số nơi còn áp dụng chính sách khuyến khích giảm giá dịch vụ nếu chủ đất xây dựng các công trình góp phần làm giảm thoát nước cho khu vực như thảm cỏ, vườn mưa, bãi lọc sinh học, bể nước mưa, mái nhà xanh… 

9/ Mô hình “Eco-Compensation” (Cơ chế bù đắp sinh thái). Đây là cơ chế mà các bên gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường (như phát triển đô thị làm giảm khả năng thấm nước, tăng nguy cơ ngập) phải bù đắp lại bằng tài chính hoặc hành động để phục hồi hoặc bảo vệ hệ sinh thái nước.

Các dự án bất động sản, công trình làm tăng diện tích bề mặt không thấm nước (như đường nhựa, khu dân cư) phải đóng phí bù đắp vì làm tăng áp lực lên hệ thống thoát nước đô thị. Khoản phí này được dùng để xây dựng các công trình WSUD, hoặc phục hồi kênh rạch, sông ngòi.

Bên cạnh đó, còn có mô hình “No Net Loss” (Không tổn thất ròng): Nếu một dự án phá bỏ một diện tích đất thấm nước, họ phải tạo ra một diện tích tương đương (hoặc lớn hơn) ở nơi khác – ví dụ làm hồ điều hòa, vườn mưa.

10/ Mô hình “Water Credit” (Tín dụng nước): Mô hình này tương tự “chứng chỉ phát thải carbon”, nhưng áp dụng cho lĩnh vực nước. Các đơn vị tiết kiệm hoặc cải thiện chất lượng nước có thể bán tín dụng nước cho những đơn vị xả thải nhiều.

Ai tiết kiệm nước, cải thiện hệ thống thoát nước hoặc giảm ô nhiễm: Được cấp tín dụng nước. Ai gây ô nhiễm hoặc sử dụng nước nhiều: Phải mua tín dụng để bù đắp tác động môi trường [30][31].

11/ Mô hình “Impact Investment” (Đầu tư tác động): Các quỹ đầu tư sẽ rót vốn vào những dự án thoát nước và xử lý nước thải có tác động xã hội và môi trường tích cực, nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận nhất định. 

12/ Mô hình “Payment for Ecosystem Services (PES)” (Trả tiền dịch vụ hệ sinh thái): Các bên hưởng lợi từ dịch vụ hệ sinh thái (như môi trường nước sạch, giảm ngập lụt) phải trả tiền để trang trải chi phí duy trì hệ sinh thái đó [32][33]. Chính sách này có phần tương tự như chính sách chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên do Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định [34].

13/ Mô hình “Blended Finance” (Tài chính hỗn hợp): Kết hợp nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn tư nhân và vốn từ tổ chức quốc tế để đầu tư vào các dự án thoát nước và xử lý nước thải tại các thị trường mới nổi và cận biên. Ví dụ: Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản, tư nhân đầu tư công nghệ, tổ chức quốc tế tài trợ lãi suất thấp [35][36]. 

14/ Mô hình “Revolving Funds” (Quỹ quay vòng): Nhà nước lập quỹ tài trợ các dự án thoát nước và xử lý nước thải, lợi nhuận hoặc phí thu được sẽ quay lại quỹ để tái đầu tư [37].

4. Kết luận – Kiến nghị

Cấp nước và thoát nước là các hợp phần quan trọng trong hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị. Để đô thị có thể phát triển theo hướng xanh, bền vững, cần áp dụng các phương thức tiếp cận và mô hình phù hợp để phát triển đô thị và quản lý nước, như mô hình WOD, WSUD, SUDS. 

Nước, nước thải, bùn cặn cần được coi là tài nguyên và được quản lý tổng hợp, theo “chuỗi giá trị”, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, trong đó mối liên hệ Nước – Năng lượng – Dinh dưỡng và các chất có ích được xem xét đồng bộ! Quy hoạch nguồn cấp nước an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cần phải được ưu tiên! Sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm là thành phần quan trọng.

Tái sử dụng nước thải và bùn cặn: đang ngày càng được quan tâm và cần được khuyến khích (hiện nay đang diễn ra tự phát, thiếu hành lang pháp lý và hỗ trợ kỹ thuật). Các quy hoạch cấp nước, thoát nước đô thị hiện có cần phải được sớm rà soát, cập nhật, tích hợp tốt các nội dung trên.

Cần triển khai đồng bộ, càng sớm càng tốt các giải pháp nhằm quản lý, kiểm soát và phát huy lợi ích kinh tế – xã hội – môi trường của việc tiết kiệm nước, năng lượng, tái sử dụng nước thải và bùn cặn; cùng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng nước. Đấu nối, thu gom nước thải, thoát nước mưa chống úng ngập, bên cạnh xây dựng nhà máy XLNT, là các hoạt động cần được ưu tiên trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả dự án đầu tư.

Phát triển các mô hình liên quan đến nước như WOD, WSUD và SUDS, cùng với các hệ thống TN và XLNT đô thị, đòi hỏi sự đầu tư ban đầu đáng kể. Để nhanh chóng hoàn vốn và đảm bảo tính bền vững tài chính, cần triển khai các chính sách và chiến lược phù hợp. Có 3 nhóm chính sách chính:

(1) Quy hoạch và phát triển đô thị tích hợp WOD, WSUD và SUDS;

(2) Chính sách tài chính và thu hút đầu tư;

(3) Nâng cao hiệu quả quản lý nước, sử dụng công nghệ tiên tiến, hệ thống giám sát hiệu quả, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng. Việc áp dụng đồng bộ các chính sách trên, cùng với học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế, là cần thiết.

Lời cảm ơn: Bài báo được viết với sự hỗ trợ của Nhóm nghiên cứu mạnh AWA, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Việt Anh – Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Tài liệu tham khảo:
1. PGS.TS Lưu Đức Hải, CN Nguyễn Cường, CN Nguyễn Minh Thúy, KS Nguyễn Thị Thanh Hoa (2024). Đồng bộ hóa các khái niệm về “Xanh” trong đô thị. Tạp chí Xây dựng. 10/2024.
2. Ibrahim Hegazy, Wael Seddik, Hossam Ibrahim, Towards green cities in developing countries: Egyptian new cities as a case study, International Journal of Low-Carbon Technologies, Volume 12, Issue 4, December 2017, Pages 358–368, https://doi.org/10.1093/ijlct/ctx009
3. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
4. Nhật Hà (2024) Hà Nội: Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững. Bài báo đăng trên Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị, 12/12/2024. 
5. Mai Vân – Phạm Hùng (2024). Giải pháp phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững. Bài đăng trên Báo Kinh tế và Đô thị, 12/12/2024.
6. Thùy Chi (2024). Thủ đô Hà Nội vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội trong quy hoạch để phát huy lợi thế. Phỏng vấn KTS Trần Ngọc Chính. Báo điện tử Chính phủ, Chuyên trang Hà Nội. https://thanglong.chinhphu.vn/thu-do-ha-noi-vuot-qua-thach-thuc-nam-bat-co-hoi-trong-quy-hoach-de-phat-huy-loi-the-103241008121213149.htm
7. Đinh Hồng Kỳ (2025). Nguy cơ đô thị suy thoái. Báo Vnexpress.net. https://vnexpress.net/nguy-co-do-thi-suy-thoai-4855761.html
8. Nguyễn Việt Anh và cs (2017). Xử lý bùn của Trạm xử lý nước thải. NXB Xây dựng.
9. Nguyễn Việt Anh và cs (2012). Đánh giá quản lý phân bùn ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng. BMGF.
10. Thùy Anh (2022). Rà soát điều chỉnh sớm quy hoạch thoát nước Thủ đô. Bài đăng trên Báo Kinh tế & Đô thị, ngày 06/7/2022.
11. Nguyễn Việt Anh và cs (2017). Đánh giá lợi ích kinh tế của can thiệp vệ sinh. Ngân hàng Thế giới.
12. GS.TS Nguyễn Việt Anh, PGS.TS Phạm Thị Thúy, TS Đặng Đình Khá (2024). Báo cáo Kết quả tính toán sức chịu tải của nguồn tiếp nhận bằng mô hình toán. Hồ sơ Lập Báo cáo xin cấp Giấy phép môi trường cho Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá TP Hà Nội. Viện KH&KT Môi trường (IESE), Trường Đại học Xây dựng Hà Nội – Công ty JFE – BQLDA HTKT và nông thôn TP Hà Nội.
13. Lyandres O., Welch L., (2012). Reducing Combined Sewer Overflows in the Great Lakes: Why Investing in Infrastructure is Critical to Improving Water Quality. Report. Alliance for the Great Lakes. www.greatlakes.org. 
14. https://www.theguardian.com/world/2025/jan/17
15. https://www.koreaherald.com/article/22930
16. https://www.landscapeperformance.org/case-study-briefs/cheonggyecheon-stream-restoration-project
17. Vũ Thị Minh Thanh, Trần Hiếu Nhuệ, Nguyễn Thị Huệ. Kiến nghị giải pháp quản lý tổng hợp chất thải, thu hồi tài nguyên tại quận Long Biên, TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt, IV/2020.
18. Vũ Thị Minh Thanh, luận án NCS: “Nghiên cứu tương quan Nước – Năng lượng góp phần xây dựng mô hình quản lý bền vững nước thải và chất thải rắn đô thị, áp dụng cho một quận nội thành Hà Nội”. Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam. 2022.
19. Nguyễn Việt Anh, Bùi Thị Thủy, Vũ Thị Minh Thanh (2017). Xử lý bùn của trạm xử lý nước thải. NXB Xây dựng.
20. GFA (2009). Hướng dẫn quản lý tài sản hệ thống thoát nước mưa/nước thải. Dự án GTZ TA: 07.2023.5 – 001.00. Tài liệu dự án: AM 001. Bộ Xây dựng, Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ).
21. World Bank. 2016. Mainstreaming Water Resources Management in Urban Projects: Taking an Integrated Urban Water Management Approach. World Bank, http://hdl.handle.net/10986/29613.
22. Mooyoung Han, Klaus W. König (2013). Rainwater Harvest System – Star City, Seoul. fbr-wasserspiegel. http://cfile225.uf.daum.net/attach/14689C0849311C4803672F 
23. Furumai H (2008), Rainwater and reclaimed wastewater for sustainable urban water use, Physics and Chemistry of the Earth, Parts A/B/C, Volume 33, Issue 5, 2008, 340-346 pp, doi.org/10.1016/j.pce.2008.02.029
24. Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA. Báo cáo Hội thảo. Khảo sát về thúc đẩy đầu tư phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại Việt Nam. 22/02/2023. Hà Nội.
25. ADB Report. Wastewater treatment: case study of Public-Private Partnerships (PPPs) in Shanghai. Susstainable urban development in the People’s Republic of China. Urban Innovations and Best Practices. www.adb.org/urbandev. November 2010.
26. Keremane, Ganesh. (2012). Public private partnerships in urban wastewater management: The Adelaide experience and lessons for Developing Countries. Economic Journal of Development Issues. 13. 10.3126/ejdi.v13i0.7207.
27. US EPA (1990) Public-private Partnership: Case Studies Profiles Of Success. In: Providing Environmental Services. National Service Center for Environmental Publications (NSCEP).
28. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Vũ Đức Linh (2023). Giải pháp, chính sách khuyến khích đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào xử lý nước thải KCN và đô thị tại Việt Nam. Tạp chí Môi trường, số 2/2023.
29. Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-quyet-dinh-cua-thu-tuong-chinh-phu-ve-viec-ban-hanh-quy-dinh-tieu-chi-moi-truong-va-viec-5172.
30. Small loans, big impact: the power of WaterCredit. Water.org.
31. Zachary Burt, Susan Leal, James Workman, Michael McElroy, Hynd Bouhia; The design of climate-adaptive water subsidies: financial incentives for urban water conservation in Morocco. Journal of Water, Sanitation and Hygiene for Development 1 June 2023; 13 (6): 424–432. doi: https://doi.org/10.2166/washdev.2023.236
32. GFA (2009). Hướng dẫn quản lý tài sản hệ thống thoát nước mưa/nước thải. Dự án GTZ TA: 07.2023.5 – 001.00. Tài liệu dự án: AM 001. Bộ Xây dựng, Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ).
33. Incentive-Based Instruments for Water Management: Synthesis Review. Pacific Institute – Rockefeller Foundation. December 2015.
34. Điều 138, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
35. Ngân hàng Thế giới (2012). Báo cáo: Đánh giá hoạt động quản lý nước thải đô thị tại Việt Nam. 
36. Akissa Bahri (2012). GWP Technical Committee Background Paper No. 16: Integrated Urban Water Management. Policy Brief. Available at: www.gwp.org.
37. US EPA (2016). Overview of Clean Water State Revolving Fund Eligibilities. Report.

Có thể bạn cũng quan tâm

Phát triển hai bên sông Đáy, tạo không gian mới cho đô thị Hà Nội

Nhận diện thách thức trong quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước

Ngày Nước thế giới 22/3: “Bảo tồn các dòng sông băng”

Quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng xanh

Hà Nội: Phát huy tiềm năng hệ thống sông, hồ

TỪ KHÓA:hạ tầng xanhmôi trường nướcsông hồ Hà Nộitài nguyên nước
NGUỒN:Tạp chí Xây dựng
Bài trước TP.HCM rà soát quy hoạch đô thị theo ranh giới hành chính cấp xã mới
Bài tiếp Thành phố Huế sắp có thêm nhiều đô thị lớn
Ad imageAd image

Mới cập nhật

Quy hoạch chung TP.HCM theo mô hình đa trung tâm với 6 phân vùng
Tin trong nước 13/05/2025
TPHCM trước ngưỡng cửa trở thành đô thị dịch vụ hàng đầu
Đối thoại 13/05/2025
Điều chỉnh cục bộ quy hoạch sân bay Long Thành
Tin trong nước 12/05/2025
TS. Lê Đạt Chí: Thời cơ hiếm có của Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM
Đối thoại 12/05/2025
Phân cấp lại thẩm quyền Thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh về quy hoạch khi sáp nhập
Kinh tế / Pháp luật 11/05/2025
Chính phủ chính thức thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025
Tin trong nước 11/05/2025
[Cà phê Net Zero] Thiết kế bền vững trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng
Sự kiện 11/05/2025
Vietnam’s major cities push ahead with green bus revolution
News 10/05/2025
Quảng Trị mở rộng phát triển Khu kinh tế Đông Nam theo hướng công nghệ và môi trường
Kinh tế / Pháp luật 10/05/2025
Vốn đầu tư hạ tầng – ‘mạch’ tăng trưởng quan trọng của TPHCM
Đối thoại 10/05/2025
- Advertisement -
Ad imageAd image

Xem thêm

Phản biện

Vai trò của hạ tầng xanh, cấp nước xanh đối với phát triển bền vững đô thị

Ashui.com 16/12/2023
Tin trong nước

Hà Nội có hơn 3.000 hồ, ao, đầm thuộc danh mục không được san lấp

Ashui.com 23/03/2023
Quy hoạch đô thị

Quản lý và phát triển hạ tầng xanh ở Việt Nam: Thách thức và giải pháp

Ashui.com 24/02/2023
Góc nhìn

Trách nhiệm với tài nguyên nước

Ashui.com 14/02/2023
© 2000-2025 Ashui.com. All Rights Reserved.
Welcome back!

Sign in to your account

Username hoặc Email của bạn
Mật khẩu

Quên mật khẩu?