TPHCM đang nghiên cứu mô hình nhà 100 triệu đồng tại Bình Dương để lên phương án xây dựng trên địa bàn. TBKTSG ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia về việc làm thế nào để xây được nhà giá siêu rẻ như vậy.
Ngày 8/2/2017, tại cuộc họp về kế hoạch năm 2017 của ngành xây dựng thành phố, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết sở này đang hoàn thành một số hồ sơ về đề án nhà ở 100 triệu đồng và 300-500 triệu đồng.
Để có thể xây được nhà giá siêu rẻ, khu nhà ở phải gắn liền với với những nơi đông công nhân lưu trú như khu chế xuất, khu công nghiệp. (Ảnh: Uyên Viễn)
Để xây được nhà 100 triệu đồng/căn như ở Bình Dương thì dự án này phải hội tụ đủ ba yếu tố: không chịu chi phí về đất (phí bồi thường, tiền sử dụng đất), phí đầu tư hạ tầng và diện tích căn hộ khoảng 25 mét vuông (suất đầu tư 4 triệu đồng/mét vuông). Hơn nữa, khu nhà ở phải gắn liền với với những nơi đông công nhân lưu trú như khu chế xuất, khu công nghiệp.
Theo ông Tuấn, tại TPHCM, có hai địa điểm hội đủ điều kiện để làm dự án này là khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và khu công nghiệp Linh Trung (quận Thủ Đức).
Ông Nguyễn Hồng Hải, Kiến trúc sư trưởng Tổng công ty Becamex IDC: Quan trọng là tính bền vững!
Bình Dương có thể làm nhà ở xã hội giá 100 triệu đồng/căn là nhờ ba yếu tố: nhà ở cho công nhân nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Bình Dương bao gồm cả phát triển hạ tầng các khu công nghiệp - đô thị - làm đường, trường học, bệnh viện; sự quyết tâm của chính quyền tỉnh Bình Dương, kèm với đó là hỗ trợ về mặt chính sách, giúp giảm thời gian thực hiện, hạ giá thành sản phẩm; tỉnh Bình Dương đã đề xuất mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội, ngoài ra chủ đầu tư là công ty Becamex IDC còn đứng ra bảo lãnh cho người dân vay tiền mua căn hộ.
Xây dựng nhà ở xã hội ở mỗi địa phương mỗi khác tùy điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương đó. Do vậy, không thể sao y nguyên dự án nhà giá 100 triệu đồng/căn ở Bình Dương để “dán” vào TPHCM. Theo tôi, TPHCM có thể làm được nhà giá thấp, nhưng phải tầm 300 triệu đồng/căn vì chi phí đất và hạ tầng cao hơn so với Bình Dương. Quan trọng hơn là tính bền vững của sản phẩm. TPHCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế của cả nước. Bởi thế, xây nhà giá thấp nhưng phải làm sao để có thể phục vụ cho người dân trong 20-30 năm tới mà không vô tình tạo thành khu ổ chuột khi hạ tầng thành phố phát triển sau này.
Mỗi căn hộ giá rẻ phải được thiết kế linh hoạt, để khi người dân có điều kiện thì có thể mua 2, 3 căn liền kề, sau đó đập thông để có căn hộ lớn hơn. Còn người có điều kiện hơn thì có thể bán lại căn hộ giá rẻ, mua nhà ở nơi khác. Tại Bình Dương, chúng tôi còn thiết kế các hành lang trên không để kết nối các khối nhà, tạo thành các “dãy phố trên cao” thông thoáng, tiện lợi, sạch sẽ, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân.
Nếu TPHCM làm theo mô hình nhà 100 triệu đồng như ở Bình Dương thì phải xây dựng kế hoạch cụ thể, nghiên cứu, khảo sát, thống kê nhu cầu của công nhân tại các khu công nghiệp. Theo tôi, nhà giá siêu rẻ không chỉ là nơi để ở, phải tạo ra được một hệ sinh thái cộng đồng, người dân còn có thể tiếp cận các tiện ích công cộng của đô thị như cư dân của các dự án nhà ở cao cấp khác.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM: Chỉ xây được 15.000-20.000 căn
TPHCM có thể xây được nhà 100 triệu đồng/căn nhưng chỉ làm được 15.000-20.000 căn do quỹ đất hạn chế. Nếu đánh giá về mặt địa chất, các quận như Gò Vấp, quận 12, một phần quận 9, huyện Hóc Môn, Củ Chi là những khu vực có nền địa chất tương tự Bình Dương. Còn tại hai khu công nghiệp Linh Trung (quận Thủ Đức) và Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) thì đã có hạ tầng đầy đủ nhưng nền đất yếu.
Nếu TPHCM thực sự muốn phát triển nhà giá thấp thì phải xây dựng hạ tầng tốt, đầy đủ tiện ích, có trường học, bệnh viện, khu vui chơi và các phân khu chức năng.
Căn hộ giá siêu rẻ này xuất phát từ nhu cầu thực tế, phục vụ “tại chỗ” công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp tại TPHCM do đó sẽ không lo ngại chuyện người dân các tỉnh lân cận sẽ chen về TPHCM mua nhà gây áp lực về dân số hạ tầng.
Tuy nhiên, theo tôi, căn hộ 100 triệu chỉ nên có số lượng hạn chế, phục vụ một phần nhỏ đối tượng người nhập cư. Do vậy, Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng cần hỗ trợ tối đa về mặt chính sách, giúp phát triển nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ. Trong đó, trước mắt cần thiết phải phát triển các khu đô thị vệ tinh “chuẩn thấp” dành cho người có thu nhập thấp đô thị, có thể áp dụng tiêu chuẩn của dự án nhà ở xã hội, có đầy đủ tiện ích. Khi đất nước giàu mạnh, thu nhập của người dân khá lên thì sẽ chỉnh trang thành đô thị hiện đại.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành: Nên xây nhà 400-500 triệu đồng/căn
Theo tôi, không thể nào xây dựng được căn hộ giá 100 triệu đồng tại TPHCM. Chỉ tính giá xây dựng, chưa kể chi phí đất, hạ tầng đã là 5 triệu đồng/mét vuông thì mỗi căn 25 mét vuông đã có giá 125 triệu đồng. Hơn nữa, nhiều khu vực tại TPHCM có nền đất rất yếu, phải làm nền móng sâu, như vậy nhà giá rẻ nhất cũng phải từ 150-180 triệu đồng/căn.
Tuy nhiên, nhà giá thấp như vậy thì không thể đảm bảo được cuộc sống cho người dân, mà có thể vô tình tạo thành khu ổ chuột. Bởi thế, nếu thành phố thực sự quyết tâm làm nhà giá rẻ thì nên xây nhà có giá từ 400-500 triệu đồng/căn. Kèm theo đó, chính quyền cần hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, tính toán đường sá kết nối giao thông thuận tiện cho việc đi lại thì người dân mới ở được.
Cao Ban
(TBKTSG)
- Quỹ đầu tư bất động sản: Cốt lõi là sự minh bạch
- Những con số giật mình trên thị trường bất động sản đầu năm
- Office-tel đang thiếu khung pháp lý
- Phân khúc nhà ở cao cấp vẫn hấp dẫn khách hàng trong năm 2017
- 5 điểm nghẽn thị trường bất động sản TP.HCM
- Phân hạng chung cư chưa có lợi cho người mua nhà
- JLL: M&A bất động sản sẽ tăng mạnh trong năm 2017
- Hàng loạt “ông lớn” rót vốn vào bất động sản phía Nam Hà Nội
- Địa ốc tạo sức hút từ hạ tầng giao thông
- CBRE: Cơ sở hạ tầng cần đi trước bất động sản