Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Bất động sản Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp

Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp

Viết email In

Quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động. Trong khí đó, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách; cơ chế chính sách và quá trình thực thi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục...  

Sáng 1/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: "Một trong những quyền của con người là có chỗ ở, có công ăn việc làm, quyền mưu cầu hạnh phúc. Chúng ta đã có cố gắng về vấn đề nhà ở công nhân nhưng chưa đáp ứng nhu cầu".

Đến nay, cả nước đã hoàn thành gần 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Chính sách chưa thực sự hấp dẫn

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động. Trong khí đó, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách; cơ chế chính sách và quá trình thực thi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

"Vừa qua, tôi có đến thăm công nhân ở nhiều địa phương thấy nhiều khu nhà ở công nhân vẫn rất chật hẹp, khó khăn. Các chủ nhà trọ cũng có nhiều cố gắng và chia sẻ các giải pháp cho vấn đề nhà ở công nhân còn tự phát, chưa triển khai bài bản, chưa đáp ứng yêu cầu về không gian, vệ sinh, môi trường… “, Thủ tướng nói.

Bàn về thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.

Quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

Cụ thể, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán nhà ở xã hội còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại, như: Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn;

Hơn nữa, theo quy định của pháp luật về nhà ở thì Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất trong phạm vi dự án (bao gồm cả phần kinh doanh nhà ở thương mại). Tuy nhiên, theo pháp luật về đất đai thì Chủ đầu tư khi bán nhà cho khách hàng phải nộp lại số tiền sử dụng đất được miễn.

Về nhu cầu vốn, đến ngày 05/7/2022, có 41/63 địa phương báo cáo số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai là 240 dự án, dự kiến nhu cầu vay vốn là 34.552 tỷ đồng.

Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.

Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong khi trên thực tế nhu cầu của các doanh nghiệp, hợp tác xã muốn mua, thuê nhà ở xã hội để cho người lao động của họ thuê lại để ở là rất lớn.

Ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: mới bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội); nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được bố trí.

Nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội; Chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm; Chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội…

Rất cần sự vào cuộc của các cấp quản lý

Từ thực tiễn triển khai đề án xây dựng thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng muốn phát triển nhà ở xã hội nhất là nhà ở cho công nhân, cần xác định 2 vấn đề gồm: các hệ thống cơ chế chính sách cho doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đặt ra vừa rồi chưa hiệu quả, vẫn thiếu nhà ở, nhất là nhà ở xã hội; Với hình thức nhà ở, nhà trọ cho công nhân do người dân xây dựng, rất cần có sự quan tâm của Nhà nước cũng như sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương để bảo đảm cho nhà trọ có tiêu chuẩn…

Trong khi đó, từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường nêu đề xuất mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp đó mà có nhu cầu với giá ưu đãi.

Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết: trong 5 năm tới, Vinhomes sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội vì vậy để tạo điều kiện thực thi hiệu quả  rất cần nhiều giải pháp.

Thứ nhất, chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu, còn các chỉ tiêu do cơ quan nhà nước phê duyệt.

Thứ hai, hiện nay, tất cả đề án có nhà ở xã hội liên quan đến các chỉ tiêu mới về diện tích nhà ở xã hội từ 25-70 m2. Do vậy tất cả các đề án quy hoạch, quy hoạch chi tiết 1/500 phải điều chỉnh lại vì sẽ tăng chỉ tiêu dân số, tăng cả tiện ích xã hội, tiện ích hạ tầng xã hội…, dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, nhưng nếu làm sẽ rất lâu. Do đó rất cần Chính phủ vào cuộc, cho phép song song với các địa phương điều chỉnh quy hoạch phân khu. Quy hoạch chi tiết thì cho phép doanh nghiệp tài trợ hoặc tham gia.

Thứ ba, đề nghị rút ngắn thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội (hiện mất tối thiểu khoảng 600 ngày) xuống từ 90 đến 120 ngày để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ…

Tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2; 401 dự án đang tiếp tục triển khai, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, với tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2.

(Nguồn: Bộ Xây dựng)

Phan Nam

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo