Từng một thời là dòng sản phẩm tạo ra cho sức hút của kênh bất động sản, nhưng hiện nay, phân khúc căn hộ cao cấp lại rơi vào trạng thái ảm đạm.
Theo thống kê của một số công ty nghiên cứu thị trường bất động sản, trong quý 2/2010, nguồn cung căn hộ cao cấp chiếm tỷ trọng lớn. Ở thị trường Hà Nội, căn hộ cao cấp chiếm 50% trong tổng số nguồn cung mới; tại thị trường TP.HCM, trong sáu dự án mới hoàn thành, có ba dự án căn hộ cao cấp. Tuy nhiên, hiện nay, phân khúc căn hộ cao cấp đang rơi vào tình trạng ảm đạm. Theo thống kê, giao dịch căn hộ cao cấp của các doanh nghiệp chuyên về môi giới như Vinaland, Sacomreal trong vài tuần trở lại đây cho thấy, lượng giao dịch căn hộ cao cấp không có biến động. Các dự án căn hộ cao cấp ở quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh… lượng giao dịch về căn hộ ở thị trường sơ cấp rất ít.
Các dự án căn hộ cao cấp ở quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh… hầu hết lượng giao dịch về căn hộ ở thị trường sơ cấp rất ít (Ảnh: Lê Hồng Thái)
Trên các website mua bán, rao vặt về bất động sản đang diễn ra các chiêu chào bán các căn hộ cao cấp đi kèm khuyến mãi, ưu đãi từ các chủ đầu tư. Cụ thể như: mua hai căn hộ được giảm giá 10%; cam kết “giữ giá” bằng việc áp dụng hình thức tính tiền Việt cho các căn hộ trong bối cảnh giá USD diễn biến phức tạp; được tặng toàn bộ nội thất bếp cho khách hàng. Thế nhưng, sức mua của thị trường vẫn ảm đạm.
Ông Dương Chí Thiện, phó giám đốc sàn giao dịch Neoland cho biết, hiện tại, không nhiều sàn giao dịch muốn lấy sản phẩm căn hộ cao cấp về để bán vì đầu ra rất khó. Nhiều dự án, sau lần đầu công bố bán, chủ đầu tư thông báo là bán được 80%, thậm chí là 100%. Sau đó, chủ đầu tư tiếp tục công bố bán đợt tiếp theo với mức giá bán được điều chỉnh tăng với lý do dự án đang hút hàng. Tuy nhiên, trái ngược với lời công bố đó, các nhà đầu tư sau khi mua hàng đợt đầu của dự án trên, dù rao bán với giá bằng với mức giá mua từ chủ đầu tư, vẫn không có ai hỏi mua.
Hiện tại, giới đầu tư bất động sản vẫn đang chờ đợi một đợt giảm giá từ phía các chủ đầu tư. Con số giảm là bao nhiêu, khó định lượng được, nhưng về định tính, thì có thể đoán được. Riêng tiền lãi, chưa tính tiền hoàn vốn của các dự án, đặc biệt là các chung cư cao cấp, phải trả rất cao. Do vậy, để giải quyết vốn, các doanh nghiệp địa ốc chỉ còn một cách phải bán sản phẩm ra.
Để thu hút người mua, người ta phải hạ giá xuống, thậm chí dưới giá thành để tháo vốn ra; hoặc sẽ tiếp tục giữ giá và tăng mức chiết khấu cho các kênh phân phối để các đơn vị này tiếp cận người mua. Bên cạnh đó, một cơ sở mà các nhà đầu tư căn cứ để hy vọng, đó là mới đây, trong buổi họp về tái cơ cấu tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai cho biết, sắp tới, khi triển khai một số dự án của tổng công ty bất động sản Hoàng Anh Gia Lai ở quận 7, Nhà Bè, có thể doanh nghiệp sẽ giảm giá bán căn hộ cao cấp.
Lời cam kết trong hội nghị trên của ông chủ tịch tập đoàn này được giới kinh doanh bất động sản rất quan tâm, bởi vì trước đó, đầu năm 2009, khi giá căn hộ cao cấp còn nóng và ở đỉnh, doanh nghiệp này đã chủ động giảm 30% giá căn hộ cao cấp. Và ngay sau đó, hàng loạt các chủ dự án căn hộ cao cấp khác cũng đã giảm giá theo; hoặc nếu không giảm giá, các chủ đầu tư cũng khuyến mãi lớn, hoặc chia nhỏ giai đoạn thanh toán để hút khách mua.
BẢO CHƯƠNG
Giảm giá vẫn lãi to |
Tin mới hơn:
- Bất động sản sinh thái: Phát triển nhưng chưa có chuẩn
- Chất lượng sống trong khu đô thị mới
- Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng: Những cơn sóng ngầm
- Nghị định 71: Mở và đóng!
- Thị trường chung cư cũ Hà Nội: Không dễ có sóng mới
Tin cũ hơn:
- Chung cư bình dân được dự báo lên ngôi
- Minh bạch hóa thị trường bất động sản - vẫn là một giấc mơ xa
- Bất động sản liệu có lột xác sau Nghị định 71?
- 2010 – 2011: Thị trường Bất động sản VN phục hồi!
- Thị trường bất động sản TP.HCM: Nguội lạnh đến cuối năm?