Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Chuyên mục Bất động sản Thời của tỉnh lẻ

Thời của tỉnh lẻ

Viết email In

Trong 2 năm qua, khi thị trường bất động sản TP.HCM trầm lắng, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến những vùng lân cận để tìm kiếm cơ hội mới. Gần đây nhất là ngày 21/11 vừa qua, Công ty Thương mại Dịch vụ Đất Xanh đã làm lễ động thổ dự án Suối Sơn tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Đây là dự án bất động sản thứ 42 được khởi công ở tỉnh này. Trước đó, nhiều dự án khác cũng đã được khởi công ở một số tỉnh như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Và sự nhộn nhịp này đang lan sang cả Tây Nam Bộ.

Khi tỉnh qua mặt thành phố

Khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường bất động sản Đông Nam Bộ trở nên khá sôi động. Thống kê sơ bộ trên trang web bất động sản Landtoday.net cho thấy, tính đến nay, tỉnh Bình Dương có 44 dự án bất động sản, chủ yếu là các dự án khu đô thị, khu thương mại và căn hộ cao cấp. Đồng Nai có 42 dự án. Bà Rịa - Vũng Tàu có đến 48 dự án, nhưng phần lớn là các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Trong khi đó, TP.HCM có khoảng 415 dự án.

  • Ảnh bên : Dự án Khu Đô thị Thung Lũng Xanh tại Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Mặc dù số dự án ở những tỉnh này cộng lại vẫn còn thua xa TP.HCM, nhưng xét về độ nóng, khu vực miền Đông Nam Bộ dường như hơn hẳn, nhất là trong thời gian gần đây. Từ đầu năm đến nay, trong khi ở TP.HCM có rất ít dự án được tung ra thì Bình Dương và Đồng Nai lại nổi đình nổi đám với hàng loạt dự án chào hàng. Và hầu như dự án nào cũng được chủ đầu tư thông báo là đã bán sạch.

Chẳng hạn, dự án Khu Đô thị Thung Lũng Xanh ở Long Thành (Đồng Nai) được chủ đầu tư công bố là đã bán hơn 1.000 nền đất trong 5 tháng (từ tháng 3-8.2010). Ở Bình Dương, hàng trăm nền đất của các dự án như The Green River - Mỹ Phước 4, Moon River, Hưng Phước đều được công bố bán hết trong những đợt mở bán. Chưa thể kiểm chứng được những thông tin trên, nhưng đứng trên phương diện truyền thông, sự nổi trội của khu vực này đã hơn hẳn TP.HCM.

Một lý giải cho sự sôi động của thị trường này là giá đất rẻ. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sàn Giao dịch Bất động sản Tín Nghĩa, cho biết, Đông Nam Bộ có lợi thế là cửa ngõ chính của đường giao thông Bắc - Nam, lại là hướng phát triển phía Đông của TP.HCM. Hơn nữa, giá đất lại khá rẻ so với các thành phố lớn. Vì thế, việc các nhà đầu tư tìm đến đây cũng là điều dễ hiểu. Giá đất ở khu vực Đông Nam Bộ chỉ từ 1,5-5 triệu đồng/m2, trong khi ở TP.HCM, rất ít có dự án nào có giá đất nền dưới 10 triệu đồng/m2.

Ngoài việc giá đất rẻ, quỹ đất lớn cũng là lý do khiến các doanh nghiệp đổ về các tỉnh. Có thể thấy, trong khi ở TP.HCM, đa phần các dự án được tung ra thuộc phân khúc căn hộ thì ở những tỉnh như Đồng Nai hay Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, hầu hết là các dự án đất nền.

Hết đông thì đến tây

Tuy nhiên, giá rẻ sẽ không còn là lợi thế khi giá đất đang ngày càng tăng lên ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Chẳng hạn, ở thành phố mới Bình Dương, thuộc tỉnh Bình Dương, giá bán nhà phố thương mại trong dự án Gold Town đã lên đến trên 5-7 tỉ đồng/căn. Mức giá này không thua gì một số dự án ở TP.HCM. Sự lên giá này khiến các doanh nghiệp bất động sản buộc phải đi tìm những vùng đất mới để khai phá, đặc biệt là khu vực Tây Nam Bộ, nơi có thể cung cấp nguồn đất giá rẻ mới.

Một trong những điểm nóng nhất ở Tây Nam Bộ là Long An. Chỉ trong khoảng 2 tháng trở lại đây, đã có ít nhất 4 dự án bất động sản lớn được công bố ở tỉnh này. Có thể kể đến dự án Khu Đô thị Happyland của Tập đoàn Khang Thông (TP.HCM) có vốn đầu tư lên đến 2 tỉ USD, dự án Everluck Residence của Công ty Bất động sản Tường Phong (TP.HCM), Khu Dân cư Long Hậu của Công ty Cổ phần Long Hậu (Long An), Khu Dân cư Thương mại Nam Long 2 của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (TP.HCM).

Không chỉ Long An, một số tỉnh khác xa hơn cũng được các doanh nghiệp tìm đến như Tiền Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu. Chẳng hạn, giữa tháng 9 vừa qua, Công ty Đầu tư Xây dựng Hoàng Phát (Đắk Lắk) và Công ty Bất động sản Lilama (TP.HCM) đã khởi công dự án Khu Đô thị Hoàng Phát, khu đô thị mới đầu tiên của thành phố Bạc Liêu, với tổng vốn đầu tư 568 tỉ đồng.

Bên cạnh lợi thế giá đất rẻ, những doanh nghiệp đi sau thường có quỹ đất lớn. Đó là điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội làm bài bản với quy mô lớn, từ đó tăng thêm sức hút cho các dự án. Chẳng hạn, thành phố mới Bình Dương, với diện tích hơn 1.000 ha, được xây dựng mới hoàn toàn. Còn Đồng Nai thì có Khu Đô thị mới Đông Sài Gòn với diện tích lên đến gần 800 ha (giai đoạn 1). Hay như dự án Happyland có quy mô lên đến 338 ha (giai đoạn 1). 

Lưu Đức

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...