Ashui.com

Monday
Jan 06th
Home Chuyên mục Kiến trúc Kiến trúc nhà công cộng phong cách Art Deco ở Hà Nội

Kiến trúc nhà công cộng phong cách Art Deco ở Hà Nội

Viết email In

Năm 1918, chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, nước Pháp ra khỏi cuộc chiến với tư cách người thắng trận, song trên thực tế, kinh tế Pháp đã suy thoái nghiêm trọng, vị thế của nước Pháp trên trường quốc tế cũng bị lung lay. Do vậy, một chương trình khai thác thuộc địa trên quy mô rộng lớn nhằm khôi phục nền kinh tế và địa vị của nước Pháp trên trường quốc tế đã được thông qua năm 1921.

Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp lớn của Pháp cùng một số doanh nghiệp nhỏ của người Hoa, người Việt cũng ra sức đầu tư xây dựng trụ sở giao dịch, nhà máy, xí nghiệp. Số lượng người Pháp tới đây làm việc ngày càng nhiều nên một số trường học, bệnh viện nhà hàng cũng được xây thêm.

Cùng trong thời gian này, ở Pháp và Châu Âu đang thịnh hành một trào lưu kiến trúc mới dựa trên cơ sở thẩm mỹ lập thể, sử dụng chủ yế những khối hình kinh điển trong bố cục không gian, bài bác tính đối xứng nghiêm ngặt và sự rườm rà trong các chi tiết của kiến trúc Tân Cổ điển đang rất thịnh hành trước đó. Ý tưởng thiết kế mới này hoàn toàn phù hợp với những công trình kinh tế mang tính công năng cao, nên nhanh chóng có được  sự đón nhận nhiệt tình của các nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội lúc bấy giờ. 


Ảnh 1: Nhà in IDEO (nay là trung tâm văn hoá Pháp l’Espace) 

Trong những năm 1920 – 1930, rất nhiều công trình công cộng lớn theo phong cách Art Deco được xây dựng ở Hà Nội: Nhà in IDEO, Trụ sở công ty AVIAT, trụ sở Crédit Foncier, chi nhánh Ngân hàng Đông Dương, trụ sở Phòng Thương mại (Chambre du Commerce), nhà thương René Robin, nhà hàng Godard....

Năm 1907, nhà máy in IDEO bắt đầu được xây dựng, ban đầu đó chỉ là một xưởng in một tầng trên phố Paul Bert (nay là phố Tràng tiền), đến những năm 1920 một toàn nhà 6 tầng được xây dựng ở vị trí phía ngoài xưởng in giáp mặt phố, tới lúc này công năng của một nhà máy in mới hoàn chỉnh. Tầng 1 là xưởng đặt máy móc và kho giấy với mặt bằng được trải rộng về phía sau toà nhà, các tầng trên bố trí các phân xưởng phù trợ như sắp chữ, sửa bản in và bộ phận hành chính.

Toà nhà chính của nhà in IDEO là một tác phẩm kiến trúc hiện đại đầy ấn tượng với thời bấy giờ. Nhà bố cục kiểu đăng đối với khối giữa 6 tầng, hai bên là 2 khối nhà 5 tầng. Tầng 1 gồm sảnh chính, lối tiếp cận cho xe ra vào, toàn bộ không gian còn lại mở rộng và tạo ra một không gian liên tục với khu xưởng phía sau toà nhà. Cửa kính chiếm diện tích chủ đạo trên mặt đứng, được phân vị theo phương ngang ở khối trung tâm và theo phương đứng ở hai khối phụ. Tuy nhiên có thể vì đây là công trình công cộng đầu tiên được xây dựng ở Hà Nội nên những giải pháp thích ứng khí hậu nhiệt đới chưa được chú trọng đầy đủ.

Với chiều cao 6 tầng, toà nhà IDEO được coi là công trình kiến trúc cao nhất Hà Nội thời Pháp thuộc, kỉ lục này còn được giữ tới tận thập kỷ 1990 khi khách sạn Hà Nội cao11 tầng đi vào hoạt động.


Ảnh 2: Trụ sở chi nhánh Ngân hàng Đông Dương (thiết kế ban đầu) 

Trụ sở chi nhánh Ngân hàng Đông Dương ở Hà Nôi được đặt ở vị trí rất đắc địa, nằm án ngữ đồng thời cũng là điểm kết thúc trục vườn hoa Paul Bert đặt vuông góc với Hồ Hoàn Kiếm. Thiết kế ban đầu do KTS Félix Dumail hoàn thành năm 1928 theo phong cách Tân Cổ Điển để có được sự hoà hợp với phong cách kiến trúc các toà nhà nằm hai phía của trục quy hoạch này như Toà Thị chính, Kho bạc, Bưu điện, Phủ Thống Sứ. Tuy nhiên đến khi xây dựng vào đầu những năm 1930 thì hình thức kiến trúc công trình đã được KTS Georges Trouvé thiết kế lại theo phong cách Art Deco điển hình.

Cấu trúc toà nhà gồm 3 tầng: Tầng trệt xây tường rất dày, cửa sổ mở nhỏ là nơi bố trí các kho tiền, kim loại quý và các phòng phục vụ. Tầng một là không gian giao dịch thông tầng ở khu trung tâm với những vòm bê tông cốt thép lắp kính trên mái. Tầng hai gồm các phòng làm  việc bố trí ở ba phía bao lấy khối trung tâm. Cấu trúc nêu trên cho thấy công trình được thiết kế theo mô hình chủ đạo của các ngân hàng Pháp thời bấy giờ. 

Ngôn ngữ kiến trúc chủ đạo của công trình là khối hộp hình học đơn giản với những ô cửa mạch lạc theo chiều đứng. Chính sảnh là một khối hình bán trụ được trang trí bằng các mảng tường hoa có tác dụng lấy ánh sáng tự nhiên, phía trên là các khối hình tròn có bán kính nhỏ dần, thực chất để che một mái vòm có các lỗ kính lấy sáng được tổ chức theo hình tròn và hình tia rất thú vị. Toàn bộ hệ thống cửa sổ kính được bố trí lùi lại so với mặt tường ngoài để tránh ánh nắng chói chang vùng nhiệt đới, bên ngoài cửa kính có bố trí một hệ thống cửa cuốn gỗ di rộng để che nắng khi cần thiết nhưng khi cuốn lên thì ánh sáng tràn vào nhà qua các tấm kính lớn kết hợp với ánh sáng từ các vòm trần tạo ra một không gian giao dịch ngập tràn ánh sáng tự nhiên.


Ảnh 3: Trụ sở chi nhánh Ngân hàng Đông Dương (nay là trụ sở Ngân hàng nhà nước) 

Dù thiết kế theo phong cách Art Deco điển hình, kiến trúc sư G. Trouvé cũng mang một phần thần thái của kiến trúc nhiệt đới Việt Nam vào toà nhà khi xử lý bộ mái đua rất rộng, phía dưới là một loạt các hoạ tiết trang trí mô phỏng các hoạ tiết Việt Cổ. Hệ thống tường hoa trang trí và che nắng ở chính sảnh cũng như hệ thống cửa cuốn che nắng là một biểu hiện sáng tạo của tác giả khi đặt một công trình Art Deco vào điều kiện khí hậu nhiệt đới của Hà Nội.

Với tỷ lệ hình khối hài hoà, phong cách xử lý mặt đứng mạch lạc, không gian nội thất tràn đầy ánh sáng, lại được xây dựng ở một vị trí đắc địa, Trụ sở chi nhánh Ngân hàng Đông Dương có thể được coi là công trình Art Deco hoàn hảo nhất ở Hà Nội. 

Trong những năm 1930, một công trình kiến trúc lớn trên đại lộ Francis Garnier (Phố Đinh Tiên Hoàng hiện nay), trụ sở Quĩ tín dụng bất động sản cũng do KTS G. Trouvé thiết kế được xây dựng . Đây là một công trình thương mại điển hình với mặt đứng bám theo 3 mặt phố, trong đó có hai trục thương mại lớn của Hà Nội lúc bấy giờ là phố Paul Bert và đại lộ Francis Garnier nối với đại lộ Đồng Khánh (phố Hàng Bài). Toà nhà gồm 3 tầng, tầng 1 được xây trên toàn bộ diện tích khu đất hình chữ nhật với hệ lưới cột bê tông cốt thép tương đối lớn cho phép sử dụng làm nơi giao dịch với khách hàng. Hai tầng trên hình chữ U bám theo mặt phố theo dạng nhà hành lang giữa kết hợp hành lang bên bố trí các phòng làm việc. Giao thông theo chiều đứng bao gồm cầu thang chính và thang máy nhìn ra đại lộ F. Garnier, ngoài ra còn có 2 cầu thang phụ ở cuối hai cánh nhà, trong đó ở phía phố Paul Bert ngoài cầu thang bộ còn có một thang máy nhỏ.


Ảnh 4: Trụ sở Quĩ tín dụng bất động sản (nay thuộc bộ Công thương) 

Kiến trúc toà nhà cũng thể hiện rất rõ vai trò công năng. Lối ra vào chính khu giao dịch tầng 1 được đưa ra các ngã tư và ngã ba với sảnh đón rộng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của khách hàng, các cửa kính rộng mở ra đường phố kết hợp với hệ thống cửa trời lắp kính dạng nan chớp cho các khu vực này luôn sáng sủa và thông thoáng, phía trên có mái che rộng tới gần mép vỉa hè để khách hàng đi lại mà vẫn tránh được mưa nắng. Tầng 2 và tầng 3 là những cửa sổ lớn mở ra hành lang bên rộng 1,5m cho phép các phòng làm việc phía trong với hệ thống cửa rộng mở có thể đón được ánh sáng tự nhiên và gió mát từ hồ Gươm thổi vào. Các cửa sổ này đều được trang trí với liều lượng vừa phải nhưng rất tinh tế theo truyền thống Art Deco. Trên các cửa đều có tấm che nắng di động có thể điều chỉnh khi bị nắng chiếu, đặc biệt với mặt đứng phía Tây nhìn ra hồ Gươm. Kết thúc mặt đứng là hàng ô văng rộng tới 1,5m có hoạ tiết trang trí phía dưới, vừa tạo ra một sự kết thúc khoẻ khoắn vừa có ý nghĩa che nắng cho tường nhà. Trên mái là dàn hoa bê tông cốt thép chạy dài theo ba mặt phố tạo sự duyên dáng cho mái đồng thời mang lại khả năng che nắng cho mái. Sự hài hoà về mặt kiến trúc, tính khoẻ khoắn trong bố cục không gian, sự biến đổi mạnh về hình thức giữa các tầng, lại được đặt ở giữa trung tâm thương mại của Thành phố, có thể coi đây là công trình nhà làm việc, cửa hàng điển hình nhất ở Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc.

Năm 1938, toà nhà trụ sở công ty sửa chữa ô tô AVIAT do kiến trúc sư F.A. Walker thiết kế được hoàn thành. Toạ lạc ở giao lộ giữa hai phố lớn của Hà Nội lúc bấy giờ là đại lộ Gambetta (phố Trần Hưng Đạo) và đại lộ Henri Rivière (phố Ngô Quyền), toà nhà được bố cục theo hình chữ nhật bao lấy sân trong, tuy nhiên chỉ có ba mặt bám lấy các tuyến phố là bố trí các phòng làm việc, mặt còn lại chỉ bố trí cầu thang, công trình phụ. Chính sảnh của toà nhà quay ra đại lộ Gambetta nhưng toàn bộ lối tiếp cận cho xe cộ lại quay ra đại lộ H.Rivière. Tầng 1 chỉ bố trí một số phòng làm việc của nhân viên ở phía trước toà nhà, toàn bộ phần còn lại là một không gian liên thông, phía trên là hệ vì kèo thép lợp tôn và kính để lấy được ánh sáng tự nhiên. Các phòng làm việc được bố trí trên tầng 2 và tầng 3 với bố cục hành lang giữa ở cánh nhà chính hướng ra đại lộ Gambetta, hai cánh phụ được bố cục theo kiểu hành lang bên. Liên hệ giữa các tầng ngoài cầu thang chính đặt ở chính sảnh còn có hai thang phụ ở cuối hai cánh nhà.


Ảnh 5: Trụ sở công ty AVIAT (nay là trụ sở bộ Khoa học và Công nghệ) 

Được thiết kế theo phong cách Art Deco nhưng bố cục của toà nhà lại theo phong cách đối xứng nghiêm ngặt, cách tổ chức mặt đứng cũng vẫn còn chịu ảnh hưởng của Tân Cổ điển với phần tầng 1 chắc đậm với lượng mở cửa rất nhỏ, phía trên là hàng cột vượt qua hai tầng đỡ lấy tầng mái với hàng cửa thông gió được trang trí bằng thép cuốn và kết thúc bởi một sê nô rộng trang trí rất tinh tế bằng hàng gạch gốm chạy phía dưới.

Mặc dù còn chịu ảnh hưởng ít nhiều của phong cách Tân Cổ điển nhưng toàn bộ toà nhà vẫn toát lên vẻ mạnh mẽ, khoẻ khoắn theo phong cách Art Deco. Những nét hình học kinh điển được sử dụng triệt để cùng với lượng cửa sổ mở rất lớn tạo cho công trình dáng vẻ hiện đại. Những vấn đề của kiến trúc nhiệt đới cũng được lưu tâm thoả đáng với tầng cách nhiệt mái cao tới 2,1m có cửa mở ra các phía, toàn bộ cửa sổ đều có cấu tạo che nắng di động theo cả trục ngang lẫn trục đứng, một điều hiếm thấy ở kiến trúc Hà Nội cho đến tận ngày nay. Với ưu thế về mặt vị trí, với những thành công trong sử lý bố cục không gian, hình khối và mặt đứng, toà nhà trụ sở hãng AVIAT có thể được coi là một đại diện lớn của kiến trúc Art Deco ở Hà Nội.

Năm 1930, một bệnh viện lớn được xây dựng ở Hà Nội theo mô hình Bệnh viện - Đại học ở Pháp (Centre Hospitalier Universitaire), bệnh viện René Robin. Bố cục tổng mặt bằng theo dạng phân tán, các toà nhà chính của bệnh viện được bố trí gần đăng đối theo trục trung tâm. Nhà hành chính 2 tầng được bố trí chính giữa. Các khối điều trị được bố trí ở 3 phía của toà nhà này, gồm khối các phòng khám và điều trị chuyên khoa bên trái, khối phòng điều trị ngoại khoa bên phải và khối điều trị nội khoa bố trí phía sau nhà hành chính tạo thành một tam giác cân. Các khối điều trị được tạo thành bởi 4 dãy nhà theo trục dọc và một dãy nhà theo trục ngang theo hình răng lược, bên cạnh các phòng khám, điều trị, trong mỗi khối đều có một giảng đường. Dọc theo trục chính phía sau khối điều trị nội khoa là một giảng đường lớn và các phòng xét nghiệm. Kết thúc trục này là một khối phòng mổ hình tròn 2 tầng: Tầng 1 gồm các phòng tiểu phẫu và một phòng đại phẫu được bố trí ở trung tâm, phía trên là các ô kính hình tròn để sinh viên có thể quan sát từ tấng 2. Tầng 2 bố trí hai giảng đường 100 chỗ và một số phòng ở cho sinh viên nội trú. Tuy nhiên do điều kiện chiến tranh, khối này chưa kịp hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Nối giữa các khối là hệ thống hành lang cầu rộng rãi cho phép đi lại và vận chuyển bệnh nhân một cách dễ dàng.


Ảnh 6: Bệnh viện René Robin (nay là bệnh viện Bạch Mai) 

Đây là một tổng thể kiến trúc theo phong cách Art Deco được xây dựng trên diện tích khá lớn và theo mô hình phân tán duy nhất của Hà nội lúc bấy giờ. Các khối nhà đều có sảnh vào riêng được bố cục theo dạng hành lang giữa kết hợp hành lang bên. Phong cách kiến trúc giản dị toát lên vẻ hiện đại của công trình. Tuy nhiên tác động của khí hậu nhiệt đới cũng đã được tác giả tính đến với hệ mái cách nhiệt hai lớp, phía trên cửa sổ đều có kết cấu che nắng ngang, đặc biệt khối bệnh phòng được bao bọc bởi hệ ban công, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của bệnh nhân vừa tạo ra một không gian đệm cho khối phòng này. 

Một điểm nhấn kiến trúc đáng lưu ý là khối nhà mổ chính có cấu trúc không gian hình tròn kiểu tán xạ với hành lang rộng tới 3,9m bao quanh hệ thống phòng mổ đặt ở trung tâm. Hệ thống cửa kính lấy ánh sáng và thông gió tự nhiên được bố trí theo kiểu nhịp ba rộng rãi, ngoài ra còn có hệ thống lấy ánh sáng từ phía trên bằng các ô kính hình tròn cho phòng mổ trung tâm. Mái được kết thúc bằng một dãy lan can với những hình trang trí nhẹ nhàng. Hệ thống hành lang cầu được cấu trúc theo kiểu cuốn vòm liên tục kết hợp với hệ cột đứng cũng là một nét đẹp riêng của công trình này.

Trên đây là việc điểm lại 5 công trình mà chúng tôi coi là tiêu biểu cho kiến trúc công cộng Art Deco ở Hà Nội, ngoài ra còn khá nhiều những công trình khác cũng có những thành công nhất định và góp phần đáng kể vào bộ mặt kiến trúc khu vực trung tâm Thủ đô. Khảo sát tại hiện trường của chúng tôi 1 cho thấy các công trình  Art Deco không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc mà còn đem lại những bài học về các giải pháp đáp ứng khí hậu nhiệt đới.  Tuy nhiên, do không được đánh giá đúng mức trong giai đoạn trước đây nên một số công trình đã bị dỡ bỏ một cách đáng tiếc như nhà hàng Godard (sau này là Bách hoá tổng hợp), hay bị cải tạo đến mức biến dạng hoàn toàn như khách sạn Splendide (khách sạn Hoà Bình ngày nay).

Trong cơn lốc “cao ốc hóa” khu vực trung tâm Hà Nội đang diễn ra hiện nay, nếu các cơ quan chức năng của Hà Nội không đưa ra được một chính sách bảo tồn hợp lý thì những công trình Art Deco danh tiếng một thời vẫn có thể bị phá bỏ để nhường chỗ cho các cao ốc thương mại hoặc chí ít cũng bị nhấn chìm trong rừng cao ốc xung quanh. Thật tiếc lắm thay!

Bài : Trần Quốc Bảo - Ảnh : Trần Quốc Bảo, Đào Thái Hà

>> Biệt thự kiểu Art Deco ở Hà Nội 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...