Chỉ với các chất liệu công nghiệp như bê tông, sắt, thép, kính kết hợp cùng những đường cong biến ảo kỳ diệu, KTS Santiago Calatrava - người được mệnh danh là Atoni Gaudí thứ hai của Tây Ban Nha cũng bởi những công trình kiến trúc kỳ quặc - đã tạo nên một “khu rừng” kỳ lạ, nổi bật giữa thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, mang công năng là ga tàu điện có tên gọi Oriente.
Nhắc đến những công trình của kiến trúc sư đương đại Santiago Calatrava, cũng đồng thời là một nhà điêu khắc, một họa sĩ… đến từ Valencia của Tây Ban Nha, giúp liên tưởng ngay đến vật liệu công nghiệp như sắt, thép, kính, nhưng được thể hiện bằng ngôn ngữ thiết kế khác lạ, ứng dụng vào những công trình kiến trúc mang quy mô công cộng như bảo tàng, sân vận động, nhà ga, nhà ở…
Nhà ga Oriente ở thủ đô Lisbon là một ví dụ hoàn hảo minh họa cho ngôn ngữ thiết kế không nhầm lẫn của Santiago Calatrava. Công trình hoàn thiện từ 1998 phục vụ sự kiện Hội chợ Triển lãm thế giới diễn ra cùng năm tại khu Parque das Nações kế cận. Bản thiết kế Oriente không chỉ mang công năng là nhà ga tàu điện, mà còn trở thành trạm trung chuyển chính yếu ngay trung tâm Lisbon, với sự kết nối chặt chẽ từ tàu điện, ga xe lửa, nhà để xe, bến xe buýt, đến các phương tiện giao thông khác trên bộ. Thế nhưng, điều ấn tượng nhất cho bất kỳ ai khi đến với Oriente, chính là kiến trúc đặc biệt của nhà ga này.
Lối vào chính ở nhà ga Oriente với ngôn ngữ thiết kế quen thuộc của KTS Santiago Calatrava.
Nhìn từ xa, ngay lối vào chính nhà ga Oriente, hình ảnh đối xứng của hai cánh cung vĩ đại như đôi cánh đang dang rộng, vừa có tác dụng chắn sáng, vừa đem lại hiệu ứng thị giác mạnh, dẫn dắt hướng nhìn về trọng tâm nơi một mái vòm hình zic zac như những lớp sóng lượn trên nền trời. Nếu đã từng chiêm ngưỡng những kiến trúc đường cong của Santiago Calatrava, sẽ thấy “đôi cánh” và mái vòm ngay cổng chính ở Oriente mang ngôn ngữ thiết kế tương tự với phần mái vòm của sân vận động Olympics mùa hè Velodrome ở Athens - Hy Lạp, nhà ga tàu điện Liege-Guillemins ở Liege - Bỉ, Bảo tàng của ngày mai ở Rio de Janeiro - Brazil, hay nhà ga sân bay Bilbao - Tây Ban Nha…
Các lớp kính chắn sáng được bố trí lệch góc, tạo hiệu ứng tương phản mà thanh nhã giữa các mảng màu khác lạ.
Cầu thang thông tầng được bố trí khéo léo trên bề mặt sân ga. Đường nét kiến trúc của Oriente mang nhiều nét tương đồng với công trình Brookfield Place ở Toronto - Canada cũng do Santiago Calatrava thiết kế. Chỉ vận dụng hai đường thẳng và cong, những kết cấu thép chịu lực trở nên mềm mại, uyển chuyển như những tán cây che bóng mát.
Trước khi Oriente có được diện mạo như hôm nay, phần nền cũ cũng là một nhà ga xe điện, nhân sự kiện Hội chợ Triển lãm thế giới 1998, chủ trương tái thiết nhà ga cũ để biến thành một điểm kết nối giao thông hoàn hảo là ưu tiên một. Thiết kế của Santiago Calatrava được chọn bởi không chỉ đáp ứng công năng là nút giao thông trọng yếu, mà còn tạo nên một vùng cảnh quan đặc biệt, trở thành điểm nhấn kiến trúc mang tính biểu tượng với những chi tiết hết sức độc đáo và ấn tượng. Thiết kế nhà ga Oriente gồm bốn tầng, bước qua không gian cổng chính là lạc vào một kết cấu bê tông gồm những đường vòm cong, kết nối liên hoàn, tạo cho cảm giác như đang dạo bước trong một bộ xương cá voi khổng lồ hơn là hối hả tìm đến đường tàu chạy.
Giàn mái kính mang vẻ đẹp ấn tượng, chạy dài theo chiều dọc sân ga, gợi về không gian kiến trúc Gothic. Một góc rậm rạp như cây rừng nơi mái vòm của nhà ga Oriente.
Bãi đỗ của bốn đường tàu dưới lớp mái kính chắn sáng mang đường nét của thời kỳ Victoria.
Các không gian liên tầng được sử dụng cho cửa hàng bán lẻ, cửa hàng phục vụ thức ăn nhanh, khu vực bán vé, nhưng ấn tượng nhất là ở tầng trên cùng, nơi có sân ga với 4 đường tàu chạy, được che phủ bởi một giàn mái kính cao 25m, dài 238m rộng đến 78m. Giàn mái này được nâng bởi các trụ sắt mang thiết kế như gốc cổ thụ, với tán cây là bộ cánh tay vươn rộng đỡ lấy phần mái kính. Những đường nét mang tính chi tiết đã tạo cho vật liệu khô cứng như sắt, thép, kính, bê tông sự mềm mại, quyến rũ đến khác lạ, nhờ vậy công trình nhà ga Oriente của Santiago Calatrava thực sự xóa đi những giới hạn giữa kỹ thuật, điêu khắc và kiến trúc để tạo nên một tán rừng kỳ lạ, một điểm kết nối giao thông hoàn hảo.
Nguyễn Đình
(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 149)
- Hướng đến nền kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc và phát triển bền vững
- Biệt thự Pháp cổ giữa lòng Hà Nội: Giá trị và bảo tồn
- Câu chuyện của Twin-Lah
- Các giải pháp thiết kế mặt đứng chung cư theo hướng kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng
- [Film] Ashui Pavilion Văn Miếu-Quốc Tử Giám
- Đình Tây Đằng: Vẻ đẹp kiến trúc gỗ tiêu biểu thời Mạc
- Ngôi nhà dành một tầng làm thư viện ở Tottori (Nhật Bản)
- Cần hiểu đúng về kiến trúc bản địa
- Ngôi nhà Taperá: Bóng dáng những hàng ba
- Pavilion của Bỉ tại Expo 2020 Dubai