Trong sự phát triển và hội nhập của đất nước, cùng với việc phát triển của quá trình đô thị hóa, việc sử dụng và quản lý màu sắc kiến trúc tại các đô thị là việc làm cần thiết và cấp bách.
Môi trường đô thị, trong đó bao gồm phần chính là môi trường thị giác với việc sử dụng màu sắc của các công trình để tạo nên không gian thị giác thẩm mỹ chung là một hoạt động xã hội trong đó thể hiện rõ ràng mối quan hệ biện chứng giữa trình độ phát triển của con người và trình độ phát triển khoa học kỹ thuật của một xã hội cụ thể, của một đô thị cụ thể. Môi trường không gian kiến trúc với việc tổ chức quản lý và sử dụng màu sắc là yếu tố quan trọng của điều kiện lao động, sản xuất và là một bộ phận của môi trường sống.
Màu sắc kiến trúc trong đô thị có những tác động để hình thành nên những chức năng riêng đối với cuộc sống con người, chúng:
- Tạo trật tự, hổ trợ trong việc nhận diện;
- Chỉ rõ các công trình, các thiết bị công trình cần nhấn mạnh;
- Tăng độ tương phản màu để tạo sự sinh động trong không gian kiến trúc đô thị và làm cho các hoạt động công việc được dễ dàng hơn;
- Tác động tâm lý đến con người.
Như vậy, nếu việc sử dụng màu sắc trong không gian đô thị hợp lý sẽ đảm bảo tối ưu cho công việc và môi trường làm việc cho cư dân đô thị, giảm mức độ nguy hiểm và vận hành tốt trong quá trình hoạt động lao động, sinh hoạt của người dân khi mà việc sử dụng hợp lý các màu sẽ tác động tốt đến tâm lý, tạo tương quan rõ ràng trong trường thị giác nhằm tạo bố cục hợp lý giữa các công trình, các tuyến phố, các không gian... đồng thời dùng màu sắc có thể bù lại những điều kiện, yếu tố bất lợi trong quá trình hoạt động diễn ra trong đô thị, góp phần xây dựng bộ mặt đô thị và thị hiếu thẩm mỹ của người dân.
Chính vì vậy, việc sử dụng và quản lý màu sắc kiến trúc đô thị không những đẩy mạnh các hoạt động xã hội theo hướng tích cực, nâng cao mức sống vật chất,tinh thần,sức khỏe cũng như các giá trị thẩm mỹ của cư dân đô thị mà còn biến đổi tích cực nội dung các hoạt động theo hướng tích cực để từ đó hình thành đặc điểm lao động mới. Như vậy, có thể nói, sử dụng và quản lý hợp lý màu sắc kiến trúc đô thị là một bộ phận của văn hóa đô thị cũng như sự phát triển của văn hóa chung.
Hiện nay, trong sự phát triển của các đô thị lớn trên cả nước, việc tạo lập một môi trường không gian kiến trúc trong các đô thị đó đã ít nhiều đem lại các ưu điểm. Tuy nhiên, qua nghiên cứu điều tra thực tế, còn có những tác động tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và đời sống tinh thần của cư dân đô thị cũng như trong công tác quản lý diện mạo của các đô thị ở nhiều cấp độ như: tiếng ồn làm mệt não, căng thẳng thần kinh; tổ chức ánh sáng ở một số khu vực chưa hợp lý dễ làm giảm thị lực, mỏi mắt; vi khí hậu ở một số khu vực chưa đạt tiêu chuẩn; cũng như việc tổ chức, trang trí không gian kiến trúc Đô thị: nghệ thuật tạo hình, cây xanh, màu sắc... chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt là việc sử dụng màu sắc trong quá trình hoàn thiện công trình còn tùy tiện và không phải công trình nào cũng có sự lựa chọn màu một cách kỹ lưỡng.
Điều này đôi khi ít nhiều làm mất đi nét tự nhiên hay phá vỡ đi cảnh quan thiên nhiên hoặc các giá trị truyền thống, lịch sử vốn có của các khu vực, các tuyến phố hay các công trình, cụm công trình cần được bảo tồn. Nó có thể được lý giải bởi trong một thời gian dài, chúng ta chỉ quan tâm tới các yếu tố quy hoạch chung của thành phố mà chưa có điều kiện đề cập toàn diện tới vấn đề màu sắc kiến trúc đô thị. Mà đúng hơn phải nói là chúng ta chưa chủ động nghiên cứu một cách nghiêm túc và thực hành một cách có ý thức các vấn đề liên quan trong việc sử dụng màu sắc kiến trúc trong đô thị. Trong đó, việc nghiên cứu và tổ chức sử dụng hợp lý màu sắc kiến trúc đô thị chưa được người dân trong đô thị và các cấp quản lý, lãnh đạo cũng như một số nhà chuyên môn hiểu một cách chính xác về ý nghĩa kinh tế - xã hội. Sự cố gắng và quan tâm đến một vài công trình riêng rẽ không mang lại hiệu quả đô thị đáng kể. Do chưa đề ra được hướng giải quyết cơ bản nên chưa có những tiêu chí đánh giá cũng như tổ chức và biện pháp quản lý. Các cơ sở tư vấn thiết kế vì thế cũng chưa gắn kết việc tổ chức màu sắc kiến trúc các công trình vào tổng thể chung do thiếu các tài liệu làm cơ sở pháp lý cũng như chưa có sự nối kết một cách chặt chẽ, thuyết phục đối với các chủ công trình sử dụng.
Quản lý màu sắc kiến trúc đô thị không thể đợi cho đến lúc tác phẩm kiến trúc được thể hiện tai thực địa mà bắt đầu từ những ngày dự án hình thành, thông qua những quy định, những gợi ý, những phê duyệt và cho phép xây dựng. Và để bắt đầu, kinh nghiệm phát triển cho thấy một trong những điều kiện cơ bản để nghiên cứu tổ chức màu sắc trong Đô thị là nắm rõ tính chất, tác dụng của màu sắc và sự phối hợp màu sắc với nhau sao cho hiệu quả nhất. Một trong những phương pháp nghiên cứu khoa học, đạt chất lượng hiệu quả nhất đó là: cụ thể hóa các biện pháp tổ chức màu sắc trong Đô thị theo các cấp độ cơ cấu không gian khác nhau:
- Không gian tổng thể của đô thị.
- Các tuyến phố, trục đường chủ đạo, các khu vực đặc thù.
- Các công trình riêng lẻ (công trình, cụm công trình kiến trúc lớn...).
Các cấp độ cơ cấu trên thưởng thì được dựa vào các yếu tố sau để làm cơ sở nghiên cứu, tổ chức:
- Truyền thống văn hóa và thẫm mỹ.
- Đặc điểm của đô thị với các yếu tố mang tính xã hội (Đô thị cổ, Văn hóa, du lịch...), các điều kiện tự nhiên (Đô thị biển, cao nguyên, vùng sông nước...), khí hậu..
- Thể tích và diện tích của đô thị cũng như dáng dấp, đường nét của đô thị.
- Mong muốn, thị hiếu của chủ đầu tư và kiến trúc sư sáng tác.
- Tác động cảm xúc của màu sắc và vai trò chức năng thẩm mỹ trong tổ chức quy hoạch. Các tính chất của màu sắc và tác động tương hỗ của chúng.
- Tài nguyên và nguồn vật liệu địa phương.
- Các loại hình chiếu sáng và các điều kiện tiếp nhận thị giác.
- Màu sắc và kích thước của các công trình kiến trúc phụ (các biển báo, hộp đèn, thùng rác...).
- Sự cần thiết có vùng nguy hiểm và mức độ nguy hiểm ở một số khu vực...
Như vậy, màu sắc trong kiến trúc đô thị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên chúng ta cần lựa chọn các yếu tố chính và các đặc điểm đặc trưng của đô thị đó để tìm ra một giải pháp nhân văn nhất, hiện đại và bền vững nhất cho cả công trình lẫn đô thị dù rằng đôi khi các yếu tố trên có sự mâu thuẫn, thậm chí là tranh chấp.
Tổ chức màu sắc kiến trúc trong đô thị đã được các nước phát truyển nghiên cứu và sử dụng rộng rãi. Trong khi đó, ở các đô thị của chúng ta, nói chung, chưa đươc tổ chức và quản lý cho khoa học và hiệu quả. Vì vậy nên chăng chúng ta cần:
- Xây dựng tiêu chuẩn sử dụng màu sắc trong đô thị và tiến tới ban hành những hướng dẫn thực hiện về màu sắc kiến trúc đô thị ở dạng quy chế (trước mắt là quy chế tạm thời) và thực hiện thí điểm ở một số đô thị quan trọng.
- Từng bước nâng cao hoàng thiện về mặt nhận thức của người dân.
- Đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học về việc tổ chức màu sắc trong môi trường kiến trúc đô thị trong điều kiện của từng đô thị.
Cuối cùng, như chúng ta đã biết, một trong những yếu tố tổ chức thành công trong môi trường đô thị là tổ chức và quản lý màu sắc kiến trúc trong đô thị, theo đó, người thiết kế phải phối hợp các yếu tố đặc thù để tổ chức một môi trường kiến trúc phù hợp nhất, hiệu quả nhất. Người quản lý cũng phải nắm bắt các yếu tố trên để xây dựng quy chế về sử dụng màu sắc kiến trúc trong từng công trình, từng khu vực, từng tuyến phố... cho phù hợp, đồng thời có trách nhiệm phổ biến, tư vấn cho người dân, chũ sở hửu công trình các quy định, các ý nghĩa... của việc sử dụng màu sắc cho công trình của họ.
Ths.KTS Hồ Thế Vinh
- Khách sạn Helix ở Abu Dhabi, UAE
- "Ngôi nhà Annie MG Schmidt" - Tháp xử lý nước thành trung tâm giải trí
- Kiến trúc ấn tượng kết hợp không gian âm học high-tech
- Oil Rig Eco Resort cải tạo từ giàn khoan dầu
- 10 công trình kiến trúc bị ngưng trệ do khủng hoảng kinh tế
- Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa Mỹ Phi
- Ngôi nhà Hemeroscopium - Madrid, Tây Ban Nha
- Thư viện 196 triệu bảng Anh ở Aarhus, Đan Mạch của SHL Architects
- Công trình Đại học Đông Dương: Bất ngờ trước những trang trí hình bóng điện
- 10 công ty kiến trúc sáng tạo nhất