Ashui.com

Wednesday
Dec 11th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Quan hệ giữa du lịch và môi trường

Quan hệ giữa du lịch và môi trường

Viết email In

Hiện nay vấn đề môi trường đã và đang có tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế đất nước, kể cả sự phát triển của ngành du lịch. Ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ sự biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái...

Do đó, du lịch và môi trường là 2 bộ phận không thể tách rời nhau, môi trường có tốt thì du lịch mới phát triển bền vững. Khi phát triển du lịch thì bản thân của ngành du lịch cũng đã ý thức được vấn đề môi trường. Xây dựng, thiết kế các điểm, các tour du lịch như thế nào để bảo vệ môi trường bền vững, gắn bó với thiên nhiên, thân thiện với thiên nhiên.

Chúng tôi xin nêu ý kiến của các doanh nghiệp du lịch và các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực môi trường.
 
Hiện trạng môi trường du lịch biển
(PGS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường Tp.HCM)

“Việt Nam có chiều dài hơn 3.260 km đường biển, với 125 bãi tắm lớn, nhỏ. Khoảng 2.273 đảo ven bờ, 44 vũng-vịnh nhỏ, 1.120 rạn san hô, 252.500 ha rừng ngập mặn và các thảm cỏ biển phân bố từ Bắc chí Nam. Do vậy, du lịch biển Việt Nam được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh.

Ngày nay có nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên các đảo không theo quy hoạch, đã làm tăng nguy cơ xói mòn đường bờ, làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo. Nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xả trực tiếp vào môi trường, làm tăng mức độ hữu cơ nước biển ven bờ.

Ngoài ô nhiễm dầu nước biển ven bờ do các phương tiện tàu thuyền vận tải khách du lịch, phương tiện vui chơi, thể thao nước, khai thác san hô phục vụ nhu cầu làm hàng lưu niệm... cũng góp phần làm suy thoái hệ sinh thái nhiệt đới. Hậu quả là các bãi biển nổi tiếng của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường nước biển nghiêm trọng.

Tại các khu vực ven bờ biển vịnh Hạ Long đã có những biểu hiện ô nhiễm cục bộ do tăng lượng chất rắn lơ lửng, giảm lượng ô xy hoà tan, nitơrit và vi khuẩn gây bệnh coliform...

Theo thống kê của Ban quản lý vịnh Hạ Long, hiện nay khu vực Hạ Long-Cẩm Phả có 21 dự án lấn biển và 17 dự án đổ bùn thải làm đe doạ trực tiếp nghiêm trọng đến vùng di sản. Thống kê của Ban quả lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, mỗi ngày có khoảng 10 tấn rác thải du lịch, cộng với rác thải sinh hoạt của cư dân đổ xuống biển.

Các hoạt động dịch vụ du lịch trên bờ không được quản lý chặt chẽ. Nhà vệ sinh trên tàu du lịch xả thải trực tiếp xuống biển. Theo kết quả giám sát môi trường hàng năm về hiện trạng môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chất lượng nước biển ở các bãi tắm, như: Long Hải, Hồ Cóc, Bãi sau, Bãi Trước, Bãi Dâu đều đã có dấu hiệu ô nhiễm môi trường.

Để giúp tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, cần tổ chức thu thập điều tra thông tin về môi trường du lịch trong hệ thống các doanh nghiệp du lịch làm cơ sở xây dựng, và triển khai thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Cần xây dựng quy chế xử phạt đối với các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Điều tra thống kê các nguồn thải, nước thải và áp dụng công nghệ xử lý chất thải trong ngành du lịch. Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn chất thải, quy trình kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải.

Nghiên cứu, đề xuất áp dụng sản xuất sạch hơn trong hoạt động kinh doanh du lịch, sử dụng hợp lý tài nguyên và giảm thiểu chất thải. Lập kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở kinh doanh du lịch gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, theo Quyết định 64 của Chính phủ”.

Điện mặt trời hỗ trợ phát triển du lịch, môi trường
(Ông Trịnh Quang Dũng, Phân Viện vật lý Tp.HCM, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam)

“Nhu cầu điện năng của Việt Nam đến 2010 phải từ 150 tỉ KWh trở lên. Theo số liệu thống kê của Bộ Khoa học Công nghệ, hàng năm Việt Nam sản xuất khoảng 30 triệu tấn than, 20 triệu tấn dầu thô và 35 tỉ KWh điện, gấp 10 lần so với sản lượng điện năm 1985.

  • Ảnh bên : Monterey là khu nghỉ mát sinh thái được hơn 60 năm. Các phòng của khách sạn sẽ đc cung cấp 30% điện năng riêng của mình từ gió và năng lượng mặt trời.

Việt Nam là nước có số giờ nắng trung bình khá cao, rất thích hợp phát triển điện mặt trời. Ở các tỉnh phía Nam số giờ nắng trung bình khoảng 6,5 giờ/ngày, ở các tỉnh phía Bắc, số giờ nắng trung bình chỉ đạt 4,1 giờ/ngày, và cường độ bức xạ trung bình khoảng 4 KWh/m2 ngày.

Các tỉnh phía Nam và Tp.HCM mặt trời chiếu quanh năm, ổn định định kể cả vào mùa mưa. Bức xạ mặt trời là nguồn tài nguyên to lớn cho các tỉnh miền Trung, miền Nam và Tp.HCM trong quá trình phát triển mạng điện mặt trời.

Mạng điện mặt trời cục bộ (Madicub) mở ra khả năng cạnh tranh lớn cho điện mặt trời và đặc biệt tạo dấu ấn trong lãnh vực hỗ trợ phát triển du lịch, du lịch sinh thái bảo vệ môi trường. Ưu điểm nổi bật của mạng Madicub là tận dụng mọi nguồn năng lượng sẵn có tại chỗ để thiết lập một mạng điện cục bộ ở “mọi lúc, mọi nơi” và phục vụ tốt cho mọi nhu cầu.

Cuối tháng 11/2000, thuyền du lịch văn hoá điện mặt trời đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á được lắp đặt tại thị xã Hội An. Đề tài này do SIDA Thụy Điển tài trợ trong khuôn khổ “Chương trình công nghệ năng lượng mới ở châu Á”.

Nguồn điện mặt trời trên du thuyền còn phục vụ cho bơm nước, thoát nước dưới hầm tàu, đặc biệt là giải pháp bơm áp lực cấp nước sinh hoạt cho du khách trên boong tàu, một nhu cầu cấp thiết thường xuyên trên mỗi chuyến hải trình. Hoạt động từ tháng 11/2000, tính đến nay hệ thống điện mặt trời đã phát được 12.800 KWh điện giảm được 11,520 tấn CO2 phát xạ vào khí quyển.

Khu Resort điện mặt trời Sao Việt-Núi Thơm 5 sao ở tỉnh Phú Yên, trở thành khu nghỉ dưỡng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ điện mặt trời hỗ trợ phát triển du lịch.

Điện mặt trời hỗ trợ phát triển du lịch, bảo vệ môi trường bước đầu đã được triển khai ở Việt Nam, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và còn quá nhỏ bé so với tiềm năng. Trước thảm hoạ về nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu mà Việt Nam sẽ chịu nhiều hậu quả nặng nề, chúng ta cần phải triển khai mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính...”.

Vì một môi trường xanh, sạnh
(Ông Trịnh Quang Mẫn, Tổng giám đốc Victoria Châu Đốc)

“Thời gian gần đây Victoria Châu Đốc đã có logo môi trường riêng của mình. Logo với cái vòng tròn xanh thể hiện sự tái sinh của môi trường, đồng thời thể hiện sự cam kết bảo vệ môi trường của chính mình.

Mỗi quý, Victoria Châu Đốc (ảnh bên) có một ngày làm công tác bảo vệ môi trường, và mời các em học sinh trực tiếp tham gia cùng tập thể nhân viên khách sạn, với việc thu gom rác ở xung quanh khu vực công viên 30/4, khách sạn đã tạo được ý thức bảo vệ môi trường trong tập thể nhân viên và cộng đồng dân cư ở địa phương.

Ngoài ra, theo kế hoạch của tập đoàn, vào tháng 9 hàng năm tất cả cán bộ, nhân viên của khách sạn sẽ thực hiện vệ sinh đường lên đỉnh núi Sam, đặt các sọt rác dọc theo đường lên đỉnh núi Sam. Hoạt động này được thực hiện từ năm 2003 đến nay.

Victoria là khách sạn nước ngoài nên tiêu chuẩn môi trường mà Victoria hướng tới là tiêu chuẩn quốc tế, đồng thích hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam, đến nay tất cả các hãng lữ hành du lịch thế giới đến từ những quốc gia có bảo vệ môi trường tốt, họ đưa ra những chuẩn mực môi trường và hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực môi trường mà khách sạn đang thực hiện.

Tôi nghĩ rằng, đối với những nhà kinh doanh du lịch nghiêm túc thì khi xây dựng các công trình phải xây dựng khu xử lý nước thải ngay từ đầu, và phải đầu tư đúng mức, vì đầu tư này rất có ý nghĩa, sẽ mang lại lợi nhuận, không phi lợi nhuận như mọi người thường nghĩ.

Do vậy, Victoria Group đã không ngần ngại đầu tư ngay từ đầu hệ thống xử lý nước thải hiện đại. Bên cạnh đó môi trường văn hoá cần sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, môi trường lao động cũng cần đầu tư đúng mức.

Nếu chúng ta biết trân trọng môi trường thiên nhiên thì cũng phải biết trân trọng con người, vì đây là môi trường tương đối phức tạp cần phải thể hiện, nếu không thì chúng ta chưa làm hết các quan điểm về bảo vệ môi trường”.

Phát triển du lịch thân thiện với môi trường
(Ông Lionel Valla, Tổng giám đốc Evason Ana Mandara & Six Senses Spa Nha Trang)

“Hiện nay, trên toàn thế giới Tập đoàn Six Senses có 17 khu nghỉ tại 13 nước, phát triển chính tại các nước Đông Nam Á: Việt Nam, Thái Lan và quần đảo Maldives. Tầm nhìn Six Senses hướng đến là tạo ra những xu thế mới có nhiều thay đổi sáng tạo, làm cho du khách cảm nhận đối với môi trường, với cộng đồng chung quanh.

Mục đích của Tập đoàn là môi trường, làm thế nào để tạo được cảnh quan hài hoà với môi trường, giảm khí carbon thải ra. Về trách nhiệm môi trường, Six Senses chia ra làm 4 phần chính: Về môi trường, xã hội-văn hoá, kinh tế và đồng thời về sức khoẻ.



Trong phần môi trường, Six Senses chia ra các phần sau: quản lý về năng lượng; quản lý về nước; quản lý về chất thải; quản lý về hoá chất và có trách nhiệm trong phần mua bán, không mua thật nhiều dư thừa rồi đổ đi gây ô nhiễm môi trường; quản lý khí thải trong khu vực và đồng thời có trách nhiệm bảo vệ và tái tạo môi trường sinh thái.

Phải tạo được môi trường lành mạnh an toàn trong khu nghỉ. Tập đoàn Six Senses đã là thành viên của Green Globe, Nordic “Swan” hoặc Hiệp hội môi trường International Tourism Partnership, ITP-US Leed.

Để đạt được mục đích bảo vệ môi trường, khi đầu tư xây dựng khu nghỉ mới không có nghĩa là phải chặt phá cây cối và huỷ hoại môi trường. Six Senses với lối kiến trúc hài hoà với thiên nhiên, nên chỉ xây dựng theo những gì thiên nhiên đã có. Do vậy, các khu nghỉ được xây dưới tán rừng, đá núi, nên cây rừng trong thiên nhiên vẫn được giữ nguyên, cảnh quan thiên nhiên không bị phá huỷ.

Làm như vậy sẽ tận dụng sự mát mẻ từ cây cối cho phòng khách và phòng sinh hoạt, chỉ có phòng ngủ buộc phải có máy lạnh. Phong cách của Six Senses là kết hợp hài hoà với thiên nhiên, tận dụng những ưu điểm sẵn có của thiên nhiên.

Tất cả các sảnh và phòng họp của tập đoàn đều xây với kiểu “over air”, các phòng spa cũng không trang bị máy lạnh, thiết kế các lỗ thông gió, tường được xây bằng chất liệu đất sét trộn với trấu rất dầy, có các lỗ thông gió nên nhiệt độ bên trong phòng lúc nào cũng thấp hơn ngoài trời từ 5-6 độ C.

Tại tất cả các khu nghỉ của tập đoàn đều có vườn rau riêng, đặc biệt tại khu nghỉ ở Nha Trang chúng tôi có vườn rau xanh, sạch trồng tại chỗ đủ cung cấp cho nhà bếp. Hiện Six Senses đang tạo “sự cân bằng xanh” trong thực đơn, bằng cách dùng các loại rau tươi, xanh kết hợp với đậu hũ và một ít thịt cá cần thiết để thay đổi món ăn hàng ngày cho khách, và thức ăn được nấu ở nhiệt độ 44OC, ở nhiệt độ này các chất bổ trong thức ăn sẽ không bị bốc hơi.

Và khách được ăn tối ngay trong vườn cây rau, khiến du khách rất thích đặc biệt là du khách đến từ Nhật Bản”.

Bảo vệ môi trường là vấn đề cấp thiết
(Ông Hanno Stamm, nguyên Tổng giám đốc Victoria Phan Thiết Beach Resort & Spa)

“Mũi Né đã chuyển mình từ một ngôi làng nhỏ thanh bình thành một bãi biển đông đúc và náo nhiệt-nơi tạo ra rất nhiều doanh thu cho kinh tế địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế là nhiều nỗ lực xây dựng thêm các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng và spa không đi đôi với việc phát triển cơ sở hạ tầng, như lẽ ra phải có.

Chưa có một nhà máy xử lý nước thải nào, mặc dù việc này được pháp luật quy định. Có rất ít khu nghỉ dưỡng có bộ phận xử lý nước thải và chắc chắn là không có doanh nghiệp nhỏ nào có bộ phận này.

“Sinh thái” và “xanh” là những từ được nói đến nhiều nhất ở Việt Nam trong những năm gần đây. Đáng tiếc là những nỗ lực trong lĩnh vực này chỉ mới đạt được kết quả bề nổi. Khi đến Việt Nam lần đầu tiên, tôi thấy rất ít bọc nylon, nhưng ngày nay Việt Nam là một trong số ít quốc gia mỗi một quả táo, quả chuối... đều được đựng trong một túi nylon riêng và tất cả những túi đó bỏ chung vào một túi lớn.

Là những người làm quản lý khách sạn và nhà hàng, chúng tôi có thể yêu cầu những người cung cấp hàng cho chúng tôi giao hàng đựng trong rổ, và chắc chắn họ sẽ trả lời là họ không quen làm như thế vì họ đã quen dùng túi nylon. Túi nylon là thứ mà tôi rất ghét vì chúng làm hỏng cảnh quan của Phan Thiết, ngoài việc làm ảnh hưởng tới mỹ quan, chúng thường làm tôi thót tim mỗi khi bơi ở biển mà chạm phải túi nylon.

Rõ ràng là chúng ta đang sống trong một thế giới lý tưởng, chúng ta sẽ có cả nhà máy nước và nhà máy xử lý rác, nhiều nguồn năng lượng khác nhau để chạy máy, các nhân viên và nhà chức trách cam kết với việc bảo vệ môi trường.

Rất nhiều biện pháp mà chúng ta có thể thực hiện hầu như không hoặc chỉ tốn rất ít tiền và sức lực. Tất cả chỉ đòi hỏi chúng ta phải xem xét một chương trình để giúp môi trường đang bị lạm dụng của chúng ta. Để cỏ mọc dài hơn một chút là miễn phí nhưng lại tiết kiệm một lượng nước đáng kể. Cấm tất cả các túi nylon tại hầu hết các khách sạn cũng chẳng tốn kém gì, ngược lại còn tiết kiệm tiền...

Mặc dù tôi sẽ rời Việt Nam, nhưng tôi muốn thấy Việt Nam tiếp tục thu hút du khách và tôi mong muốn thấy tất cả quý vị tiếp tục kinh doanh tốt trong những năm tới”.

Cải thiện hệ sinh thái ven biển
(Ông Boris Fabres, Cố vấn cao cấp Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng - MCD)

“Du lịch, đặc biệt là du lịch ven biển đã đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Ngành du lịch thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ủng hộ công nghiệp địa phương và tạo ra nhiều việc làm cho cư dân vùng ven biển và đảo. Với kế hoạch kinh tế và ven biển sẽ đóng góp hơn 50% tổng thu nhập quốc dân vào năm 2020, ngành du lịch thậm chí còn phát triển rộng hơn nữa.

Trong khi đó, có nhiều vùng môi trường tự nhiên với tính đa dạng sinh học nổi bật cho du khách đến tham quan như: biển cát, rừng đước, sông và rạn san hô... lại đang chịu sức ép lớn bởi sự ô nhiễm và phá huỷ do con người tạo ra, đã tác động tới môi trường tự nhiên và hệ sinh thái.

Những rạn san hô ở Việt Nam có nguy cơ ô nhiễm ở cấp cao, gấp 8 lần so với mức trung bình ở các nước châu Á khác. Sự xói mòn bờ biển cũng đang tăng lên và sự ô nhiễm hoá chất do công nghiệp, nông nghiệp, nước thải của con người đang ngày càng tồi tệ hơn.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2008 dự báo mỗi năm Việt Nam đang mất đi ít nhất 69 triệu USD thu nhập từ ngành du lịch, do những cơ sở có hệ thống xử lý vệ sinh nghèo nàn. Ô nhiễm môi trường cũng làm giảm đi sức thu hút khách của ngành du lịch. Sự thay đổi đa dạng sinh học tự nhiên và việc số lượng chất thải rắn, đặc biệt là chất dẻo, ngày càng tăng đã làm cho các bãi biển và vùng duyên hải ngày càng ít khách du lịch đến tham quan.

Thiệt hại tài chính do chất lượng môi trường thấp ở Việt Nam được ước tính vào khoảng 2,5 tỷ USD vào 2004. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và khách sạn là tác nhân tác động đến chất lượng môi trường, họ cũng là người chịu ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm và phát triển của các lĩnh vực khác nhau.

Chất lượng môi trường cũng làm giảm đi sức cạnh tranh quốc tế của ngành du lịch Việt Nam.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2007 và năm 2008 đã tụt hạng Việt Nam từ vị trí thứ 93 xuống 122 trong số 133 nước được xếp hạng về mặt chất lượng môi trường, quản lý và kinh doanh du lịch. Do những thách thức lớn này, doanh nghiệp và Chính phủ phải hợp tác để giải quyết, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch - nơi mà đầu tư tư nhân chiếm phần lớn.

Việc các khách sạn và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển bền vững, và sử dụng chuỗi cung cấp “Xanh” cũng rất đáng quý. Những việc này sẽ tác động tích cực và lan toả đến các doanh nghiệp khác. Những hành động này cần phải dựa trên thông tin chính xác về môi trường.

Đồng thời, những hành động có trách nhiệm cần phải được thực thi như sử dụng nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” để ngăn cản sự phá huỷ môi trường, và việc này cần phải được thực hiện liên tục.

Do sự phát triển nhanh chóng của du lịch và các doanh nghiệp du lịch-khách sạn tại Việt Nam chúng ta cần đồng thời chú trọng đến những tác động của du lịch đến môi trường, và sử dụng tài nguyên môi trường quốc gia một cách có trách nhiệm. Những gì chúng ta làm hôm nay không chỉ ảnh hưởng đến thế hệ hiện tại mà còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ tiếp theo.

Trong chiến dịch này, sự quản lý của doanh nghiệp kinh doanh du lịch có thể mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và môi trường”.

>> Bảo vệ môi trường biển 

>> Du lịch sinh thái "làm hại" môi trường? 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo