Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Lại bàn về quy trình cấp phép xả thải

Lại bàn về quy trình cấp phép xả thải

Viết email In

Ngày 30/6/2016, Tổng cục Môi trường đã họp triển khai quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, trong đó có Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết: “Sau khi thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, kể cả đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan”.  

Trước đó, hồi tháng 5/2016, trong thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ TN-MT và UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo về việc cấp phép, giám sát hệ thống xả thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan. Thủ tướng cam kết sẽ “xử lý nghiêm minh, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào”. 

Vậy ai là những người thẩm định - phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cấp phép xả thải cho các dự án nói trên và những công việc đó có “đúng quy trình” hay không? 


Ngày 11/12/2015 (là ngày cấp phép xả thải cho Formosa), Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng thời ký quyết định cấp phép xả thải cho Lee & Man Việt Nam với lưu lượng 50.000 mét khối/ngày ra sông Hậu, và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng... không biết báo cáo ĐTM được phê duyệt từ tháng 9/2008 của Lee & Man Việt Nam đã không còn hợp pháp.
(Ảnh: Trung Chánh) 

Những sai sót có hệ thống

Trước hết, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên ban hành quyết định thu hồi hai giấy phép xả thải đã cấp cho Formosa và Lee & Man để thực hiện lại theo đúng quy định của pháp luật. 

Năm 2009, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT) đã cho xuất bản các tài liệu “Hướng dẫn lập báo cáo ĐTM dự án luyện gang thép” và “Hướng dẫn lập báo cáo ĐTM dự án sản xuất giấy và bột giấy” (Hướng dẫn ĐTM). 

Các hướng dẫn ĐTM này gồm lời nói đầu và các chương về chuyên môn, đưa ra các phân tích chi tiết về công nghệ, các tác động môi trường, các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường, chương trình quản lý và giám sát môi trường, tham vấn ý kiến cộng đồng và cuối cùng là khung hướng dẫn kỹ thuật lập báo cáo ĐTM cho từng loại dự án nhà máy luyện gang thép cũng như dự án sản xuất giấy và bột giấy một cách cụ thể.

Theo định nghĩa trong Luật Bảo vệ môi trường 2015: “Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó”. Từ đó có thể hiểu thêm rằng ĐTM là công cụ để sàng lọc dự án cho các cơ quan cấp phép đầu tư. 

Vậy nhưng, dù với những hướng dẫn ĐTM chi tiết như thế, thảm họa môi trường vẫn cứ xảy ra do thủ phạm Formosa. Báo cáo ĐTM ban đầu của Formosa được Bộ TN-MT phê duyệt năm 2008 cho phép Formosa xả nước thải sau xử lý ra sông Quyền, không thải trực tiếp xuống biển.

Nhưng không biết căn cứ vào cơ sở nào mà ngày 11/12/2015, Bộ TN-MT lại ký quyết định cho phép Formosa xả nước thải ra vùng biển ven bờ vịnh Sơn Dương?

Về mặt khoa học, khả năng tự làm sạch của sông Quyền và của vùng biển ven bờ vịnh Sơn Dương là hoàn toàn khác nhau, tiêu chuẩn áp dụng cho nước thải sau xử lý của Formosa cũng khác nhau, chưa nói đến khả năng kiểm soát dòng thải ra sông Quyền là rất dễ dàng trong khi dòng thải xả ngầm xuống vịnh Sơn Dương là điều ngoài tầm kiểm soát.

Luật Bảo vệ môi trường 2015 cũng quy định “chủ dự án phải lập lại báo cáo ĐTM nếu không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM”. Vậy mà với trường hợp của Lee & Man Việt Nam, quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM được UBND tỉnh Hậu Giang cấp từ tháng 9-2008 nhưng đến tháng 3-2015 (sau gần bảy năm) họ mới khởi công xây dựng nhà máy mà không một cơ quan nào phát hiện ra để bắt buộc họ lập lại báo cáo ĐTM.

Đúng là chuyện “lạ” nhưng càng “lạ” hơn nữa, cũng vào ngày 11/12/2015 (là ngày cấp phép xả thải cho Formosa), Bộ TN-MT đồng thời ký quyết định cấp phép xả thải cho Lee & Man Việt Nam với lưu lượng 50.000 mét khối/ngày ra sông Hậu, và Bộ TN-MT cũng... không biết báo cáo ĐTM được phê duyệt từ tháng 9-2008 của Lee & Man Việt Nam đã không còn hợp pháp.

Đối với việc thẩm định và cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, quá trình thẩm định trước khi cấp phép xả thải phải được lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân liên quan cũng như công khai thông tin về hồ sơ xin cấp phép xả thải theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2013 và Nghị định số 201/2013/NĐ-CP.

Vậy mà ống xả ngầm của Formosa được Bộ TN-MT cho phép lắp đặt ngày 26-8-2014 và giấy phép xả thải của Formosa được Bộ TN-MT cấp phép xả ra biển ngày 11/12/2015 nhưng các cơ quan và người dân địa phương không ai biết.

Rồi Lee & Man Việt Nam cũng được Bộ TN-MT cấp giấy phép xả thải ra sông Hậu cùng ngày 11/12/2015 nhưng đến giờ thì Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các nhà khoa học và người dân mới kịp... giật mình!

Chẳng lẽ quy trình thẩm định và cấp giấy phép xả nước thải đang được thực hiện một cách “âm thầm”, và những tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi các dự án này, ít nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống hay sinh kế của họ, không được ai hỏi ý kiến? 

Đâu là hướng ra cho các giấy phép xả nước thải?

Với những phân tích trên đây, có thể khẳng định rằng việc cấp giấy phép xả nước thải của Bộ TN-MT cho cả Formosa và Lee & Man đều vi phạm Luật Bảo vệ môi trường 2015 và Luật Tài nguyên nước 2013.

Giấy phép cấp cho Formosa sai khác hoàn toàn với ĐTM được phê duyệt, và quá trình thẩm định giấy phép xả thải cho Formosa không thực hiện công đoạn tham vấn cộng đồng.

Giấy phép cấp cho Lee & Man khi quyết định phê duyệt ĐTM của họ không còn hợp pháp, do đó không thể đánh giá được tác động môi trường khi Lee & Man xả nước thải ra sông Hậu, đồng thời quá trình thẩm định giấy phép xả thải cho Lee & Man cũng không thực hiện công đoạn tham vấn cộng đồng.

Để giải quyết những vi phạm này, trước hết Bộ TN-MT cần ban hành quyết định thu hồi hai giấy phép xả thải đã cấp cho Formosa và Lee & Man để thực hiện lại theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp đó, Bộ TN-MT cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân và tổ chức có liên quan trong quá trình thẩm định và cấp phép xả thải cho hai doanh nghiệp này.

Sự có sẵn của khung pháp lý là quan trọng và tính khả thi để áp dụng vào thực tiễn cũng quan trọng không kém, nhưng trên hết là việc thực hiện trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Qua những sự việc này, ngoài vi phạm của các doanh nghiệp sẽ bị xử lý, thì chính Bộ TN-MT cũng cần nhìn nhận lại trách nhiệm quản lý môi trường của mình trong thời gian qua để chấn chỉnh và khắc phục những sai sót trước khi quá muộn. 

An Hòa 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...