LTS. Kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) ra đời vào năm 1993, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được xem là một công cụ sàng lọc những dự án nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Tuy nhiên thực tế trong suốt thời gian qua, công cụ này gần như vô hiệu bởi chất lượng kém, lại rất khó tiếp cận dù luật yêu cầu công khai. ĐTM vẫn bị hành xử như một thủ tục nhằm hợp thức hóa quá trình thẩm định và phê duyệt các dự án, hoạt động đầu tư. Gần đây ĐTM được đánh giá ngày càng hoàn thiện hơn, đã qua 3 luật, 5 nghị định, 7 thông tư, tuy nhiên trong quá trình hoàn thiện luật hiện nay, Người Đô Thị nhận thấy công cụ này lại tiếp tục bị biến tấu, có dấu hiệu “trục lợi”. Xin giới thiệu cùng bạn đọc vấn đề ĐTM hiện nay dưới góc nhìn pháp lý...
Không chỉ “mật” về chất lượng, “mật” trong việc minh bạch và giám sát thông tin, mà báo cáo đánh giá tác động môi trường đang có nguy cơ bị Bộ Tài nguyên và Môi trường biến việc “mật” này trở thành quy phạm pháp luật.
Có tổng công suất lắp đặt khoảng 6.264MW, Trung tâm điện lực Vĩnh Tân - gồm 5 nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) dự kiến sẽ là trung tâm nhiệt điện than lớn nhất nước khi hoàn thành đầu tư xây dựng vào năm 2020. Thời gian qua thanh kiểm tra đã có nhiều phát hiện ĐTM nhà máy Vĩnh Tân 1, 2 kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống và sinh kế người dân tại đây. Trước nguy cơ ô nhiễm lớn của cụm nhà máy này, vừa qua chính quyền tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Bộ TNMT rà soát, lập ĐTM tổng thể cho toàn bộ các dự án tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân.
Liên quan đến làn sóng phản đối dự án Công viên Đại Dương Sơn Trà (Đà Nẵng) hiện nay, khá nhiều trưng cầu ý kiến trên mạng xã hội đã hỏi “anh chị có đồng ý Sun Group cần công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án?”. Ngay lập tức, hàng loạt ý kiến phản hồi: Luật đã yêu cầu công khai ĐTM, sao còn phải hỏi.
Nằm trọn trong khu vực mặt biển phía Nam bán đảo Sơn Trà, dự án công viên Đại Dương Sơn Trà sử dụng 100ha mặt đất và mặt nước (san lấp biển), do Sun Group làm chủ đầu tư, với tổng vốn khoảng 300 triệu USD. Không chỉ tham vọng tái hiện các châu lục Á, Âu, Bắc Phi, Nam Cực, Mỹ La tinh, châu Đại Dương, các cảng biển nổi tiếng trên thế giới tại Sơn Trà, dự án này dự kiến xây các khu nhà mang kiến trúc độc đáo từ nhiều quốc gia, khu trò chơi, các hệ thống trò chơi mạo hiểm cùng hàng loạt show diễn đặc trưng các nền văn hóa trên thế giới; xây cáp treo lên núi Sơn Trà. Nhiều công trình xây dựng tại đây sẽ có tầm cao 12 và 25 tầng, quy mô đến 800 phòng lưu trú du lịch...
Nhận định về dự án, ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Nước Việt Xanh (GreenViet) tóm gọn: đây thực chất là một dự án bất động sản. Nếu được thực hiện, nó sẽ phá nát hệ sinh thái biển phía Nam và Đông Nam bán đảo Sơn Trà; sinh kế của gần 2.000 dân với nghề truyền thống chài lưới cũng có nguy cơ biến mất sau hơn 500 năm tồn tại.
Công khai nhưng vẫn “mật”
Quả thật, rà soát Luật BVMT hiện hành, tại Điều 131, ngoài các thông tin môi trường thuộc danh mục bí mật nhà nước không được công khai, tất cả các thông tin môi trường khác, trong đó có ĐTM đều buộc phải công khai. Việc công khai cũng phải bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin; cơ quan công khai thông tin môi trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.
Chưa kể hiện nay, quyền được tiếp cận các loại thông tin trên còn được “hỗ trợ” chính thức bởi Luật Tiếp cận thông tin, có hiệu lực từ ngày 1.7.2018.
Vậy nhưng, trường hợp dự án Công viên Đại Dương Sơn Trà không hề cá biệt. Báo cáo ĐTM cùng nhiều thông tin môi trường khác (báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, kế hoạch bảo vệ môi trường; kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường...) trong thực tế đều là... thông tin “mật” với người dân và xã hội, thậm chí với cả nhiều cơ quan nhà nước. Báo giới muốn có được những thông tin thông thường này đều phải từ “nguồn tin riêng”. Còn người tiếp cận thông tin bị “đá” từ bên này sang bên kia, dẫn đi lòng vòng là chuyện “thường ngày ở huyện”.
Sau thảm họa Formosa năm 2016, công chúng và truyền thông mới phát hiện ĐTM của dự án này do Bộ TNMT phê duyệt năm 2008 vô cùng sơ sài. Trong ảnh là một góc nhà máy thép Formosa chụp tháng 5/2018
Chia sẻ với Người Đô Thị, giám đốc một tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực môi trường (gọi tắt tổ chức A) kể về một lần... thử đi lấy thông tin bằng con đường chính thống. Công văn đề nghị cung cấp ĐTM các dự án nhiệt điện than Vĩnh Tân được gửi đi, tổ chức A không chỉ bị Tổng cục Môi trường “đá” trách nhiệm sang Trung tâm Thông tin và tư liệu môi trường, mà còn được các đơn vị này yêu cầu một cách khó hiểu: phải có bút phê của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT)! Tất nhiên anh ra về tay không. Vốn được xem là nơi có được nhiều thông tin môi trường qua nhiều kênh: tự kiếm, bên thứ ba, “tay trong”... tổ chức A đang có “tham vọng” thay bộ... thực thi luật: thu thập và công khai cung cấp báo cáo ĐTM của các dự án quan trọng cho mọi bên trên cổng thông tin điện tử. Luật không cấm. Nhưng xuất hiện tên trên bài báo này, vị giám đốc tổ chức A từ chối, vì “lần sau chúng tôi sẽ hết cửa lấy thông tin”...
Tham nhũng chính sách?
Tại sao nội dung báo cáo ĐTM và các thông tin liên quan không thể được công khai? Chỉ có thể vì một lý do: chất lượng ĐTM quá kém. Dù chưa có thống kê chính thức, nhưng thực tế sinh động từ khi có Luật BVMT năm 1993 đến nay cho thấy: chất lượng ĐTM của các dự án đa số đều rất kém, làm hình thức, thậm chí sao chép lẫn nhau. Dễ nhớ nhất là hàng loạt các dự án đình đám đã bị khui ra như Vedan, Thủy điện 6 - 6A, Bauxit Tây Nguyên, Formosa...
Kỳ quặc hơn, dù chất lượng kém đến mấy, ĐTM vẫn được hội đồng thẩm định thông qua; sau đó là Bộ TNMT hoặc chính quyền địa phương phê duyệt. Gần đây nhất là trường hợp dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn Cái Bé (có quy mô ảnh hưởng đến gần 1/4 diện tích đồng bằng sông Cửu Long) mà Người Đô Thị đã thông tin trên Người Đô Thị online. Dù ngay trong hội đồng thẩm định có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí cho rằng cần hoãn dự án, nhưng kết quả ĐTM dự án này vẫn được thông qua với tỷ lệ... 100%!
Có phải hội đồng thẩm định ĐTM được thành lập ra chỉ để chia sẻ trách nhiệm với chủ đầu tư dự án? Vai trò của hội đồng này là gì?
Thực tế, một hội đồng thẩm định được thành lập bao gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học, nhằm đánh giá chất lượng ĐTM một dự án, để làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản sàng lọc dự án, công nghệ, đưa ra các chương trình giám sát môi trường phù hợp.
Tuy nhiên, một phó giáo sư tiến sĩ ngành tài nguyên môi trường có thâm niên ngồi hội đồng thẩm định ĐTM, đã thẳng thắn thừa nhận: dù chỉ ra hàng loạt sai sót, nhưng sau đó hội đồng vẫn phải thông qua ĐTM vì hầu hết đều được đặt trước việc đã rồi. “Tôi từng ngồi hội đồng xét duyệt ĐTM một nhà máy ắc quy nằm cạnh nhà máy thực phẩm chế biến thức ăn. Chúng tôi đặt vấn đề chuyển địa điểm nhưng chủ đầu tư nói họ đã bỏ nhiều triệu USD chuẩn bị cả năm nay. Ban quản lý khu công nghiệp địa phương cũng nói giới thiệu địa điểm mới tốn thêm rất nhiều tiền. Cuối cùng hội đồng, những người am hiểu nhất về môi trường, chỉ có thể đề xuất những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chứ không làm được chuyện quan trọng nhất của ĐTM dự án này là thay đổi địa điểm hay công nghệ, thậm chí bác bỏ hẳn dự án”, vị này kể.
Một gia đình ngư dân đánh bắt gần bờ tại vịnh Vũng Áng, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa Formosa. Tại thời điểm chụp hình (cuối tháng 8.2016), gia đình này cho biết họ không thể bán được số cá đánh bắt được, thu nhập không có nên buộc phải ăn chúng, trừ trẻ con
“ĐTM chỉ đưa ra sơ đồ công nghệ để chuyên gia đánh giá, hoàn toàn không đưa thông tin chi tiết để có thể bị ăn cắp. Không có bí mật công nghệ gì ở đây cả!”-TS. Nguyễn Trung Việt |
“Một trăm chủ đầu tư làm ĐTM thì 100 người đều biết phải đi gặp cơ quan nhà nước trước đã”, một tiến sĩ từng làm công tác quản lý nhà nước và chuyên ngồi hội đồng thẩm định ĐTM bình thản tiết lộ. Tham nhũng đi kèm lợi ích. Trong khi đó, “thực tế Nhà nước chỉ trả 400 ngàn đồng/thành viên hội đồng, còn chủ đầu tư “đút” mỗi người vài chục triệu đồng, tất nhiên họ chọn chủ đầu tư” - bộc bạch rất thật của một vị thâm niên ngồi hội đồng tại một hội thảo “nội bộ” góp ý về ĐTM (do Tổng cục Môi trường tổ chức gần đây), khiến cả hội trường cười rộ, nhưng ai cũng gật đầu bảo đúng.
Thực trạng trên vẫn chưa có “lời giải” thì tại một dự thảo nghị định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT mới đây, vấn đề công khai ĐTM tiếp tục bị Bộ TNMT làm cho biến tướng. Trong dự thảo này, Bộ TNMT đã sửa đổi Nghị định 18 theo hướng sẽ “công khai quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM” trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM. Không công khai báo cáo ĐTM. Báo cáo này chỉ được gửi cho các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước.
Trao đổi với Người Đô Thị, một chuyên viên Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra (Bộ TNMT) cho biết việc không công khai ĐTM là nhằm bảo vệ bí mật công nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phản bác điều này, TS. Nguyễn Trung Việt, nguyên trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TNMT TP.HCM, khẳng định “ĐTM chỉ đưa ra sơ đồ công nghệ để chuyên gia đánh giá, hoàn toàn không đưa thông tin chi tiết để có thể bị ăn cắp. Không có bí mật công nghệ gì ở đây cả!”
Báo cáo của Bộ TNMT vừa qua cho thấy, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng với nhiều vụ ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh kế của nhân dân. Nguyên nhân là hệ thống pháp luật, quy chuẩn còn nhiều bất cập, thiếu khả thi; nhiều địa phương còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường... Việc Bộ TNMT nỗ lực sửa đổi các quy định pháp luật là nhằm “minh bạch hóa, dân chủ hóa hoạt động quản lý nhà nước về môi trường, nhằm đề cao trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường...” - theo Chỉ thị số 25 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo cũng được giới chuyên môn đánh giá có nhiều điểm “tiến bộ và gần thế giới hơn” trong đảm bảo chất lượng ĐTM và quản lý, giám sát chất lượng môi trường.
Tuy nhiên, việc Bộ TNMT đang nhất định tiếp tục “biến tấu” ĐTM và toàn bộ quy trình xung quanh nó trở thành thông tin “mật”, quy chuẩn thành quy phạm pháp luật, sẽ còn khiến chất lượng ĐTM dễ bị những bàn tay lợi ích nhóm “thọc” vào. Và như vậy, rất có thể đất nước không chỉ có một Formosa, Vedan hay Bauxit Tây Nguyên, mà sẽ còn có hàng trăm dự án tương tự, nếu những vấn đề trên không được phát hiện, sửa sai ngay từ đầu.
Hàng loạt dự án khai thác titan Bình Thuận thời gian qua đã bị phát hiện làm ĐTM rất sơ sài, gian dối. Hậu quả là tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống và sinh kế của người dân; nguy cơ ô nhiễm phóng xạ không được thông tin đến cộng đồng bị ảnh hưởng… Trong ảnh: khu khai thác titan của Công ty TNHH Đức Cảnh tại khu Thiện Ái 2, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình
Báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm gì?Các cơ quan giám sát quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần có tiếng nói góp ý kịp thời để điều chỉnh nội dung dự thảo nghị định nói trên. Trao đổi với Người Đô Thị, nhiều chuyên gia luật, môi trường cho biết dự thảo Nghị định do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đề xuất chỉ có điều khoản công khai quyết định phê duyệt ĐTM mà không công bố rộng rãi hồ sơ môi trường của toàn dự án, gồm cả nội dung đánh giá tác động môi trường sẽ có nguy cơ dẫn đến lạm dụng con dấu “mật”. Điều này xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của cộng đồng. Luật do Quốc hội ban hành, còn nghị định do Chính phủ, giá trị hiệu lực của nghị định nằm dưới luật, nhằm làm rõ hơn những điều luật định, vấn đề này cần phải được Bộ TNMT sửa đổi, hoặc Chính phủ sẽ không thông qua. Nếu nội dung của nghị định trái luật thì đương nhiên bị vô hiệu. Thực tế có thể xảy ra trường hợp vì một mục đích nào đó, người có trách nhiệm lạm dụng dấu “mật” vì vin vào nội dung trong Nghị định “báo cáo này chỉ được gửi cho các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước”. Điều này khiến cho người dân tiếp cận, sử dụng tài liệu có đóng dấu “mật” có nguy cơ bị khởi tố vì làm lộ bí mật nhà nước, hoặc những hành vi khác nằm trong nhóm tội bí mật nhà nước, bí mật công tác (Luật Hình sự). Tuy nhiên, nó vẫn không thể xem là “mật” được, vì Luật đã yêu cầu phải công bố công khai. Các cơ quan giám sát quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần có tiếng nói góp ý kịp thời để điều chỉnh nội dung dự thảo nghị định nói trên. Đồng thời dư luận xã hội cũng cần lên tiếng, đây là một sự lên tiếng đúng đắn, chính xác và cần thiết. Nếu không, các nghị định sau này có hiệu lực sẽ gây ra nhiều hệ quả pháp lý không đáng có, và trong chừng mực nào đó gây tác hại cho công việc bảo vệ môi trường. Cũng theo các chuyên gia, trên thế giới, ĐTM được xem là một công cụ dự báo, nên nó đóng vai trò quyết định cho việc có đầu tư dự án hay không, chứ không phải công cụ quản lý nhà nước như ở Việt Nam hiện nay. Cũng vì ĐTM là công cụ dự báo, nên thực tế khi triển khai dự án có sự thay đổi là bình thường. Tuy nhiên, các chỉnh sửa thay đổi cần được báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước, và tất cả những thông tin chỉnh sửa này, cũng như ĐTM và các thông tin liên quan cần được công khai, ai cũng có thể tiếp cận. Quan trọng hơn, vấn đề hậu kiểm cần thật nghiêm khắc, sẵn sàng đóng cửa dự án gây tác động xấu, tiêu cực, và không có vận hành thử. Còn tại Việt Nam hiện nay, dù công nghệ xấu cỡ nào, gây hại môi trường nhưng cứ ĐTM được thông qua (dù chất lượng rất kém) là được. Ngoài ra, theo các chuyên gia, thế giới khi làm ĐTM thì tất cả các yếu tố có thể bị ảnh hưởng như toàn bộ vùng chịu tác động do dự án (chứ không chỉ ở nơi đặt dự án), các hệ sinh thái, văn hóa, công trình văn hóa, xã hội, lịch sử, sinh kế người dân... đều cần được chú trọng như nhau. Đặc biệt, việc tham vấn ý kiến người dân cộng đồng được làm rất kỹ, thực chất. Còn tại Việt Nam khi làm ĐTM chỉ thiên về chất thải, nước thải ô nhiễm phát sinh trong dự án; tham vấn cộng đồng thì chỉ thông qua cán bộ nhà nước. Liên quan đến vấn đề đảm bảo chất lượng ĐTM, tại Hội thảo Đánh giá tác động môi trường và các công cụ quản lý dự án theo vòng đời, do Tổng cục Môi trường và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản Jica tổ chức gần đây, bà Akiko Urago, Hội trưởng Hiệp hội Đánh giá tác động môi trường Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm quy trình góp phần “minh bạch hóa” ĐTM. Theo bà, tại Nhật, chủ đầu tư chi tiền cho đơn vị tư vấn thực hiện ĐTM. Cơ quan quản lý thẩm định ĐTM dự án, trong đó hội đồng thẩm định gồm đại diện cơ quan quản lý và các giáo sư chuyên ngành. Chính phủ hoặc chính quyền địa phương có vai trò và nghĩa vụ chi trả phí thẩm định cho hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định chỉ đưa ra ý kiến về chất lượng ĐTM dự án. Người đưa ra quyết định là cơ quan quản lý dự án của nhà nước. Ví dụ khi xây đập thủy điện, Bộ trưởng Bộ Giao thông sẽ quyết định xây dự án hay không dựa trên ĐTM và ý kiến hội đồng thẩm định; Bộ trưởng Bộ Đất đai cũng quyết định tương tự với dự án này. Nếu dự án xây đập ảnh hưởng xấu quá thì cũng có trường hợp chủ doanh nghiệp chủ động rút khỏi dự án. Thừa nhận tất cả vấn đề mà Người Đô Thị đã nêu khiến chất lượng ĐTM hiện nay rất kém là đúng, tại hội thảo trên, TS. Mai Thế Toản, quyền Vụ trưởng Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra (Bộ TNMT) đồng ý với góp ý của nhiều chuyên gia: cần trở lại với bản chất ĐTM là chỉ có vai trò cơ sở để quyết định đầu tư dự án hay không. Không dùng ĐTM làm công cụ quản lý môi trường, giám sát, thanh kiểm tra doanh nghiệp như hiện nay, vì đây chỉ là công cụ dự báo, mà cần quản lý giám sát dựa trên một kế hoạch bảo vệ môi trường làm riêng dựa trên nền tảng ĐTM. Đồng thời cần nâng cao chất lượng và công khai hội đồng thẩm định ĐTM, quy trách nhiệm rõ ràng của các bên trước pháp luật; cần quy định ai làm thẩm định ĐTM thì không được làm tư vấn nhằm đảm bảo tính khách quan... |
Lê Quỳnh (Người Đô Thị)
- 22 trên 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ
- Hàn Quốc thiếu cảnh báo ô nhiễm bụi mịn tới du khách quốc tế
- Chuyển rác thành điện: Cơ hội nào cho Đông Nam Á?
- Nhiều khó khăn trong xử lý nước thải tại các làng nghề
- Đến thời của nhiên liệu hydro
- Thủ tướng yêu cầu có bộ chỉ số xếp hạng các địa phương về bảo vệ môi trường
- Nước sông Hồng có giúp "hồi sinh" sông Tô Lịch?
- Biến đổi khí hậu thách thức các doanh nghiệp châu Á
- Các công ty than Indonesia đa dạng hóa đầu tư vào năng lượng tái tạo
- Hai mặt của điện mặt trời