So với “Ngày thứ Bảy đen tối” (Black Saturday, ngày 7/2/2009), được xem là vụ cháy rừng có số nạn nhân cao nhất lịch sử nước Úc với 173 người chết, cơn bão lửa vẫn đang hoành hành ở xứ sở chuột túi còn kém xa xét về thiệt hại nhân mạng (đến nay có 27 người chết). Tuy nhiên, về mức độ tàn phá, thảm họa đang tiếp diễn lớn hơn rất xa.
Cháy rừng ở Australia. (Ảnh: Reuters)
“Ngày thứ Bảy đen tối” thiêu rụi khoảng 450.000 héc ta rừng, còn diện tích rừng đã cháy hiện nay ở Úc đã lên đến khoảng 7,3 triệu héc ta. Nhưng đây chưa phải là con số cuối cùng vì theo dự báo đám cháy có thể sẽ tiếp diễn đến tận tháng 2/2020. Để hình dung con số này lớn thế nào, cần nhớ lại vụ cháy rừng khủng khiếp tháng 8 năm ngoái tại Amazon, Brazil. Theo CNN, diện tích rừng bị thiêu rụi ở Amazon là khoảng 7 triệu héc ta (có nguồn cho rằng lên đến 9 triệu héc ta). Xin nói thêm, tổng diện tích rừng tự nhiên trên toàn cõi Việt Nam theo thống kê năm 2018 khoảng 10,25 triệu héc ta. Nghĩa là diện tích rừng bị thiêu rụi của nước Úc hiện nay đã lớn hơn 70% tổng diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam.
Có lẽ trong số những hình ảnh về vụ cháy rừng đang diễn ra, những con chuột túi kangaroo và gấu túi koala bị cháy xém hay khát khô là bi thảm nhất. Cảnh tượng xót xa đó chắc hẳn làm người Việt liên tưởng đến những cánh rừng ở quê nhà.
Hãy đọc thêm vài thống kê liên quan. Theo Quyết định công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2018(1) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tháng 3 năm ngoái, Việt Nam có gần 14,5 triệu héc ra rừng. Thoạt tiên, đây là con số đáng mừng. Cần biết rằng độ che phủ rừng ở Việt Nam là 43% năm 1943, rồi nhanh chóng giảm xuống vì chiến tranh, có lúc chỉ còn 28%. Theo quyết định trên, Việt Nam đã đạt được độ che phủ rừng 41,65% năm 2018, tiệm cận với tỷ lệ năm 1943. Không vui sao được?
Nhưng đừng vội mừng. Phân tích sâu hơn một chút vài số liệu trong chính quyết định vừa nêu có thể thấy một bức tranh khác đi.
Trước hết, trong số 14,5 triệu héc ta được xem là rừng ở Việt Nam, rừng tự nhiên chiếm 10,25 triệu héc ta, rừng trồng chiếm 4,23 triệu héc ta. Nghĩa là trong những cánh rừng hiện nay ở Việt Nam, tính tròn cứ ba cây thì hai cây mọc tự nhiên và một cây được trồng. Rừng trồng thì còn lâu lắm - có khi hàng thế kỷ - mới sánh được với rừng tự nhiên. Con số 43% năm 1943 với phần lớn là rừng tự nhiên về thực chất khác với con số 41,54% năm 2018. Đó là chưa kể không biết có bao nhiêu “rừng trồng trá hình”, trong đó người ta đốn rừng tự nhiên để trồng cây khác, nhằm thu hoạch có lợi cho họ. Đây khó có thể được xem là rừng!
Ngay đến chất lượng rừng tự nhiên cũng có nhiều vấn đề. Theo vietnamplus.vn(2), tuy diện tích rừng ở Việt Nam tăng lên, “chất lượng rừng lại có chiều hướng suy giảm”. Đáng lo hơn, theo bài báo này, “rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 7%, trong khi rừng thứ sinh nghèo kiệt chiếm gần 70% tổng diện tích rừng trong cả nước”. Và đây cũng chính là mối lo liên quan đến vấn đề đặt ra ở đầu bài: cháy rừng. Rừng thứ sinh nghèo kiệt là loại rừng rất dễ cháy. Cũng theo bài báo, Việt Nam có khoảng 6 triệu héc ta những cánh rừng như vậy, nhất là ở miền Trung. Ở Úc năm nào cũng có cháy rừng, vì thế rừng miền Trung không cháy mới lạ.
Thử xét một con số khác. Theo “bảng xếp hạng” diện tích và độ che phủ rừng các vùng ở Việt Nam đính kèm quyết định trên, vùng Đông Bắc(3) đứng đầu bảng với 56,02%. Ba vùng “đội sổ” lần lượt là Đông Nam bộ (bao gồm TPHCM) với 19,44%, đồng bằng sông Hồng (bao gồm Hà Nội) với 6,02%, và Tây Nam bộ (đồng bằng sông Cửu Long) với 5,26%. Nếu biết rừng có thể giúp hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu như thế nào, chúng ta không thể không lo lắng với những con số này.
Hẳn người Việt chẳng lạ gì với câu thơ “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”(4). Thiết nghĩ, cũng không ngoa khi nói rằng ngày xưa trong chiến tranh, những cánh rừng Việt Nam đã chịu nhiều “mất mát, hy sinh” không kém gì người Việt. Hãy nhớ lại những cánh rừng bị tàn phá như thế nào dưới bom đạn và chất độc da cam. Nay hòa bình đã về từ lâu. Nếu chúng ta đã hành xử nghĩa tình với người có công trong chiến tranh, sao chúng ta lại không hành xử nghĩa tình như thế đối với rừng?
Hơn nữa, trong thế giới ngày nay, tương lai của rừng cũng là tương lai của đất nước.
Sơn Tùng
Tham khảo:
(1)Quyết định số 911/QĐ-BNN-TCLN ban hành ngày 19-3-2019
(2) https://www.vietnamplus.vn/chay-rung-o-mien-trung-nhin-lai-yeu-to-tu-nhien-va-xa-hoi/579993.vnp
(3) Gồm Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang và Bắc Ninh
(4) Việt Bắc, Tố Hữu
(TBKTSG)
- Biến đổi khí hậu cản trở tiến trình hiện thực hóa SDGs
- Chất lượng không khí đô thị diễn biến xấu, Hà Nội đáng lo nhất
- Khuyến khích tư nhân phát triển nguồn năng lượng mới
- Nguy cơ sụp đổ hệ thống toàn cầu do khủng hoảng sinh thái
- Building Energy Challenge 2020: Hỗ trợ thực hiện các Giải pháp năng lượng thông minh trong toà nhà tại Đông Nam Á
- Chất lượng môi trường không khí Việt Nam đang tụt hậu?
- Biến đổi khí hậu: 2019 là năm nóng kỷ lục của các đại dương
- Khối tư nhân là hy vọng về giải pháp giải quyết ô nhiễm khí hậu
- Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho công trình xanh
- Hà Nội trong vòng vây chất thải làng nghề