Trong tình trạng lũ lụt tang thương ở các tỉnh Bắc Trung Bộ những ngày qua, thủy điện nhỏ đang được tiếng nói nhiều bên xem như là một “tội đồ” góp phần. Một vài thông tin được hệ thống lại dưới đây nhằm làm rõ hơn vấn đề, cung cấp thêm một góc nhìn, đặc biệt trong các góp ý đóng góp về mặt chính sách.
1. Thủy điện nhỏ có phải là một “tội đồ” không? Chắc hẳn sau rất nhiều thập kỷ chứng thực, ai cũng biết những tác động xấu vô cùng lớn của thủy điện (lớn và vừa) với môi trường, hệ sinh thái. Tuy nhiên, nghiên cứu và nhìn nhận của các nước trên thế giới cho thấy thủy điện nhỏ được xem là một dạng năng lượng sạch.
Chưa có sự thống nhất chung quốc tế về định nghĩa thế nào là thủy điện quy mô nhỏ. Ở Canada, thủy điện nhỏ được xác định từ 20 - 15 MW, ở Mỹ và Việt Nam là dưới 30 MW, nhưng phần lớn các nước trên thế giới định nghĩa thủy điện nhỏ có công suất lắp máy là 10 MW.
Tuy nhiên, chỉ những công trình thủy điện nhỏ, được xây dựng trên các sông suối nhỏ ở vùng núi, chỉ có các đập chắn nhỏ, không tạo nên các hồ chứa, không làm ngập đất đai, không làm thay đổi sinh thái dòng sông, không phải di dân, tái định cư, không phá rừng hoặc rất ít tác động đến rừng, tức là thân thiện với môi trường thì mới được xem là sản sinh ra năng lượng sạch.
Hình ảnh thủy điện Rào Trăng 3 trên thượng nguồn sông Bồ nhìn từ máy bay trực thăng quân sự Mi-171. Co thể nhận ra Triền đồi cạnh nhà máy bị đốn cây và đốt trụi. (Nguồn: Báo Thanh niên)
2. Vậy tại sao nhiều công trình thủy điện nhỏ ở Việt Nam lại có những tác động rất xấu đến môi trường, hệ sinh thái đến vậy?
Trong một lên tiếng mới đây của Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An Trần Quốc Thành(1), ông nhận định: khu vực miền Trung nhất là Bắc Trung bộ do có địa hình độ dốc lớn, sông ngắn, lại là nơi tập trung vào nhiều Khu bảo tồn thiên nhiên, nên việc xây dựng thủy điện nhỏ là lợi bất cập hại.
Thực tế, Việt Nam có đặc điểm địa hình tạo dòng chảy lớn và nhanh và đặc điểm khí hậu gây khả năng sạt lở đất, lũ lụt, hạn hán (với địa hình dài và hẹp, 3/4 địa hình là đồi núi, độ dốc cao – vùng núi có độ dốc từ 15-75 độ, chiều dài dốc ngắn, khí hậu nhiệt đới mưa ẩm, lượng mưa lớn, bình quân cả nước 2.500 mm/năm gấp 2,6 lần bình quân lục địa, trong đó lượng mưa lớn nhất ở miền Trung, Bạch Mã - Hải Vân.
Việt Nam cũng là một trong năm ổ bão lớn nhất thế giới, chiếm 37% lượng bão toàn cầu. Những đặc điểm này càng khiến cho rừng có chức năng vô cùng quan trọng trong phòng hộ, giảm thiểu các thiên tai, bảo vệ môi trường. Thế nhưng, các công trình thủy điện, dù nhỏ như hiện nay, vẫn đang lấy đi của rừng rất nhiều đất và gây ra nhiều tác động xấu lớn.
Ở Việt Nam, gọi là thủy điện nhỏ, nhưng với đa số nhà máy, các nhà đầu tư đã xây dựng trên sông suối những con đập cao, tạo nên hồ chứa lớn để tận dụng tăng công suất phát điện. Điều này hoàn toàn sai với tiêu chí của một thủy điện nhỏ được xem là một dạng năng lượng sạch đã nói ở trên.
Ví dụ, theo báo cáo của chủ đầu tư thủy điện Rào Trăng 3, công suất 11 MW (về sau thay đổi thiết kế, nâng công suất lắp máy lên 13 MW), dự án đã được Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2019, diện tích đất sử dụng là hơn 46 ha(2), trong đó có nhiều diện tích là rừng.
Hay ở tai tiếng của thủy điện nhỏ Hố Hô (14 MW – giáp ranh Quảng Bình - Hà Tĩnh) trước đây. Hố Hô được xây ở thượng nguồn sông Ngàn Sâu, khống chế diện tích lưu vực 278,6 km2, có đập cao đến 49m, hồ chứa có diện tích 265,26 ha, dung tích 38 triệu m3.
Hiện trường sạt lở đất ở Trạm kiểm lâm 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) khiến 13 người đoàn cứu hộ của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên - Huế bị thiệt mạng. (Ảnh: Dân Việt)
Một đánh giá khác của các chuyên gia cho thấy, thủy điện nhỏ thường được khai thác để ưu tiên cấp điện cho những vùng chưa nối lưới, tức là cấp điện tại chỗ bằng hệ thống độc lập hoặc kết hợp nhiều nguồn khác nhau tại vùng đó, để cấp điện cho khu dân cư ở gần nhà máy chứ không phải phá rừng, làm đường nối lên lưới như Việt Nam đang làm.
Ở nhiều nước khi mà các phong trào chống đập (chủ yếu chống các đập lớn) diễn ra, thì các đập thủy điện nhỏ được xem là phương án thay thế. Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia đã cho rằng, các thủy điện nhỏ gây ít tác động chỉ khi nó được quản trị tốt với các yếu tố quan trọng, bao gồm: minh bạch, giải trình. Điều này gần như bị thiếu vắng ở Việt Nam.
Tóm lại, nhìn giai đoạn phát triển nóng thủy điện của Việt Nam trước đây, thủy điện nhỏ đã được cho là kênh đầu tư tư nhân đem lại nhiều lợi nhuận lớn mà những yếu tố môi trường, kỹ thuật thiết kế, xây dựng và vận hành gần như không bị giám sát, bị xem nhẹ, nên đã dẫn đến hệ lụy và tai tiếng, làm thay đổi bản chất của loại công trình này. Gọi là thủy điện nhỏ, nhưng quy mô công trình và tác động của nó không hề nhỏ.
3. Một điều quan trọng khác cần nhấn mạnh ở đây là vấn đề chuyển đổi đất rừng làm các loại dự án, trong đó có thủy điện.
Mặc dù lãnh đạo chính phủ có chỉ đạo việc đóng cửa rừng tự nhiên, khuyến cáo không chuyển đổi đất rừng. Tuy nhiên trong thực tế, rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng tự nhiên đều đang bị nằm trong danh sách chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Rà soát tới cuối năm 2017, trong hơn 60.000 ha diện tích đất rừng đã bị chuyển đổi, nhóm dự án quốc phòng, an ninh chỉ chiếm khoảng 7.000 ha.
Theo báo Người Lao Động, năm 2008 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ ở địa phương này, trong số 8 thủy điện ưu tiên đầu tư thì có 4 thủy điện gồm Alin B1, Alin B2, Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 nằm trong khu vực Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Để thực hiện các dự án này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định chuyển đổi mục đích đất và khai thác, tận thu rừng tự nhiên.
Theo đó, vào năm 2016 và 2017 có trên 63 ha rừng bị chặt hạ, trong đó khoảng 40 ha rừng có gỗ với khối lượng được tận thu là 349 m3. Trong số diện tích trên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền mất đi gần 30 ha rừng tự nhiên để xây dựng nhà máy thủy điện Alin B1, Alin B2 và Rào Trăng 3.
Cùng với thủy điện A Lin B1, B2 từ sông A Lin (huyện A Lưới), thủy điện Rào Trăng 4 ở bên dưới và thủy điện Rào Trăng 3 tạo thành hệ thống “thủy điện bậc thang” công suất nhỏ trên hệ thống thượng nguồn sông Bồ. Như vậy, trong một đoạn thượng nguồn sông ngắn chưa đầy 30km và dốc thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền có tới 4 thủy điện công suất nhỏ.
Sáng 18/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã họp khẩn và thống nhất kích hoạt cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cấp 4. (Ảnh: TTVN)
Trước cuộc sống người dân, đặc biệt vùng hạ nguồn bị ảnh hưởng và đầy bất an, nhiều chuyên gia hữu quan đã đồng tình quan điểm, rằng Việt Nam cần nhìn rừng có nhiệm vụ cao nhất là góp phần đảm bảo môi trường phát triển cho xã hội, cuộc sống yên lành của con người, và bảo tồn đa dạng sinh học. Do đó, chức năng chính của mọi loại rừng (kể cả rừng trồng) là phòng hộ, bảo vệ môi trường, trong đó vai trò mỗi loại rừng sẽ khác nhau rất nhiều.
4. Quay lại vấn đề thủy điện nhỏ đang được bàn luận trong tình trạng lũ lụt hiện nay và trước đây, chỉ tính riêng quy hoạch, thủy điện nhỏ đóng góp hơn 26% nguồn thủy điện của Việt Nam. Như vậy, thủy điện nhỏ vẫn có vai trò nhất định trong bảo đảm an ninh năng lượng, đặc biệt cho những vùng sâu vùng xa miền núi chưa có lưới điện quốc gia.
Sau ba năm thực hiện rà soát quy hoạch theo Nghị quyết 62 của Quốc Hội, đến tháng 10/2016, Bộ Công thương cho biết đã loại khỏi quy hoạch 08 dự án thủy điện bậc thang (655 MW) và 463 dự án thủy điện nhỏ (1.404,68 MW) do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường và xã hội, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch hoặc dự án ưu tiên khác. Đồng thời, Bộ này cũng không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng thủy điện khác (hơn 349MW).
Đến tháng 2/2020, Nghị quyết 55 về Chiến lược quốc gia về năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Bộ Chính trị ban hành đã nêu định hướng đối với thuỷ điện: “Huy động tối đa các nguồn thuỷ điện hiện có và phát triển có chọn lọc, bổ sung một số thuỷ điện nhỏ và vừa, thuỷ điện tích năng. Có chiến lược hợp tác phát triển thuỷ điện gắn với nhập khẩu điện năng dài hạn từ nước ngoài”.
Trong một trả lời vào tháng 10/2020 mới đây với đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã cho biết: “Việt Nam có thuận lợi về thủy điện, với giá thành thấp nhất. Tuy nhiên, hiện nay các dự án thủy điện lớn và vừa trên các dòng sông đã được quy hoạch, về cơ bản đã được đầu tư và khai thác hết. Các dự án thủy điện nhỏ, có chi phí giá thành cao (giá mua điện cho thủy điện nhỏ là giá mua tương đương chi phí phát điện cao nhất trong hệ thống điện, với giá mua điện năm 2019 khoảng 3.000 đồng/KWh - PV) đang được từng bước đầu tư và khai thác.”(3)
Như vậy, định hướng với thủy điện nhỏ của Việt Nam đã rõ. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ nên phát triển các thủy điện nhỏ và xem nó như là nguồn năng lượng sạch khi chúng ta đã khắc phục các vấn đề nói trên!
Lê Quỳnh
(1) https://laodong.vn/ban-doc/giam-doc-so-khcn-nghe-an-canh-bao-tham-hoa-tu-thuy-dien-coc-845905.ldo
(2) https://laodong.vn/kinh-te/nhung-thong-tin-bat-ngo-khi-tim-ong-chu-thuc-su-cua-thuy-dien-rao-trang-3-845894.ldo
(3) http://www.moit.gov.vn - https://bit.ly/3o2LJ5R
(Người Đô Thị)
- Đề xuất dừng đầu tư mới nhiệt điện than, đẩy mạnh năng lượng sạch ở ĐBSCL
- Doanh nghiệp đối mặt thuế carbon trong cuộc chiến bảo vệ khí hậu
- Nhiều kỳ vọng vào sự lên ngôi của năng lượng tái tạo
- Mục tiêu năng lượng tái tạo có thể làm suy yếu mục tiêu phát triển bền vững
- Chống chịu các cú sốc thiên tai
- Phát triển công nghệ và năng lượng Việt Nam: Đối mặt với nhiều thách thức
- [Infographic] Sáng kiến chống rác thải nhựa trên thế giới
- Tầm nhìn đến năm 2030: Năng lượng hạt nhân và những quốc gia chủ chốt
- Hà Nội lãng phí hàng trăm tỉ đồng kinh phí bảo vệ môi trường
- Đua lắp điện mặt trời mái nhà