
Ngày 13/3, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Hội đồng thẩm định liên ngành đã tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Bà Trần Thu Hằng – Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng) chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có ông Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; cùng đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội là thành viên Hội đồng thẩm định.
Phát triển Mũi Né thành một trung tâm du lịch mang tầm quốc tế
Theo đồ án quy hoạch, phạm vi, diện tích khu vực lập quy hoạch là 14.760ha, trong đó khu vực TP Phan Thiết khoảng 6.625ha, khu vực huyện Bắc Bình khoảng 7.165ha và khu vực huyện Tuy Phong khoảng 970ha.
Về tính chất, Mũi Né sẽ là khu du lịch quốc gia phát triển du lịch hài hòa với phát triển đô thị, là trung tâm du lịch với sản phẩm du lịch nổi bật gồm du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao biển, du lịch gắn với đặc trưng cảnh quan và địa hình “cát”. Đây cũng sẽ là trung tâm văn hóa với các giá trị nổi bật về văn hóa Chăm, văn hóa cộng đồng dân cư miền biển và các lễ hội truyền thống.

Khu vực quy hoạch có tài nguyên du lịch phong phú với bờ biển đẹp và nhiều dân tộc sinh sống với truyền thống văn hoá độc đáo, đặc biệt là văn hoá Chăm thể hiện qua ẩm thực, lễ hội, nghề thủ công, nghệ thuật biểu diễn.
Đồng thời là khu vực có một số công trình, không gian có giá trị văn hóa, lịch sử như quần thể tháp Chăm Pô Sah Inư, Lầu Ông Hoàng, danh lam thắng cảnh Bàu Trắng, đồi cát đỏ Mũi Né, suối Tiên, làng chài Mũi Né…
Quy hoạch dự báo đến năm 2030, quy mô dân số của Khu du lịch quốc gia Mũi Né khoảng 200.000 người; quy mô khách du lịch đạt khoảng 14 triệu lượt; cơ sở lưu trú khoảng 41.000 phòng; đất xây dựng các khu chức năng khoảng 9.909ha.
Đến năm 2040, quy mô dân số khoảng 300.000 người; quy mô khách du lịch đạt khoảng 25 triệu lượt; cơ sở lưu trú khoảng 71.500 phòng; đất xây dựng các khu chức năng khoảng 12.986ha.
Cũng theo đồ án quy hoạch, Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ phát triển theo mô hình “Một hành lang ven biển – Bốn trung tâm – Đa hướng tiếp cận biển”.
Cụ thể, tại khu du lịch sẽ hình thành tuyến giao thông đường bộ ven biển có chiều dài 63km, theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, từ Phan Rí Cửa đến Phú Hài, là hành lang ven biển cũng như trục xương sống chủ đạo của Khu du lịch quốc tế Mũi Né; đồng thời tạo dựng nhiều tuyến giao thông tiếp cận biển trong khu du lịch, gắn với các không gian mở, không gian quảng trường biển, dịch vụ du lịch và bãi để xe để phục vụ du khách và cộng đồng.
Dựa trên các tính chất, đặc trưng nổi trội của từng khu vực, sơ đồ cấu trúc không gian và địa giới hành chính, Khu du lịch quốc gia Mũi Né được phân làm 4 khu vực chính, cũng là 4 trung tâm du lịch, bao gồm: Khu vực Phú Hài – Hàm Tiến; khu vực Mũi Né; khu vực Hòa Thắng – Nam Hồng Phong; khu vực ven biển Phan Rí Cửa…

Làm rõ hơn mối liên kết với các tiểu vùng du lịch
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá đồ án quy hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng, thành phần hồ sơ đầy đủ, đảm bảo cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục đúng quy định của pháp luật và tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Bộ, ngành.
Hội đồng thẩm định đóng góp một số ý kiến để UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện đồ án, trong đó nhấn mạnh việc rà soát các nội dung kế thừa, tiếp thu từ Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; rà soát các dự án đang triển khai phù hợp với quy hoạch; rà soát hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải tập trung;
Đồng thời chú ý tạo điểm nhấn cho đô thị, xác định rõ diện tích bảo tồn thiên nhiên, bổ sung nội dung phát triển hạ tầng ngầm, cập nhật nội dung về điều kiện tự nhiên thay đổi do BĐKH, bổ sung mối liên kết với các tiểu vùng du lịch, lưu ý phát triển khu vực sân bay Phan Thiết.
Bên cạnh đó, làm rõ kết nối giao thông liên vùng và quốc gia, tập trung phát triển giao thông công cộng, làm rõ nội dung quy hoạch lâm nghiệp, đảm bảo an ninh – quốc phòng; cập nhật, thống nhất số liệu đến năm 2024…

Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, bà Trần Thu Hằng – Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc đề nghị địa phương làm rõ bối cảnh thực hiện đồ án trong thời gian tỉnh Bình Thuận phải thực hiện các quy hoạch cấp trên, làm tiền đề cho việc thực hiện quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né.
Đồng thời thực hiện rà soát các căn cứ pháp lý liên quan; đánh giá kỹ hơn hiện trạng điều kiện tự nhiên, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, các dự án đầu tư…
Cùng với đó, rà soát các đặc trưng về điều kiện tự nhiên, cảnh quan, văn hóa… để phát triển du lịch; rà soát các dự báo về quy mô dân số, quy mô khách du lịch; rà soát chỉ tiêu áp dụng phù hợp cho từng khu vực; bổ sung thuyết minh và bản vẽ để làm rõ tính kết nối với các khu vực xung quanh; cũng như làm rõ nội dung liên quan đến khoáng sản, đất rừng…
Kết quả, Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua đồ án quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt sau khi tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.
Nguyên Phương