Cây cỏ nói chuyện với nhau bằng cách nào? Tiết ra mùi hương đặc trưng,và được phản xạ lại một cách tương thích. Côn trùng cũng nhờ đó mà làm công tác thụ phấn, khiến cho cây cối phủ xanh cả hành tinh. Nhưng khi khoa học phát triển cũng dẫn đến mối họa ô nhiễm môi trường. “Ngôn ngữ” của cây cỏ bị rối loạn vì không khí dơ bẩn! Điều này giải thích hiện tượng côn trùng trên khắp thế giới ngày càng hiếm hoi…
Thành phố rừng tại Liễu Châu (Trung Quốc)
Trong quyển sách trứ danh Thời của bọn Triffides kể chuyện sau ngày tận thế của tác giả John Wyndham, con người bị loài cây ăn thịt người khổng lồ hành hạ. Chúng biết đi và có những chiếc vòi đầy nọc độc. Tuy nhiên, quyền lực thực sự của chúng nằm ở khả năng thông tin cho nhau; vì thế, mới có thể trấn áp được con người. Điều đó có vẻ phi lý. Nhưng kể từ sau khi quyển sách phát hành vào năm 1951, khoa học đã dần dần làm sáng tỏ một vấn đề. Cây cỏ có thể… nói chuyện với nhau! Nếu đi dạo trong cánh rừng và suy nghĩ thật sâu sắc, người ta có thể “cảm nhận” được ngôn ngữ của cây cỏ. Đó là những hóa chất phức tạp như beta-pipène làm cho ta cảm thấy mát mẻ và nghe có mùi cây thông. Cây cỏ tạo ra hàng ngàn hóa chất như thế rồi liên kết lại để tạo nên… “các câu nói”!
Thế nhưng loại ngôn ngữ mùi này đang bị đe dọa. Ô nhiễm không khí làm rối loạn mùi và biến các thông tin thành lộn xộn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự sống còn của cây cỏ, mà còn là hung tin cho các loài côn trùng thụ phấn và cho cả con người bởi vì nó còn ảnh hưởng đến thu hoạch mùa màng và mùi vị của các loài hoa được ưa thích. May mắn thay, vẫn còn có một phương cách để cho bằng hữu cây cỏ của chúng ta phản công.
Mùi vị độc nhất
Từ lâu, người ta biết rằng côn trùng thụ phấn hay phá hoại mùa màng phân biệt được cây cỏ nhờ vào mùi hương độc nhất của hóa chất mà nó tiết ra. Điều mới mẻ là cây cỏ biết dùng nó để thông tin cho nhau. James Blande, chuyên gia môi trường thuộc Đại học Đông Phần Lan, giải thích: “Cây cỏ thải ra không khí những hóa chất ở dạng hơi mà người ta có thể xem như một loại ngôn ngữ. Cây phát ra xem như “nói” và cây nhận được là “nghe” và đáp trả. Một số loài cây phát tín hiệu báo động cho nhau khi bị côn trùng tấn công. Chẳng hạn, khi cây cà chua bị loài sâu xám tấn công, liền phát ra một hỗn hợp hóa chất mà những cây bên cạnh có thể tiếp nhận được. Khi “nghe” được báo động này, chúng sản sinh ra chất hétéroside, còn gọi là glycoside, để khởi động quy trình sản xuất độc chất tiêu diệt loài sâu tham ăn. Nhiều loài cây khác cầu viện côn trùng đồng minh bằng một cách tương tư: khi cây đậu nành bị con rệp tấn công, nó sẽ gởi tín hiệu “ báo đông xâm nhập” cho con bọ rùa đến cứu viện!
Ngày nay, người ta biết rằng ô nhiễm không khí có thể làm rối loạn thông tin này. Để nghiên cứu vấn đề, James Blande và nhóm của ông đã đưa những con ong vào một căn phòng có trang trí hoa giấy giống như mù tạt đen. Sau đó, họ bơm mùi hương hoa mù tạt đen vào hai phòng khác nhau: một phòng có không khí sạch và một phòng có không khí bị ô nhiễm. Phản ứng của những con ong thật rõ ràng: chúng chỉ lao đến hoa có mùi sạch sẻ và làm ngơ với hoa có mùi bị ô nhiễm.
Điều gì đã xảy ra? Những năm vừa qua, các chất ozone và oxyde nitơ (NO2) trở thành tác nhân chủ chốt quấy rối thông tin của thảo mộc. Chúng được phát ra từ nhà máy điện, xe cộ, nhất là các động cơ diesel. Ozone và các oxyde nitơ tác động lên hương vị của cây cỏ phát ra. Làm phân hủy thành phần và thay đổi mùi đặc trưng. Chẳng hạn, chất limonène, “tiếng nói” của cây cam bị trộn lẫn với ozone, sẽ phân hủy ra mấy trăm chất, thậm chí đến… 1.200 phân tử hoàn toàn khác nhau!
Hiện tượng này diễn ra với tốc độ đáng kinh ngạc. Giáo sư Robbie Girling, thuộc Đại học Reading của Anh và nhóm của mình đã cho 8 hương vị phát ra của hoa tiếp xúc với khí thải của động cơ diesel. Kết quả, theo ông kể lại: “Không ngờ phản ứng lại nhanh đến thế. Trong vòng 1 phút, đã có một mùi biến mất. Không còn lại dấu vết nào cả”.
Tháp xanh Nam Kinh (Trung Quốc)
Không chỉ sự rõ ràng của ngôn ngữ thảo mộc bị rối loạn mà “số lượng”cũng bị ảnh hưởng. Mùi thải ra không khí ô nhiễm không đi xa bằng không khí sạch sẽ. Muốn biết khác biệt ra sao so với thời kỳ tiền-công nghiệp hóa, GS José Fuentes, thuộc Đại học Pennsylvania, và nhóm của ông lập ra một mô hình vi tính, với yếu tố ô nhiễm qua các thời kỳ lịch sử đã đi đến kết luận: mùi vị xưa kia có thể bay lan xa hàng km, nay chỉ còn được… 200m.
Côn trùng viện binh
Người ta cũng nhận thấy tín hiệu thông tin bị giảm sút trong môi trường ô nhiễm so với môi trường sạch. Chẳng hạn cây đậu Lima. Khi bị loài bọ tétranique tấn công, nó phát ra tín hiệu hóa chất kích thích những cây bênh cạnh mình sản xuất ra nhiều mật hơn. Mật này thu hút một loài bọ khác kéo đến để vừa thưởng thức vừa tiêu diệt dùm kẻ thù cho mình. Theo James Blande, nếu không khí sạch, thông tin này lan xa đến 70cm một cách dễ dàng. Nhưng nếu trong không khí có chứa trên 80 ppm chất ozone, thông tin không vượt quá 20cm được.
Dường như con số 80 ppm là giới hạn cho rắc rối xuất hiện. Đó là hung tin bởi vì nồng độ ozone ở các thành phố thông thường là 100 ppm, có khi còn lên đến 200 ppm. Người ta còn ít biết về ngưỡng tác hại của oxytde nitơ, nhưng chắc chắn khí thải của động cơ diesel đã thực sự gây ra tác hại tại Anh quốc. Nó làm hại sức khỏe con người đến mức pháp luật phải quy định giới hạn không được phép vượt qua. Nhưng thực tế lại thường xuyên bị vượt qua! Chẳng hạn, mức độ NO2 không được phép quá 200 mgr/m3/giờ liên tục 18 lần/năm. Thế nhưng, ngay trong những ngày đầu năm 2017, con số này bị vượt qua tại nhiều vùng ở London!
Có lẽ những người làm vườn tại thành phố đã nhận ra tác hại. James Blande nói: “Những chất gây ô nhiễm này tác động lên mùi hương phát ra của cây cỏ. Các oxyde nitơ có thể làm cho một số mùi hương của hoa vốn tồn tại trong không khí đến 72 giờ, giảm xuống còn có 5 phút! Chẳng hạn hương hoa hồng ở thành phố nhạt hơn ở nông thôn. Phải thực sự ở gần mới cảm thấy được và thậm chí không còn nghe được mùi nữa bởi vì chất ô nhiễm đã hủy diệt nhanh chóng một số mùi như beta-caryophyllène thường có mặt trong hoa houblon, hương thảo hay quế.
Không chỉ mủi của chúng ta và của các nhà thơ mới bị đau khi mùi hương của hoa bị rối loạn. Robbie Girling nhận xét: “Tôi không tin rằng chúng ta đã đi qúa xa khi nói ô nhiễm không khí cũng làm cho côn trùng bị tiêu diệt. Côn trùng trên toàn thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng đã gây chấn động lớn trên truyền thông vào năm 2017, khi người ta biết rằng tại các khu bảo tồn thiên nhiên của nước Đức, chỉ trong vòng 27 năm, số lượng côn trùng đã bị giảm mất 75%!”.
Thông tin tồi tệ giữa côn trùng và hoa sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho vấn đề thụ phấn. Dù chưa có ai đánh giá được tác động này lên loài ong, Robbie Girling và nhóm của ông vẫn phát hiện ra rằng mùi hương myrcène rất nhạy cảm với khí thải của động cơ diesel và có thể làm cho con ong bị lạc đường khi đi tìm hoa! Nếu lấy mùi này ra khỏi hoa, chỉ có 37% số lượng ong tìm được đúng chỗ để chơi.
Rối loạn ngôn ngữ của cây cỏ đe dọa sự sống còn của chính loài ong và cả cây cỏ, dẫn đến những hậu qủa nghiêm trọng cho hệ sinh thái toàn cầu và ngành nông nghiệp. Ngay cả như người ta cố giảm lượng chất gây ô nhiễm, tình hình cũng thay đổi rất chậm.
Nhà chọc trời rừng tại Milan (Ý)
Tin vui là có một giải pháp đơn giản để giúp cây cỏ tái lập thông tin với nhau: trồng cây để thu hút ô nhiễm! Có những loài cây hút chất thải mạnh. Tái tạo rừng là một giải pháp thích nghi bởi vì diện tích cây cỏ lớn sẽ thu hút được khí ozone và các oxyde nitơ trong không khí. Các nhà thiết kế đô thị cũng đang đi đúng hướng. Nhiều đô thị có vườn thẳng đứng, và những bức tường cây sống. Chẳng hạn tại London, một bức tường cao 20m chứa hơn 10.000 cây được dựng lên gần nhà ga Victoria. Người ta trồng cả cây trên cao ốc. Milan có tòa nhà chọc trời “rừng” đầu tiên trên thế giới. Xây dựng năm 2014, các ban công của nó trồng 800 cây lớn và gần 20.000 loài cây cỏ khác. Dự án Tháp Xanh Nam Kinh, đang xây dựng tại Trung Quốc, gồm 1.100 cây lớn và hàng ngàn cây cỏ khác và cả một thành phố rừng đang được xây dựng gần Liễu Châu.
Tẩy chay cây dương xỉ
Dĩ nhiên, ô nhiễm vẫn làm rối loạn thông tin tại các khu rừng giữa thành phố này, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến các loài cây cỏ khác. Hơn nữa, vì cây trồng gần sát nhau hơn nên chẳng cần phải “la to” mới được nghe thấy! Tuy nhiên José Fuentes vẫn cảnh báo: một số loài cây tạo ra một lượng lớn phân tử hữu cơ có thể dẫn đến sản sinh ra khí ozone, và vì thế gia tăng thêm nguy cơ cho không khí đã bẩn của thành phố. Ông nói rõ: Đó là các loại cây sến, dương xỉ”.
Nông thôn thì sao, dù có sạch sẽ hơn, chất gây ô nhiễm vẫn gây tác hại lên các loài cây được kinh doanh đại trà, dẫn đến hậu quả mất cân đối. Theo José Fuentes, giải pháp là trồng hoa chung quanh các cánh đồng, đặc biệt là hoa pétunias. Nó không chỉ hút chất gây ô nhiễm làm rối loạn thông tin thảo mộc mà còn hấp dẫn được các lòai ong. Nếu hoa đã cảm thấy thoải mái, thì mũi con người còn tốt hơn nhiều. Tất cả đều có lợi.
Ít dầu thơm cho không khí sạch hơn
Nhật báo The New York Times viết: “Chất khử mùi, dầu thơm và xà phòng cho phép ta cảm thấy mùi thơm dễ chịu lại là nguồn ô nhiễm khủng khiếp cho bầu không khí, tương đương với khí thải xe hơi và xe tải hiện nay”. Tờ báo này dựa vào kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Science ngày 16/2/2018 của một nhóm nhà khoa học quốc tế nói rằng tại nhiều thành phố châu Âu và Mỹ, xe chạy bằng động cơ không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra các hợp chất hữu cơ tạo thành ô nhiễm như khí ozone. Các chất hóa học gốc dầu hỏa chứa châu trong mỹ phẩm, mực in hay xà phòng cũng làm ô nhiễm không khí không kém. Trong khi chờ đợi giải pháp, cách duy nhất là giảm thiểu càng nhiều càng tốt việc sử dụng mỹ phẩm. Tác giả bài báo Brian McDonald kết luận như thế.
Đinh Công Thành
(Doanh Nhân Plus)
- Canada: Nhiều rủi ro khi "đặt cược" vào chính sách khí hậu
- Tái chế pin - áp lực dọn dẹp sau "cơn bão" xe điện
- Ô nhiễm không khí Hà Nội: Cần tăng cường kiểm soát những nguồn phát thải bụi mịn
- Việt Nam tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa
- Ủy ban khí hậu Liên hợp quốc cảnh báo châu Á đối mặt mưa lũ dữ dội hơn
- Việt Nam cần chính sách thu hút tài chính tư nhân cho tăng trưởng xanh
- Giảm phát thải: cuộc mặc cả lợi ích
- Cách mạng xanh xây trên ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất
- Liên hợp quốc kêu gọi đoàn kết để sớm hoàn thiện khung quy định Hiệp định Paris
- Hiệu quả của rừng không chỉ ở tỷ lệ phần trăm GDP