Ashui.com

Tuesday
Dec 10th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Bảo vệ môi trường: Trách nhiệm không của riêng doanh nghiệp

Bảo vệ môi trường: Trách nhiệm không của riêng doanh nghiệp

Viết email In
Khi mỗi cá nhân trong một xã hội, dù biết thế nào là sống đúng, nhưng còn chấp nhận sống không đúng để tồn tại, thỏa hiệp với những điều không đúng, để “dễ người, dễ ta”, thì giá trị cuộc sống, từ vật chất đến tinh thần, bị đánh đổi đến mức chữ tín giữa người với người, giữa người với tập thể xã hội không còn nữa.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường là một vấn đề nan giải với những nước đang phát triển. Nhiều cái khó đang bó cái khôn. Bởi đang nghèo nên phải lo miếng ăn trước khi lo chuyện giữ sạch, làm sạch.

Mặt khác, doanh nghiệp đầu tư vào các phương tiện bảo vệ môi trường không sinh lời trước mắt, chỉ thấy có chi phí; mà họ phải tính lời hàng ngày, nhất là các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển vốn phải đối phó với quá nhiều những rủi ro kinh doanh khác. Chưa kể thói quen cứ để “ông trời” xử lý; chưa có một căn bản giáo dục tôn trọng thiên nhiên, và đặc biệt là thói quen đùn đẩy trách nhiệm cá nhân cho tập thể xã hội.

Trước chúng ta, Thái Lan, Indonesia và nay sát ngay chúng ta là Trung Quốc, đang gánh nặng thảm họa môi trường từ hậu quả của cái gọi là “hiện đại hóa, công nghiệp hóa” trong ba thập niên qua. Con số tăng trưởng GDP thì hạn hẹp, nhưng nếu phải tính luôn cái giá phải trả để xử lý những hệ quả môi trường thì con số có khi âm.

Từ những năm 1980, Giáo sư Charles Pearson của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã cảnh báo lãnh đạo Thái Lan là tăng trưởng thật của Thái Lan có thể là 0 nếu không kịp thời xử lý các vấn đề môi trường của họ. Càng để lâu càng tốn kém.

Mới đây một số báo cáo ước tính là Trung Quốc phải chi cả 10% GDP mỗi năm để làm sạch, hồi phục lại môi trường, và để chi trả các dịch vụ y tế cho các nạn nhân của ô nhiễm môi trường.

Vấn đề môi trường sẽ không được giải quyết nghiêm túc nếu chỉ kêu gọi tinh thần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các hình thức xử phạt (dĩ nhiên là phải có, và phải rất nghiêm ngặt). Doanh nghiệp phải tự họ tìm ra cách bảo vệ môi trường mà vẫn có lợi; và xã hội cũng phải tạo điều kiện cho họ có lợi trong việc bảo vệ môi trường.

Xã hội thường khắt khe với doanh nghiệp khi có sự cố, nhưng lại quên rằng doanh nghiệp cũng là một bộ phận của ta; họ là thành phần tạo công ăn việc làm cho ta, cho con em ta; họ là chúng ta. Vậy thì xã hội chúng ta phải có trách nhiệm tạo mọi điều kiện cho họ làm đúng, để chúng ta không phải trả cái giá quá lớn khi họ quá “năng nổ” trong kinh doanh mà quên trách nhiệm xã hội. Con số các doanh nghiệp cố ý lách luật ở nước nào, thời nào, ngày nào, ngay cả ở Mỹ, cũng không phải là ít.

Môi trường có được bảo vệ cho sự nghiệp phát triển bền vững hay không tùy thuộc vào:

(1) Giáo dục, từ “thuở lên ba”, để con người xã hội từ trong xương tủy đã có khái niệm biết quý và tôn trọng môi trường;

(2) Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bảo vệ môi trường qua những chính sách thuế, tín dụng ưu đãi…, để doanh nghiệp có thể sống “đàng hoàng” với xã hội mà không phải quá so đo về mặt lợi nhuận;

(3) Tích cực hỗ trợ, quảng bá những kỹ thuật, công nghệ có thể giúp doanh nghiệp sinh lời trong đầu tư bảo vệ môi trường.

Thí dụ, một công ty thuộc da của Đức đang đầu tư vào một nhà máy ở Bình Dương. Họ đã thiết kế nhà máy này để đạt được tiêu chuẩn xanh nhất, sạch nhất, và sẽ giúp họ “giảm” chi phí hoạt động hàng năm lên đến 20-30%, có thể hòa vốn đầu tư cho hệ thống tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường chỉ trong vòng 2-3 tháng sau khi đi vào hoạt động!

Nhà tư vấn thiết kế và quản lý của dự án này, ABBO Engineering, cho biết thiết kế nhà máy sử dụng rất nhiều công nghệ thông minh thiên nhiên (như rễ cây tre, cây sậy…) kèm theo công nghệ hiện đại để xử lý nước thải”.

Khi mỗi các nhân chấp nhận sống không đúng để tồn tại

Vấn đề môi trường của chúng ta chỉ là một trong vô vàn những vấn đề bức xúc khác mà xã hội chúng ta đang phải đối mặt, để trở thành một xã hội văn minh và có văn hóa. Đây là chuyện chung của tòan xã hội. Chỉ đặt vấn đề với doanh nghiệp, với một vài cơ quan quản lý, với Nhà nước khi nào quyền lợi của xã hội bị xúc phạm sẽ không có giá trị tích cực giải quyết vấn đề tận gốc.

Khi mỗi cá nhân trong một xã hội, dù biết thế nào là sống đúng, nhưng còn chấp nhận sống không đúng để tồn tại, thỏa hiệp với những điều không đúng, để “dễ người, dễ ta”, thì giá trị cuộc sống, từ vật chất đến tinh thần, bị đánh đổi đến mức chữ tín giữa người với người, giữa người với tập thể xã hội không còn nữa.

Một xã hội như vậy vô hình chung khuyến khích con người chỉ nghĩ đến lợi riêng, bất chấp cái giá chung mà xã hội phải gánh chịu. Một xã hội như vậy sẽ không có cái “vốn xã hội” tối thiểu để vượt qua những thử thách khó khăn, để có được một xã hội tốt hơn, đẹp hơn, cho chính mình hôm nay và cho con cháu chúng ta sau này.
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo