Vào thời điểm hiện nay, hiện tượng nóng lên toàn cầu thật sự đã và đang là chủ đề nóng bỏng trên các bàn nghị sự liên quan đến vấn đề môi trường toàn cầu, và sự “đóng góp” của các khí nhà kính trong hiện tượng nóng lên toàn cầu là một sự thật không chối cãi được.Tuy nhiên, trong thời gian gần đây ngày càng có nhiều nhà khoa học đã hoài nghi: Liệu có thực sự các khí nhà kính (chủ yếu là CO2) là thủ phạm chính gây ra hiện tượng “nóng lên toàn cầu” hay không? Liệu chúng có gây ra tác dụng nào ngược lại với hiện tượng trên hay không?
Một trong những sự kiện trọng đại bậc nhất trong lĩnh vực môi trường của năm 2008 vừa qua là hội nghị về vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu mới diễn ra trong tháng 12 tại Poznan, Ba Lan dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc. Khoảng 9.000 đại diện của 190 quốc gia trên thế giới tham dự cuộc đàm phán kéo dài trong suốt thượng tuần tháng 12 nhằm mục đích mở đường cho một thoả thuận vào năm sau để thay thế Nghị định thư Kyoto (1997) sắp kết thúc sứ mạng của mình vào năm 2012. Nghị định thư Kyoto 1997, được 37 quốc gia, chủ yếu là các quốc gia công nghiệp cam kết đến năm 2012 sẽ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính (greenhouse gases, như CO2, hơi nước, CH4, N2O…) ít nhất 5% so với mức thải năm 1990.Điều đầu tiên và tiên quyết ở đây là: có thể khẳng định CO2 và các khí nhà kính khác là một trong số những thủ phạm gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, dẫu chưa chắc chắn chúng là thủ phạm chính. Vậy thì lý do nào để các nhà khoa học cũng như các nhà hoạt động môi trường luôn “chĩa mũi nhọn” vào các khí nhà kính mỗi khi đề cập đến hiện tượng nóng lên toàn cầu?
Câu trả lời có thể được tìm thấy ở việc áp dụng “nguyên lý phòng ngừa” (Precaution Principle) trong các ”nguyên lý cho vấn đề phát triển bền vững về sinh thái” (ESD: ecologically sustainable development): việc gì có khả năng ảnh hưởng xấu đến môi trường thì dẫu chưa có đủ những chứng cứ về mặt khoa học ta cũng phải áp dụng những biện pháp phòng ngừa (phòng bệnh hơn chữa bệnh !). Do đó dẫu chưa có những chứng cứ chắc chắn về việc liệu CO2 và các khí nhà kính khác có phải là thủ phạm chính gây ra hiệu ứng nóng lên toàn cầu hay không thì ta vẫn phải ngăn chặn trước. Hơn nữa, thủ phạm này thuộc loại “nhân tai” nên con người càng có trách nhiệm và có khả năng trong tầm tay ngăn chặn được nếu quyết tâm.
Việc hoài nghi về thủ phạm chính của hiện tượng nóng lên toàn cầu nói trên (nóng lên toàn cầu là “nhân tai” hay thiên tai), xuất phát từ việc các nhà khoa học tin rằng có những “bằng chứng” cho việc này.
- Ảnh bên : Dải băng Larsen Ice Shelf ở Nam Cực
Một nhà khoa học tiêu biểu cho trường phái này là GS.TS. James Koermer, một chuyên gia khí tượng tại Đại học Plymouth State (Hoa Kỳ). Trong buổi thuyết trình mới đây nhất tại trường (19/11/2008), ông cho rằng trái đất đã trải qua nhiều giai đoạn nóng lạnh, cách đây hơn một triệu năm đã có những giai đoạn nóng hơn hiện nay. Ông thêm rằng có nhiều bằng chứng cho thấy giai đoạn nóng lên toàn cầu trong quá khứ gần đây nhất bắt đầu từ đầu thiên niên kỷ trước và kết thúc vào khoảng năm 1600; (tiếp theo là giai đoạn “lạnh đi toàn cầu” kéo dài khoảng 100 năm). Giai đoạn nóng lên toàn cầu mới đây bắt đầu từ khoảng năm 1700, trùng với sự khởi đầu của thời đại công nghiệp (và do đó thường được gán cho quá trình công nghiệp hoá gây ra). Cũng theo ông, với hiện tượng nóng lên toàn cầu thì hơi nước chịu trách nhiệm chính: khoảng 95%, các khí nhà kính khác (bao gồm cả CO2) chỉ đóng góp khoảng 5%(!?)
Bên cạnh hiện tượng nóng lên toàn cầu mà nguyên nhân chính còn gây nhiều tranh luận ở trên, các nhà khoa học còn quan sát được một vấn đề thú vị khác liên quan trực tiếp đến hiện tượng này: Theo các số liệu quan trắc toàn cầu thì trong giai đoạn 1950-1990 lượng bức xạ mặt trời đến được bề mặt trái đất đã giảm khoảng 4% (và hệ quả là làm giảm nhiệt độ trái đất: ngược lại với hiện tượng nóng lên toàn cầu). Điều này cho thấy rằng có một hiện tượng nào đó “ngược lại” hiện tượng nóng lên toàn cầu đang tồn tại. Hiện tượng này có tác dụng như là “chiếc dù” làm mát trái đất. Hiện tượng đó được cho là có nguyên nhân từ việc gia tăng hàm lượng các “hạt có kích thước li ti” trong khí quyển (gồm hạt hơi nước và các hạt có nguồn gốc chủ yếu từ carbon và sulphat được tạo ra từ hoạt động của con người). Các hạt li ti đó, tiếp theo, lại là các nhân để ngưng tụ hơi nước. Hệ quả là tạo thành những “đám mây: có khả năng phản xạ ánh sáng mặt trời mạnh, làm cho lượng bức xạ đến được bề mặt trái đất giảm đi và do đó làm giảm nhiệt độ không khí. Một ví dụ tiêu biểu cho việc tạo ra các hạt li ti trong khí quyển này là khói thải từ động cơ máy bay. Hiện tượng đó được đặt tên là “hiện tượng mờ đi toàn cầu“ (global dimming).
Bằng chứng khoa học rõ ràng nhất cho hiện tượng này xuất phát từ một sự kiện chấn động thế giới: sự kiện khủng bố ngày 11/ 9/ 2001. Ba ngày sau sự kiện trên, xuất phát từ lệnh cấm của chính quyền Liên Bang, trên bầu trời nước Mỹ đã xảy ra tình trạng chưa từng có: vì lý do an ninh, ngoại trừ một số ít máy bay quân sự, toàn bộ các máy bay khác đều không được cất cánh. Lệnh cấm này lại bất ngờ tạo ra một cơ hội hiếm có cho các nhà khoa học: khảo sát ảnh hưởng của khói thải từ động cơ máy bay đối với khí hậu. Kết quả quan trắc cho thấy một điều thú vị là: tại một số vùng trước đây có cường độ máy bay hoạt động cao thì nay nhiệt độ tăng thêm khoảng 1oC. Rõ ràng là khói thải từ máy bay có khả năng làm giảm nhiệt độ khí quyển.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tính hai mặt của hiện tượng này, chính sự tồn tại của nó đã làm “lu mờ”, giảm nhẹ đi nhiều hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nếu không có nó hẳn sự nóng lên toàn cầu sẽ gay gắt hơn rất nhiều. Nó được ví như chiếc “mặt nạ” che lấp đi phần nào khuôn mặt “quỷ dữ” thật sự của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Cuối cùng, dù có tranh luân ra sao đi nữa thì cũng có thể khẳng định CO2 cũng là một trong số những thủ phạm gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hơn nữa, việc gia tăng hàm lượng của nó trong khí quyển là do chính con người tạo ra. Do đó, con người phải có trách nhiệm với nó và việc áp dụng “nguyên lý phòng ngừa” là rất cần thiết trong trường hợp này. Đó cũng là lý do tại sao 190 quốc gia trên thế giới tụ hội tại Poznan, Ba Lan tham dự vào hội nghị về sự thay đổi khí hậu toàn cầu.
Nguyễn Văn Trung
- Thảm họa tự nhiên đáng sợ hơn vì nhà ổ chuột
- Topten về ô nhiễm môi trường
- Môi trường làng nghề suy thoái trầm trọng
- SymbioCity - Đô thị bền vững với môi trường
- Xử lý chất thải đô thị và khu công nghiệp: Lựa chọn công nghệ nào?
- Việt Nam sẽ tham gia “tắt điện một giờ” (Earth Hour) để bảo vệ môi trường
- Tăng trưởng và cái giá của môi trường
- Mỹ tập trung phát triển nguồn năng lượng tái sinh
- Nguồn nước sạch, trong cho sông hồ Hà Nội
- Những nhà máy xử lý nuớc thải tỷ đô có làm sông hồ Hà Nội sạch trong?
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này