Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Đô thị hóa ở Nam bộ: Thực tiễn và thách thức

Đô thị hóa ở Nam bộ: Thực tiễn và thách thức

Viết email In

Trong 20 năm qua, với công cuộc đổi mới CNH, HĐH Nam bộ đang diễn ra xu hướng hình thành vùng đô thị cực lớn như vùng đô thị TP.HCM, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã tác động như thế nào tới phát triển kinh tế - xã hội đã được các nhà khoa học phân tích tại Hội thảo “20 năm đô thị hóa Nam bộ - lý luận và thực tiễn” diễn ra ngày 25/11 tại Trường đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, trong đó nhấn mạnh ba địa bàn tiêu biểu là TP.HCM, tỉnh Bình Dương và TP Cần Thơ.  


TP.HCM có tốc độ đô thị hóa nhanh với tỷ lệ khoảng 83% và trở thành đô thị năng động nhất cả nước. 

Thiếu hạ tầng đô thị

Nam bộ là nơi đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, không chỉ ở những trung tâm công nghiệp mà ngay cả ở những vùng biển đảo, số lượng đô thị gia tăng đáng kể. Ở những khu vực kinh tế phát triển như Đông Nam bộ, tỷ lệ đô thị hóa 50%, riêng TP.HCM tỷ lệ 83% (cao nhất nước). 

Theo ThS Phạm Bách Việt - Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, thì đô thị hóa tại Nam bộ song hành với CNH. ThS Việt cho biết: “Từ năm 1991 tới nay, trên địa bàn Nam bộ có hàng loạt các khu chế xuất, KCN được xây dựng. Công nghiệp phát triển đã thu hút một lượng lớn lao động từ các địa phương trong cả nước nhập cư ở các địa phương có nhiều KCN như TP.HCM, Bì̀nh Dương, Đồng Nai… Chính vì vậy dân số đô thị gần gấp hai lần dân số nông thôn cho thấy sức hút về lao động của các KCN mạnh mẽ và cũng làm cho lực lượng lao động nông thôn thiếu hụt. Tỉ suất di cư thuần dương chỉ có ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên và âm ở ĐBSCL. Trong đó, Bình Dương là tỉnh duy nhất có tỉ suất di cư thuần dương cao nhất nước (+14,4%0). Dân số gia tăng kéo theo sự phát triển về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu điện đường, trường trạm. Từ đó kéo theo quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở các đô thị”. 

TS Nguyễn Hữu Nguyên - Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và chính sách Quốc gia, Đại học KHXH&NV TP.HCM lại nhìn nhận đô thị hóa ở Nam bộ đã hình thành từ rất sớm trên cơ sở một số đô thị thương mại do người Việt và người Hoa xây dựng. “Ngay khi đánh chiếm được Sài Gòn, người Pháp đã quy hoạch, thiết kế và xây dựng lại TP Sài Gòn theo ý tưởng sẽ tạo ra một “Paris nhỏ”, một “hòn ngọc viễn đông” của nước Pháp. Một số kỹ sư người Pháp đã đưa ra những ý tưởng quy hoạch và thiết kế TP Sài Gòn khác nhau, tuy không đề án nào được thực hiện trọn vẹn nhưng trải qua nhiều thập kỷ xây dựng, dáng dấp của một “Paris nhỏ” đã hiện ra với những công trình kiến trúc đặc sắc như: Nhà Rồng, nhà thờ Đức Bà, dinh Xã Tây, nhà hát lớn, khách sạn Continantal… Sau khi Mỹ thay thế Pháp ở Sài Gòn thì các đô thị Nam bộ lại chịu ảnh hưởng của kiến trúc đô thị kiểu Mỹ - nhà hộp, mái bằng. Và quản lý đô thị cũng mang tính chất thời chiến nên sự kiểm soát dân cư rất chặt chẽ. Các đô thị miền Nam đồng thời là những căn cứ quân sự nên có sự mở rộng về không gian và xây dựng thêm các công trình kiến trúc dân sự, quân sự”, TS Nguyên cho biết. 

Phát triển đô thị bền vững

Thời gian qua các tỉnh Nam bộ đã có tốc độ phát triển đô thị rất nhanh, thực tế đã đặt ra cho các nhà quản lý cần hoạch định kiến trúc đô thị gắn với phát triển bền vững và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Theo TS Võ Kim Cương - Nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM phân tích các nguyên nhân của khiếm khuyết trong quá trình phát triển đô thị là do tác động của thị trường theo mục tiêu lợi nhuận, biến đổi khí hậu và những bất cập trong hệ thống pháp luật chung, cũng như những bất cập của hệ thống quản lý đô thị, trong đó có việc quản lý quy hoạch còn dàn trải, bị động. TS Võ Kim Cương đánh giá có 8 thách thức cần khắc phục, đó là: Tình trạng phát triển dàn trải, có quy hoạch nhưng thiếu một kế hoạch chiến lược phát triển lâu dài. Không tính được nhu cầu kinh phí, khả năng đảm bảo kinh phí để xây dựng hạ tầng cho quy mô đô thị mở rộng quá mức hiện nay; Phát triển theo tình trạng da beo, nhiều khu dân cư lụp xụp, đất hoang hóa xen cài trong các khu vực đô thị. Các khu vực được quy hoạch hoặc đã có dự án giữ đất nhưng không đầu tư, bị bỏ hoang, các khu vực không giữ đất thì được đầu tư bởi các dự án nhỏ lẻ hoặc phát triển nhà ở tự phát…; tình trạng cấu trúc hình “lát bánh tét” theo vùng đô thị tự phát với nhiều đường hẻm nhỏ bao quanh vùng đô thị trung tâm; không ổn định về sử dụng đất, do không xác định rõ thời hạn sử dụng đất theo quy hoạch, hoặc không xác định các khu vực ổn định quy hoạch, nên chỗ nào cũng cần lập quy hoạch và hầu như tất cả đất đai đều trong trạng thái chờ thực hiện quy hoạch; thiếu an toàn về địa chất, thủy văn như sạt lở, ngập úng, lún, biến đổi khí hậu. TP.HCM đã đầu tư hàng tỷ đô la để chống ngập nhưng vẫn còn hàng trăm điểm ngập nặng; chưa an toàn về môi trường và cảnh quan (trạng thái công trường; bộ mặt kiến trúc lộn xộn; mức độ ô nhiễm nước, không khí, tiếng ồn còn cao; tình trạng thiếu an toàn giao thông, cháy nổ…; quá tải cục bộ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Nặng nhất hiện nay là ùn tắc giao thông và quá tải bệnh viện; thiếu đồng bộ và bền vững của thị trường bất động sản. Thừa ế nhà ở cao cấp, thiếu nhà cho người nghèo. 

TS Nguyễn Hữu Nguyên cũng cho rằng những yếu tố đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của đô thị Việt Nam hiện nay là: Thiếu kiến thức và kinh nghiệm quy hoạch đô thị hiện đại; thiếu kinh nghiệm tổ chức bộ máy và quản lý đô thị hiện đại; chưa đánh giá đúng mối quan hệ giữa mật độ, dân số đô thị và phát triển bền vững; chưa có phong cách lãnh đạo, quản lý đô thị hiện đại. Để khắc phục tình trạng trên, theo TS Nguyên cần phải nghiên cứu và xây dựng mô hình “chính quyền đô thị” có tính độc lập, tự chủ cao hơn và có trình độ quản lý đô thị chuyên nghiệp và hiện đại hơn. Đồng thời xây dựng phong cách lãnh đạo, quản lý đô thị hiện “gần dân” hơn và thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ “làm việc gì cũng phải hỏi dân, học ở dân nhưng không theo đuôi quần chúng”. 

Cao Cường (Báo Xây dựng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo