Trong một video clip mới, Alain de Botton, "triết gia của cuộc sống thường nhật" và nhà sáng lập The School of Life (‘Trường Cuộc Sống’), cho rằng vẻ đẹp đô thị có tính khách quan (và do đó không thể có kiểu mỗi người mỗi ý). Biện luận theo chiều ngược lại là một điều nguy hiểm cho chất lượng cuộc sống trong các thành phố.
Tác giả đưa ra một công thức ‘khoa học’ với 6 tiêu chí để tạo ra một thành phố đẹp mà tôi trình bày thông qua hình minh họa dưới đây:
1. Cân bằng giữa tính tổ chức và tính đa dạng
Ngoài một vài công trình điểm nhấn như nhà thờ, các tòa nhà khác ở Quảng trường Phố cổ (Staroměstské náměstí) tại Praha (CH Séc) đều có cùng chiều cao nhưng khác nhau về màu sắc và kiểu mái – Một ví dụ tuyệt vời về sự cân bằng giữa tính tổ chức và tính đa dạng trong đô thị.
2. ‘Trưng bày’ cuộc sống
Những cửa hàng như Bonham Strand với cửa sổ mở rộng ra không gian công cộng bên ngoài (trong trường hợp này là tuyến thang cuốn công cộng trong khu Central) khiến đường phố Hong Kong trở thành "phòng trưng bày cuộc sống" đầy sống động.
3. Phát triển nén (không dàn trải)
Với hệ số sử dụng đất đối với đất ở là 3.0, các khu đô thị mới tại Singapore có mật độ đủ lớn để có thể cung cấp các dịch vụ trong bán kính đi bộ, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng và giành đất cho công viên.
4. Cân bằng giữa tính định hướng và tính bất ngờ trong hệ thống đường đô thị
Những con đường lớn từ 4 đến 8 làn xe bao xung quanh một khu dân cư với những ngõ nhỏ ở trung tâm cũ của Đài Bắc là một ví dụ về sự cân bằng giữa tính định hướng và tính bất ngờ của hệ thống giao thông trong điều kiện của một đô thị cũ.
5. Tỷ lệ
Những công trình hỗn hợp về mục đích sử dụng (chủ yếu là thương mại để ‘kích hoạt’ không gian công cộng vào ban ngày, và nhà ở để thực hiện vai trò trên vào buổi tối) có tỷ lệ thân thiện với con người nằm uốn mình theo đường dạo ven hồ Bán Nguyệt ở khu đô thị Nam Sài Gòn là ví dụ điển hình về xử lý ‘tỷ lệ’ công trình trong thiết kế đô thị.
6. Tính bản địa
Đan xen trong các khu đô thị mới của Singapore là những chợ ướt, bao quanh bởi những chung cư thấp tầng kết hợp thương mại. Mô hình này vừa cung cấp dịch vụ thương mại và không gian cộng đồng trong bán kính đi bộ, cung cấp nhà ở giá rẻ cho người lao động lại vừa lưu giữ phần nào bản sắc của mô hình định cư truyền thống vốn phát triển dựa vào chợ.
Mặc dù danh sách của de Botton chưa thật đầy đủ, tôi cho rằng nó phản ánh những yếu tố cơ bản làm nên một đô thị không chỉ hấp dẫn về mặt thị giác mả cả trải nghiệm sống, bền vững và thu hút về đầu tư. Nghiên cứu của Richard Florida và đồng nghiệp tại Đại học Toronto đã chứng minh rằng vẻ đẹp cảm nhận được về nơi cư trú đồng liên hệ với mức độ hạnh phúc của cư dân, hơn cả độ an toàn và vệ sinh. Một tác giả khác, Edward McMahon, thì dẫn các nghiên cứu để kết luận rằng ‘bản sắc’ là chìa khóa cho phát triển kinh tế một đô thị. Thêm nữa, mặc dù mức độ áp dụng ở mỗi nơi sẽ cần có sự điều chỉnh, tôi cho rằng 6 tiêu chí trên có giá trị toàn cầu bởi chúng vừa giải quyết nhu cầu thị giác và tâm lý của con người, vừa là câu trả lời cho các thách thức chung của thời đại như biến đổi khí hậu và sự bào mòn của bản sắc địa phương trong cơn bão toàn cầu hóa./.
Nguyễn Đỗ Dũng (lược dịch và bổ sung thêm nội dung từ nguyên bản của Laura Bliss trên Citylab.com)
(dothivietnam.org)
- Nhận thức lại các khái niệm trong Quy hoạch xây dựng
- Phát triển đô thị theo giao thông công cộng
- Bàn về quản lý, phát triển đô thị theo quy hoạch
- Làm sao nơi ở của chúng ta lành mạnh và đáng sống?
- Đề xuất quy hoạch “cắt lớp” - phát triển bền vững đô thị TPHCM
- Đô thị phát triển thông minh
- Nam Định: Đô thị động lực nam sông Hồng
- Xây dựng khu đô thị đáng sống trong quy hoạch cải tạo chung cư cũ
- Đô thị Việt Nam đang chật chội hơn
- TPHCM: Dân số có thể trên 10 triệu người vào năm 2020