Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Hiến kế TP.HCM nâng tầm quốc tế: Quy hoạch xanh và đo lường thông minh

Hiến kế TP.HCM nâng tầm quốc tế: Quy hoạch xanh và đo lường thông minh

Viết email In

TP.HCM phải có hướng đi thật đặc biệt là trở thành một "đô thị xanh" mang tầm quốc tế. Đầu tiên, trong quy hoạch, TP.HCM cần tăng diện tích xây dựng cho mạng lưới giao thông đường bộ, công viên cây xanh, khu giải trí, khu bảo tồn động thực vật.

TP.HCM có diện tích cảnh quan dọc hai bờ sông Sài Gòn và nhiều kênh, rạch. Đây là điều mơ ước của nhiều đô thị lớn trên thế giới.

Các trục đường, điểm giải trí và khu cây xanh phải phát triển dọc trục cảnh quan sông nước của thành phố làm điểm nhấn. Tránh tình trạng các khu biệt thự kín chiếm lĩnh hành lang ven sông.


Khu đô thị Thủ Thiêm
(Ảnh: Quang Hưng)

Để trở thành một đô thị mang thương hiệu quốc tế, TP.HCM phải có hướng đi thật đặc biệt là trở thành một "đô thị xanh" mang tầm quốc tế. Đầu tiên, trong quy hoạch, TP.HCM cần tăng diện tích xây dựng cho mạng lưới giao thông đường bộ, công viên cây xanh, khu giải trí, khu bảo tồn động thực vật, hệ sinh thái rừng.

Bắt buộc phải có không gian xanh

Hiện nay, để tạo điểm nhấn cho những điều này, TP.HCM có lợi thế ở thành phố Thủ Đức, khu vực Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ. Các hồ chứa nước phải hình thành song song với các khu đô thị mới và công viên.

Đây là yếu tố vừa đảm bảo không gian xanh, vừa có tác dụng điều tiết nước, khi quá trình bêtông hóa quá lớn như hiện nay dẫn đến nước ngập đường khi mưa lớn. Đưa vào quy định nghiêm ngặt với xây dựng mới ở các tòa nhà công sở, cao ốc văn phòng, khu chung cư, nhà ở riêng lẻ về diện tích cây xanh.

Trong bản vẽ xây dựng bắt buộc phải có không gian xanh chiếm tỉ lệ nhất định với diện tích xây dựng. Với các diện tích sử dụng từ trước đến nay, phải bổ sung mảng xanh bằng cách trồng thêm cây trước sân hoặc trên các sân thượng.

Thành phố nên hình thành cấu trúc đô thị đa cực. Chẳng hạn, TP Thủ Đức sẽ là hệ sinh thái khởi nghiệp, đô thị tương tác công nghệ cao; Cần Giờ phát triển thành đô thị sinh thái... Mỗi người dân được đảm bảo nhu cầu nhà ở và dịch vụ công cộng.

Không để sự chênh lệch giàu nghèo xảy ra quá lớn ở một thành phố văn minh. Người dân được tiếp cận với thực phẩm sạch giá rẻ của nền "nông nghiệp xanh" đô thị kỹ thuật cao, chuẩn quốc tế.

TP.HCM cần đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sạch, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, không gây ô nhiễm môi trường. Giao thông vận tải phải chú trọng ba vấn đề chính của "quy hoạch xanh": năng lượng sạch, quy hoạch gọn và ưu tiên phương tiện công cộng.

Các phương tiện công cộng do Nhà nước quản lý như xe buýt, tàu điện ngầm, các tuyến metro... nên sơn màu xanh làm biểu tượng và điểm nhấn của thành phố. Bloomberg NEF (BNEF) - tổ chức nghiên cứu, tư vấn toàn cầu về lĩnh vực năng lượng sạch, có trụ sở tại London (Anh) - tính toán đến năm 2030 hơn 80% xe buýt mới được bán ra sẽ là xe điện nhằm thay thế xe buýt chạy xăng dầu xả khí thải độc hại.

Đây là xu hướng mà TP.HCM nên quyết tâm đầu tư cho xe buýt điện.

Hệ thống đo lường thông minh

Cần có lối đi dành riêng cho xe buýt và người đi bộ, hạn chế các loại xe cá nhân di chuyển vào khu trung tâm. Đặc biệt, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp để di chuyển. Hình thức xe đạp có thể nghiên cứu thêm đề án cho thuê, giữ xe đạp tại các điểm quy hoạch sẵn.

Việc quy hoạch tuyến đường riêng cho xe buýt, xe đạp và người đi bộ phải song song với việc tăng cao mức phí đậu xe ôtô cá nhân tại trung tâm thành phố. Khi làm hai việc song song như thế, người sở hữu xe ôtô sẽ tự cảm thấy ôtô riêng không còn phù hợp.

Thành phố phải có hệ thống đo lường thông minh bao gồm hệ thống đo lường mức tiêu thụ năng lượng, hệ thống điều tiết giao thông tự động, đặc biệt là hệ thống đo lường chỉ số ô nhiễm không khí và phương án xử lý. Rõ ràng, một đô thị xanh có thương hiệu quốc tế không thể mang hình ảnh kẹt xe và khói bụi mù mịt.

Lợi thế về sinh thái của TP.HCM là rừng ngập mặn Cần Giờ. Nơi đây được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Rừng ngập mặn Cần Giờ như lá phổi xanh điều hòa thời tiết cho toàn thành phố.

Từ điểm lợi thế này, TP.HCM nên tiếp tục thúc đẩy dự án trồng cây xanh toàn thành phố trở thành một kỷ lục, một biểu tượng cho các đô thị khác trên thế giới hướng tới. Hiện nay, diện tích bao phủ cây xanh ở Singapore đã đạt xấp xỉ 50%.

Thành phố phải đặc biệt quan tâm đến sự tác động môi trường gây nên bởi thiên nhiên và con người. Các dự án chống ngập, xử lý nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu phải đầu tư lớn và có trọng tâm, tạo hiệu quả lâu dài.

Rõ ràng, vươn tới một "thành phố xanh" có chất lượng sống tốt, môi trường xanh, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, thích ứng với biến đổi khí hậu là mục tiêu để TP.HCM trở thành đô thị mang thương hiệu quốc tế.

Cùng hiến kế TP.HCM nâng tầm quốc tế

Cuộc thi hiến kế "TP.HCM nâng tầm quốc tế" như một diễn đàn mở dành cho bạn đọc đóng góp ý tưởng và giải pháp nâng cao vị thế quốc tế của Sài Gòn - TP.HCM thông qua việc nhận diện thương hiệu quốc tế nào cho thành phố, biểu tượng nào mang tầm quốc tế?

Báo Tuổi Trẻ cùng Sở Ngoại vụ TP.HCM, với sự đồng hành của Vietnam Signature và Global Embassy, tổ chức. Thời gian nhận bài dự thi: từ 16/6 đến hết ngày 16/8/2021.

Bài dự thi gửi về email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. hoặc gửi về địa chỉ báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM; ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi hiến kế "TP.HCM nâng tầm quốc tế".

(Tuổi Trẻ)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo