Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Ngập lụt đô thị nhìn từ trường hợp TPHCM

Ngập lụt đô thị nhìn từ trường hợp TPHCM

Viết email In

Ngập lụt đang lan rộng ra cả những đô thị vùng biển thuận lợi cho việc thoát nước và cao nguyên.

Cách đây 20 năm, cả nước chỉ có TPHCM nổi cộm về ngập. Nguyên nhân được lý giải do thành phố nằm ở cuối của lưu vực các con sông lớn nhận lượng nước đổ về và hiện tượng nước biển dâng tác động tới lượng thủy triều tràn vào thành phố…


Mỗi khi trời mưa lớn đường phố TPHCM lại chìm trong nước.
(Ảnh: Lê Vũ)

Khoảng 10 năm sau, Hà Nội – một thành phố nằm trong lòng đồng bằng sông Hồng với thế nhìn sông, tựa núi cũng chịu cảnh ngập lụt tương tự mỗi mùa hè. Điển hình là trận ngập lịch sử năm 2008, Hà Nội mất năm ngày để thoát khỏi tình cảnh trớ trêu này.

Đến năm 2012, theo quan sát của TS. Hồ Long Phi, Công ty Tư vấn enCity, hàng chục thành phố trên cả nước diễn ra tình trạng ngập. Từ vùng biển thuận lợi cho việc thoát nước như Vinh, Nha Trang cho tới cao nguyên như Đà Lạt, Sơn La, Buôn Ma Thuột không bị ảnh hưởng bởi thủy triều… cùng chung số phận.

Chúng ta phải lý giải hiện tượng này như thế nào, gốc rễ vấn đề từ đâu? Đặt vấn đề trong chương trình Midnight Talks tháng 6, TS. Hồ Long Phi đưa ra sáu yếu tố chính gây ra ngập gồm: đô thị hóa, mất mặt phủ thấm nước, các biến động thủy văn, lũ thượng nguồn, lún mặt đất và mặt nước biển dâng.

Đô thị hóa làm mất đi mặt phủ thấm nước

Với TPHCM, nước không khu trú tại thành phố mà có nguồn gốc ngoại lai rất rõ. Nơi đây là điểm cuối của lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai. Nước của cả lưu vực rộng lớn dồn về TPHCM và đổ ra biển phía Nam. TPHCM với diện tích khoảng 2.095 ki lô mét vuông nhưng lưu vực ảnh hưởng tới có diện tích 40.000 ki lô mét, gấp khoảng 20 lần thành phố. Bài toán của TPHCM không đơn giản chỉ nhìn từ thành phố, phải nhìn rộng ra rất nhiều.

Địa hình của TPHCM gặp nhiều bất lợi khi phía Bắc và khu trung tâm cao ráo hơn, phía Nam và phía Tây là những vùng trũng thấp. Chế độ thủy văn của TPHCM rất phức tạp do hệ thống kênh rạch chằng chịt.

TS. Phi phân tích, ngập của TPHCM đến từ bốn yếu tố ngoại lai và ba yếu tố tại chỗ. Thành phố có thể ảnh hưởng bởi lũ từ hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng, sông Mêkông và nước biển dâng. Ba yếu tố tại chỗ là mưa lớn; lún đô thị diễn ra trên diện rộng; đô thị hóa làm mất đi các mặt phủ thấm nước và dòng chảy tự nhiên.

Soi chiếu với các thành phố chung cảnh ngộ, vị chuyên gia đưa ra nhận định, đô thị hóa làm mất đi các mặt phủ thấm nước và dòng chảy tự nhiên là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc ngập lụt tại các đô thị. Do đó, ngập lụt dễ dàng xảy ra ở cả vùng biển dễ thoát nước hay vùng cao không bị ảnh hưởng bởi thủy triều. Ở đâu phát triển trước, đô thị hóa trước thì ngập trước.

Đô thị hóa diễn ra, con người chiếm chỗ của nước và đẩy nước đi nơi khác. Con người cũng xóa các mặt phủ thấm nước một cách đáng kể. Trước đây, đó là những nơi thấm nước hoặc lưu giữ nước nay trở thành chỗ ở, công trình. Ông Phi cũng lưu ý, có nhiều điểm ngập trước đây vẫn tồn tại nhưng chúng ta không để ý đến do không gây thiệt hại. Ngày nay, khi đô thị mở rộng tới đó, có thiệt hại, các điểm ngập này mới được ghi nhận. Trong vòng 30 năm, diện tích mặt phủ thấm nước của TPHCM mất đi phần lớn. Những năm 2010, vùng đô thị hóa đã lan rộng một phần ba thành phố, mặt phủ thấm nước bị biến mất và chiếm chỗ bởi con người.

Bên cạnh việc làm mất các mặt phủ thấm nước, đô thị hóa còn làm biến mất các dòng chảy tự nhiên, lưu vực bị chia cắt hình thành các lưu vực mới. Một điều khá quan trọng là đô thị hóa tạo ra dòng chảy tràn lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Thay thế kênh rạch bằng cách cống hóa là một trong những nguyên nhân hủy hoại dòng chảy tự nhiên lớn, gây tác động đến nước.

Cũng trong thời gian này, mực nước các sông trong TPHCM dâng lên rất rõ. Mực nước mưa cũng tăng lên theo thời gian.

Tốc độ tăng mực nước mỗi năm (đỉnh triều cao nhất) tăng đều ở các trạm Phú An, Thủ Dầu Một và Nhà Bè. Trong khi đó, trạm Vàm Kênh tại cửa biển tốc độ tăng chậm dần (xem hình 1). “Tại sao tốc độ tăng mực nước biển lại nhỏ hơn nước sông. Rõ ràng tác động của biến đổi khí hậu là có nhưng chỉ là một phần nhỏ của vấn đề. Những yếu tố bên trong tác động làm tốc độ tăng của các trạm sông lớn hơn rất nhiều lần. Đây là một câu hỏi rất thú vị”, TS. Phi nêu.

Vị tiến sĩ phân tích, chính quá trình đô thị hóa gây lún khiến vấn đề phức tạp hơn. Tầng nước ngầm bị khai thác khiến tầng đất bị chuyển xuống phía dưới. Tính toán của TS. Phi cho thấy tốc độ lún tại TPHCM gấp 3 lần tốc độ nước biển dâng. Hai yếu tố lún và nước biển dâng cùng chồng chập khiến tình hình ngập lụt trầm trọng hơn. Với tốc độ khai thác nước ngầm như hiện nay, tốc độ lún cao nhất có thể lên đến 2,5 centimet/năm nếu không có biện pháp kiểm soát. 300 năm nữa, TPHCM có thể thấp hơn mực nước biển 2-3 mét giống như Hà Lan hiện nay.

Phải làm gì trong điều kiện bất định?

Những giải pháp kỹ thuật đang được áp dụng hiện nay chủ yếu là can thiệp bằng các công trình chống ngập thiết kế theo tần suất của quá khứ và dự báo. Với tương lai đầy bất định, TS. Phi cho rằng phải có cách tiếp cận khác cho bài toán chống ngập.

“Có cần thiết phải chống ngập hay không nếu ngập không gây thiệt hại?”, vị chuyên gia đặt vấn đề. Quan tâm đến việc giảm thiểu thiệt hại do ngập, chính quyền có thể mở rộng các giải pháp thay vì chỉ đầu tư cho công trình chống ngập. Khi đó, lời giải cho bài toán ngập đa dạng hơn, nhiều bên tham gia hơn.

Nếu chỉ sử dụng biện pháp xanh theo tính toán của enCity, TPHCM phải mất 70% diện tích mới thay được công trình chống ngập, công trình thoát nước. “Điều đó vô lý không làm được, đâu thể bỏ 70% cho cây xanh và đất hoang để chống ngập nên phải làm các công trình chống ngập”, ông Phi nói. Dù vậy, các công trình chống ngập là cần thiết nhưng chưa đủ.

Thay vì chống ngập, ông cho rằng nên kiểm soát thiệt hại do ngập bằng cách giảm thiểu đối tượng bị ngập, gia tăng khả năng chống chịu. Gia tăng khả năng chống chịu ngập bắt đầu từ mức độ hộ gia đình để có sự phục hồi nhanh nhất sau ngập.

TS. Phi đưa ra gợi ý khung ba bước giảm thiểu thiệt hại do ngập bắt đầu từ bảo vệ căn bản, thích nghi với các yếu tố bất định và sẵn sàng cho thiên tai (xem hình 2).

Hoàng Minh

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...