Vừa qua, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Nhiệm vụ quy hoạch).
Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt cần xác định rõ hình thái kiến trúc (Nguồn: Ashui.com)
Sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo nội dung Nhiệm vụ quy hoạch, ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng thẩm định và giải trình của UBND tỉnh Lâm Đồng, thay mặt Hội đồng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị - Chủ tịch Hội đồng thẩm định có kết luận. Theo đó, nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 lập theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Văn bản 6364/VPCP-CN ngày 11/9/2021 của Văn phòng Chính phủ. UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo nghiên cứu thực hiện nghiêm túc, theo trình tự, quy định pháp luật về quy hoạch đô thị. Nhiệm vụ quy hoạch đã được tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, Hội nghề nghiệp, tổ chức cá nhân liên quan; các ý kiến góp ý đã được nghiên cứu tiếp thu, giải trình. Tại Hội nghị thẩm định, các ý kiến tham gia đều cơ bản thống nhất về lý do, sự cần thiết, phạm vi quy hoạch và nội dung chính của Nhiệm vụ quy hoạch. Hội đồng thẩm định cơ bản thống nhất đánh giá Nhiệm vụ quy hoạch đã đáp ứng yêu cầu nội dung theo quy định.
Để hoàn thiện Nhiệm vụ quy hoạch, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến góp ý bằng văn bản của các Bộ, ngành, Hội nghề nghiệp và các ý kiến góp ý trực tiếp tại Hội nghị thẩm định và lưu ý nghiên cứu bổ sung, làm rõ một số nội dung liên quan đến điều chỉnh thời hạn của quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009. Tập trung rà soát, cập nhật, bổ sung đầy đủ các văn bản pháp lý, các chủ trương, nghị quyết, định hướng của Đảng, Nhà nước đối với tỉnh Lâm Đồng. Lưu ý bổ sung các văn bản pháp lý, chỉ đạo về quản lý và bảo vệ rừng, bảo tồn di sản văn hóa, kiến trúc, bảo vệ môi trường và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
UBND tỉnh Lâm Đồng cần bổ sung thuyết minh đầy đủ về kết quả rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện theo Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 (sau đây viết tắt là Quy hoạch chung 704). Xác định rõ các tồn tại, hạn chế, bất cập, làm cơ sở đề ra yêu cầu có giải pháp điều chỉnh, bổ sung trong đồ án quy hoạch đảm bảo hiệu quả, khả thi.
Dự báo quy mô dân số, đất đai phát triển đô thị phải được xác định trên cơ sở phân tích, đánh giá, luận chứng đảm bảo tính khoa học, phù hợp thực tiễn, khả thi, đảm bảo chất lượng quy hoạch. Các chỉ tiêu quy hoạch đảm bảo phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng hiện hành. Đối với chỉ tiêu đất dân dụng đô thị 100 m2/người được đề xuất tại Nhiệm vụ quy hoạch cần có luận chứng đầy đủ. Lưu ý đối với thành phố Đà Lạt là đô thị loại I, chỉ tiêu đất dân dụng bình quân toàn đô thị theo Quy chuẩn là 45-60 m2/người.
Cần bổ sung thêm một số điểm như: Bổ sung xác định rõ tính chất đô thị Đà Lạt đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển, kế thừa định hướng Quy hoạch chung 704; Bổ sung yêu cầu phân tích, đánh giá, xác định rõ những động lực phát triển chính của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trên cơ sở các tiềm năng phát triển, đặt trong mối quan hệ với không gian vùng tỉnh Lâm Đồng, đảm bảo phù hợp với các định hướng phát triển trong tương lai của toàn tỉnh.
Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt cần kế thừa, phát huy các định hướng quy hoạch chung 704, khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong quy hoạch (như về dự báo dân số, tổ chức không gian đô thị, kết nối với các đô thị vệ tinh...), giải quyết triệt để các bất cập về trật tự xây dựng đô thị và hiện trạng xây dựng nén quá tải ở thành phố Đà Lạt.
Bám sát định hướng phát triển của Tỉnh theo các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước để Đà Lạt và vùng phụ cận phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đặc thù riêng có của mình. Nhất là các lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, cảnh quan môi trường, di sản văn hóa, kiến trúc đô thị.
Bổ sung yêu cầu đánh giá hiện trạng phải được thực hiện đầy đủ, cập nhật, chính xác, có trích dẫn nguồn, làm cơ sở dự báo đảm bảo khả thi. Lưu ý rà soát số liệu hiện trạng đất rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất. Bổ sung yêu cầu rà soát, đánh giá kết quả thực hiện theo Quy hoạch chung 704, việc lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch nông thôn, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch, đảm bảo các yêu cầu về pháp lý, không hợp thức hóa các quy hoạch, dự án sai phạm (nếu có).
Bổ sung các yêu cầu nghiên cứu đối với việc bảo tồn các giá trị đặc trưng hiếm có của Đà Lạt, bảo tồn các di sản văn hóa, công trình kiến trúc, cảnh quan có giá trị. Lựa chọn đất xây dựng đô thị đảm bảo các yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, các quy định về quản lý và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên.
Đặc biệt cần xác định rõ hình thái kiến trúc Đà Lạt, làm rõ mối quan hệ không gian, tổ chức đơn vị hành chính giữa thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, chú trọng đến các yêu cầu nghiên cứu về yếu tố đặc thù trong việc tổ chức không gian... Làm rõ yêu cầu đối với đề xuất định hướng và nguyên tắc phát triển đối với từng khu vực chức năng như khu vực đô thị lõi hạn chế phát triển; khu vực cần bảo tồn, tôn tạo; khu vực cải tạo, chỉnh trang; khu vực phát triển mới; khu vực cấm xây dựng, các khu dự trữ phát triển... Bổ sung yêu cầu xây dựng tiêu chí xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư làm cơ sở đề xuất nhóm chương trình, dự án ưu tiên đầu tư phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Các yêu cầu đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, các quy hoạch liên quan...
Đặng Ngân
(Báo Xây dựng)
- Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững: Thực trạng và giải pháp
- Phố cổ Gia Hội: “Kho báu” bị lãng quên
- Hệ lụy của đô thị miền núi nhìn từ Đà Lạt
- Đô thị thông minh ở Việt Nam: Nhìn từ quốc gia có đặc điểm tương đồng
- Di sản công nghiệp tại Việt Nam – Tài nguyên cần được nhận diện và khai thác bền vững, sáng tạo
- Tích hợp quy hoạch xây dựng, đô thị vào Quy hoạch tổng thể quốc gia
- Hà Nội: Gấp rút xây dựng đô thị vệ tinh
- Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch
- Xây mới và phục hồi có hiệu quả không gian xanh đô thị tại Thủ đô
- Phục dựng “nhan sắc” trung tâm phố thị Sài Gòn