Ashui.com

Sunday
Apr 28th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Khu nhà ở tập thể Quang Trung - Di sản đô thị quan trọng sau năm 1975

Khu nhà ở tập thể Quang Trung - Di sản đô thị quan trọng sau năm 1975

Viết email In

Thời Pháp thuộc, thành phố Vinh đã từng là một trung tâm công nghiệp của Việt Nam phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa. Người Pháp đã xây dựng nhiều công trình công nghiệp, các công trình công sở phục vụ cho bộ máy cai trị lúc bấy giờ. Do trải qua những năm chiến tranh, tác động của thiên tai và nhân tai. Thật đáng tiếc những công trình ấy không còn nữa, không để lại một di sản nào của thời ấy.  


Đoàn khảo sát Bộ Xây dựng CHDC Đức.
(Ảnh: TL)

Cách đây gần 50 năm sau khi hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh được ký kết, nhiều nước xã hội chủ nghĩa anh em đã sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam xây dựng lại đất nước. Nước Cộng hòa Dân chủ Đức đã giúp đỡ đầu tư xây dựng lại thành phố Vinh. Nội dung hiệp định giúp đỡ xây dựng lại thành phố Vinh được xác định trên nhiều lĩnh vực: Quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố, khôi phục lại và xây dựng mới hệ thống công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng xung quanh thành phố trong vòng bán kính 10 km (các xí nghiệp sản xuất đá, bê tông đúc sẵn xi măng, gạch ngói, cát sỏi,...) cơ khí xây dựng, đào tạo dạy nghề xây dựng, nâng cao tay nghề tư vấn thiết kế kiến trúc quy hoạch. Đặc biệt là thiết kế chi tiết xây dựng khu nhà ở Quang Trung cùng với việc đưa thiết bị và vật tư kỹ thuật sang để triển khai xây dựng khu nhà ở này. Khu nhà ở Quang Trung được khởi công xây dựng ngày 01/5/1974 đến cuối năm 1980 kết thúc. Khu nhà đã giải quyết khó khăn ban đầu về nhà ở cho hàng ngàn cán bộ công nhân viên của các cơ quan từ các nơi sơ tán trở về. Khu nhà ở Quang Trung thời đó đã từng là niềm tự hào của người xứ Nghệ. Khách trong Nam ngoài Bắc qua Vinh đều phấn khởi và cảm nhận được sự phát triển nhanh chóng của thành phố trong những năm đầu sau chiến tranh đầy khó khăn gian khổ.

Đã hơn 40 năm trôi qua, những công trình sản xuất vật liệu xây dựng do Cộng hòa Dân chủ Đức giúp đỡ không còn nguyên vẹn, nhiều nhà máy, xí nghiệp không còn nữa, nhiều công trình đã được xây dựng mới, nhiều xí nghiệp đã được trang bị lại hệ thống sản xuất theo công nghệ mới. Những dấu vết của sự hợp tác hữu nghị Việt Đức dần dần biến mất.

Giới thiệu tổng quát khu quy hoạch xây dựng nhà ở Quang Trung

Khu nhà ở cao tầng Quang Trung được quy hoạch ở cả hai phía Đông và phía Tây đường Quang Trung. Toàn khu quy hoạch nằm trên diện tích khoảng 30 ha được chia làm 5 nhóm nhà. Phía Đông gồm 3 nhóm A, B, C, nhóm A gồm 6 nhà, nhóm B gồm 5 nhà, nhóm C gồm 9 nhà, một trung tâm thương mại, một trường tiểu học, hai nhà mẫu giáo, hai nhà trẻ. Phía Tây gồm 2 nhóm D, E, nhóm D gồm 9 nhà, nhóm E gồm 6 nhà, một trường tiểu học, một khu xây dựng khách sạn, 2 nhà mẫu giáo, hai nhà trẻ. Toàn bộ khu quy hoạch gồm 36 nhà, 2 trường học, 4 nhà mẫu giáo, 4 nhà trẻ, 1 khách sạn và 1 trung tâm thương mại.


Quy hoạch khu nhà ở Quang Trung 

Do khó khăn của phía Việt Nam, vì lúc bấy giờ không có khả năng sản xuất và cung ứng kịp các loại vật liệu xây dựng cơ bản nên khi kết thúc hiệp định (31/12/1980) khu nhà ở Quang Trung mới xây dựng xong toàn bộ phía Đông và một nhà ở phía Tây nhóm D. Toàn bộ phía Đông Quang Trung là một khu đô thị hoàn chỉnh gồm 21 ngôi nhà 5 tầng kèm theo hệ thống công trình phúc lợi: Trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, trung tâm thương mại,... các công trình hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống đường nội bộ, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, hệ thống cây xanh và sân chơi.

Hiện nay khu nhà ở Quang Trung đã bị hư hỏng một số nơi, hình thức bên ngoài cũ kỹ, diện tích ở không còn phù hợp với mức sống hiện tại của người dân thành phố. Song khu nhà ở Quang Trung luôn là di sản khoa học về quy hoạch xây dựng đô thị, là di sản của sự hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Đức.

Đây có thể là những di tích cuối cùng thành quả của mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Đức thời kỳ xây dựng lại thành phố Vinh những năm sau chiến tranh từ năm 1973 đến 1980. Mặc dù khu nhà ở Quang Trung một ngày nào đó sẽ không còn nữa, song nó đã để lại trên thành phố Vinh một Di sản bởi lẽ, trong quá trình thực hiện hiệp định nó luôn nổi lên hai tính chất mang giá trị nhân văn hợp tác hữu nghị và khoa học.

Giá trị nhân văn, sự hợp tác hữu nghị gắn bó giữa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Đức

Sự đồng cảm và ủng hộ của nhân dân và chính phủ Cộng hòa dân chủ Đức: 

Quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Đức đã gắn kết từ những năm 50 của thế kỷ trước, mang tính truyền thống có ý nghĩa sâu nặng, sự thông cảm sâu sắc mang tính nhân văn cao. Việc giúp đỡ Việt Nam xây dựng lại thành phố Vinh được phía Cộng hòa Dân chủ Đức khẩn trương triển khai.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam ký kết tháng 01/1973 thì ngày 05/5/1973 Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa gửi công hàm cho chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức đề nghị giúp đỡ xây dựng lại thành phố Vinh.

Ngày 22/5/1973 Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Dân chủ Đức quyết định gửi một đoàn cán bộ Bộ Xây dựng sang khảo sát tình hình tại thành phố Vinh. Ngày 28-29/5/1973 tại kỳ họp thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức (SED) đã bàn công hàm đề nghị của Việt Nam và quyết định giúp đỡ xây dựng lại thành phố Vinh.

Từ ngày 21/6 đến 21/7/1973 một đoàn cán bộ cao cấp của Bộ Xây dựng Cộng hòa Dân chủ Đức do giáo sư Kosel, Quốc vụ khanh dẫn đầu sang Việt Nam và Vinh kiểm tra tình hình để chuẩn bị cho việc ký kết hiệp định.

Ngày 22/10/1973, hiệp định Cộng hòa Dân chủ Đức giúp đỡ Việt Nam xây dựng lại thành phố Vinh được ký kết tại Berlin giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Dân chủ Đức.

Do có sự đồng cảm và đồng tình ủng hộ cao của nhân dân và nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức nên chỉ trong vòng 5 tháng từ lúc công hàm đề nghị giúp đỡ của phía Việt Nam đến các bước kiểm tra, bàn bạc đi đến quyết định ký kết hiệp định và sau đó bắt tay ngay và thực hiện.


Đài phun nước tại Vườn hoa Cửa Bắc

Trong quá trình hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Đức nổi bật tính cách người Đức là đã hứa rồi làm thực sự, song trước khi thực hiện bao giờ cũng phải kiểm tra kỹ càng để việc thực hiện đạt kết quả cao.

Sau chiến tranh Việt Nam, các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ cũng sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam xây dựng lại đất nước như: Liên Xô giúp đỡ xây dựng Hà Nội, Trung Quốc giúp đỡ xây dựng Thái Nguyên và Việt Trì, Rumania giúp đỡ xây dựng Nam Định, Triều Tiên giúp đỡ xây dựng Hà Bắc, Ba Lan giúp đỡ xây dựng Hải Phòng, Tiệp Khắc giúp đỡ xây dựng Thanh Hóa. Thời gian trôi đi do nhiều lý do khác nhau nhiều nước không thực hiện được hoặc chỉ thực hiện được một phần ý định của mình. Riêng Cộng hòa Dân chủ Đức đã thực sự triển khai những nội dung đã ký kết trong hiệp định.

Thời gian thực hiện các mục tiêu của hiệp định theo kế hoạch là năm năm từ cuối năm 1973 đến hết 1978. Song sau chiến tranh thiếu thốn đủ bề, đất nước bị tàn phá nặng nề các cơ sở sản xuất vật liệu chưa được khôi phục, phía Việt Nam không đủ khả năng sản xuất và cung ứng kịp các loại vật tư cơ bản như: Đá, gạch ngói, xi măng,... Tiến độ xây dựng khu nhà ở Quang Trung và các công trình công nghiệp, vật liệu xây dựng cũng bị chậm lại. Vì vậy cuối năm 1978 hai nhà nước đã thỏa thuận ký kết hiệp định bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện hiệp định thêm 2 năm đến hết 31/12/1980.

Ngành xây dựng Nghệ Tĩnh trưởng thành nhanh chóng:

Trong quá trình hợp tác xây dựng lại thành phố Vinh, ngành xây dựng Nghệ Tĩnh (đầu 1976 hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh) đã không ngừng lớn mạnh, lực lượng thiết kế và thi công của ngành có bước tiến lớn về chất lượng và số lượng. Trong tất cả mọi lĩnh vực hợp tác các chuyên gia Đức đều rất chăm lo đến việc bồi dưỡng, đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật, lực lượng công nhân xây dựng. Lực lượng công nhân xây dựng phát triển nhanh kịp thời bổ sung cho 3 công ty xây dựng chủ lực của ngành lúc bấy giờ. Công nhân ở các lĩnh vực cơ khí xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng đều được tăng cường và được hướng dẫn đào tạo có khả năng sử dụng và vận hành các thiết bị mà nước bạn viện trợ.

Thời kỳ thực hiện hiệp định xây dựng lại thành phố Vinh, cả thành phố là một công trường lớn sôi động, nhiều người trong ngành đã phấn khởi thốt lên thời kỳ xây dựng sau chiến tranh của ngành xây dựng Nghệ Tĩnh là thời kỳ hoàng kim.

Lĩnh vực tư vấn thiết kế cũng phát triển và lớn mạnh không ngừng nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia Đức: “Chúng tôi xem các chuyên gia Đức vừa là đồng chí, đồng nghiệp, anh em vừa là những người thầy, chính họ là những người trực tiếp chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho đội ngũ cán bộ của viện Quy hoạch thiết kế Nghệ An. Thông qua phối hợp làm việc, họ đã tận tình truyền thụ những kiến thức, những kinh nghiệm nghề nghiệp đặc biệt là những phương pháp luận về quy hoạch xây dựng đô thị và thiết kế công trình cho đội ngũ cán bộ của Viện. Chúng tôi xem đây là vốn quý vô giá, là hành trang kiến thức mà các chuyên gia Đức ưu ái trang bị cho chúng tôi suốt 7 năm viện trợ giúp đỡ Việt Nam xây dựng lại thành phố Vinh sau chiến tranh”. Đây là lời nhận xét của ông Trương Huy Chinh, kiến trúc sư, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch - thiết kế Nghệ An, người có nhiều năm gắn bó công tác với chuyên gia Đức.


Ảnh chụp từ một tòa chung cư mới đan xen vào khu C của khu chung cư Quang Trung cũ, tháng 12/2023
(Nguồn: VinhNay.com)

Giá trị khoa học và hiệu quả sự hợp tác

Nghiên cứu sâu điều kiện khí hậu vùng, giải pháp quy hoạch phù hợp:

Quá trình quy hoạch chi tiết xây dựng khu nhà ở Quang Trung được khẩn trương tiến hành song song với việc nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể thành phố. Khu quy hoạch nhà ở Quang Trung là khu nhà khá quy mô đầu tiên ở Việt Nam. Chuyên gia Đức cũng rất cẩn trọng tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các điều kiện khí tượng, thủy văn, khí hậu khắc nghiệt miền Trung vùng chịu ảnh hưởng của gió Phơn Trường Sơn (gió Lào) các tập quán và nếp sống của người dân địa phương. Qua nghiên cứu, gió Tây Nam là gió nóng khô hình thành từ vịnh Bengal mang theo hơi nước di chuyển theo hướng Tây Nam - Đông Bắc qua lục địa Thái Lan, Campuchia và Lào. Gió Phơn Tây Nam di chuyển trên đoạn đường dài lượng hơi nước tụ lại thành mưa trên đường đi, khi tiếp cận dãy núi Trường Sơn lượng mưa còn rất ít, gió tăng tốc vượt qua và tràn xuống vùng Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ tạo nên luồng gió nóng khô. Gió thường xuất hiện từ đầu tháng tư đến giữa tháng chín, gió thổi từ sớm đến chiều tối thường mạnh nhất từ giữa trưa đến xế chiều gió khô và nóng nên làm cho khí hậu các vùng nói trên trở nên khắc nghiệt, độ ẩm xuống rất thấp từ 39-45% trong khi nhiệt độ có lúc lên 420C với bầu trời nắng chói chang, gió lại thổi đều đều như quạt lửa nên cây cỏ héo khô, nhiều ao hồ bị cạn kiệt, không khí ngột ngạt.

Bằng những kiến thức và kinh nghiệm của những nhà chuyên môn ở các nước công nghiệp phát triển, các chuyên gia Đức đã xây dựng quy trình lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch khu nhà ở Quang Trung dựa trên các đặc điểm vị trí địa lý. Sau khi nghiên cứu các số liệu và thực tế chuyên gia Đức đã kết luận “Vùng Vinh và các vùng phụ cận chịu ảnh hưởng khắc nghiệt về nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió, hướng nắng theo quy luật của khí hậu Phơn Trường Sơn”. Chuyên gia Đức và các cán bộ kỹ thuật Việt Nam đã thống nhất và coi đây là lý thuyết cơ bản để đưa ra các giải pháp vật lý kiến trúc trong quy hoạch xây dựng thành phố. Trong quy hoạch chi tiết khu nhà ở Quang Trung chuyên gia đã rút ra kết luận là phải sắp đặt vị trí và hướng các ngôi nhà sao cho tránh được tối đa ảnh hưởng xấu của hướng gió nóng khô và tận dụng tốt hướng có lợi cho cuộc sống của mọi người dân. Từ các luận cứ khoa học, các chuyên gia đã phối hợp chặt chẽ với các kỹ sư, kiến trúc sư của Bộ Xây dựng và của tỉnh Nghệ Tĩnh đưa ra các phương án sắp đặt các ngôi nhà trong toàn khu. Trừ những ngôi nhà nằm sát các mặt đường chính còn đa phần các ngôi nhà khác đều được sắp đặt chếch 15oC so với hướng gió Lào. Vì vậy hướng gió nóng khô sẽ trượt đi không thổi trực tiếp vào hệ thống cửa của ngôi nhà. Qua thực tế nhiều năm khi mùa gió Lào về những người dân sống trong khu nhà tầng Quang Trung vẫn cảm nhận được sự dễ chịu, thông thoáng ngay cả khi chưa có điều kiện trang bị các tiện nghi như quạt điện, hay máy điều hòa nhiệt độ.

Trong kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc dân tộc đòi hỏi người kiến trúc sư thiết kế không những phải sáng tạo hình thức ngôi nhà phù hợp với từng địa phương mà còn phải biết sắp đặt ngôi nhà và thiết kế ngôi nhà như thế nào để tận dụng được các đặc điểm tốt của điều kiện khí hậu và tránh các tác động xấu. Thực tế trên khu nhà ở Quang Trung những người thiết kế quy hoạch đã vận dụng được những yếu tố đó.

Sau khi khu nhà ở đưa vào sử dụng, lần đầu tiên ở Việt Nam có khu nhà cao tầng được xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh với hệ thống hạ tầng xã hội và hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngay sau ngày đất nước vừa thống nhất. Ông Nguyễn Ðình Châu lúc đó là giám đốc Sở Xây dựng Nghệ Tĩnh phấn khởi nói “Đây là khu nhà ở được xây dựng bằng trí tuệ của các chuyên gia Đức và Việt Nam, hàm chứa kiến thức khoa học và công nghệ châu Âu”.

Bước đột phá mở đầu trong thiết kế căn hộ tập thể:

Năm 1978 tại Vinh có cuộc hội thảo về các mô hình thiết kế và xây dựng nhà ở tập thể cho cán bộ công nhân viên do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Vương Quốc Mỹ chủ trì. Tham gia hội thảo là các đại biểu của các tỉnh phía Bắc. Thời gian này chỉ có nhà ở tập thể hình thức đơn giản một tầng bằng ngân sách nhà nước. Ở Việt Nam thời kỳ bao cấp nhà nước xây dựng nhiều khu nhà tập thể 4-5 tầng cấp cho cán bộ công nhân viên, mỗi gia đình là một phòng ở, vài ba gia đình dùng chung một khu phụ gồm bếp nấu, xí, tắm, giặt. Hiện nay ở Hà Nội vẫn còn tồn tại một số khu tập thể kiểu này. Các đại biểu tham dự hội thảo đưa ra một số phương án nhà ở tập thể cho địa phương mình, song vẫn không có gì mới mà vẫn lặp lại cách làm trước đây. Thời bao cấp xây dựng bằng ngân sách nhà nước rất hạn hẹp nên các cơ sở không đề xuất hình thức căn hộ khép kín và nếu có đề xuất sẽ không bị phê duyệt. Mẫu nhà ở khu Quang Trung cũng được trình bày trong hội thảo, các căn hộ to nhất là 40 m2, nhỏ nhất là 20 m2 đều có khu phụ kèm theo tạo thành căn hộ khép kín. Nghe xong mọi người đều cho đây là bước đi mới tuy đơn giản xong mang tính mở đầu đột phá cho việc thiết kế nhà ở tập thể sau này.

Những giá trị di sản cần được bảo tồn cho các thế hệ mai sau nhằm phát huy giá trị nhân văn, hợp tác hữu nghị trong hội nhập quốc tế. Những bài học giá trị về khoa học cơ bản đã đúc rút, được ứng dụng cho các giải pháp vật lý kiến trúc, cho các công trình xây dựng, các khu đô thị tại các vùng chịu ảnh hưởng của khí hậu Phơn Trường Sơn.

Thiết nghĩ các nhà đầu tư cần xem xét giữ lại một đơn nguyên hoặc một phần của ngôi nhà quy hoạch trước đây ở vị trí thích hợp và sửa chữa lấy lại hình ảnh ban đầu như khi mới bàn giao sử dụng để trở thành “biểu tượng của tình hữu nghị Việt Đức”, nhớ lại những ngày gian khó, trách nhiệm và tình cảm cao đẹp của những chuyên gia Đức trực tiếp tham gia xây dựng thành phố Vinh.

Ngô Văn Yêm

(KHXH&NV Nghệ An)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo