Ashui.com

Wednesday
Dec 11th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Kiến trúc xã hội chủ nghĩa ở Vinh: Có là di sản và ký ức giá trị?

Kiến trúc xã hội chủ nghĩa ở Vinh: Có là di sản và ký ức giá trị?

Viết email In

Trong làn sóng xây mới các công trình kiến trúc để phục vụ nhu cầu phát triển của các thành phố, liệu chúng ta có nên coi các khu tập thể cũ là di sản? Liệu chúng ta có nên đặt giá trị hiện thời của đất đai lên trên lợi ích xã hội hay ý nghĩa lịch sử của kiến trúc?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta nhìn vào lịch sử của thành phố Vinh. Được tái thiết sau cuộc không chiến của Hoa Kỳ, Vinh là một thành phố xã hội chủ nghĩa kiểu mẫu và là trung tâm công nghiệp. Việc chậm dỡ bỏ khu tập thể, hay khu tập thể Quang Trung mang tính biểu tượng của nơi đây, là một ví dụ sinh động về sự mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và công nhận giá trị lịch sử, xã hội của các công trình kiến trúc từ thời xã hội chủ nghĩa hoặc loại bỏ dấu ấn của nó trong thành phố để ưu tiên phát triển kinh tế. Lựa chọn sau có nguy cơ xoá bỏ ký ức về những toà nhà này, bao gồm cả quá trình đồng xây dựng với sự hỗ trợ của Đông Đức (Cộng hoà Dân chủ Đức), khỏi lịch sử đô thị.


Khu tập thể Quang Trung vào năm 2011 (Ảnh: Christina Schwenkel)

Kiến trúc và quy hoạch đô thị nổi lên như một “chiến trường văn hoá” trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Những không gian tư, đặc biệt là nhà ở, là nơi cạnh tranh của công nghệ và xung đột tư tưởng giữa các nước tư bản và xã hội chủ nghĩa. Có thể thấy rõ điều này ở các quốc gia hậu thuộc địa đang tham gia vào cuộc đấu tranh chống thực dân để giành độc lập như Việt Nam. Việc chuyển giao công nghệ như một phần của quá trình phi thực dân hoá đã thay đổi môi trường xây dựng ở các thành phố trên khắp châu Phi và châu Á. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về cảnh quan xã hội và kiến trúc mà chúng tạo ra. Chẳng hạn, một nghiên cứu so sánh cho thấy, sự tương đồng nổi bật giữa khu tập thể ở Vinh và Zanzibar, nơi Cộng hoà Dân chủ Đức cũng hỗ trợ xây dựng nhà ở đô thị cho công nhân.

Là một nhà nhân học đã dành hơn hai thập kỷ nghiên cứu về ký ức đô thị và môi trường xây dựng ở Việt Nam, tôi bắt đầu quan tâm đến lịch sử các công trình kiến trúc xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là các công trình liên quan đến các dự án hợp tác thời Chiến tranh Lạnh. Qua các cuộc trò chuyện với người dân, tôi thấy một điều rõ ràng là nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ, không biết rằng lịch sử hợp tác xuyên quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các thành phố và hạ tầng trên toàn quốc. Chẳng hạn, nhiều người không biết Cộng hoà Dân chủ Đức đã hỗ trợ xây dựng lại thành phố Vinh sau chiến tranh; thậm chí một số người còn nhầm lẫn rằng khu phức hợp nhà ở mang tính biểu tượng nơi đây được Liên Xô hỗ trợ xây dựng. Tất nhiên, người dân ở Vinh nắm rõ lịch sử vì họ đã tham gia đóng góp vào việc tái thiết thành phố. Đáng chú ý, những công nhân nữ từng làm trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng có vai trò mấu chốt trong những nỗ lực này.

Họ được đặt vào trung tâm trong cuốn sách mới của tôi: Building Socialism: The Afterlife of East German Architecture in Urban Vietnam (Xây dựng xã hội chủ nghĩa: Một đời sống khác của kiến trúc Đông Đức ở đô thị Việt Nam) (Nxb Đại học Duke, năm 2020). Mối quan tâm về nỗ lực xuyên quốc gia nhằm tái thiết Vinh bắt nguồn từ mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp của tôi với Hoa Kỳ, Đức và Việt Nam - ba nhân tố chủ chốt trong lịch sử phi thường và đau thương của thành phố này. Trọng tâm nghiên cứu thực địa của tôi là khu tập thể Quang Trung, nơi tôi đã sống khoảng chín tháng ở toà C2. Mục tiêu của tôi là đào sâu lịch sử và tìm hiểu cuộc sống hằng ngày diễn ra ở mười chín toà nhà của khu tập thể vẫn đang đứng vững vào thời điểm nghiên cứu năm 2010 - 2011 (với các chuyến khảo sát thường niên cho đến năm 2022).

Các nghiên cứu về nhà tập thể ở Đông Âu thường mô tả cảnh quan ảm đạm, hoang vắng đặc trưng do cách xa đô thị và thiếu tương tác xã hội. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của tôi về khu tập thể Quang Trung lại hoàn toàn trái ngược: sự hiện diện của các không gian xã hội và cuộc sống đô thị năng động khi mọi người tái sử dụng không gian sống và môi trường xung quanh một cách sáng tạo.

Lịch sử tàn phá

Các nghiên cứu về kiến trúc thường tập trung vào hoạt động xây dựng, song ở một nơi có lịch sử chiến tranh kéo dài như Việt Nam, người ta cũng phải quan tâm đến sự phá huỷ các công trình kiến trúc. Từ năm 1964 đến 1973, Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc không kích liên tục vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng trên khắp đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Hoa Kỳ thường gọi là “Chiến tranh huỷ diệt”. Là một thành phố cảng quan trọng và là trung tâm công nghiệp, Vinh đã nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công: trong khoảng 10 năm, thành phố này đã phải hứng chịu gần 5.000 cuộc không kích, với khoảng 250.000 tấn bom mìn đã dội xuống(1).

Ngày nay, các học giả gọi các cuộc tấn công có chủ đích vào các di tích lịch sử và công trình kiến trúc đô thị là “urbicide” (diệt chủng đô thị) - không chỉ cố ý nhắm mục tiêu vào con người mà còn vào các địa điểm và công trình mang tính biểu tượng, gắn liền với bản sắc lịch sử và văn hoá, như các ngôi đền chùa linh thiêng.

Ở những cuộc không kích cuối cùng, thành phố Vinh nằm trong đống đổ nát. Chỉ còn rất ít công trình còn sót lại trên mặt đất đầy hố bom. Trong các cuộc phỏng vấn, mọi người mô tả thành phố đã bị huỷ diệt khủng khiếp, đường phố chỉ còn mảnh vụn và tro bụi. Khi đến Vinh lần đầu tiên vào năm 1973, các kiến trúc sư Đông Đức kể lại rằng thành phố giống “khung cảnh trên Mặt trăng”. Những kinh nghiệm trực tiếp về sự tàn phá do chiến tranh, cùng khả năng phi thường trong việc tái xây dựng ngành công nghiệp một cách nhanh chóng của Đức đã thúc đẩy Việt Nam tiếp cận, yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật và vật chất từ nước này để tái thiết Vinh.


Một đền thờ ở phường Vinh Tân bị tàn phá (Ảnh: Bảo tàng Nghệ An)

Khôi phục đô thị qua tình đoàn kết

Yêu cầu viện trợ từ một “nước anh em” xã hội chủ nghĩa (Bruderländer) là điều phổ biến vào thời điểm đó. Các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng chống lại thế lực phá hoại của đế quốc Mỹ, do vậy đã viện trợ quân sự và nhân đạo cho Việt Nam rất nhiều. Ví dụ, các chiến dịch đoàn kết của Đông Đức đã cung cấp nhiều viện trợ hơn bất cứ quốc gia xã hội chủ nghĩa châu Âu nào, chỉ đứng sau Liên Xô. Sau khi kết thúc chiến tranh trên không vào tháng 1/1973, các nước xã hội chủ nghĩa đã cam kết hỗ trợ số lượng lớn về tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam để tái thiết nền kinh tế bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng và mở rộng công nghiệp, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời giúp Việt Nam hội nhập vào mạng lưới thương mại xã hội chủ nghĩa.

Đến năm 1974, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt hơn 350 dự án với Liên Xô và Đông Âu, bên cạnh các dự án phát triển với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Cuba(2). Phần lớn các dự án hỗ trợ này tập trung vào hiện đại hoá các thành phố: Ba Lan hỗ trợ xây dựng lại Hải Phòng, Liên Xô hỗ trợ Thủ đô Hà Nội, trong khi Tiệp Khắc, Bulgaria và Romania lần lượt hỗ trợ ở Thanh Hoá, Thái Bình và Nam Định. Cuba chịu trách nhiệm về Quảng Bình, Cộng hoà Dân chủ Đức chịu trách nhiệm về Nghệ An. Do vậy, các thành phố bị tàn phá trở thành “chiến trường” kiến trúc trong thời kỳ chiến tranh lạnh trên toàn cầu, với lời hứa mang lại cơ sở hạ tầng hiện đại, như điện và nước cho tất cả mọi người, chứ không chỉ là đặc quyền thuộc về số ít người như dưới thời thực dân Pháp.

Ngoài việc thiết kế và quy hoạch, dự án của Đông Đức tại Nghệ An còn bao gồm cả việc tái thiết toàn diện thành phố Vinh. Những điều khoản này được đưa ra trong một thỏa thuận song phương được ký kết tại Berlin vào ngày 22/10/1973. Từ năm 1974 đến 1980, hơn 200 chuyên gia Cộng hoà Dân chủ Đức đã hợp tác chặt chẽ với một nhóm chuyên gia và chính quyền Việt Nam, những người có quyền phê duyệt các quyết định quy hoạch đô thị. Các chuyên gia Cộng hoà Dân chủ Đức là người cố vấn, họ có thể đề xuất ý kiến nhưng không có thẩm quyền quyết định. Với cam kết sâu sắc về tầm nhìn hướng đến một Việt Nam thống nhất, hoà bình và thịnh vượng, các chuyên gia nước ngoài đã cư trú tại đây trong một hoặc nhiều năm, dù phải đối mặt với điều kiện sống đầy thách thức. Cuộc sống lâu dài và làm việc sát cánh cùng người dân Vinh để thiết kế một thành phố hướng tới người dân theo tầm nhìn của các chuyên gia địa phương, đã góp phần tạo nên tinh thần đoàn kết sâu sắc - dù đôi lúc có những bất đồng - và hình thành những tình bạn cá nhân bền vững cho đến ngày nay.

Đồng quy hoạch thành phố xã hội chủ nghĩa kiểu mẫu

Để tái thiết thành phố Vinh bị tàn phá trở thành một thành phố xã hội chủ nghĩa kiểu mẫu, nhiệm vụ đầu tiên là thiết kế. Các kiến trúc sư Cộng hoà Dân chủ Đức đã mang đến một cách tiếp cận quy hoạch đô thị rất mới, khác hẳn với các hình thức đô thị hoá tự phát ở Vinh trước đây, đặc biệt là sau chiến tranh. Vào thời điểm đó, vẫn chưa có một quy hoạch tổng thể cho thành phố. Trong thiết kế của mình, các nhà quy hoạch Cộng hoà Dân chủ Đức tìm cách sắp đặt trật tự xã hội và không gian nhằm tạo ra một thành phố “đàng hoàng, to đẹp hơn” - mục tiêu được tuyên truyền vào thời điểm đó. Cách tiếp cận của họ gần giống với tư tưởng “Thành phố chức năng” lấy cảm hứng từ Le Corbusier, nguyên lý trung tâm của kiến trúc hiện đại trong thời kỳ đó. Các nhà quy hoạch Cộng hoà Dân chủ Đức đã chia thành phố thành các không gian chức năng riêng biệt, phản ánh chặt chẽ thực tiễn quy hoạch của Liên Xô, vốn lấy cảm hứng từ Hiến chương Athen của CIAM (Đại hội Quốc tế về kiến trúc hiện đại). Sự phân chia này tách biệt các khu vực khác nhau, bao gồm các khu công nghiệp, khu công cộng và hành chính, khu dân cư, đất sản xuất nông nghiệp và không gian xanh dành cho công viên và giải trí.

Một số kiến trúc sư địa phương khen ngợi mô hình thiết kế đô thị này khoa học và hợp lý, tương phản rõ rệt với việc sử dụng không gian chồng chéo, thiếu quy hoạch và ít ranh giới xác định thường thấy ở các đô thị Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ triển khai một quy hoạch hợp lý như vậy vào những năm đói kém sau chiến tranh. Thay vào đó, tính tự phát đã trở nên phổ biến. Những người di cư nghèo khổ đổ xô đến Vinh để dựng nhà tạm trong vành đai xanh, trong khi các hoạt động thị trường phi chính thức mọc lên khắp thành phố, trở thành phương thức để duy trì cuộc sống và sinh kế. Điều này xoá nhoà ranh giới và chức năng ban đầu giữa các khu vực, đồng thời cho thấy những cách tiếp cận chính thức về quy hoạch không hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực văn hoá và kinh tế của Việt Nam.

Nhiệm vụ thứ hai là tái thiết môi trường xây dựng. Đây là một trọng trách bởi thành phố bị tàn phá và thiếu các nguồn lực sẵn có, ngoại trừ sức lao động của con người. Hầu hết vật tư và thiết bị xây dựng phải nhập khẩu từ Đông Đức. Ngoài ra, các nhà quy hoạch đô thị phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về cách xây dựng lại thành phố. Một lực lượng lao động, chủ yếu là nữ đã cần mẫn dọn dẹp đống đổ nát, lấp đầy các miệng hố và tạo ra một cảnh quan bằng phẳng. Khi đó, mới có thể xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị mới với đường điện nước hiện đại, đường sá rộng rãi, nhà trẻ và trường học, chợ, nhà máy, công viên và khu nhà tập thể cho công nhân và gia đình họ - giống như ở châu Âu xã hội chủ nghĩa.


Xây mới và mở rộng đường trong thành phố Vinh


Những khoảng xanh giữa các khối nhà (Ảnh chụp năm 2019 - Christina Schwenkel)


Cơi nới các căn hộ (Ảnh chụp năm 2011 - Christina Schwenkel)

Đồng xây dựng

Trong lịch sử, tại các thành phố trên khắp thế giới bị tàn phá nặng nề do ném bom, việc xây dựng các khu nhà tập thể tiêu chuẩn làm nơi cư trú cho những người di tản luôn được ưu tiên. Vinh cũng không ngoại lệ, người dân nơi đây bị mất nhà cửa do không chiến và rất cần nhà ở. Và rồi, dự án hợp tác tham vọng nhất được triển khai vào thời điểm đó là xây dựng khu tập thể Quang Trung. Được xây dựng như một tiểu khu (microrayon), với các căn hộ khép kín dành cho một gia đình và dịch vụ công cộng tại chỗ, khu tập thể Quang Trung là khu tập thể đầu tiên và lớn nhất ở Vinh, nếu không muốn nói là toàn bộ Việt Nam. Dù có vẻ ngoài tương tự các khu phức hợp ở Đông Âu và Liên Xô, các toà nhà ở khu tập thể Quang Trung vẫn có một số điểm khác biệt đáng kể. Chẳng hạn, người ta dùng gạch - một kỹ thuật xây dựng thủ công và truyền thống - để xây dựng các toà nhà này, thay vì dùng các tấm kết cấu (pa-nen) hoặc khối bê tông đúc sẵn (lắp ghép).

Khu tập thể Quang Trung có quy mô khác biệt so với các khu tập thể đang được xây dựng ở Hà Nội lúc bấy giờ. Thiết kế gốc khá ấn tượng với một thành phố nhỏ như Vinh: các nhà quy hoạch đề xuất 36 toà nhà trong năm khu vực liền kề (A - E) cho 15.000 công dân “ưu tiên” cần nhà ở. Tuy nhiên, kế hoạch này quá tham vọng. Đến cuối năm 1980, dự án khép lại với 22 toà nhà ở khu A, B, C, và một toà ở khu D. Tổng cộng có 1.500 căn hộ được phân bổ cho khoảng 9.000 người. Trong quá trình nghiên cứu thực địa, khi tôi cư trú ở đây, tất cả các căn hộ đều có người ở. Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy, hơn hai phần ba cư dân ban đầu (và các thế hệ con cháu của họ) tiếp tục sống trong khu tập thể, tất cả đều đã nghỉ hưu. Điều này có vẻ khác với Hà Nội, cư dân ở các khu tập thể tại Hà Nội luân chuyển nhiều hơn; nó cũng khác với các khu nhà bỏ hoang tại các thành phố đang dần “thu hẹp” ở Đông Đức cũ, nơi nhà ở từ thời xã hội chủ nghĩa không còn được ưa chuộng (và thường được dùng làm nhà ở cho những người xin tị nạn).

Là công trình kiến trúc năm tầng đầu tiên ở thành phố Vinh, khu tập thể Quang Trung nhanh chóng trở thành nhà ở xã hội chủ nghĩa kiểu mẫu ở Nghệ An và cả nước Việt Nam mới thống nhất. Các kiến trúc sư lớn tuổi đến nay vẫn còn nhớ một thành phố nghèo như Vinh đã vươn lên trở thành trung tâm đô thị hiện đại nhất cả nước như thế nào(3). Đây là những căn hộ dành cho một gia đình đầu tiên ở Vinh với các tiện nghi hiện đại, chẳng hạn như hệ thống ống nước trong nhà và bếp. Trước đó, các tiện nghi tập thể thường xuất hiện trong cấu trúc nhà cấp bốn một tầng. Khu tập thể Quang Trung sở hữu các tiện nghi tại chỗ thuận tiện giống như ở Đông Đức, bao gồm trung tâm thương mại, nhà trẻ, trường tiểu học, nhà văn hoá thanh niên, rạp chiếu phim và nhiều không gian xanh cho các hoạt động giải trí, gồm một sân vận động mới gần đó. Báo chí ca ngợi sự “sang trọng” của các toà nhà, dù ban đầu chưa có nước và điện do chiến tranh vẫn đang diễn ra. Có thể thấy sự chênh lệch giữa hình dung “lý tưởng” về một thành phố kiểu mẫu và thực tế khắc nghiệt về những thiếu thốn sau chiến tranh.

Kiến trúc sinh thái nhiệt đới

Bất chấp những thách thức này, khu tập thể Quang Trung đã được quốc gia công nhận có thiết kế kiến trúc bền vững và kỹ thuật xây dựng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại nhiệt đới - tìm cách bản địa hoá các công trình kiến trúc để phù hợp với khí hậu địa phương. Dự án thành công một phần là nhờ các chuyên gia Cộng hoà Dân chủ Đức đã ưu tiên kết hợp kiến thức địa phương với mối quan tâm về kiến trúc nhiệt đới và thiết kế xanh để tìm kiếm những giải pháp nhạy cảm văn hoá (nhận thức và tôn trọng các nền văn hoá khác) trước những thách thức khí hậu nổi tiếng của Vinh. Chẳng hạn, do cơ sở hạ tầng thiếu thốn, các nhà quy hoạch buộc phải tận dụng các nguồn lực tự nhiên để giải quyết vấn đề nhiệt độ, khác với thông lệ kiến trúc truyền thống ở Việt Nam. Đơn cử, họ thiết kế khuôn viên khu tập thể ở góc 23 độ, nhằm thúc đẩy luồng không khí mát hơn đi qua và vòng quanh các toà nhà. Một số cư dân biết rằng đây là một nỗ lực nhằm tuân theo các nguyên tắc phong thuỷ. Các dãy nhà có hành lang bên ngoài gần lối vào phía trước cũng giúp thông gió theo chiều ngang và chiếu sáng tự nhiên. Thực vật và cây cối bản địa tạo bóng mát cho các toà nhà nằm cách đều nhau, giúp giảm nhiệt độ hiệu quả.

Những cư dân lớn tuổi mà tôi phỏng vấn đã ca ngợi thiết kế sinh thái của khu phức hợp, họ cho rằng nó đã tạo ra môi trường sống lành mạnh và thích ứng với khí hậu hơn. Trái ngược với sự ngột ngạt của những toà nhà mới thường thiếu không gian xanh, họ khen ngợi những căn hộ cũ ở nơi đây rất thoáng mát. Bất chấp tình trạng xuống cấp, một số người dân vẫn muốn sống trong những công trình bền vững và quan tâm đến sinh thái do Cộng hoà Dân chủ Đức xây dựng, hơn là những chung cư cao tầng mới mà họ cho là có chất lượng xây dựng kém hơn (và cần điều hoà không khí tốn kém).

Những mâu thuẫn kiến trúc

Mặc dù đã nỗ lực hết sức để kết hợp các tập quán văn hoá địa phương và kiến thức vào quy hoạch tổng thể, vẫn có những ý kiến trái chiều. Ví dụ, chính quyền thành phố đã phân bổ các căn hộ [được thiết kế cho] một gia đình cho nhiều hộ gia đình do tình trạng thiếu nhà ở. Phần lớn trong số họ là người di cư từ nông thôn, lo ngại các toà nhà không tương thích với lối sống của họ. Dù được quảng cáo là phong cách hiện đại, nhưng không phải ai cũng thích sống trong một toà nhà cao tầng - thường ồn ào và đông đúc, phải leo nhiều tầng cầu thang. Thay vào đó, nhiều người thích nhà một tầng có khu vực ngoài trời để làm vườn, tương tự những ngôi làng mà họ đã sống từ nhỏ.

Một số cư dân cũng chỉ trích thiết kế không gian của các căn hộ không phù hợp với phong thuỷ, khác với thiết kế sinh thái bên ngoài của khu tập thể. Ví dụ, phòng tắm được đặt ở phía trước của ngôi nhà, bên cạnh lối vào, thay vì ở phía sau. Họ cũng khó tìm được vị trí thích hợp để bày bàn thờ gia tiên. Các kiến trúc sư Cộng hoà Dân chủ Đức nhận thức được những cảm xúc mâu thuẫn này về các toà nhà. Trong các cuộc phỏng vấn, họ giải thích rằng nhu cầu cấp thiết về nhà ở phổ thông vào thời điểm đó được ưu tiên hơn các sở thích văn hoá địa phương.

Để khắc phục vấn đề này, người dân trong khu tập thể đã sửa sang lại căn hộ để phù hợp hơn với mong muốn và nhu cầu cá nhân, và họ vẫn tiếp tục làm vậy cho đến ngày nay. Điều này cho thấy, sự đa dạng của các toà nhà và kiến trúc xã hội chủ nghĩa trên phạm vi rộng hơn, bất chấp sự phê phán từng thịnh hành về tính đồng nhất của chúng. “Cơi nới” có lẽ là ví dụ nổi tiếng và sáng tạo nhất về cách mọi người đã thay đổi và mở rộng không gian sống của họ. Cơi nới ở khu tập thể Quang Trung là những bổ sung kiến trúc độc đáo, khác với cơi nới ở Hà Nội - thường nhỏ hơn nhưng có mục đích tương tự. Theo thời gian, cơi nới ngày càng trở nên lớn hơn - một số trường hợp kéo dài tới ba phòng. Cư dân tại khu tập thể Quang Trung cũng thiết kế lại nội thất căn hộ sao cho hài hoà hơn với quan niệm phong thuỷ. Ví dụ, họ di chuyển cửa phòng tắm cách xa nơi thờ cúng, đặt đối diện với ban công phía sau và hướng ra nhà bếp.


Toà nhà cao tầng mới thay thế cho khu C của khu Quang Trung (Ảnh: Christina Schwenkel)

Tương lai của khu tập thể

Trong bức tranh 3D (diorama) “Chung sống trên thiên đường” từ năm 2011, hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đã thể hiện đặc trưng dân dã của các dãy nhà ở Việt Nam - anh thường gọi là làng thẳng đứng. Tác phẩm nhấn mạnh mọi người đã cố gắng cải thiện điều kiện sống theo những cách khéo léo như thế nào, tương tự những gì tôi quan sát thấy ở khu tập thể Quang Trung. Đồng thời, tác phẩm cho thấy mối liên hệ sâu sắc giữa các cư dân, những người đã sống cạnh nhau trong nhiều năm, nuôi dưỡng ý thức cộng đồng mạnh mẽ. Du khách đến khu tập thể Quang Trung đã chứng kiến kết cấu xã hội sống động định hình cuộc sống hằng ngày của cộng đồng. Không hề có cảm giác xa cách, mà là sự tương tác năng động. Cư dân ở mọi lứa tuổi, già trẻ, lớn bé sử dụng tất cả không gian của nơi đây. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi việc mất đi nơi này và những ký ức gắn liền với nó là một trong những mối quan tâm hàng đầu về tái phát triển đô thị.

Đến giữa những năm 1990, khu tập thể Quang Trung không còn là biểu tượng của sự tiến bộ và niềm tự hào của thành phố. Do khí hậu khắc nghiệt và không được bảo trì, các toà nhà bị xuống cấp nhanh hơn dự kiến - tôi gọi đó là trường hợp “lỗi thời ngoài ý muốn”. Vì các toà nhà nằm ở khu đất vàng thuộc trung tâm thành phố, các nhà phát triển dự án rất muốn phá dỡ và xây dựng lại từ đầu. Trong một khoảng thời gian ngắn, khu tập thể Quang Trung đã chuyển từ “hiện đại” thành “không còn hiện đại”. Lối sống mới khiến những toà nhà có vẻ lỗi thời, còn những căn hộ thì quá lạc hậu. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu của tôi, hầu hết cư dân gốc (thế hệ cũ) tranh luận về việc cải tạo các toà nhà, thay vì loại bỏ chúng khỏi thành phố - và khỏi ký ức đô thị. Có người còn vận động bảo tồn những dãy nhà này như di sản đô thị nhằm khẳng định về lịch sử đoàn kết thời kỳ Chiến tranh Lạnh, được đánh dấu bằng biểu tượng “VĐ” cho tình đoàn kết Việt - Đức phía trên mỗi lối lên cầu thang, sẽ không bị lãng quên.

Liệu có thể bảo tồn một phần - một toà nhà hoặc module hoặc thậm chí là một căn hộ - của khu tập thể nổi tiếng một thời ở Vinh như một di sản? Đây là một tiêu đề trên Báo Nghệ An vào năm 2020 khi đại dịch bắt đầu(4). Những người hàng xóm của tôi ở các toà nhà liền kề cũng đề xuất điều này trong quá trình tôi đi thực địa, sau khi tỉnh thông báo kế hoạch tái phát triển. “Vấn đề không phải là giá trị sử dụng, mà là giá trị của nó đối với con người”, một trong những người cung cấp thông tin cho chúng tôi đã viết vào năm 2016, trong một lời kêu gọi đầy cảm xúc về việc bảo tồn khu tập thể Quang Trung, sau cuộc triển lãm về khu tập thể tại L’Espace, nơi đã khơi dậy những cuộc thảo luận tương tự ở Hà Nội về số phận của khu tập thể mang tính biểu tượng hơn như Kim Liên(5). Trong đó, nhà xã hội học Trịnh Duy Luân đã đề xuất nhằm hướng đến một tương lai toàn diện và bền vững hơn: Tại sao không sử dụng khu tập thể làm trung tâm cho các hoạt động văn hoá, giống như các kiến trúc sư đã thuyết phục sử dụng di sản công nghiệp cho mục đích công cộng? Tương tự, khu tập thể nằm ở những mảnh đất lớn quanh nội thành, thường liền kề các nhà máy. Tư nhân có thể khai thác những không gian công cộng xanh và rộng lớn ở trong và xung quanh khu tập thể một cách phù hợp với khái niệm thành phố sáng tạo của UNESCO và quy hoạch tổng thể của Hà Nội(6).

Việc công nhận khu tập thể là “di sản” đáng được bảo tồn lâu dài rất khó xảy ra, nhưng các cuộc thảo luận sôi nổi về tương lai của Vinh và Hà Nội với tư cách một thành phố sáng tạo cho thấy sự quan tâm của công chúng, những người đã tích cực đưa ra các đề xuất về không gian công cộng và hàng hoá công trong thành phố. Nhưng có thể, người ta sẽ tiếp tục ưu tiên giá trị đầu cơ của đất đai hơn lợi ích xã hội hay ý nghĩa lịch sử của kiến trúc xã hội chủ nghĩa, bất chấp sự phong phú của các nguồn tài nguyên tập thể và sáng tạo, cũng như những ký ức mà những công trình này lưu giữ cho tương lai và cho các thế hệ sau.

Christina Schwenkel(*)
Thanh An - Hoàng Anh (dịch)

(*) PGS.TS. Christina Schwenkel, Đại học California, Riverside, USA, tác giả cuốn sách Building Socialism: The Afterlife of East German Architecture in Urban Vietnam, Nxb Đại học Duke, 2020.


PGS.TS. Christina Schwenkel phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 tái thiết thành phố Vinh (1/5/1974-2024) sáng ngày 28/4 tại Nhà văn hoá thiếu nhi Việt Đức, TP Vinh. (Ảnh: Lê Việt Hà /VinhNay.com)

Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Xuân Cần và Bùi Đình Sâm (2003), Lịch sử thành phố Vinh, 1945 - 1975, Pg. 217.
2. Lưu trữ Quốc gia số III, Uỷ ban Kế hoạch nhà nước 1955 - 1978, File 5578.
3. Ngô Văn Yêm (2016), “Nhân triển lãm “Thay hình đổi mặt” về các khu nhà tập thể ở Hà Nội: Suy nghĩ về khu nhà ở Quang Trung, Vinh”. Kiến trúc Quy hoạch 12:8-11.
4. Written by Vinh historian, Phạm Xuân Cần: https://e.baonghean.vn/co-the-bao-ton-mot-phan-khu-chung-cu-quang-trung/
5. Ngô Văn Yêm (2016), “Nhân triển lãm “Thay hình đổi mặt” về các khu nhà tập thể ở Hà Nội: Suy nghĩ về khu nhà ở Quang Trung, Vinh.” Kiến trúc Quy hoạch 12:8-11.
6. Trịnh Duy Luân (2021), “Bảo tồn di sản khu tập thể Quang Trung, TP. Vinh - Tại sao không?” Tạp chí Kiến trúc 11: 80 - 81.

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo