Theo kế hoạch, sau năm 2030, TPHCM sẽ hình thành các đô thị mới ở ngoại thành theo mô hình TP đa trung tâm. Trong đó hình thành đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị quận 7 - Nhà Bè, và đô thị sinh thái biển Cần Giờ.
(Ảnh minh họa)
Tương lai của các đô thị vệ tinh
Theo quy hoạch, TPHCM sẽ là đô thị đặc biệt với một khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc, gồm TP Thủ Đức (đô thị loại I) và 5 đô thị vệ tinh là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ. TPHCM sẽ sử dụng phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện với toàn bộ ranh giới hành chính của 5 huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ.
Định hướng phát triển trọng tâm của vùng liên huyện theo hướng phát triển nhanh và bền vững; đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại; khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ môi trường thiên nhiên và bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa, cách mạng; phù hợp với cấu trúc không gian đa trung tâm.
Vùng liên huyện có động lực phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên các ngành công nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản sinh thái hữu cơ và áp dụng công nghệ cao; các ngành thương mại - dịch vụ; kinh tế biển, công nghiệp và nông nghiệp tiên tiến và công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao.
Sắp xếp, tổ chức lại không gian hệ thống đô thị, nông thôn trên cơ sở hình thành các đô thị vệ tinh phù hợp với điều kiện của từng thời kỳ quy hoạch; tăng cường liên kết vùng; đảm bảo đô thị hóa có kiểm soát, cân bằng về phát triển kinh tế - xã hội, quản lý, sử dụng đất và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, “hình hài” của huyện Củ Chi sau năm 2030 sẽ là khu vực đô thị hóa ở phía Bắc TPHCM với định hướng là trung tâm công nghiệp, khu công nghệ cao, phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nông nghiệp sinh thái, hữu cơ. Đồng thời là khu đô thị sinh thái, thương mại và dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, đào tạo, chăm sóc sức khỏe; bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa - cách mạng, khu viện trường.
Tương tự, huyện Hóc Môn là khu vực đô thị hóa ở phía Bắc của khu vực đô thị trung tâm với định hướng phát triển khu đô thị đại học quốc tế, thương mại dịch vụ, đào tạo chuyên nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, logistics, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao.
Huyện Bình Chánh là khu vực đô thị hóa phía Tây của khu vực đô thị trung tâm với định hướng là trung tâm công nghiệp, trung tâm y tế và chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo, thương mại và dịch vụ, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao.
"Quy hoạch đã có, việc của TPHCM là làm sao để huy động sức mạnh tổng hợp của người dân, doanh nghiệp, bạn bè, đối tác quốc tế. Muốn vậy phải có chiến lược phát triển phù hợp, kết hợp xu thế thời đại với sức mạnh dân tộc."-Thủ tướng Phạm Minh Chính |
Trong khi đó, huyện Nhà Bè là khu vực đô thị hóa phía Nam của khu vực đô thị trung tâm với định hướng phát triển cảng biển và đô thị cảng, logistics, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm hội chợ - triển lãm, văn hóa - giải trí, thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, khu đại học tập trung, khu y tế kỹ thuật cao, du lịch sinh thái.
Huyện Cần Giờ là khu vực đô thị hóa phía Nam của TPHCM, với các định hướng phát triển quan trọng như xây dựng Cần Giờ trở thành trung tâm phát triển kinh tế biển trên cơ sở xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phục vụ cho khu vực Đông Nam Á, vùng Đông Nam bộ, vùng TPHCM và cả nước. Khai thác, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới ngoài khơi; bảo vệ, phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ; xây dựng Cần Giờ trở thành khu vực trọng điểm du lịch sinh thái của vùng Đông Nam bộ và vùng TPHCM.
Cơ hội phát triển đô thị mở
Tại hội nghị công bố Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh việc phát triển cấu trúc không gian đa trung tâm của TPHCM với TP Thủ Đức giữ vai trò cực tăng trưởng mới, phát triển 5 huyện ngoại thành thành hệ sinh thái “làng trong phố, phố trong làng” rất mới, rất hay và bản sắc.
Thủ tướng cũng hài lòng với quy hoạch TPHCM, vì đây là quy hoạch có đầu tư công sức, trí tuệ, phát huy vai trò đầu tàu, giá trị biểu tượng luôn luôn đi đầu trong đổi mới, thể hiện rõ tầm nhìn xa trông rộng, tư duy đổi mới, quyết tâm rất lớn.
Cũng tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, cho rằng thời gian tới TPHCM sẽ thực hiện một cách chặt chẽ, đảm bảo khoa học, linh hoạt, phù hợp với quy hoạch tổng thể, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển TP, gắn với liên kết phát triển vùng, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực.
“TPHCM sẽ tập trung khơi thông, tháo gỡ những vướng mắc để phát huy nguồn lực đất đai, xây dựng hạ tầng, tạo động lực mới để TP bứt phá. TP sẽ phát huy mạnh mẽ Nghị quyết 98 mà Quốc hội đã ban hành, trên tinh thần của Bộ Chính trị đã giao, tiếp tục ban hành các cơ chế vượt trội để thu hút nguồn lực, tăng đầu tư xã hội, tăng hiệu quả đầu tư phục vụ cho phát triển TP theo quy hoạch”- Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Các chuyên gia nhận định, việc 5 huyện ngoại thành phát triển lên đô thị vệ tinh, sau đó lên TP đa trung tâm sẽ mang lại cơ hội phát triển những mảng, lĩnh vực, vấn đề mà TPHCM đang cần. Việc phát triển từ một đô thị đơn cực thành đô thị đa cực sẽ giúp một đại đô thị như TPHCM sẽ có hướng phát triển “mở” hơn, nhiều vấn đề lâu nay như kẹt xe, nhu cầu nhà ở… sẽ được cải thiện do mọi hoạt động không quá tập trung vào khu vực trung tâm.
Hiện nay, phần lớn quỹ đất ở vùng ngoại ô vẫn bỏ trống, không khai phá được giá trị tối đa. Khi thành lập TP vệ tinh sẽ thu hút sự phát triển, hình thành hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo nên một cấu trúc hoàn chỉnh, từ đó sẽ thu hút nhà đầu tư, giảm áp lực tập trung của TPHCM, khai thác giá trị tối đa quỹ đất hiện có của các khu vực.
Những huyện ngoại thành có thể kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội, cho phép TPHCM tối ưu thu hồi đất, phát triển dự án kèm theo đó là chuyển đổi quyền sử dụng đất đai như một nguồn vốn để bổ sung…
Đây là những đóng góp rất rõ khi phát triển 5 huyện thành đô thị vệ tinh. Song song với đó là vai trò của TPHCM trong vùng Đông Nam bộ, nếu muốn thu hút được đầu tư phát triển cho TPHCM thì 5 huyện này phải có kế hoạch phát triển chiến lược, đảm bảo thu hút dịch chuyển dân cư. Từ đó đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP 2 con số của TPHCM.
Đỗ Trà Giang
(SGGP)
- Đô thị sinh thái và tiềm năng phát triển tại Việt Nam
- Đô thị xanh - động lực phát triển Thủ đô
- Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với nhiều điểm mới quan trọng
- Phát triển đô thị bền vững: Định rõ một hành lang pháp lý thống nhất
- Phát triển nhà ở khu vực ngoài đô thị: Cơ hội và thách thức cho Kon Tum