Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Đô thị & Quy hoạch đô thị - Tư duy và tiếp cận

Đô thị & Quy hoạch đô thị - Tư duy và tiếp cận

Viết email In

Đất nước ta đang trải qua tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa với quy mô chưa từng thấy trong lịch sử. Các thành phố trở thành tâm điểm của công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, đồng thời cũng là tâm điểm của những rắc rối về môi trường, cơ sở hạ tầng, nhà ở và phúc lợi xã hội… Đô thị không chỉ là tập hợp của những ngôi nhà và những con đường. Quan trọng hơn, đô thị là nơi tập hợp của những con người tương tác với nhau trong một môi trường đông đúc và chật hẹp.


TP.HCM - Công trường dự án Vincom về đêm (ảnh : Bachy-Soletanche)

Vượt xa cái ngưỡng của một cảm giác, một kinh nghiệm cá nhân về không gian sống, đô thị bao gồm cả không gian vật chất là các công trình kiến trúc, hệ thống cơ sở hạ tầng và không gian xã hội là con người. Đô thị là hình thức định cư kinh tế nhất, xuất hiện trong lịch sử phát triển của loài người. Nó phản ánh một cách tổng hợp quá trình và trình độ phát triển của xã hội , là nơi tích lũy của cải, tạo dựng văn hóa và nuôi dưỡng những ý tưởng mới, nhằm thay đổi cuộc sống cả nhân loại. Do đó, nghiên cứu đô thị cũng là nghiên cứu xã hội đương đại, tìm hiểu cách thức mà chúng ta đã, đang và sẽ tồn tại. Sự phức tạp của mọi nghiên cứu về đô thị là bởi con người vừa là tác nhân, vừa là đối tượng sử dụng đô thị như một môi trường sống.

Đô thị là sản phẩm của giao thông và hình thức định cư kinh tế nhất

Nếu ở tầm vĩ mô, qui mô dân số đô thị phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp thì đối với từng thành phố, qui mô của chúng phụ thuộc rất nhiều vào năng lực giao thông của toàn đô thị và của từng cá nhân. Các thành phố thời kỳ tiền công nghiệp tại phương Tây đều có quy mô nhỏ gắn liền với phương thức giao thông chủ yếu là đi bộ và đi ngựa. Tàu điện và xe lửa đã giúp mở rộng rất nhiều các đô thị thời kỳ công nghiệp hóa vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Và cuối cùng xe hơi, phương tiện giao thông cá nhân đầu tiên có ảnh hưởng tới hình thái đô thị, đã làm thay đổi hoàn toàn định nghĩa về đô thị tại phương Tây: mật độ thấp hơn và phân tán bất quy tắc hơn.


Đường Láng - Hoà Lạc (Hà Nội)

Ở Việt Nam, nơi mà hạ tầng giao thông và giao thông công cộng thấp kém và được phát triển sau sự bùng nổ của giao thông cá nhân (ngược lại với thế giới), nơi mà phương tiện giao thông chủ yếu trong đô thị là xe máy thì việc mở rộng các thành phố, giãn dân và giảm mật độ nội đô gặp nhiều khó khăn là điều dễ hiểu. Giao thông chính là một lý do cơ bản để con người lựa chọn sống trong môi trường mật độ cao của đô thị: đô thị là nơi con người sống tập trung để cùng nhau sản xuất và tiêu thụ với chi phí giao thông thấp nhất. Đô thị chính là hình thức định cư kinh tế nhất. Thường thì quy mô đô thị càng lớn thì nền kinh tế càng ổn định và triển vọng phát triển càng lớn do càng ít phụ thuộc vào lực lượng sản xuất bên ngoài và có sự đa dạng về dịch vụ và sản xuất.

Cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, tại Việt Nam, hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP. HCM là hai đô thị dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế và quy mô dân số. Điều này được lý giải thông qua mô hình tính kinh tế của quy mô (tạm dịch khái niệm: economies of scale): sự giảm chi phí sản xuất khi gia tăng sản lượng và quy mô sản xuất. Tuy nhiên tới một quy mô nào đó thì tính hiệu quả lại bắt đầu giảm.

Một đô thị quá lớn sẽ phát sinh những vấn đề về ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, bệnh dịch… và làm giảm tính hiệu quả kinh tế và chất lượng cuộc sống. Điều này lý giải tại sao ở nhiều quốc gia phát triển, các thành phố quy mô trung bình (khoảng 1 triệu dân) thường đạt được môi trường sống tốt nhất. Trong thực tế, các chi phí phát sinh do quy mô quá lớn của một đô thị thường là các chi phí xã hội (social costs) vốn khó đánh giá theo giá trị thị trường và khó được nhận thức cụ thể bởi người dân như thiệt hại do ô nhiễm hay tắc đường.


Quảng trường Nhà thờ Đức Bà - TP.HCM

Quy hoạch đô thị

Trong số nhiều lĩnh vực nghiên cứu đô thị, quy hoạch đô thị là một ngành có tính thực hành và công cụ mạnh mẽ, nhằm định hướng phát triển các thành phố và đề ra giải pháp cho các vấn nạn đô thị. Là một lĩnh vực mà định nghĩa và trách nhiệm nghề nghiệp quá lớn nhưng lại mập mờ và không thể định nghĩa cụ thể, cách hiểu về quy hoạch và sản phẩm quy hoạch có sự khác biệt ít nhiều giữa các quốc gia, nhất là giữa Việt Nam và phần còn lại của thế giới.

Peter Hall – nhà địa lý đồng thời là nhà quy hoạch đô thị vĩ đại người Anh – cho rằng: “Quy hoạch là một hoạt động nhằm tạo ra một chuỗi có trật tự các hành động dẫn dắt tới sự thực hiện một hay nhiều mục tiêu đã dự kiến”. Ngày nay, quy hoạch được vận dụng vào rất nhiều các hoạt động của con người và có tầm quan trọng trong hầu hết mọi lĩnh vực. Chính sự vận dụng của quy hoạch vào đô thị để giải quyết các vấn đề phát triển đô thị là bước đầu cho việc hình thành khái niệm về quy hoạch đô thị (town planning, city planning, urban planning).

Loại hình quy hoạch đặc thù này hướng đến yếu tố không gian hay địa lý (spatial or geographical component), để đạt mục tiêu chung là cung ứng một cấu trúc không gian cho các hoạt động (hoặc cho việc sử dụng đất) (spatial structure of activities (or of land uses)). Trong trường phái Anh – Mỹ, quy hoạch đô thị gọi là quy hoạch vật thể (physical planning) hay chính xác hơn là quy hoạch không gian (spatial planning). Theo nghiên cứu của giáo sư Trương Quang Thao, quy hoạch không gian, tức là quy hoạch đô thị và quy hoạch vùng, khai thác và vận dụng các yếu tố về địa lý nhân văn (human geography) để đề xuất nhiệm vụ cho hành động, nhằm đạt tới các mục tiêu của quy hoạch không gian.

  • Ảnh bên : TP. Dubai về đêm

Quy hoạch tốt giúp tạo ra những cộng đồng vĩ đại trong đó mọi người có nhiều lựa chọn tốt về cách và nơi mà họ muốn sống.

Quy hoạch giúp các thành viên của mỗi cộng đồng tham gia vào việc định hướng phát triển của cộng đồng đó và giúp họ tìm thấy một sự cân bằng giữa sự phát triển (đô thị) với việc cung cấp các dịch vụ cơ bản, bảo vệ môi trường và những biến đổi trong khoa học và công nghệ. (Theo American Planning Association, www.planning.org).

Ở Việt Nam, khái niệm quy hoạch đô thị thực chất là khái niệm về Quy hoạch xây dựng đô thị. Đây là việc tổ chức hoặc định hướng tổ chức không gian vùng, không gian đô thị và điểm dân cư, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ. Nó cùng là việc làm nhằm đảm bảo kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng, đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường (theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, phần về quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành).

Cách hiểu này, theo giáo sư Trương Quang Thao trong cuốn “Đô thị học – Những khái niệm mở đầu” (NXB Xây dựng, 2003) được “di truyền” từ cách hiểu của các nhà quy hoạch đô thị Xô Viết. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ và nước Nga chuyển sang cơ chế thị trường thì các yếu tố “kế hoạch” của xây dựng và cải tạo đô thị được trả lại cho quy hoạch. Do vậy, công tác quy hoạch đô thị được gọi bằng thuật ngữ gradoxtroitelnoye planirovanie (urban planning), còn planirovka được sử dụng với nghĩa hẹp hơn là quy hoạch vật thể (Physical planning). Trong tác phẩm Urban and Regional Planning, Peter Hall đã chỉ rõ một yếu tố khác khá quan trọng trong giáo dục quy hoạch nhưng không nằm trong khối lượng của các khoa học xã hội đó là phương pháp quy hoạch (planning methods), tức là cách thức con người đảm trách công việc kiểm soát đối với môi trường không gian, môi trường xã hội và vận hành cả hai, nhằm phục vụ cho các mục tiêu họ xác định nên.


Phố Tràng Tiền, Hà Nội (nguồn: hpgrumpe.de)

Ở nước ta, cách tiếp cận của quy hoạch Xô Viết ở nhiều góc độ lại là sự củng cố phương pháp quy hoạch thiên về kiến trúc do người Pháp để lại: nhấn mạnh các thiết kế chính thống, nghiêm túc, xác định hình thái và diện mạo lâu dài và ổn định cho đô thị. Phương pháp này có thể dễ dàng thực thi trong điều kiện kinh tế kế hoạch tập trung, khi mà nhà nước là chủ đầu tư, là đơn vị thi công, là cơ quan phân phối nhà…

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường, khi các bản quy hoạch được lập dựa trên phương pháp này được thông qua và áp dụng thì chúng rất thụ động, không đáp ứng được những biến đổi liên tục của thị trường bất động sản, nhất là tại các thành phố phát triển nhanh như Hà Nội và TP HCM.

Nhìn lại tiến trình phát triển của lịch sử quy hoạch đô thị, xu hướng quy hoạch ở phương Tây trong thời gian đầu cũng mang nặng tính thiết kế xây dựng. Tuy nhiên, đến khoảng những năm 1960, trước những đòi hỏi ngày càng phức tạp và đa dạng của phát triển đô thị khiến cho ngành quy hoạch tách rời kiến trúc và tiến lại gần khoa học xã hội. Sản phẩm của quy hoạch đô thị trở thành những bản đồ hoặc sơ đồ định hướng và những kèm theo đó là những thuyết minh thay vì đưa ra những bản vẽ thiết kế cụ thể chi tiết nhưng không có tính thực tiễn cao.

Tuy nhiên, bất chấp những thay đổi trong nền quy hoạch phương Tây và cả tại Nga, quy hoạch Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng rất nhiều của các nhà quy hoạch Xô Viết và vẫn đi theo các phương pháp lỗi thời. Các bản quy hoạch đô thị ít nghiên cứu về hiện trạng và hạn chế về khả năng dự báo tương lai. Ngoài ra, phương pháp quy hoạch hiện nay tách rời các lĩnh vực chuyên môn vốn gắn kết với nhau như quy hoạch giao thông và quy hoạch sử dụng đất là một hiện tượng điển hình. Việc dự báo lưu lượng giao thông để từ đó đưa ra quy mô hệ thống giao thông phù hợp chưa được coi trọng, đó là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hàng loạt nguyên nhân khác làm cho tình trạng giao thông ở nhiều thành phố lớn của nước ta yếu kém như hiện nay. Tiếp theo đó là sự quản lý không minh bạch và còn nhiều yếu kém của bộ máy chính quyền, đô thị phát triển tràn lan không kiểm soát, đất nông nghiệp liên tục bị chuyển đổi nhằm mục đích chiếm dụng đất trong khi chủ đầu tư không có năng lực tài chính để thực hiện dự án.

  • Ảnh bên : Khu đô thị Linh Đàm (ảnh : Ashui.com) 

Chúng ta đều đồng ý rằng quy hoạch là một ngành khoa học dự báo, hoạch định sự phát triển, tạo cơ sở để các dự án cụ thể đi vào thực tiễn thế nhưng phương pháp thực hành và đào tạo của chúng ta đều quá nặng thể hiện mà thiếu hẳn những phân tích chính sách, xã hội và kinh tế. Một ví dụ điển hình về ngành đào tạo quy hoạch ở nước ta hiện nay, thay vì rèn luyện những môn học cần thiết như toán thống kê, kinh tế học, xã hội học, chính sách công… hướng duy nhất mà sinh viên được tiếp cận chủ yếu là “vẽ” đồ án thiết kế với đề bài có sẵn, nhưng lại thiếu tính khoa học và định hướng. Chúng ta giành nhiều thời gian vào học cách thể hiện bản vẽ, trong khi những công cụ quan trọng và gần như là bắt buộc trong quy hoạch hiện đại là Excel hay GIS và công nghệ viễn thám (remote sensing) thì sinh viên hầu như chưa có khái niệm.

Quy hoạch cũng nhằm định hướng và kích thích đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng. Chức năng kiến trúc chỉ là một chức năng vật thể trong cả quá trình thực hiện quy hoạch đa chức năng với sự tham gia của nhiều ngành chuyên môn. Các chức năng phi vật thể (phát triển kinh tế - xã hội) mới là linh hồn quyết định chiều hướng phát triển của cả đô thị. Các chỉ tiêu quy hoạch cần phản ánh thực tế đời sống và phù hợp hơn với từng quy mô quy hoạch. Tựu chung lại, ngành quy hoạch cần thay đổi cách tiếp cận từ vật thể sang cách tiếp cận tổng hợp và cách tiếp cận hệ thống. Đối với quy hoạch, nhất là quy hoạch có quy mô toàn đô thị hoặc toàn vùng, mối bận tậm của nhà quy hoạch không chỉ là mỗi công trình cụ thể mà là mối liên hệ không gian giữa chúng.

Các nhà quy hoạch phải là những người có tầm nhìn, hiểu cơ chế, có khả năng đề xuất chính sách và xây dựng tiến trình đầu tư để thực tế hóa các ý tưởng quy hoạch. Còn nếu các nhà quy hoạch chỉ là những thợ vẽ chỉ giới đỏ, những thợ tô màu sử dụng đất, thì “tình trạng thiếu tầm nhìn trong quy hoạch” (lời Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải), tình trạng “hầu hết các quy hoạch làm rất kỹ nhưng đều cất vào tủ, dùng để quản lý cũng không được mà để xây dựng cũng không xong”, như lời cựu chủ tịch UBND Hà Nội, sẽ còn tiếp diễn.

Bối cảnh kinh tế, xã hội quốc gia chính là cơ sở để thực hành và đào tạo quy hoạch. Không ai có thể thay thế các nhà quy hoạch Việt Nam trong việc tạo dựng không gian sống cho người Việt Nam. Nếu các nhà quy hoạch và đào tạo quy hoạch chúng ta không thể tự rũ bỏ lớp áo tư duy cũ kỹ và cởi mở với những phương pháp tiếp cận hiện đại, để đáp ứng công cuộc xây dựng đô thị trong một nền kinh tế phát triển nhanh, thì chúng ta sẽ tự trở thành một lực cản cho sự phát triển đô thị.

Nguyễn Đỗ Dũng

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo