Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Sẽ có một Phú Quốc mới

Sẽ có một Phú Quốc mới

Viết email In

Theo quy hoạch phát triển Phú Quốc đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2005, tầm nhìn 2020, Phú Quốc sẽ trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại du lịch của quốc gia và khu vực. Có nhiều ý kiến còn cho rằng nên xây dựng Phú Quốc thành khu kinh tế mở như Hồng Kông. Tuy nhiên, đến nay, theo ông Bùi Ngọc Sương, Chủ tịch tỉnh Kiên Giang, quy hoạch đó đã lạc hậu, thiếu sự khác biệt so với các địa phương có thế mạnh du lịch biển khác.

Đô thị biển đảo

Quy hoạch mới được điều chỉnh đến năm 2030, tầm nhìn sau 2030. Theo đó, đảo Phú Quốc sẽ được phát triển với 5 chức năng chính: đô thị, rừng quốc gia, rừng phòng hộ, khu du lịch và sân bay - cảng biển. Tại buổi Tọa đàm “Cơ hội Đầu tư vào Phú Quốc” ngày 5.4 vừa qua, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Kiên Giang, Phó Trưởng Ban Quản lý Đầu tư Phát triển đảo Phú Quốc, đã giới thiệu quy hoạch mới này đến các nhà đầu tư.

  • Ảnh bên : Vịnh Đầm, nơi sẽ xây dựng cụm cảng cùng tên rộng 305 ha gồm nhiều hạng mục như cảng hàng hóa, làng nghề truyền thống, biệt thự nghỉ dưỡng...

Theo quy hoạch trước đó, Phú Quốc sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái biển đảo, tập trung ở phía Tây và rải rác trên toàn đảo. Trong quy hoạch điều chỉnh, Phú Quốc sẽ mở rộng phát triển du lịch, thương mại và tài chính ở bờ Tây và Nam. Tuy nhiên, quỹ đất dành cho du lịch vẫn không đổi, khoảng 3.800 ha. Đối với việc phát triển du lịch, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Sacombank, góp ý, Phú Quốc không nên xây dựng khu du lịch riêng, dân cư riêng mà nên phát triển xen kẽ để giữ được tính cân bằng tự nhiên về sinh thái và xã hội.

Trong quy hoạch cũ, Phú Quốc không hướng tới việc phát triển đô thị, song theo các nhà tư vấn của Mỹ, dứt khoát phải có đô thị biển đảo mới đẩy mạnh kinh tế được. Vì vậy, theo quy hoạch điều chỉnh, Phú Quốc sẽ có 3 đô thị chính: Dương Đông (rộng 818 ha), An Thới gắn với cụm cảng biển (rộng 1.200 ha) và khu đô thị dành riêng cho các dự án nghiên cứu khoa học (350 ha). Đất để phát triển đô thị và các khu vệ tinh theo quy hoạch cũ chỉ hơn 3.000 ha, nay là trên 5.500 ha.

Giao thông trên đảo theo quy hoạch mới cũng hiện đại hơn. Theo đó, trục giao thông chính của đảo là tuyến cao tốc Bắc - Nam, có 2 làn xe điện, vỉa hè, cây xanh với tổng lộ giới rộng 60 m. Dự kiến, Phú Quốc sẽ có hệ thống tàu điện ngầm ở phía Tây và Tây Nam. Đảo cũng sẽ quy hoạch thêm 1 cảng biển ở phía Nam, bên cạnh cảng An Thới (phía Tây) và cảng Vịnh Đầm (Đông Nam) hiện có.

Thực sự không khói?

Giữ được cân bằng sinh thái là mục tiêu quan trọng trong quy hoạch mới của Phú Quốc. Quỹ rừng phòng hộ và rừng nguyên sinh, quy hoạch cũ và mới đều giữ nguyên diện tích 37 ha. Ông Sương, Chủ tịch Tỉnh, nói: “Giữ rừng là giữ được nguồn nước ngọt và tránh làm tổn thương môi trường sinh thái. Tỉnh không chủ trương khai thác nguồn nước ngầm, dù Phú Quốc có nguồn nước ngầm phong phú”. Nguồn nước ngọt trên đảo có khả năng cung cấp đến 70.000 m3/ngày, nhưng mức sử dụng hiện chỉ khoảng 5.000 m3/ngày, nghĩa là có thể yên tâm về nguồn nước đến năm 2020.


Bãi Sao ở phía nam Phú Quốc
(ảnh: internet)

Về nguồn điện, trong quy hoạch mới, Tỉnh đang tính đến việc xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, khí nén... Vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Công Thương lập quy hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện Phú Quốc, công suất 200 MW.

Dự án này được một số nhà đầu tư cảnh báo có thể làm ảnh hưởng đến môi trường. Ông Nguyễn Lương Thịnh, đại diện Tập đoàn Đồng Tâm - Long An, cho rằng, nhà đầu tư du lịch sinh thái rất “dị ứng” với than khói. Ông Sáu, Sở Kế hoạch Đầu tư Tỉnh, trấn an nhà đầu tư bằng lời khẳng định, nhà máy sẽ có phần khử độc trong ống truyền, hoàn toàn không xả ra ngoài. Phần thải của than đá thì được dùng làm phụ gia sản xuất xi măng. 

Song, không bằng lòng với lập luận của ông Sáu, đại diện Công ty Xi măng Holcim cho rằng, đã quyết phát triển du lịch sinh thái thì không nên xây nhà máy nhiệt điện. Cũng có nhiều ý kiến đề nghị nên phát triển điện gió hoặc điện năng lượng mặt trời, nhưng với mục tiêu bảo vệ rừng tối đa, 2 hình thức này cũng khó khả thi.

Các nhà đầu tư cũng lưu ý Phú Quốc việc tạo không gian mở để đón gió biển khi xây dựng. Bởi thiết kế của các tòa nhà trên đảo hiện không tận dụng được gió biển mà xây nhà hộp, đóng khung.

Vẫn nên có casino

Chú ý nhiều đến quy hoạch và môi trường, song các nhà đầu tư đến từ TP.HCM cũng không quên mục tiêu phát triển thành trung tâm tài chính trước đây của Phú Quốc. “Một trung tâm tài chính có lẽ còn xa vời, nhưng Phú Quốc cũng nên bắt đầu kích cầu để có một thị trường tiền tệ, tạo động lực phát triển”, ông Thành, Sacombank và ông Trần Đắc Sinh, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, đề xuất.

Chẳng hạn, Phú Quốc có thể kích cầu bằng các dịch vụ như golf, casino, du lịch thám hiểm dưới biển. Ông Sương, Chủ tịch Tỉnh, tiết lộ: “Có nhà đầu tư xin đầu tư casino, nhưng theo quy định, dự án casino phải do Thủ tướng quyết định nên chúng tôi không hứa hẹn gì cả”. Việc cho xây dựng casino ở Phú Quốc hiện đã được Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính đồng thuận và Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, nếu so với 2-3 năm trước khi các nhà đầu tư ồ ạt đầu tư vào Phú Quốc thì tốc độ phát triển các dự án tại Phú Quốc đang chậm lại. Cuối năm 2009, trong 12 dự án bị Tỉnh thu hồi vì chậm triển khai, có dự án tổ hợp du lịch vui chơi giải trí trị giá 1 tỉ USD của Tập đoàn Rockingham (Mỹ) từng gây nhiều sự chú ý. Vì thế, vào đầu năm 2010, khi Tỉnh công bố có 6 dự án đầu tư lớn vào Phú Quốc thì sự quan tâm dành cho các dự án này cũng kém phần mặn mà. 

Hằng Nga 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo