Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Phát triển Ðà Lạt trên cơ sở ý tưởng quy hoạch đô thị theo Đạo lý châu Á

Phát triển Ðà Lạt trên cơ sở ý tưởng quy hoạch đô thị theo Đạo lý châu Á

Viết email In

Quy hoạch TP. Ðà Lạt đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Song câu hỏi lớn đặt ra: trong điều kiện hiện nay, lý thuyết quy hoạch đô thị hiện đại chủ nghĩa vừa khô cứng, vừa lỗi thời thì giải pháp nào cho công tác quy hoạch phát triển TP.Ðà Lạt để đáp ứng yêu cầu hiện tại và phù hợp với phát triển trong tương lai?

Quy hoạch đô thị theo đạo lý Châu Á” của GS.TS. William S.W.Lim là một hướng tiếp cận mới đáng tin cậy giải bài toán quy hoạch cho các đô thị châu Á nói chung và cho TP Ðà Lạt nói riêng.

GS.TS. William S.W Lim (ảnh bên) tốt nghiệp kiến trúc sư ở Trường Kiến trúc của Hội Kiến Trúc sư Anh (Architectural Association) ở London và đã nghiên cứu tại khoa Quy hoạch đô thị và Quy hoạch vùng của đại học Harvard. Ông là người cùng sáng lập và là người đứng đầu Asian Urban Lab (2003), chủ tịch Hội Kiến Trúc Sư Châu á. Ông cũng là chủ tịch Hội Di Sản Singapore (1988 - 97), chủ tịch tập đoàn Quy Hoạch và Nghiên Cứu Singapore (SPUR, 1966-1968). Hiện nay ông là phó giáo sư học viện công nghệ Melbourne Hoàng Gia (RMIT) thuộc đại học quốc gia Australia, giáo sư thỉnh giảng trường ÐH Thiên Tân (Tianjin) của Trung Quốc, năm 2002 ông đã được RMIT phong học vị Tiến sĩ Danh Dự về Kiến trúc và năm 2004 được trường Nghệ thuật Singapore La Salle (SIA) phong hàm Giáo sư Danh Dự.

Trong tác phẩm “Quy hoạch Ðô thị theo Ðạo lý Châu Á”, GS.Lim đề xuất 7 yếu tố tạo nên một mô hình phát triển chung cho các đô thị Châu Á, đó là : Bảo tồn và ký ức, Bảo vệ đất công, Không gian không xác định, Chính sách đất, Công lý về không gian, Giao thông đô thị và Nhu cầu cơ bản cho người nghèo đô thị. Những yếu tố này đưa ra với mong muốn hướng đến một xã hội công bằng, tốt đẹp có bản sắc.

GS. Lim khẳng định “Ðạo lý là khoa học về đạo đức và mục đích của nó là làm  cho hạnh phúc của mỗi cá nhân và toàn xã hội nói chung đạt đến mức tối đa”. Khi phân tích quy hoạch các đô thị Châu á theo xu hướng hiện đại khuôn mẫu phương Tây tác giả đã đi đến 2 nhận định quan trọng:

  • Quy hoạch có tính bùng nổ trong nền kinh tế phát triển nhanh của các TP. lớn ở Châu á đã thúc đẩy nhiều hoạt động xây dựng đô thị tự do thường là hỗn loạn không như mong đợi.
  • Việc đô thị hóa rầm rộ ở các đô thị Châu Á tuy lý thú có nhiều cơ hội vô tận, nhưng cũng có thể dẫn đến kết cuộc gây tai họa, nhất là cho tầng lớp công nhân và người nghèo đô thị.

Trong bối cảnh đó tác giả cho rằng thách thức quan trọng nhất của phát triển đô thị Châu Á hiện nay là: “Sự bành trướng và tái thiết các đô thị lớn có thể làm tăng hạnh phúc của cư dân đô thị hay không”.  Tác giả đã đưa ra những vấn đề cốt lõi để giải quyết thách thức trên bằng ý tưởng “Quy hoạch đô thị theo đạo lý Châu Á”.

Ý tưởng quy hoạch thành phố Ðà Lạt theo đạo lý Châu Á:

Xem xét và phân tích, tôi chọn 5 yếu tố tương thích nghiên cứu và đề xuất vận dụng đối với Ðô thị Ðà Lạt, đó là: Bảo tồn và ký ức; Bảo vệ đất công; Ðất đô thị; Công lý về không gian và Giao thông đô thị.



a. Bảo tồn và ký ức (Conservation and Memories)

Theo GS. Lim: “Mỗi địa phương có những tòa nhà, những công trình, những không gian mang ý nghĩa”, đó chính là những hình ảnh được lưu giữ trong ký ức của người dân đã, đang sống qua từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử.  Chúng ta phải lưu giữ tất cả ấy dù quy mô có nhỏ bé như thế nào. Bởi lẽ, việc lưu giữ chính là lưu truyền những ký ức về thị giác trong môi trường đô thị. Ðối với TP.Ðà Lạt, có phải hiện nay những “ký ức” đang được bảo tồn? Câu hỏi này không chỉ dành cho chính quyền địa phương mà cho mọi người có trách nhiệm và tất cả những ai yêu mến TP Ðà Lạt mộng mơ. Thác Cam Ly, Thung lũng tình yêu, Hồ Xuân Hương. Và hệ thống các công trình kiến trúc có giá trị, thực tế sự lưu giữ và bảo tồn dường như không trọn vẹn.

b. Bảo vệ đất công (Safeguarding the Commons):

TP Ðà Lạt được xác định là một thành phố du lịch nghỉ dưỡng, là một trong mười điểm tham quan hấp dẫn nhất cả nước. Tuy nhiên, các công trình có tính chất lịch sử, văn hóa và khu vui chơi giải trí, các danh lam thắng cảnh, kể cả các khu nghỉ dưỡng và bầu không khí trong lành mát mẻ thiên nhiên ưu đãi cho TP  Ðà Lạt dường như ngày càng thu hẹp đáng kể so với quy hoạch ban đầu. Phải chăng một phần đất công đã “biến mất” theo thời gian? Ðồi Cù là một ví dụ minh chứng cho sự dịch chuyển của đất công.

Ðất công, hình thành không gian sinh hoạt cộng đồng, có thể nhận định một cách khách quan rằng Ðà Lạt ít có những không gian công cộng, nơi mà người dân địa phương có thể đến vui chơi, giải trí, tập thể dục thể thao hay tổ chức những không gian sinh hoạt theo nhóm xã hội, khu vui chơi cho trẻ em hạn hẹp, công viên còn những hàng rào cách biệt với người dân. Chúng ta quan tâm quá nhiều về các khu nghỉ dưỡng cho du khách mà quên mất rằng chính những người khách du lịch tới TP. Ðà Lạt, họ thích tham gia hoạt động với người dân địa phương cũng như là tham quan, khám phá những danh lam thắng cảnh “cổ xưa” để hưởng thụ tinh thần nhiều hơn vật chất, mong tìm lại “Lối xưa xe ngựa hồn Thu Thảo - Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Bà Huyện Thanh Quan). Vì vậy bài toán về “bảo vệ đất công” đối với TP. Ðà Lạt phải đặt ra với tinh thần cấp bách.

c. Ðất đô thị (Land Policy)

Ðất không phải là một tài nguyên vô tận. GS. Lim cho rằng: “Chính sách về đất là công cụ đầy quyền lực để đạt được phạm vi rộng lớn của những mục tiêu chính trị, kinh tế và xã hội. Bởi vậy nó phải gắn chặt với các khái niệm về đạo lý và phải có lợi cho cả cộng đồng”. Ðất TP Ðà Lạt không thể định lượng thông qua các dự án phát triển “đơn phương” từ một lợi ích cục bộ nào đó, theo lý lẽ thông thường có nhiều tiền càng được nhiều diện tích xây dựng mà cần tôn trọng ứng xử “nhân văn” với ý tưởng ban đầu “TP Ðà Lạt là một đô thị phong cảnh” của hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Ðà Lạt nên xem xét mô hình kết hợp giữa cấu trúc “lỏng” và “nén”, có thể “nén” chặt hơn ở những khu vực cần thiết (tưởng chừng như không thể!) với các không gian bảo tồn, không gian có chức năng đan xen, không gian thấp tầng, cao tầng một cách hợp lý về tầm nhìn, về cảnh quan….

Quỹ đất Ðà Lạt không còn nhiều, nếu như muốn bảo tồn sự hài hoà về mặt cảnh quan cũng như đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày càng cao của 1 đô thị cấp tiến như Ðà Lạt, chúng ta có trách nhiệm phải sử dụng quỹ đất hiếm hoi ấy một cách kinh tế nhất và hiệu quả nhất, sử dụng đất ít nhất, sinh ra lợi nhuận cao nhất và đóng góp cho cảnh quan cũng là một lợi nhuận. Như vậy việc xem xét ở những vị trí nhất định có hệ số nén cao, có chiều cao công trình đủ làm điểm nhấn đóng góp vào cảnh quan chung là điều rất nên làm.

d. Công lý về không gian (Spatial Justice)

Quy hoạch theo đạo lý là hướng đến sự hài hòa và công bằng, công bằng về quyền lợi hưởng thụ không gian giữa con người với con người, giữa con người và thiên nhiên luôn luôn là một nội dung quan trọng và nhạy cảm. GS. Lim đã viết: “Sự kết hợp của những âm thanh ồn ào với vô số hình ảnh bắt gặp đáng ngạc nhiên đem lại sự kích thích khoái cảm và niềm hân hoan khó mà tin được, nhất là khi những hoạt động sáng tạo được xuất hiện trong khoảng không gian trống”.


Vườn hoa Đà Lạt

Công bằng về không gian đô thị cũng là điều hết sức khó khăn của các chính quyền đô thị bởi những mâu thuẫn nội tại (lợi nhuận - cảnh quan - môi trường) sinh ra từ việc sử dụng không gian đô thị. Trong đó sự không công bằng lớn nhất về không gian khá phổ biến ở tất cả các thành phố ở Châu á đều dành cho người nghèo đô thị. Người nghèo đô thị luôn sống chen chúc trong các khu xuống cấp về môi trường, có cơ sở hạ tầng cơ bản và các dịch vụ yếu kém. Chính vì vậy GS. Lim cho rằng: “áp dụng sự công bằng về không gian đô thị một cách hữu hiệu rõ ràng là một nhiệm vụ khó khăn vì cần phải xem xét lại và thay đổi nhiều lý luận và thực tiễn quy hoạch hiện nay đã ăn sâu vững chắc từ lâu”.

TP.Ðà Lạt có nhiều không gian cho hình ảnh quen thuộc, song không gian quen thuộc luôn là nơi mọi người tụ tập, dạo chơi trong không khí cộng đồng, đó sẽ là không gian điển hình về “không gian Ðà Lạt”. Sự đông đúc, ồn ào sẽ không hề mất đi mà trái lại càng tăng thêm giá trị ban đầu về sự yên tĩnh, trầm mặc. Không gian cộng đồng hài hòa giữa động và tĩnh, cân bằng giữa âm và dương, lắng đọng âm hưởng không gian xưa và tồn tại hiện hữu không khí hôm nay, một kết nối thực tại và quá khứ, đấy cũng là một sự công bằng trong đạo lý về không gian đô thị. GS. Lim cho rằng “tất cả mọi người đều có quyền hưởng thụ không gian như nhau” hoàn toàn không phải là  nói suông. Quy hoạch theo đạo lý châu á chính là hướng tới những giá trị nhân văn như vậy.

TP.Ðà Lạt của chúng ta đã có “công lý về không gian” trong tâm thức của mỗi người hay chưa?

e. Giao thông đô thị (Urban Transport)

Ðối với TP.Ðà Lạt, bên cạnh việc hoàn thiện mạng lưới đường nội đô, cần kiến tạo những con đường “động lực” - bổ sung cho hệ thống giao thông đối ngoại. Chỉ cần hình dung nếu như tuyến đường bộ kết nối Sài Gòn - Ðà Lạt có thể rút ngắn thời gian di chuyển từ 6- 8 giờ xuống còn 3- 4 giờ thì chắc chắn hiệu quả các mặt của đô thị sẽ tăng cao nhanh chóng. Ðặc biệt là khai thác du lịch ở đây sẽ tăng lên gấp bội so với hiện nay. Chỉ khi chất lượng hệ thống đường giao thông đối ngoại của Ðà Lạt được khẳng định thì TP. vùng cao nguyên này mới thực sự có thế mạnh phát triển về du lịch, kinh tế và xã hội. Chỉ khi tăng tốc, rút ngắn thời gian di chuyển thì hiệu quả kinh tế mới tăng cao, mà hiệu quả kinh tế có cao thì mới có kinh phí để tái đầu tư cho thiên nhiên, tái đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững. Như vậy, chúng ta cần phải đặt ra nhiệm vụ quy hoạch giao thông mang tính chất kết nối vùng hơn chỉ là chỉ xoay sở trong phạm vi nội đô của TP.Ðà Lạt. Các khu chức năng này sẽ lan tỏa theo trục đường “động lực” hướng về Ðà Lạt làm giảm sức ép phát triển đô thị quá nặng lên thiên nhiên quý giá hiện có, gia tăng sức hấp dẫn du lịch, bổ sung những giá trị mới. Ðiều này hợp với quy luật phát triển tự nhiên của xã hội và là bước phát triển tất yếu của đô thị Ðà Lạt trong tương lai.

Kiến nghị và đề xuất:
 
Quy hoạch đô thị theo đạo lý Châu á hướng đến một thành phố phát triển bền vững ở các mặt với mong muốn cụ thể:

  • Ðô thị phát triển hiện đại và đa dạng
  • Ðô thị phát triển theo đạo lý và mang lại hạnh phúc cho mọi người trong xã hội
  • Ðô thị phát triển hướng đến tính toàn cầu thích ứng với địa phương có tính cấp tiến

Ðể làm rõ những tư tưởng trên đối với một đô thị cụ thể cần có những nghiên cứu tiếp theo thông qua các phương án quy hoạch theo tinh thần “Ðạo lý châu Á”.  Ðối với thành phố Ðà Lạt, tác giả đề xuất định hướng của giải pháp trước mắt:

1.  Phát triển thành phố Ðà Lạt vì một đô thị hài hòa: TP  Ðà Lạt phát triển hài hòa ở các lĩnh vực trên cơ sở tôn trọng quá khứ (bảo tồn ký ức), ứng xử dung hòa với hiện tại (công lý về không gian) và khẳng định sự bền vững cho tương lai (bảo vệ đất công), lấy đạo lý và hạnh phúc người dân và thiên nhiên làm nền tảng, đặc biệt quan tâm đến người nghèo đô thị.

2. Kiến trúc TP. Ðà Lạt - kiến trúc xanh vì một đô thị xanh: Các công trình Kiến trúc phải hướng đến các giải pháp thiết kế sinh thái hòa đồng với hệ sinh thái của TP. Ðà Lạt và các giải pháp thiết kế theo hướng vận dụng công nghệ cao để tiết kiệm năng lượng, có thể gọi đây là xu hướng kiến trúc xanh - kiến trúc bền vững cho đô thị xanh.

3. Kiến trúc cao tầng - điểm nhấn cần thiết trong không gian cảnh quan của TP. Ðà Lạt: để giải bài toán quy mô phát triển gia tăng với quỹ đất không đổi, hướng nghiên cứu không gian cao tầng cho TP. Ðà Lạt là tất yếu. Tại thời điểm hiện nay việc nghiên cứu quy hoạch không gian cao tầng cho TP. Ðà Lạt vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đô thị có nhiều chức năng mới, vừa tạo điểm nhấn về mặt thị giác trong không gian cảnh quan đô thị, vừa có quỹ đất dự phòng phát triển cho thế hệ mai sau.

4. Quy hoạch tổng thể và ý chí của người lãnh đạo: quyết tâm trở lại điểm xuất phát ban đầu của KTS. Ernest Hébrard lập đồ án quy hoạch Ðà Lạt năm 1023, với ý tưởng tốt đẹp đây là một “thành phố phong cảnh”.

  • Tôn tạo suối Cam Ly tạo trục cảnh quan chính cho thành phố
  • Xây dựng hệ thống hồ nhân tạo (8 hồ) phát triển theo chuỗi lấy Hồ Xuân Hương làm trung tâm.
  • Giữ tầm nhìn toàn cảnh từ Cao Nguyên về phía núi Lang Bian

Quy hoạch tổng thể theo “Ðạo lý châu Á” để gia tăng những giá trị mới mang tính thời đại đặc biệt là những giá trị nhân văn cho TP. Ðà Lạt và các vùng phụ cận. Ðủ bản lĩnh để tìm lại những giá trị của đô thị đã mai một (con cá mất là con cá to) để làm cơ sở cho sự cho sự phát triển không “khiếm khuyết” trong tương lai. Vì một đô thị phát triển bền vững - thành phố Ðà Lạt năng động mà vẫn mộng mơ.

TS. KTS Phạm Tứ  - KTS Phạm Thị Ái Thủy
(Trường Ðại Học Kiến Trúc TP Hồ Chí Minh)

>> Ðà Lạt và những đồ án quy hoạch 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo