Trong những năm gần đây, vấn đề quy hoạch đô thị "Xanh" đã có những chuyển biến tích cực, chính quyền các đô thị đã dần nhận ra vai trò của không gian xanh đô thị trong gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - con người - xã hội, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường sống và cảnh quan đô thị, dần trở thành mục tiêu trọng tâm hàng đầu trong quy hoạch phát triển đô thị theo hướng bền vững.
Hình 1 - Đô thị xanh và vấn đề quản lý môi trường - Sơ đồ sự phụ thuộc lẫn nhau của các vấn đề
Hiện nay Việt Nam chưa có một khái niệm nào rõ ràng, cụ thể về đô thị "Xanh", tuy nhiên trong các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng đã đề cập đến phần xanh trong đô thị, đó là hệ thống cây xanh, mặt nước. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp quy, Bộ Xây dựng đã ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến phát triển không gian xanh đô thị, tạo ra cơ sở pháp lý trong công tác quản lý cây xanh đô thị và đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể là một số văn bản sau:
1. Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12:
Tại Điều 33 về nội dung thiết kế đô thị, Luật đã quy định không gian cây xanh, mặt nước, sân vườn là một nội dung cần thiết trong các đồ án quy hoạch. Cụ thể tại các khoản:
"1 - Nội dung thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chung bao gồm việc xác định các vùng kiến trúc, cảnh quan trong đô thị; đề xuất tổ chức không gian trong các khu trung tâm, khu vực cửa ngõ đô thị, trục không gian chính, quảng trường lớn, không gian cây xanh, mặt nước và điểm nhấn trong đô thị.”
“3 - Nội dung thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chi tiết bao gồm việc xác định các công trình điểm nhấn trong khu vực quy hoạch theo các hướng tầm nhìn, tầng cao xây dựng công trình cho từng lô đất và cho toàn khu vực; khoảng lùi của công trình trên từng đường phố và ngã phố; xác định hình khối, màu sắc, hình thức kiến trúc chủ đạo của các công trình kiến trúc; hệ thống cây xanh, mặt nước, quảng trường.”
“4 - Nội dung thiết kế đô thị của đồ án thiết kế đô thị riêng bao gồm việc xác định tầng cao xây dựng cho từng công trình; khoảng lùi của công trình trên từng đường phố và ngã phố; xác định màu sắc, vật liệu, hình thức, chi tiết kiến trúc của các công trình và các vật thể kiến trúc khác; tổ chức cây xanh công cộng, sân vườn, cây xanh đường phố và mặt nước.”
Tại khoản 2, Điều 58 - Nguyên tắc quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, Luật yêu cầu phải xin phép cơ quan quản lý có thẩm quyền khi có các hành động ảnh hưởng đến cây xanh:
“2 - Việc xây mới, cải tạo, chỉnh trang, sửa chữa và phá bỏ vật thể kiến trúc, cây xanh trong khu vực công cộng, khuôn viên công trình và nhà ở có ảnh hưởng đến không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị phải xin phép cơ quan quản lý có thẩm quyền.”
Vấn đề cây xanh đô thị cũng được nêu tại điều 68 “Quản lý cây xanh, công viên, cảnh quan tự nhiên và mặt nước”:
“1 - Công viên, vườn hoa, cây xanh trong đô thị có giá trị về văn hoá, lịch sử, cảnh quan tự nhiên, cảnh quan đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền đưa vào danh mục quản lý hoặc được xác định trong quy hoạch phải được giao cho tổ chức, cá nhân quản lý."
"2 - Việc xây dựng công viên, vườn hoa, trồng cây xanh theo quy hoạch đô thị phải đáp ứng các yêu cầu về sử dụng, mỹ quan, an toàn, môi trường đô thị; không làm hư hỏng các công trình cơ sở hạ tầng trên mặt đất, trên không, dưới mặt đất."
"3 - Không được lấn chiếm hồ, mặt nước tự nhiên hoặc thay đổi các đặc điểm địa hình khác, gây ảnh hưởng xấu đến điều kiện tự nhiên và cảnh quan đô thị."
"4 - Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước và các khu vực tự nhiên khác trong đô thị. Việc chặt, phá, di dời cây xanh trong danh mục quản lý; san lấp, thay đổi địa hình các khu vực tự nhiên phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép.”
2. Nghị định 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị:
Tại mục b, khoản 5, Điều 15 - Nội dung đồ án quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương Nghị định yêu cầu xác định công viên cây xanh và không gian xanh, mặt nước là một trong các định hướng phát triển không gian cho khu vực đô thị trung tâm:
“b) Định hướng phát triển không gian cho khu vực đô thị trung tâm, bao gồm:
- Xác định hệ thống trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm công cộng, thể dục thể thao; công viên cây xanh và không gian mở của đô thị; trung tâm chuyên ngành cấp thành phố;
- Xác định các vùng kiến trúc, cảnh quan, các khu vực trung tâm, khu vực cửa ngõ của đô thị, trục không gian chính, quảng trường lớn, không gian cây xanh, mặt nước, điểm nhấn trong đô thị và đề xuất nguyên tắc và yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc cho các khu vực trên.”
Điều 17 - Nội dung đồ án quy hoạch chung thị trấn, đô thị loại V chưa công nhận là thị trấn Nghị định yêu cầu phải xác định công viên cây xanh và không gian mở của đô thị trong Định hướng phát triển không gian.
Về Nội dung đồ án quy hoạch chi tiết được quy định tại điều 20, Nghị định quy định phải xác định tổ chức cây xanh công cộng, sân vườn, cây xanh đường phố và mặt nước trong khu vực quy hoạch:
“4. Xác định chiều cao, cốt sàn và trần tầng một; hình thức kiến trúc, hàng rào, màu sắc, vật liệu chủ đạo của các công trình và các vật thể kiến trúc khác cho từng lô đất; tổ chức cây xanh công cộng, sân vườn, cây xanh đường phố và mặt nước trong khu vực quy hoạch.”
Điều 39 - Nội dung giấy phép quy hoạch:
"1. Nội dung giấy phép quy hoạch đối với dự án đầu tư xây dựng tập trung quy định tại khoản 1 và 2 Điều 36 của Nghị định này bao gồm:
c) Các chỉ tiêu sử dụng đất về nhà ở, dịch vụ thương mại; công trình hạ tầng xã hội, cây xanh, giao thông; các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị cho toàn khu vực quy hoạch; các yêu cầu về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, môi trường; các yêu cầu về chỉ tiêu và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị làm cơ sở chủ đầu tư lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết;”.
3. Nghị định 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/06/2010 Về quản lý cây xanh đô thị:
Trong hệ thống văn bản pháp quy của nước ta, đây là văn bản quy định đầy đủ, chi tiết nhất về cây xanh trong đô thị ở nước ta. Nghị định này quy định quản lý cây xanh tại các đô thị trên phạm vi toàn quốc. Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến quản lý cây xanh đô thị trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ theo quy định của Nghị định này.
Nghị định bao gồm 5 chương, 25 điều trong đó:
- Chương I đưa ra các khái niệm; Nguyên tắc quản lý; Kế hoạch đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị; Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về cây xanh đô thị; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các hành vi bi cấm về cây xanh đô thị (Điều 1-7).
- Chương II quy định về Quy hoạch cây xanh đô thị. Nghị định đặt ra các yêu cầu đối với quy hoạch cây xanh đô thị; Nội dung quy hoạch cây xanh trong quy hoạch đô thị và Quy hoạch chi tiết cây xanh, công viên - vườn hoa đô thị (Điều 8-10).
- Chương III trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị. Ngoài các quy định chung về trồng, chăm sóc cây xanh đô thị (điều 11), Nghị định đã đưa ra các quy đinh đối với vườn ươm cây xanh đô thị; bảo vệ cây xanh đô thị; chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị; cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị; cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị; cây được bảo tồn trong đô thị; đối với cây nguy hiểm trong đô thị và lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh (Điều 12-19).
- Chương IV quy định trách nhiệm quản lý cây xanh đô thị của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 20-23).
- Chương V quy định hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.
4. Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 7/05/2009 về việc phân loại đô thị:
Tại điều 4 Nghị định quy định đô thị được phân thành 6 loại như sau: loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định công nhận.
Tuy Nghị định chưa đưa ra các quy định về phân loại đô thị xanh nhưng trong sáu tiêu chuẩn cơ bản để phân loại đô thị (điều 6) Nghị định đã xem hệ thống công viên cây xanh là một tiêu chí quan trọng để đánh giá khi phân loại đô thị.
Ngoài ra Nghị định cũng yêu cầu khu vực ngoại thành của các đô thị phải bảo vệ vùng xanh phục vụ đô thị và các vùng cảnh quan sinh thái.
5. Thông tư 34/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 30/9/2009 về quy định chi tiết một số điểm trong Nghị định 42/2009/NĐ-CP về phân loại đô thị:
Trong Thông tư 34 có một số nội dung quy định về cây xanh đô thị:
Thông tư quy định công viên cây xanh thuộc hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị:
“Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật gồm: giao thông, cấp điện và chiếu sáng công cộng, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, công viên cây xanh, xử lý các chất thải, nghĩa trang, thông tin, bưu chính viễn thông;”
Từ bảng các chỉ tiêu về cây xanh (bảng 1) có thể nhận thấy chỉ tiêu đất cây xanh đô thị hiện tại ở nhiều đô thị ở Việt Nam cũng đã đạt được chỉ tiêu mà Thông tư 34 đưa ra.
TT | Chỉ tiêu (m2/người) | Loại đô thị | Điểm tối đa | |||||
Đặc biệt | I | II | III | IV | V | |||
1 | Đất cây xanh đô thị | ≥ 15 | ≥ 15 | ≥ 10 | ≥ 10 | ≥ 7 | ≥ 7 | 1 |
10 | 10 | 7 | 7 | 5 | 5 | 0,7 | ||
2 | Đất cây xanh công cộng khu vực nội thị | ≥ 7 | ≥ 6 | ≥ 6 | ≥ 5 | ≥ 5 | ≥ 4 | 2,0 |
6 | 5 | 5 | 4 | 4 | 3 | 1,4 |
TT | Đô thị | Cấp quản lý | Loại đô thị | Cây xanh thực tế / Chỉ tiêu cây xanh (m2/người) | |
Đất cây xanh đô thị | Đất cây xanh công cộng khu vực nội thị | ||||
1 | Thái Nguyên | Thành phố | I | 14,6 / 10-15 | 8,8 / 5-6 |
2 | Nha Trang | Thành phố | I | 15,5 /10-15 | 8,2 / 5-6 |
3 | Hải Dương | Thành phố | II | 6,27 / 7-10 | 2,39 / 5-6 |
4 | Phan Thiết | Thành phố | II | 14,45 / 7-10 | 8,39 / 5-6 |
5 | Phú Thọ | Thị xã | III | 14,3 / 7-10 | 9,43 / 4-5 |
6 | Cam Ranh | Thị xã | III | 10,4 / 7-10 | 7,2 / 4-5 |
7 | Cai Lậy | Thị trấn | IV | 7,6 / 5-7 | 6,7 / 4-5 |
8 | Diên Khánh | Thị trấn | IV | 19,6 / 5-7 | 7,2 / 4-5 |
6. Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01/2008/BXD về quy hoạch xây dựng:
Loại đô thị | Chỉ tiêu cây xanh (m2/người) |
Đô thị đặc biệt | ≥ 7 |
Đô thị loại I và loại II | ≥ 6 |
Đô thị loại III và loại IV | ≥ 5 |
Đô thị loại V | ≥ 4 |
Quy chuẩn Quy hoạch xây dựng quy định về chỉ tiêu diện tích cây xanh công cộng (bảng 3) và tỷ lệ đất tối thiểu trồng cây xanh trong các lô đất xây dựng công trình (bảng 4)
STT | Trong lô đất xây dựng công trình | Tỷ lệ diện tích đất tối thiểu trồng cây xanh (%) |
1 | Nhà ở: - Độc lập (nhà vườn, biệt thự) - Nhóm nhà chung cư |
20 20 |
2 | Công trình công cộng: - Nhà trẻ, trường học - Bệnh viện - Nhà văn hóa |
30 30 30 |
3 | Công nghiệp: - Nhà máy phân tán - Khu/cụm CN |
20 20 |
(Đối với đô thị miền núi, hải đảo, chỉ tiêu diện tích cây xanh công cộng có thể thấp hơn nhưng không được thấp hơn 70% mức quy định trong bảng trên).
Qua số liệu phân tích trong các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn có thể thấy khái niệm về đô thị xanh ở Việt Nam là: một đô thị được gọi là xanh nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ tiêu đã quy định. Việc xác định thành phần không gian xanh trong đô thị chưa có cơ chế chính sách, hay một chương trình quốc gia quy định cụ thể đối với việc này dẫn đến thiếu thống nhất khi áp dụng vào thực tiễn. Điều này cần phải sớm khắc phục trong thời gian tới.
Ví dụ điển hình: Quy hoạch thủ đô Hà Nội
“Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 là một điển hình về quy hoạch đô thị xanh ở Việt Nam.
Ngay từ quan điểm phát triển, quy hoạch đã khẳng định Hà Nội sẽ là thành phố “Xanh” bền vững về môi trường; đô thị sinh thái, gắn kết hài hòa các yếu tố Tự nhiên - Xã hội - Con người; xây dựng thành phố cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển mới. đây là mục tiêu hàng đầu bên cạnh các mục tiêu “Văn Hiến - Văn Minh - Hiện Đại”.
Không gian xanh của Hà Nội được quy hoạch chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố, gồm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, sông hồ ao, không gian mở ven mặt nước và các công viên trong đô thị.
Hình 2a,b - Viễn cảnh xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội
Sau đây là một số quy định mà quy hoạch chung Hà Nội đặt ra để đạt được mục tiêu về đô thị “Xanh”:
Mục tiêu phát triển
Mục đích chung của quy hoạch không gian mở và cảnh quan là thiết lập một mạng lưới hoàn chỉnh và tích hợp các đường phố, công viên, môi trường tự nhiên và các cảnh quan văn hóa cho thành phố Hà Nội. Khung này sẽ cho phép quy hoạch được triển khai theo thời gian trong khi theo sát tầm nhìn chung của Hà Nội là "Thành phố Xanh", tạo cơ hội tiếp cận không gian mở cho tất cả các cư dân của thành phố và là một mô hình phát triển phát bền vững.
Trước hết, quy hoạch không gian xanh sẽ tác động đến chất lượng cuộc sống của cư dân thành phố bằng cách tạo ra một môi trường thân thiện với người đi bộ trong các trung tâm đô thị, tạo cơ hội hưởng thụ các dịch vụ giải trí đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của cộng đồng, và đạt mức chất lượng thẩm mỹ cao nhất có thể của môi trường tự nhiên và nhân tạo.
Thứ hai, quy hoạch này sẽ khuyến khích bảo vệ môi trường tự nhiên bằng cách chú trọng bảo vệ môi trường tự nhiên hiện có và tạo lập các môi trường giải trí dựa trên môi trường sống.
Thứ ba, quy hoạch không gian mở sẽ thúc đẩy phát triển bền vững bằng cách tạo ra các mô hình phát triển cho phép bảo tồn các nguồn tài nguyên này và cho phép môi trường tự nhiên nói chung phát triển không cần con người can thiệp và liên tục chăm sóc đặc biệt.
Đề xuất tạo một “Hành lang xanh” - trung gian của bảo tồn và phát triển bằng việc thiết lập một vùng phát triển “cân bằng” dựa trên yếu tố bảo tồn. Đây chính là mấu chốt cho sự phát triển bền vững của Hà Nội (hình 3).
Mật độ dân số 4.000 người/km2, giống như ở London, chỉ cho phép sử dụng 30% quỹ đất Hà Nội để phát triển đô thị. Mật độ dân số này cũng cho phép dành 70% quỹ đất để phát triển Hành lang xanh. Hành lang xanh này gồm có 40% khu vực bảo tồn dành cho khu vực nông nghiệp năng suất cao, các khu vực bảo vệ đa dạng sinh học và các khu vực di sản văn hóa. 30% quỹ đất còn lại để hình thành các khu vực phát triển dựa trên bảo tồn trong đó các khu dân cư và các hoạt động như các làng nghề được duy trì và bảo tồn tuy nhiên sự phát triển này được kiểm soát và quản lý để khuyến khích phát triển các hoạt động xanh thân thiện với môi trường như nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái.
Các thành phần trong không gian xanh đô thị
Mạng lưới không gian xanh Thủ đô Hà Nội bao gồm: hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, công viên mặt nước chuyên đề, thị trấn sinh thái, và các không gian xanh khác (khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, trục xanh, cây xanh công viên đô thị và công viên vườn hoa, vùng trồng hoa, cây cảnh, cây xanh bảo tồn tự nhiên, công trình công cộng, không gian mặt nước…).
1. Hành lang xanh:
Hình 3 - Mô hình phát triển đô thị (trái) / Hình 4 - So sánh Vành đai xanh và Hành lang xanh (phải)
Hành lang xanh chiếm 70% diện tích Hà Nội. Phần còn lại 30% dành cho phát triển đô thị. Tổng diện tích phát triển đô thị ở Hà Nội có quy mô tương tự với toàn bộ thành phố Luân Đôn. Luân Đôn có 38% không gian mở trồng cây xanh trong khu vực đô thị hóa. Trong các khu vực phát triển đô thị của Hà Nội, sẽ có các không gian mở trồng cây xanh quan trọng hỗ trợ tích cực cho tầm nhìn của thủ đô bền vững trên thế giới.
Ý tưởng Hành lang xanh, không phải như Vành đai xanh, cho phép phát triển cân bằng, không bị đô thị hóa bởi các Thị trấn sinh thái.
Ý tưởng về Hành lang xanh là nơi đan xen 3 hình ảnh về Hà Nội đó là Thành phố Thủ đô, Thành phố sinh thái và Thành phố công nghiệp tri thức.Ý nghĩa của Hành lang xanh: Phân tích và giới hạn ngưỡng phát triển của đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; Thiết lập ranh giới, quản lý sự phát triển thiếu kiểm soát của đô thị; Bảo vệ các vùng nông nghiệp năng suất cao; Bảo vệ các vùng dễ xảy ra lũ; Bảo tồn văn hóa và di sản; Khuyến khích các hoạt động xanh, thân thiện môi trường; Cho phép duy trì, nâng cấp các làng nghề truyền thống hiện nay và thúc đẩy du lịch sinh thái; Tạo thuận tiện cho giao thông công cộng giữa đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm.
Mô hình hành lang xanh đô thị: Việc xác định Hành lang xanh sẽ cho phép các khu vực không phải hành lang xanh tập trung phát triển mang tính kinh tế với trọng tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Khu vực hành lang xanh có cả “Khu vực bảo tồn” và “Khu vực phát triển ‘Cân bằng’ dựa trên bảo tồn”. 70% Hành lang xanh (khoảng 2.341 km2).
Hành lang xanh bao gồm các thành phần sau:
a) Khu vực bảo tồn:
- Di sản tự nhiên: Sông hồ, Khu vực đồi núi
- Di sản văn hóa: Di tích lịch sử, làng nghề và làng nông nghiệp
- Đất nông nghiệp: Khu đồng bằng ngập lũ, đất nông nghiệp năng suất cao
Hình 5 - Ý tưởng phát triển đô thị Xanh Hà Nội
Hình 6 - Ý tưởng hành lang xanh
b) Khu vực phát triển cân bằng dựa trên bảo tồn:
- Khu vực nông thôn sinh thái: phục vụ các xã nông nghiệp và làng nghề lân cận, bổ sung đất nông nghiệp.
Vành đai xanh Sông Nhuệ ngăn cách khu vực đô thị nội đô mở rộng với chuỗi đô thị phía đông Vành đai 4, không cho phép phát triển và mở rộng. Trong khu vực vành đai xanh sẽ có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước, các làng hiện trạng và một số công trình công cộng sinh thái quy mô nhỏ.
- Tạo lập một không gian xanh công cộng gần thành phố; Bảo vệ các khu vực nông nghiệp năng suất cao; Bảo vệ các khu vực có nguy cơ bị lũ lụt; Bảo tồn di sản văn hóa; Khuyến khích các hoạt động xanh, thân thiện môi trường và phát triển; Thiết lập ranh giới quản lý sự phát triển thiếu kiểm soát của đô thị; Tạo kết nối mạnh mẽ hơn giữa các khu vực nông thôn, ven đô thị và đô thị; Cho phép duy trì, cải tạo của các làng hiện trạng và thúc đẩy du lịch sinh thái; Thúc đẩy hình thành các trung tâm đô thị mới; Tạo thuận tiện giao thông công cộng giữa các trung tâm đô thị và Hà Nội mới.
2. Vành đai xanh:
Vai trò và tính chất của vành đai xanh:
Trong đô thị trung tâm Hà Nội, cần thiết hình thành không gian đệm xanh phân tách khu vực nội đô Hà Nội với khu vực phát triển mới phía Nam sông Hồng, nhằm kiểm soát quá trình đô thị hóa theo quy hoạch tránh phát triển tự phát.
Ý tưởng vành đai xanh được nghiên cứu dựa trên việc kế thừa từ Quy hoạch trước đây. Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg đã nêu: “Tại vùng ven đô, hình thành vành đai xanh rộng từ 1 đến 4 km, tạo thành bộ khung bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái thành phố”. Đánh giá thực tiễn trong 10 năm thực hiện quy hoạch này, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, Hà Nội đang có nguy cơ làm mất đi vành đai xanh ven đô và thay vào đó là những dự án phát triển đô thị.
Vành đai xanh sẽ nằm trong vùng phát triển đô thị, tạo nên "Lá phổi xanh" cải thiện điều kiện vi khí hậu đồng thời bổ xung hạ tầng đô thị cho khu vực nội đô lịch sử. Trong vành đai xanh sẽ tạo lập các không gian mở gắn với các hoạt động công cộng, vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, công viên cây xanh thể dục thể thao và không gian công cộng lớn khác cho đô thị trung tâm.
Nguyên tắc phát triển vành đai xanh:
Phát triển vùng ven đô, hình thành vành đai tạo thành bộ khung bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái thành phố.
Các chức năng trong vành đai xanh: Ưu tiên phát triển hệ thống công viên cây xanh phục vụ công cộng, duy trì các dải cây xanh ven sông, vùng trồng hoa và cây ăn quả đặc trưng của Thủ đô gắn với công trình dịch vụ công cộng (giải trí, thể dục thể thao) phục vụ các hoạt động trong vành đai xanh, các công trình hỗ trợ giao thông và sử dụng hỗn hợp.
Kiểm soát phát triển phải đảm bảo tính liên tục của không gian cây xanh, mặt nước hiện có gắn với quy hoạch công viên cây xanh và hệ thống hồ nước 2 bên sông Nhuệ và sông Tô Lịch.
Hình 7 - Thành phần hành lang xanh
3. Nêm xanh:
Ý nghĩa của nêm xanh: kết nối giữa vành đai xanh và hành lang xanh đồng thời tạo khoảng không xanh phân tách giữa các cụm đô thị trong chuỗi đô thị vành đai 3-4 mở rộng, dọc theo một số con đường nhỏ ở phía Bắc sông Hồng. Nêm xanh sẽ tạo diện tích mới cho chức năng vui chơi giải trí và tạo khoảng không gian lớn cải thiện điều kiện vi khí hậu trong Đô thị trung tâm.
Thành phần chức năng trong khu vực nêm xanh bao gồm đất nông nghiệp, làng xóm, làng nghề truyền thống và các công viên, vườn hoa trong khu vực.
Kiểm soát phát triển trong các nêm xanh được áp dụng giống như tại vành đai xanh.
4. Các công viên đô thị:
Phân bố hệ thống cây xanh công viên tập trung:
Duy trì và quản lý các không gian xanh hiện có, nghiêm cấm tình trạng xây dựng xâm lấn quỹ đất trong các công viên trong nội đô. Khai thác quỹ đất từ việc di chuyển các cơ sở công nghiệp, các trường đại học trong khu vực nội thành cũ, ưu tiên chuyển đổi thành công viên cây xanh cho đô thị.
Quy hoạch không gian xanh tại những khu vực xây dựng mới phải áp dụng theo tiêu chuẩn, phải tạo được những công viên cây xanh cấp thành phố. Mật độ cây xanh phân bố đồng đều trên các địa bàn.
Phát triển các công viên cây xanh sinh thái, cây xanh quanh hồ điều hòa gắn với hệ thống sông, hồ: cải tạo và mở rộng cảnh quan hồ nước, phục vụ thoát nước và kết hợp không gian công cộng xung quanh ao hồ, sông tạo thành những lõi xanh cho đô thị.
Phấn đấu đạt chỉ tiêu chung 10-15 m2/người, phải tăng cường xây dựng công viên trong các khu xây dựng đặc biệt là trong khu vực nội đô. Đối với khu vực nội đô phấn đấu đạt chỉ tiêu 7 m2/người. Đối với khu vực xây dựng mới và các đô thị vệ tinh đạt mức15-20 m2/người.
Xây dựng các loại công viên cây xanh mới sau: công viên lịch sử, công viên văn hóa, công viên vui chơi giải trí, công viên khoa học, công viên thể thao, Đại công viên (Thiết lập công viên lớn gắn với bảo tồn các vùng nông lâm nghiệp sinh thái như: Công viên sinh thái nông nghiệp, công viên rừng. Tạo lập hệ thống công viên là từ điển sống - động thực vật, nơi tụ hội của nhiều loại cây, nhiều loại động vật nhằm giới thiệu cho người dân về thiên nhiên đồng thời có thể kết hợp tổ chức các khu vực đặc biệt để người dân và khách du lịch có thể vừa tham quan vừa cắm trại, tổ chức các sự kiện, hoạt động ngoài trời).
5. Công viên gắn với không gian mặt nước:
Bảo vệ nghiêm ngặt hệ thống hồ hiện có phục vụ cảnh quan và cải tạo lòng hồ với mục đích thoát nước đô thị, điều hoà không khí, cải thiện môi trường sống. Phát triển hệ thống hồ mới trong lõi các công viên cây xanh nhằm tôn vinh đặc điểm nổi bật của Thủ đô gắn liền với mặt nước. Quy hoạch hệ thống hồ cần nằm trong các hệ thống liên hoàn: hệ thống phục tiêu thoát nước, hệ thống cảnh quan cây xanh - mặt nước hoặc kết hợp cả hai hệ thống nói trên. Đặc biệt tại đô thị trung tâm, tăng cường diện tích mặt nước, xây mới các hồ điều hòa, hồ cảnh quan trong các đô thị mới, công viên và trong các tổ hợp công trình lớn.
6. Sông sinh thái:
Mục tiêu của sông sinh thái là bền vững về môi trường. Các mục tiêu chính là bảo vệ và sử dụng bền vững sông Nhuệ, sông Bùi, sông Tích, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Thiếp, và sông Đáy theo định hướng hành lang xanh. Những con sông này sẽ trở thành sông sinh thái bền vững môi trường trong tương lai. Sông sinh thái được xác định theo các chức năng và định hướng chính như sau: a) bảo tồn các hồ chứa nước nông nghiệp để tự cung tự cấp về lương thực, b) bảo tồn các vùng đầm lầy phục vụ cho các giá trị môi trường, c) phát triển bền vững môi trường sinh thái nhằm đa dạng sinh học và d) Sử dụng bền vững công viên sinh thái vì lợi ích con người.
Hình 8. Sông sinh thái
7. Thị trấn sinh thái:
Thị trấn sinh thái là mô hình đô thị sinh thái với mục tiêu phát triển cân bằng giữa khu làng hiện hữu và các khu phát triển mới. Theo đó, quy hoạch dựa trên những lợi ích công bằng đối với các khu làng hiện hữu và giảm đến mức tối thiểu sự di dân. Đô thị này sẽ đem lại những lợi ích xã hội cho người dân sống trong các khu làng hiện hữu đồng thời sẽ giải quyết những khiếu nại và mâu thuẫn thông qua bảo tồn làng hiện hữu, chuyển sang các mô hình kinh doanh gia trị cao hơn thông qua nông nghiệp công nghệ cao, chuẩn bị đất dịch vụ để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Về mặt môi trường, các thị trấn sinh thái làm hài hòa giữa dân số hiện trạng và dân nhập cư, cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ phát triển khu sinh thái và cơ sở hạ tầng mới. Các thị trấn sinh thái này sẽ cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các làng nghề và làng nông nghiệp trong Hành lang xanh và sẽ là trung tâm phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Để bảo tồn tiềm năng tự nhiên và môi trường vùng, tầng cao kiến trúc cần được hạn chế dưới 20 tầng và mật độ được kiểm soát trong khoảng từ 17~25 hộ gia đình/ha.
8. Về khu vực nông thôn sinh thái:
Hiện nay quá nửa dân số Việt Nam làm nghề nông, nên nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo. Mặc dù ngành nông nghiệp sẽ chiếm một phần nhỏ hơn trong cơ cấu ngành của Việt Nam và Hà Nội (trong quy hoạch chỉ còn khoảng 5% dân số năm 2050), nhưng diện tích và sản lượng có thể giữ nguyên hoặc thậm chí tăng lên. Do đó, không nên giảm diện tích đất nông nghiệp nhiều hơn mức cần thiết cho quá trình đô thị hóa. Các khu vực phát triển đô thị chiếm 30% tổng diện tích thủ đô Hà Nội mở rộng. Chọn ra những khu vực phát triển nông thôn dựa vào sự bố trí 70% hành lang xanh. Mô hình Hành lang xanh đặt lên hàng đầu và tiếp theo là Khu vực phát triển phải đảm bảo những khu vực/ khu đất được chọn có ít ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sự bền vững của Hà Nội.
Hình 9 - Khu vực nông thôn sinh thái
Kết luận
Vấn đề đô thị xanh được xem là trọng tâm phát triển với mục tiêu phát triển và được đề cập trong các quy hoạch của nhiều thành phố trên thế giới nhằm cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới. Tuy nhiên khái niệm về đô thị xanh vẫn còn khá mới mẻ trong hệ thống đô thị Việt Nam. Vì vậy cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra được khái niệm và các tiêu chuẩn về Đô thị xanh áp dụng cho các đô thị Việt Nam.
Việt Nam cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn để bổ sung và hoàn thiện hơn nữa nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển Đô thị xanh hiện tại và tương lai. Ngoài cây xanh công cộng, cần quan tâm hơn nữa đến hệ thống cây xanh nằm trong các công trình tư nhân như nhà ở, cơ quan... Xác định thêm vai trò của sân Golf trong Đô thị xanh ở hiện tại và tương lai.
Quy hoạch đô thị cần phải đặt yếu tố Xanh lên hàng đầu. Không gian xanh đô thị không chỉ có cây xanh đường phố, công viên mặt nước mà cần phải có cái nhìn toàn diện hơn bao gồm các hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, thị trấn sinh thái, công viên sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vùng trồng hoa, vùng bảo tồn cây xanh, trục xanh cảnh quan... Cần phải nhận thức đầy đủ các yếu tố trên trong quy hoạch và quản lý quy hoạch không gian xanh của Đô thị xanh hiện đại./.
PGS.TS Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Luật Quy hoạch đô thị của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009.
- Nghị định 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị.
- Nghị định 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/06/2010 Về quản lý cây xanh đô thị.
- Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 7/05/2009 Về việc phân loại đô thị.
- Thông tư 34/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 30/9/2009 về quy định chi tiết một số điểm trong Nghị định 42/2009/NĐ-CP về phân loại đô thị.
- Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01/2008/BXD về quy hoạch xây dựng.
- Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
- Đề án đề nghị công nhận Thành phố Thái Nguyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thái Nguyên - 7/2011.
- Đề án đề nghị công nhận Thành phố Nha Trang là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa - 7/2008.
- Đề án đề nghị công nhận Thành phố Hải Dương là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hải Dương - 3/2009.
- Đề án đề nghị công nhận Thành phố Phan Thiết là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Phan Thiết - 5/2009.
- Đề án đề nghị công nhận Thị xã Phú Thọ là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Phú Thọ - 11/2010.
- Đề án đề nghị công nhận Thị xã Cam Ranh là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Khánh Hòa - 5/2009.
- Đề án đề nghị công nhận Thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là đô thị loại IV - 8/2010.
- Đề án đề nghị công nhận Thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa là đô thị loại IV - 5/2009.
- Công cụ FIT ứng dụng cho các dự án thiết kế quy hoạch
- Thay đổi phương pháp quy hoạch đô thị
- Quy hoạch giao thông đô thị - cái nhìn từ thực tiễn
- Sự hình thành các quảng trường tại các đô thị trên thế giới và thực trạng Việt Nam
- Bài học kinh nghiệm từ các thất bại trong quy hoạch phát triển Sài Gòn
- Kiến trúc quảng trường ở các đô thị Việt Nam
- Quy hoạch đô thị Hà Nội: Từ tưởng tượng đến thực tế
- Kiểm soát phát triển nhà cao tầng để giảm tải nội đô
- Thiết kế đô thị châu Á trong kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa
- "Đô thị gọn chặt" và chiến lược phi tập trung hóa
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này