Bên cạnh những bản quy hoạch định ra các công trình xây dựng, Hà Nội cũng cần những bản quy hoạch vạch ra những vùng cấm xây dựng để làm cây xanh mặt nước công cộng cho Thành phố.
Cần quy hoạch vùng cấm xây dựng
Chúng tôi đến thăm NGND.GS.TSKH.KTS Nguyễn Thế Bá vì biết ông đang ốm. Mặc dù còn rất mệt nhưng ông vẫn gượng dậy để cùng đồng nghiệp chuẩn bị cho Hội thảo về công viên Hà Nội.
Ông tươi hẳn lên khi biết tin: Phó thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo kiểm tra việc Tổng công ty Du lịch Hà Nội lấy gần 10.000 m2 đất của công viên Thống Nhất để góp vốn xây dựng khách sạn theo vụ việc nêu trên báo chí…
- Ảnh bên : Hồ Gươm.
"Cần phải làm rõ việc xây dựng khách sạn tại vị trí trên có phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được duyệt và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đang được nghiên cứu không?", ông nói.
Mặc dù đánh giá cao việc việc Thành uỷ Hà Nội đã có những động thái quyết tâm để làm rõ chuyện xây dựng trong công viên, song ông vẫn còn một vài băn khoăn vì thấy những dự án các công trình kinh doanh khai thác các vị trí đẹp tại Hà Nội thường đặt trên khu đất công cộng, chỉ khi dư luận có ý kiến quyết liệt liệt mới dừng lại. Làm như vậy, các cấp quản lý cũng khó xử, các nhà đầu tư chân chính cũng nản lòng, người dân thì bức xức…rất tốn kém thời gian tiền bạc.
Ông trăn trở: "Thành phố còn bao việc phải làm, ngày Thủ đô ngàn tuổi đã cận kề mà nhiều chuyện ngổn ngang quá…"
"Hội thảo lần này sẽ không chỉ bàn chuyện công viên Thống Nhất, mà nói đến toàn bộ hệ thống công viên cây xanh Thủ đô. Bên cạnh những bản quy hoạch định ra các công trình xây dựng, cũng cần những bản quy hoạch vạch ra những vùng cấm xây dựng để làm cây xanh mặt nước công cộng cho Thành phố", GS Nguyễn Thế Bá nói.
Và để làm việc này, rất có thể Hội Quy hoạch sẽ chủ động đề xuất với các cơ quan quản lý phát động cuộc thi “Ý tưởng Quy hoạch hệ thống cây xanh mặt nước - công viên Hà Nội". Cuộc thi này sẽ là nơi tập hợp ý kiến của đông đảo những người trong và ngoài giới kiến trúc, đóng góp ý tưởng cho việc xây dựng và bảo vệ không xanh xanh.
- Ảnh bên : Cô gái Hà Nội năm 1962 - cô đã từng gánh đất xây công viên, đang đứng chụp kỷ niệm với công viên vừa mới xây : thảm cỏ mới trồng, cây còn bé tý …
Sau nhiều tai tiếng xung quanh công tác quy hoạch của TP trong thời gian qua, GS Nguyễn Thế Bá càng trăn trở nhiều hơn với dự án Luật Quy hoạch Đô thị đang được bàn thảo.
“Ta viết luật như viết nghị định. Mình muốn cho các kiến trúc sư sáng tạo, mà mình lại bó lại bằng những ràng buộc không đáng có", ông góp ý. "Lẽ ra, chỉ cần xem xét khu vực đó có được phép xây dựng hay không, nếu không được xây dựng thì tôi có thiết kế đẹp đến bao nhiêu cũng không thể chấp nhận. Hay bên cạnh đó đã làm nhà cao tầng, nhưng nếu tôi tiếp tục thiết kế một công trình cao tầng nữa chen vào, dù là đẹp đến mấy, cũng không thể chấp nhận. Tức là, Luật chỉ cần nêu không được làm cái gì, được làm cái gì, chứ không phải là làm như thế nào".
Ông nói: "Cứ theo cách đó, ai làm sai – dù là chủ tịch Thành phố - cũng đều phải chịu trách nhiệm. Thế mới gọi là nghiêm minh pháp luật.”
- Ảnh bên : Các chàng trai sinh viên khoa Hoá silicát - vật liệu chịu lửa – ĐH Bách Khoa,- họ cũng là những chàng trai xây dựng công viên Thống Nhất họ chụp ảnh kỷ niệm trong công viên để rồi tạm biệt Thủ Đô
Thành phố hào nhoáng xa lạ và thành phố thân thiện
Trong những nghiên cứu về thành phố “phát triển bền vững”, tài liệu của các chuyên gia quốc tế lấy ví dụ so sánh về hai khung cảnh thành phố xây dựng trong cùng quốc gia, đó là Brazil.
Thành phố thứ nhất là Brazilia với tham vọng của Kubitschek, Tổng thống lúc ấy là xây dựng một Thủ đô mới – hình mẫu thịnh vượng cho đất nước đông dân nhất Nam Mỹ đang trên đà phát triển. Thủ đô mới đã được xây dựng (bằng tiền vay nước ngoài) rất tốn kém để làm nên nhiều kiệt tác kiến trúc lừng danh, tác giả là KTS vĩ đại trong mọi thời đại: Lucio Costa, Oscar Niemeyer…
Nhưng đất nước sa lầy vào gánh nặng nợ nần, chật vật mấy chục năm, những bất ổn xã hội liên miên. Thành phố vắng vẻ trong thời gian dài với vài vạn dân, nửa thế kỷ sau mới đạt mức dự báo.
- Ảnh bên : Thành phố Curitiba nhìn từ trên cao
Một thành phố khác có 2 triệu dân, thủ phủ bang Paranas có tên là Curitiba – thành phố yên bình, nơi cư dân hài lòng với nơi trú ngụ của mình. Ông thị trưởng là một trí thức đã cùng với dân chúng không chủ trương xây dựng TP với khung cảnh kiểu cách, mà là sự kết hợp có giá trị nhất công tác kế hoạch hoá đô thị với phát triển giao thông, trong điều kiện tiết kiệm tối đa chi phí tài chính và không gian đô thị. Đồng thời còn phải tạo ra nhiều việc làm và thu nhập.
Chính quyền TP lựa chọn những giải pháp sử dụng nhiều lao động hơn là là sử dụng cơ giới hay chi phí cao. Họ ưu tiên các sáng kiến của công dân tại chỗ hơn là nhập khẩu những công nghệ tiên tiến nhưng xa lạ với họ.
Chẳng hạn, việc tái sử dụng chất thải đựơc 70% dân chúng thực hiện, nhờ vậy TP không phải đầu tư nhà máy xử lý rác. TP còn tổ chức thu hồi rác thải đã phân loại bằng cách đổi lại vé xe buýt, đồ dùng học sinh và thực phẩm.
- Ảnh bên : Khu nhà Giảng Võ những năm 1960
Ngay từ những năm 1960, TP đã theo đuổi một kế hoạch phát triển đô thị đồng bộ và kiên định: kiểm soát hiệu quả các khu vực cấm xây dựng (ven các dòng sông, mặt hồ nước) bằng cách lập các công viên, trồng cây xanh hay trung tâm thể thao cộng đồng. Kết quả là đa số dân chúng TP được tiếp cận với các dịch vụ, tạo được nhiều việc làm và thành phố bình yên - sạch đẹp một cách tự nhiên.
Trong các thảo luận về tương lai đô thị, rất nhiều khuyến cáo cho rằng mô hình thành phố Curitiba là một bài học rất thuyết phục, đáng để các nước đang phát triển học tập. Trong các văn bản chính thức hay các cuộc hội thảo – đa số đồng tình như vậy. Nhưng trên thực tế không thấy có thêm một Curitiba thứ hai trên hành tinh này - đơn giản là thiếu vắng ông thị trưởng tài năng và can đảm như đã từng có ở Curitiba.
- Ảnh bên : Công viên Barigui – Curitiba
Hà Nội - trước đây cũng đã có thời phát triển trong sáng như Curitiba vậy.
Ghi chú:
- Tư liệu về thành phố Curitiba trong bài viết “ Thành phố bền vững khối Nam-Nam: giữa cái không tưởng và thực tiến” của các nhà Địa lý học Dominique Couret &Pascale Metzger – Trung tâm IRD tại Ile-de France. Sách “Phát triển Bền Vững “ NXB Thế Giới 2007.
- Nguồn ảnh: Hanoi Data
Trần Huy Ánh - Linh Thuỷ
>>
>>
- Không gian thân thiện & không gian công cộng
- Vùng đô thị cực lớn ở Việt Nam
- Quy hoạch nông thôn mới: Lúng túng tìm kiếm mô hình
- Đô thị làm hại trí óc ra sao?
- Hợp tác liên đô thị
- Giảm tải vùng lõi đô thị
- Hà Nội quy hoạch thoát nước theo hướng nào?
- Lo cho sự phát triển bền vững của Hà Nội
- TPHCM: Mơ về đô thị vệ tinh 15 năm nữa
- Quy hoạch đô thị nhìn từ tháp Eiffel