Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương – kiến trúc sư “có văn” và “đẻ dày”

Tạ Mỹ Dương – kiến trúc sư “có văn” và “đẻ dày”

Viết email In

Thoạt nhìn bộ ba cuốn sách, cuốn nào cuốn đó dày dặn của kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương dễ mang đến một cảm giác ngần ngại cho đa số người đọc – nhất là những người không mấy rành về lĩnh vực kiến trúc... 

...Thế nhưng, cảm giác ban đầu đó đã tan đi rất nhanh ngay khi mở ra những trang sách đầu tiên của “Âm thanh cầu thang gỗ”, “Đá hát” và “Bên cạnh rong rêu”. Đó là khi ta thích thú nhận ra người viết dù bàn về kiến trúc, quy hoạch, đô thị... nhưng chung quy cũng là nói về những câu chuyện của văn hóa, lối sống cả truyền thống và hiện đại theo một cách vừa gần gũi, bình dị lại vừa sang trọng, hào hoa.  


Bộ ba cuốn sách vừa ra mắt của KTS Tạ Mỹ Dương 

Không phải đến khi bộ ba cuốn sách này ra mắt thì người ta mới biết Tạ Mỹ Dương có duyên viết lách, bởi từ trước đó rất lâu, anh đã sớm gây được ấn tượng bởi lối viết hấp dẫn mà chuẩn xác nhà nghề trên các trang báo, tạp chí như: Kiến trúc Nhà Đẹp, Kiến trúc, Sài Gòn Tiếp thị, Lao động, Doanh nhân cuối tuần, Tuổi Trẻ, Kiến trúc Đời sống... Chính chất văn rất riêng đã khiến cho những bài viết về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch mang hàm lượng chuyên môn cao vốn tưởng chừng khô khan lại trở nên mềm mại, dễ thẩm thấu. 

Ngoài những bài báo từng được in, bộ ba cuốn sách còn tập hợp cả những bài viết trên trang cá nhân của tác giả, từ thời blog Yahoo 360 xưa, hay đôi khi là những mẩu viết trên giấy, trên điện thoại trong lúc rong chơi... Đó là những nguồn tư liệu tích lũy lâu năm giúp Tạ Mỹ Dương đến thời điểm này có thể “đẻ dày” một lúc cả ba cuốn sách. Qua đó, tác giả mong muốn mang cách nhìn của mình về kiến trúc để người đọc cảm thấy kiến trúc gần gũi, chứ không quá chuyên sâu, để mọi người cảm nhận kiến trúc là không gian sống chứ không chỉ là nơi trú ngụ. 

Là một người đồng nghiệp trong nghề kiến trúc, KTS Hoàng Đạo Kính khẳng định, trong giới kiến trúc sư thì Tạ Mỹ Dương là một trong những người đi được nhiều nhất, viết được nhiều nhất, và điều quan trọng là không chịu viết dở. Tạ Mỹ Dương đã kế thừa được một cách hiệu quả nhất truyền thống từ người cha của mình là kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật – một người thuộc thế hệ vàng trong giới kiến trúc Việt Nam. “Theo tôi, Tạ Mỹ Dương là một người đã làm “mềm” kiến trúc. Với Dương, kiến trúc không phải là đồ án, là công trình mà là nghệ thuật” – KTS Hoàng Đạo Kính nhận xét.

Những người bạn cùng nghề với Tạ Mỹ Dương như kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Bùi Huy Hội cũng bày tỏ lòng khâm phục và chúc mừng “ba đứa con tinh thần” của bạn mình. Mỗi cuốn sách có một vẻ riêng nhưng đều được nhìn bằng đôi mắt của một nhà kiến trúc, một con người luôn sống đầy hoài niệm, một người “giai phố cổ” của Hà Nội. Dù “rong chơi” qua bao nhiêu miền đất, qua bao nhiêu năm tháng, bao phương trời, Tạ Mỹ Dương vẫn luôn luôn bị ám ảnh bởi ngôi nhà xưa cũ nơi ông chào đời và lớn lên một thời tuổi trẻ mà “… ở đó cứ lấp lánh một cái thần, một nét duyên, cái mà ta chỉ có thể cảm nhận bằng tấm lòng chứ không phải theo các tiêu chí chuẩn mực của mỹ học”. 

Nhà văn Trần Chiến cho biết, ông quen Tạ Mỹ Dương đã lâu, có ấn tượng đây là người thích “rong chơi” và cũng đã được đọc một số bài từ trong bản thảo nhưng cũng khá bất ngờ khi ba cuốn sách dày dặn xuất bản cùng một lúc. Điều đáng nói là Tạ Mỹ Dương giữ được vẻ sang trọng nhưng không trưởng giả, đầy lãng mạn, hoài niệm nhưng không bị “sến”. Trần Chiến khá ấn tượng với tản văn và đặc biệt là một vài truyện ngắn trong tập “Bên cạnh rong rêu”.

Vừa là thú chơi, vừa là một khát vọng xê dịch, Tạ Mỹ Dương đi và viết du ký về kiến trúc ở các nước đủ cả các châu lục. Ông cũng nặng nợ với Hà Nội và Sài Gòn - những nơi trải qua một thời tuổi trẻ và lập thân. Đọc những gì Tạ Mỹ Dương viết, người ta sẽ bắt gặp mình nhiều lần tâm đắc với những ý tưởng và quan niệm của Tạ Mỹ Dương về kiến trúc, đô thị và hơn thế đó là vấn đề của đời sống con người hôm nay: “Ngoài ba chiều không gian về mặt định hình, không gian sống còn được tạo nên bởi chiều thứ tư là chiều của tâm thức và cảm xúc”. 


Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
(trái) viết vui về việc ra mắt sách của KTS Tạ Mỹ Dương (phải): "Lão Dương Tạ kiến trúc sư đùng một cái ra liền một lúc ba cuốn sách tại NXB Trẻ. Văn của lão, ảnh cũng của lão, thiết kế sách lại theo ý tưởng của lão, gộp ba trong một thành được ba ấn phẩm đẹp đẽ, sang trọng. Nhìn đã thích mắt, đọc vào lại thích miệng, cảm được cái tình cái văn của người vốn nghề làm hình không gian cho người ta ở và sống. Đọc bộ ba này củaTạ Mỹ Dương muốn sống lại và sống thêm những cảnh và nơi mình đã sống, đã qua, và chưa biết..."

Bộ ba du ký - cảm luận của Tạ Mỹ Dương thể hiện toàn vẹn mỹ cảm của riêng anh và cũng của một thế hệ.

Cuốn thứ nhất là tập cảm luận về kiến trúc, nhà ở và đô thị mang tên “Âm thanh cầu thang gỗ”. Ở đó, tác giả - một “con giai phố Tây” dù sống trong biệt thự phố Pháp hay nhà phố Sài Gòn, đều nhận diện được ưu thế mối giao hòa Đông-Tây trong những công trình kiến trúc di sản. Với cuốn sách này, Tạ Mỹ Dương đã thể hiện một lối cảm nhận của dân nhà nghề, ở một đẳng cấp sang trọng nhưng không thiếu chất bình dị, gần gũi.

Đến với tập du ký kiến trúc mang tên “Đá hát”, người đọc có dịp đi du ngoạn kiến trúc cùng Tạ Mỹ Dương, sống với công trình ở khía cạnh nhân văn của chúng, chứ không chỉ là ngưỡng mộ thán phục về độ kỳ vĩ hay cái lạ lùng. Cuốn sách chứa đựng sự lãng mạn, sự mộng mơ, và những ký ức của kiến trúc.

Và cuốn thứ ba trong bộ ba cuốn sách ra mắt đồng loạt này là “Bên cạnh rong rêu” – một tập tản văn, truyện ngắn và ghi chép về những con người, những góc nhà nơi những cuộc dâu bể về thân phận diễn ra. Một cuộc diễu hành tập thể những con người Hà Nội của thời quá vãng. Nhưng mỗi người là một số phận riêng tư, gợi lại đầy ắp kỷ niệm. Viết về Hà Nội bằng một cảm quan đã quen thuộc, nhưng đẩy đến độ tinh tế và cả cầu kỳ, “Bên cạnh rong rêu” kéo người đọc trở lại những gì tốt đẹp của vùng đất đã được dành nhiều tình cảm bậc nhất này.

KTS Tạ Mỹ Dương, sinh tại Hà Nội 1956, là con trai của KTS Tạ Mỹ Duật, thuộc thế hệ KTS tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương thời kỳ đầu. Năm 1976, Tạ Mỹ Dương vào Sài Gòn học Đại học Kiến trúc TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp năm 1980, anh đã có 10 năm làm ở Viện Thiết kế Tổng hợp (Bộ Xây dựng), thiết kế các công trình dân dụng bệnh viện, nhà làm việc, nhà ở Đồng bằng sông Cửu Long, dưới sự chỉ bảo của những KTS lứa trước hàng đầu miền Nam. Từ 1991, hành nghề tự do, thiết kế các công trình nhà ở, biệt thự, cao ốc văn phòng ở TP.HCM, Đà Nẵng... 

Khánh Thư 
(Dân Việt)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo