Có ý tưởng, thiết kế tốt, nhưng để đưa vào thực hiện thì còn phải… chờ. Đó là câu chuyện chẳng mấy xa lạ đằng sau các cuộc thi ý tưởng kiến trúc được phát động rầm rộ hàng năm.
Năm lần bảy lượt lỡ hẹn
Cuối năm 2009, cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch hồ Gươm và các vùng phụ cận” - được Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phát động ngay trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Không có giải nhất nào được trao, giải nhì thuộc về hai đề án, trong đó có đề án của nhóm “1+1>2” của KTS Hoàng Thúc Hào, KTS Marco Ferrera (Italy) cùng cộng sự. Ý tưởng của KTS Hoàng Thúc Hào nhằm mở rộng không gian xanh của hồ Gươm để tạo không gian giao lưu văn hóa cho người dân thủ đô được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Lấy Bờ Hồ làm trung tâm, KTS này đề xuất phương án mở rộng diện tích cho Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, kết nối các di tích đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, chùa Bà Đá, chùa Vũ Thạch, Nhà thờ Lớn… thành một không gian văn hóa tâm linh. Cùng với đó là hình thành các tuyến phố đi bộ quanh hồ kết hợp với tuyến đi bộ Hàng Ngang - Hàng Đào, tận dụng các không gian ngầm, kết hợp hài hòa hệ thống chiếu sáng với mạng lưới cây xanh, tạo không gian hài hòa, ấm cúng như “trái tim” của thành phố. Nhưng cho đến nay, ý tưởng này vẫn chỉ nằm trên giấy.
Đồ án “Cung đường hòa bình” vẫn chưa được triển khai dù nhận được sự đồng thuận từ nhiều phía.
Cũng là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long do nhóm KTS Hoàng Thúc Hào thực hiện, đồ án “Cung đường hòa bình” đưa ra phương án chỉnh trang tuyến đường Bưởi đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận và giới chuyên môn. Theo đó, đoạn tường thành dài 2km – những dấu tích còn sót lại của kinh thành Thăng Long xưa đã được nhóm KTS biến thành một “bản giao hưởng” sống động bằng việc sử dụng các chất liệu truyền thống, bền vững như gạch vồ, đá ong, đá tự nhiên để kè lại, xen kẽ với thảm cỏ, hoa tươi, hệ thống chiếu sáng, thang đi bộ... Đồ án đã giành giải Nhất cuộc thi “Vì Thủ đô Hà Nội hôm nay và ngày mai” năm 2010 do Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát động. Khi đưa ra, nó cũng nhận được sự đồng tình của những người trong nghề cũng như nhà nghiên cứu văn hóa khi đưa ra giải pháp không làm ảnh hưởng đến kết cấu kiến trúc, mà vẫn đáp ứng được tiêu chí về thẩm mỹ cũng như gửi gắm hàm lượng thông tin văn hóa đậm đặc trong các lớp tường thành. Trao đổi với chúng tôi, KTS Hoàng Thúc Hào, chủ nhiệm dự án cho biết: “Để triển khai dự án này không khó vì kinh phí để thực hiện dự án này không quá tốn kém, có thể huy động được bằng nguồn xã hội hóa. Chúng tôi đã gửi báo cáo và được Ban Chỉ đạo Đại lễ 1000 năm Thăng Long ủng hộ và kiến nghị lên thành phố cho làm thí điểm mấy trăm mét, nhưng cuối cùng vẫn không thành”.
Chẳng phải riêng ai
Không phải riêng nhóm KTS Hoàng Thúc Hào, rất nhiều đồ án có chất lượng từ các cuộc thi kiến trúc cũng đang lâm vào tình trạng được long trọng trao giải nhưng hiện vẫn nằm im lìm… trên giấy. Trong số đó, không thể tính hết có bao nhiêu sáng kiến được đưa ra sau mỗi cuộc thi giải pháp kiến trúc đô thị được phát động đều đặn mỗi năm. Từ năm 2003, mạng kiến trúc Ashui.com, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội và Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã tổ chức cuộc thi sáng tác mang tên “Hà Nội 36 phố phường – ý tưởng cho một góc phố đẹp”. Không ít những sáng kiến làm đẹp những con đường, góc phố của thủ đô với tính khả thi tương đối cao đã được phát hiện từ cuộc thi này, chẳng hạn như ý tưởng biến phố Gia Ngư thành “điểm nhấn đô thị” với việc chỉ tác động lên bề mặt kiến trúc như tôn cao vỉa hè, lát đường, lắp đặt các trang thiết bị đô thị… hay cải tạo tháp nước vườn hoa Hàng Đậu thành một gallery nghệ thuật… Từ đó đến nay, các cuộc thi được tổ chức với hình thức ngày càng đa dạng, gắn bó trực tiếp tới đời sống dân sinh như cải tạo không gian các công trình công cộng, thiết kế nhà ở chung cư cho người thu nhập thấp… Nhưng nhìn chung, các ý tưởng dù “tiềm năng” đến đâu cũng vẫn phải chờ!
Đề cập đến vấn đề này, KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, hàng năm Hội Kiến trúc sư vẫn phát động nhiều cuộc thi với các quy mô khác nhau, từ những đơn đặt hàng của Nhà nước với những công trình lớn cho tới các sân chơi hẹp hơn cho giới doanh nghiệp, sinh viên… nhằm tuyển chọn, phát hiện và nâng cao trình độ chuyên môn cho người thiết kế công trình. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Hội Kiến trúc sư đã tổ chức cuộc thi đầu tiên “Cải tạo phố cổ” - ý tưởng đoạt giải chính là tiền đề để thực hiện đề án giãn dân phố cổ hiện nay. Nhưng cũng phải mất đến hơn… 20 năm, đề án này mới được đưa vào thực hiện. Cũng theo ông Nguyễn Quốc Thông, trên thực tế, không phải những phương án thiết kế đều ở trong tình trạng “có giải” nhưng không được xây. Cụ thể, trong năm 2011 và 2012, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã lựa chọn phương án Nhà lõi bê tông đoạt giải A cuộc thi kiến trúc “Nhà ở nông thôn vùng bão lụt” để xây dựng ngay trên địa bàn bão lũ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh và Nghệ An. Với phần khung chắc chắn, có khả năng lắp ghép, mở rộng không gian khi mùa lũ đến và chi phí hợp lý (xấp xỉ 10 triệu đồng), mô hình này khi được triển khai đã nhận được sự hưởng ứng của bà con trong vùng thiên tai và có khả năng được nhân rộng. Tuy nhiên, số lượng những đồ án đi vào thực tế như thế này không nhiều. Và lời giải đáp chắc chắn không chỉ nằm trong tay của những kiến trúc sư đang miệt mài vẽ nên các công trình.
Phố Đinh Tiên Hoàng trong Đồ án “Khôi phục quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phố Hàng Đào, khu phố cổ Hà Nội” đoạt giải Nhất cuộc thi “Historical Hanoi 2013”.
Để một đồ án dự thi được đưa vào thực hiện, bên cạnh việc tìm được chủ đầu tư, kiến trúc sư phải nhận được sự đồng thuận từ cả người dân và cấp chính quyền. Chừng nào chưa có tiếng nói chung giữa những lực lượng này, thì các kiến trúc sư vẫn phải tự tìm đường.
Chờ đợi gì ở các cuộc thi
Trên thực tế, tiêu chí để đánh giá chất lượng một bản thiết kế cần phải dựa trên ý tưởng và tính khả thi của công trình. Tuy nhiên, nhiều cuộc thi chỉ đề cao về mặt ý tưởng, bám sát chủ đề chứ chưa tính đến tính thực tiễn. Tại buổi tổng kết trao giải cuộc thi “Giải pháp kiến trúc tạo dựng không gian đô thị” do Đại sứ quán Đan Mạch và mạng kiến trúc Ashui phát động, một vị giám khảo đã nhận định, các thiết kế dự thi của Việt Nam không hề thua kém so với trình độ quốc tế nhưng ý tưởng chưa có gì đột phá. Các đồ án vẫn chỉ mang tính chất hoàn thiện những ý tưởng đã có từ trước, chứ chưa có cái gì nằm ngoài sức tưởng tượng. Đề cao ý tưởng, nhưng cũng chưa thấy BTC nào đề cập đến khả năng đưa đồ án ra thực tế. Thiếu một sự “chỉ đường” từ phía người tổ chức, nên khi hỏi một người trong nhóm tác giả đoạt giải Nhất thì chính họ cũng chưa biết sẽ triển khai trên thực tế như thế nào.
Theo KTS Lê Việt Hà, chủ nhiệm trang mạng kiến trúc Ashui.com - đơn vị thường xuyên tổ chức các cuộc thi kiến trúc hàng năm cho biết, dù rất mong muốn đưa các ý tưởng vào hiện thực, nhưng hiện nay, trách nhiệm của BTC vẫn chỉ dừng lại ở việc đánh giá và trao giải. Để một đồ án đi từ bản vẽ đến thực tế là một quá trình phức tạp. Các cuộc thi được phát động trong một thời gian ngắn, các KTS chỉ có 1 tháng để hoàn thành bản vẽ dự thi, nên bản vẽ nhiều khi chưa trau chuốt và tỉ mỉ. Nên để thực hiện được, BTC phải tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa và phát triển đồ án tới độ có thể thực hiện được. Lúc đó, nếu làm tốt, BTC sẽ tiếp tục giới thiệu tới những nhà đầu tư có khả năng, đồng thời thuyết phục các cấp chính quyền và người dân. Nhưng trên thực tế, các cuộc thi của chúng ta mới chỉ làm được phần “ngọn”, tức là tổ chức và trao giải. Còn hậu cuộc thi, tương lai của đồ án như thế nào thì chưa ai biết được. Bởi vậy, nhiều công ty kiến trúc đang vận hành theo kiểu 4 trong 1, vừa thiết kế, vừa tự mình bỏ tiền túi để đầu tư, quản lý dự án, vừa tuyên truyền cộng đồng, cũng như đưa thiết kế công trình đến tận tay các nhà quản lý.
Lễ trao giải Cuộc thi Tài năng (Talent Prize) 2013 với chủ đề "Giải pháp kiến trúc tạo dựng không gian đô thị" do Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa Đan Mạch-Việt Nam phối hợp Ashui.com, báo Thể thao & Văn hóa tổ chức (ảnh: Ashui.com)
Trao quyền cho kiến trúc sư
KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, giữa cuộc thi kiến trúc với thực tiễn còn tồn tại một khoảng cách lớn. Là giám khảo của nhiều cuộc thi, gần đây nhất là cuộc thi ý tưởng kiến trúc “Historical Hanoi 2013”: “Khôi phục quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phố Hàng Đào, khu phố cổ Hà Nội” do Hội phối hợp với Đại sứ quán Italy và Hội kiến trúc sư Genova phát động, tìm ra một đề án tốt để trao giải đã khó, nhưng để ý tưởng đoạt giải khi đưa vào thực tế nhận được sự đồng thuận còn khó hơn nhiều. “Ý tưởng đột phá thường gặp trở ngại từ nhiều yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội… Có những ý tưởng rất mạnh, rất táo bạo, có thể phá bung tất cả một khu vực vài ba hecta trong khi vẫn còn rất nhiều dân cư sinh sống tại đó, nên chắc chắn sẽ nảy sinh va chạm. Đồ án phải tạo được điều kiện sinh hoạt của người dân tốt hơn, phải làm họ nhận thức được tính cấp thiết của công trình”.
Trước đây, chúng ta mới chỉ tập trung thiết kế các công trình, các tòa nhà. Những không gian công cộng, đường phố… chưa thực sự được chú trọng và thường bị coi là “phần phụ” của thành phố. Trong khi đây là nơi sinh hoạt chủ yếu của người dân và cần nhiều hơn bàn tay xây dựng của các kiến trúc sư. Chỉ qua các cuộc thi kiến trúc, thì những vấn đề như thế này mới nhận được nhiều sự quan tâm và chú ý từ cộng đồng. KTS Hoàng Thúc Hào – người rất tâm huyết với những công trình kiến trúc cải tạo thành phố chia sẻ, cần có những giải pháp căn bản để kiến trúc sư có thêm điều kiện phát huy khả năng và hoạt động trong một môi trường tích cực, lành mạnh. Trên thực tế, những kiến trúc sư trực tiếp thiết kế công trình lại không được đảm bảo quyền lợi đúng đắn, mà phụ thuộc vào chủ đầu tư dẫn đến việc thay đổi chất lượng không gian và tính thẩm mỹ của công trình. Với mong muốn đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam xúc tiến Dự thảo xây dựng Luật Kiến trúc sư, trong đó, dưới sự ràng buộc của hành lang pháp lý, kiến trúc sư bên cạnh việc trao thêm quyền hạn, cần có ý thức trách nhiệm của mình trước cộng đồng, trước xã hội khi công trình được thi công. Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả của các cuộc thi, tránh việc chỉ biểu dương về mặt hình thức, cần có quy định đối với các đồ án đoạt giải cao chắc chắn phải được triển khai, xây dựng. Với sự hỗ trợ của luật, những ý tưởng kiến trúc sẽ không chỉ trông chờ vào “xác suất” và chúng ta sẽ có thêm những giải pháp thiết thực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị, cho xã hội./.
Mai Anh (An ninh Thủ đô)
- Kiến trúc sư cộng đồng Nguyễn Duy Thanh - Làm những gì người dân cần
- Thi tuyển phương án kiến trúc, bảo tồn Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (Hoàng thành Thăng Long)
- 2014 Wallpaper Design Awards: "Bình Thạnh House" lọt vào Top 5 hạng mục Nhà ở
- Mario Bellini: “Nếu không có tính tò mò thì ta chẳng thể tạo ra được gì”
- Xanh nhận thức, xanh nhu cầu, xanh dự án...
- Giải nhất cuộc thi Tài năng Kiến trúc 2013: Giấc mơ về một "phố Khao San" của Việt Nam!
- Triển lãm tranh “Bóng xưa và Sắc hoa” của KTS Hoàng Đạo Kính (tại Huế)
- Việt Nam có kiến trúc sư giỏi, nhưng nền kiến trúc Việt Nam lại bình thường
- Tản mạn kiến trúc và âm nhạc
- Kiến trúc Việt Nam thiếu bản sắc